Ngày 20 tháng 07 năm 2020, nhằm ngày 30 tháng 05 năm Canh Tý, Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng – Đệ nhất Phó pháp chủ kiêm Giám luật HĐCM GHPGVN, Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh cùng phái đoàn chư Tôn đức HĐTS GHPGVN đã đi thăm Đạo tràng an cư tỉnh Thừa Thiên Huế và thăm Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế.
Tháp tùng Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng còn có Hòa thượng Thích Giác Toàn – Phó chủ tịch HĐTS GHPGVN, Viện trưởng Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, Phó viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh; Thượng toạ Thích Thanh Phong - Ủy viên thường trực HĐTS, Trưởng Ban Kinh tế Tài chính TƯ, Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh cùng chư tôn đức HĐTS TƯ GHPGVN.
Tại Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế, Hòa thượng Thích Hải Ấn – Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế đã bày tỏ niềm hoan hỷ được cung đón chư Tôn đức HĐTS GHPGVN quang lâm về thăm và sách tấn Tăng ni sinh Học viện.
Sau đó, Thượng tọa Thích Nguyên Thành - Ủy viên HĐTS, Phó trưởng Ban giáo dục Phật giáo TƯ GHPGVN, Phó viện trưởng kiêm Trưởng phòng đào tạo Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế đã báo cáo chư Tôn đức chứng minh khái quát về Học viện và những thành tựu nổi bật trong năm nay.
Nhân dịp này, Trưởng lão Hòa thượng Phó Pháp chủ đã ban đạo từ tới đại chúng, bày tỏ niềm hoan hỷ khi thấy học viện đã vượt qua mọi khó khăn và bước những bước tiến cao. Ngài chia sẻ nếu nhìn với tầm nhìn xa và có chiều sâu hơn một chút, nhìn bằng thiền quán và tâm chân thực sẽ thấy được sự màu nhiệm khi nhìn thấy được bóng dáng của chư vị Tổ sư quá vãng trong hình ảnh của chư Tôn đức hiện tại, để từ đó thấy được rằng “nếu chỉ học về lý thuyết thì ta cũng sẽ giống như bao học giả bên ngoài. Nhưng vì ta là người tu, là tăng sĩ, là con người sống trong sự giải thoát của Đức Phật thì phải có tầm nhìn xa hơn và khác hơn. Dưới ánh nhìn của thiền quán, thành tựu của Học viện ngày hôm nay là do sự kết tinh bằng công đức của những bậc tiền nhân đi trước để lại. Nếu nhìn gần hơn, đây chính là chúng ta đang kế thừa sự nghiệp của Hòa thượng Chân Thiện, của Hòa thượng Thiện Siêu để lại. Đặc biệt nhất, trong đời Hòa thượng Chân Thiện lại được tập đoàn Vingroup hỗ trợ nên có thể xây dựng được một cơ sở vật chất tốt như thế này. Đấy chính là do nhân duyên đã đến. Nhìn xa hơn, Học viện ngày nay cũng đã đào tạo được những người tốt nghiệp Đại học và trên Đại học. Tuy nhiên, đó chỉ là bề mặt ở bên ngoài, chúng ta vẫn chưa thể vượt qua được thầy Tổ. Nhìn bên ngoài, chúng ta thấy Hòa thượng Trí Quang không xây dựng ngôi chùa nào, cuộc đời Hòa thượng cũng không giữ chút chức danh nào, nhưng sự nghiệp của Phật giáo chúng ta hôm nay lại có sự đóng góp vô cùng lớn lao của Hòa thượng. Chúng ta phải thấy trân trọng điều này”.
Trưởng lão Hòa thượng đã nhấn mạnh “Người có học, có hiểu biết mà thiếu tu thì vẫn ở trong sinh tử luân hồi, không thoát khỏi sự chi phối của vật chất. Cho nên tất cả tu sĩ là những người thoát túc siêu phương tức là vượt lên trên sự trần tục mà mọi người đã có, đã làm, đã sống. Chúng ta có đời sống ly dục, không bị vật chất chi phối”.
Qua đây, Ngài mong rằng chư vị Tăng Ni hãy luôn biết ơn những bậc tiền nhân đi trước, thực tập thiền quán, thực tập pháp căn bản nhất mà Đức Phật đã dạy các thầy Tỳ Kheo tu ly dục, luôn phải học và tu cao hơn và thực tập có kết quả nhiều hơn để mai sau sẽ trở thành vị A La Hán, trở thành vị Bồ Tát và trở thành Đức Như Lai giáo hóa khắp mười phương pháp giới.
Những lời đạo từ quý báu của Ngài sẽ là hành trang cho chư Tăng Ni học viện trên bước đường phụng sự nhân sinh, xây dựng Phật pháp ngày càng phát triển vững mạnh trong lòng dân tộc.
Buổi gặp mặt đã khép lại trong tinh thần “ôn cố tri tân”, thắm đượm tình pháp lữ.
Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế