PSO - Ngày 12/12/2024, chùa Cổ Mỹ Á (xã Giang Hải, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế) đã tổ chức lễ Hằng Thuận cho đôi Phật tử Lê Văn Anh (pháp danh Nhuận Đức) và Lê Phương Thục (pháp danh Nhuận Hảo).
Quang lâm chứng minh tham dự buổi lễ có Đại đức Thích Thiền Như - Trú trì chùa Cổ Mỹ Á; Đại đức Thích Hải Tân - Trú trì chùa Nghi Đức; Đại đức Thích Pháp Hỷ - Trú trì chùa Hải Triều; cùng gia đình quan viên hai họ và bạn bè của đôi tân giai nhân.
Hằng thuận là nét văn hóa đẹp có từ lâu đời của hàng Phật tử tại gia. Trước khi cử hành lễ vu quy, tân lang tân nương cùng gia đình hai họ cùng đến chùa để làm nhận lễ chúc phúc từ Tăng đoàn. Đối trước Tam bảo oai hùng, đôi bạn cùng phát nguyện giữ gìn năm giới làm nền tảng vững chắc cho sự an lạc; đồng thời lắng nghe chư Tăng truyền trao lại lời dạy của Đức Phật về bổn phận của vợ chồng đối với nhau, đây chính là nền tảng giúp hôn nhân hạnh phúc.
Tại buổi lễ, Phật tử Quảng Hoà (dẫn chương trình) đã hướng dẫn đôi Tân lang Tân nương lần lượt đảnh lễ Tam Bảo, đảnh lễ và dâng trà đến Tứ thân phụ mẫu (cha mẹ hai họ) và cùng phát nguyện: Xin nguyện thực hành hạnh thương yêu và hiểu biết, tôn trọng lẫn nhau, kính quý cha mẹ hai họ, siêng năng làm ăn chân chánh… để xây dựng hạnh phúc vững bền.
Đại đức Thích Thiền Như đã gia trì và chia sẻ ý nghĩa của đôi nhẫn cưới: Nhẫn cưới thường được làm từ kim loại bền vững như vàng, bạc hoặc platinum, tượng trưng cho sự bền chặt, vĩnh cửu và không thể phá vỡ. Hình tròn của nhẫn không có điểm bắt đầu hay kết thúc, tượng trưng cho tình yêu vô tận, sự kết nối trọn đời giữa hai người. Đeo nhẫn cưới là biểu tượng của sự cam kết, trách nhiệm và sự gắn bó lâu dài trong hôn nhân. Cặp vợ chồng đeo nhẫn để nhắc nhở nhau và người xung quanh về tình yêu, sự trung thủy và mong muốn sống bên nhau suốt đời.
Buổi lễ khép lại bằng nghi thức cầu an được chư Tôn đức chứng mình cử hành lễ và sau cùng là lời cảm ơn của đại diện quan viên hai họ đến chư Tôn đức đã dành thời gian quang lâm chứng minh, chúc phúc cho hạnh phúc của đôi bạn trẻ.
- Chùa Cổ Mỹ Á-