PSO - Sáng ngày 11/05/2024 (nhằm ngày 04/04 AL), TT. Thích Minh Nhẫn đã có buổi chia sẻ trong Chương trình “Phật Giáo Và Đời Sống” nhân dịp Phật đản PL.2568 - DL.2024 do Kênh Thông tin Tổng hợp PSO phối hợp tổ chức tại Không gian Văn hóa Nghệ thuật Phật giáo Diệu Tướng Am, địa chỉ 382 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường Võ Thị Sáu, quận 3, TP.HCM.
Nhân dịp đón mừng Đại lễ Phật đản PL.2568 – DL.2024, chương trình Talkshow “Phật Giáo Và Đời Sống” do Kênh TT-TH Phật sự Online đã phối hợp thực hiện cùng Không gian Văn hóa Nghệ thuật Phật giáo Diệu Tướng Am.
Dịp này, TT. Thích Minh Nhẫn, UV Thư ký HĐTS, Phó Chánh Văn phòng 2 Trung Ương, Phó ban TT-TT Trung Ương kiêm Tổng Biên tập Kênh Thông tin – Tổng hợp Phật sự Online, đã chia sẻ cùng chương trình với chủ đề “Nhận Định Đúng Về Truyền Thông Phật Giáo Trong Thời Đại Số”.
Được biết, TT. Thích Minh Nhẫn đã có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực truyền thông Phật giáo, đây là một môi trường có không gian rộng rãi, bao quát tất cả các sự kiện liên quan đến phương diện hình thức Phật giáo.
Theo Thượng tọa, tiềm năng của lĩnh vực này rất rộng lớn khi biết cách khai thác, có quy hoạch và tổ chức rõ ràng. Để đáp ứng nhu cầu của truyền thông Phật giáo theo kịp với thời đại số, đặc biệt là công nghệ AI đang chiếm lĩnh thị trường truyền thông.
Ngoài các hình thức của truyền thống, chúng ta có thể thấy Phật giáo có thêm các loại hình mới: các ấn phẩm Phật giáo phát triển với nhiều mẫu mã đa dạng, các trang báo điện tử, website chủ đề Phật giáo ngày càng mở rộng trên diện rộng về mặt số lượng và đang dần hoàn thiện hơn về mặt chất lượng.
Song song đó, cùng với trào lưu sử dụng các ứng dụng tuyên truyền tiện lợi như Facebook, Youtube, Messege, Instargram, Zalo,... Và hàng ngũ tu sỹ Phật giáo, đặc biệt là giới tu sỹ trẻ, ngày càng tham gia sâu hơn trên các nền tảng mạng xã hội này.
Tuy nhiên, những hoạt động Phật sự trên không gian Mạng xã hội cũng ẩn chứa nhiều rủi ro, nếu không muốn nói là những thách thức đối với Phật giáo, đặc biệt là thế hệ tu sĩ trẻ hiện tại. Đối với một thế giới phẳng, nơi mà tất cả mọi người ai ai cũng có thể sử dụng và tuyên truyền ý tưởng một cách cá nhân hóa, mọi rào cản về ngôn ngữ gần như bị xóa nhòa, mọi nguồn thông tin gần như mất kiểm soát. Như vậy nhìn chung, khủng hoảng truyền thông không chỉ giới hạn trong phạm vi Phật giáo, hay nói chính xác hơn, đây là vấn đề lớn của xã hội hiện nay.
Trong lời chia sẻ, Thượng toạ cũng có lưu ý rằng một người Phật tử chân chính có kiến thức am tường về giáo nghĩa, có thời gian tu tập và chiêm nghiệm sự lợi lạc của Chánh pháp, chắc chắn sẽ có cái nhìn sáng suốt, khách quan và chủ động trong việc tiếp nhận và xử lý các nguồn thông tin trên các nền tảng Mạng xã hội. Là người đệ tử Phật, dù Tăng Ni xuất gia hay Cư sỹ tại gia, cần thiết phải có Chánh kiến, không chủ quan nhận định theo cảm tính, không cố chấp khẳng định theo cái thấy biết của mình.
Tóm lại, mỗi người chúng ta khi tham gia trên các nền tảng Mạng xã hội nên có sự nhìn nhận điềm tĩnh, thấu đáo hơn. Thậm chí nên có ý thức biết gìn giữ hình ảnh Tăng đoàn và Giáo hội, không vì những nguồn thông tin chưa xác minh mà vội đánh mất niềm tin nơi Chánh pháp.
Theo dự kiến, chương trình sẽ được phát vào lúc 20h30 ngày 19/05/2024 (nhằm ngày 12/04 AL), xin kính mời chư Tôn đức Tăng Ni cùng quý khán thính giả Phật tử đón xem chương trình.
CTV