Quảng Nam: TT. Thích Nhật Từ chia sẻ với đề tài "Những điều cần làm trong các ngày lễ quan trọng của kiếp người"

PSO - Trong Khóa tu Mùa hè "Tăng trưởng thiện nghiệp", tại Chùa Minh Cẩm, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam, sáng ngày 09/07/2022, TT. Thích Nhật Từ đã có buổi chia sẻ với đề tài "Những điều cần làm trong các ngày lễ quan trọng của kiếp người". Thượng tọa cho rằng đạo Phật khác với các tôn giáo nhất thần, đa thần, vô thần hay chủ nghĩa duy vật, duy tâm về điểm bắt đầu và điểm kết thúc của một sự sống. Các tôn giáo như Công giáo, Tin Lành giáo, Anh giáo, Hồi giáo,... cho rằng từ lúc sinh ra đến lúc chết đi, con người chỉ có một kiếp sống duy nhất; sau khi chết thì phải trải qua giai đoạn luyện tội, luyện ngục; sau đó mới được lên thiên đàng để hưởng nhan đức Chúa. Họ xem kiếp sống của con người chỉ như một đường thẳng với một điểm bắt đầu và một điểm kết thúc. Trong khi đó, cách đây hơn 2.600 năm, đức Phật đã trình bày mối tương quan về sự hình thành, tồn tại, phát triển và hoại diệt của mọi sự vật, hiện tượng là một tiến trình bốn bước và khi một tiến trình như vậy kết thúc thì nó sẽ lại bắt đầu cho một tiến trình mới tương tự như vậy. Cứ như thế, các sự vật, hiện tượng không tăng, không giảm, không tự sinh ra, cũng không tự mất đi. Theo vật lý học hiện đại gọi đó là định luật bảo toàn năng lượng. Còn trong Phật giáo Trung Hoa và Việt Nam gọi đó là học thuyết duyên khởi, để lý giải rằng không có một nguyên nhân đầu tiên nào từ Thượng đế, từ duy tâm hay từ duy vật. Đức Phật cho rằng sự sống là một vòng tròn khép kín với 12 mắc xích, cho nên không thể truy nguyên được điểm bắt đầu và điểm kết thúc trong tiến trình sống của một con người. Và sau khi chết, con người sẽ được tiếp nối sự sống bằng việc tái sinh. Do đó, để cho một kiếp người của mình trở nên có ý nghĩa, có giá trị, thì chúng ta cần chú trọng ứng dụng lời Phật dạy vào cuộc sống, nhất là trong 5 ngày lễ quan trọng trong đời là: ngày sinh nhật, lễ trưởng thành, lễ cưới, lễ tang và lễ làm đệ tử Phât. Từ thế kỷ thứ nhất trước Tây lịch, văn hóa Phật giáo đã có sự ảnh hưởng sâu sắc, tác động tích cực đến nền văn hóa Việt Nam, trong đó có lễ thôi nôi cho các em bé tròn một năm tuổi. Nội dung buổi lễ có sự ảnh hưởng từ học thuyết hạt giống trong con người, nó có tác động đến tiềm năng, khuynh hướng nghề nghiệp trong tương lai. Trong ngày đó, ông bà, cha mẹ bày ra rất nhiều vật dụng tượng trưng cho các nghề nghiệp và để cho đứa bé chọn ngẫu nhiên. Và chúng ta cho rằng nếu đứa bé chọn món đồ nào thì tương lai nó sẽ làm ngành nghề đó, chẳng hạn như nếu chọn cây kim thì sẽ làm thợ may, nếu chọn cuốn tập thì làm giáo viên, còn chọn cái chảo thì làm đầu bếp,... Kinh Lăng- già gọi đây là hạt giống thói quen, lối sống, kinh nghiệm sống,... đã được tích lũy và lưu truyền lại từ các kiếp sống quá khứ của mỗi con người. Từ điểm này, dựa vào ngày lễ thôi nôi, chúng ta hãy góp phần định hướng, tạo điều kiện, hướng dẫn nghề nghiệp cho con cái thật đúng đắn, phù hợp và chánh mạng. Bên cạnh đó, vào những ngày kỷ niệm sinh nhật tiếp theo, còn gọi là ngày tiếp nối sự sống, các bậc phụ huynh nên hướng dẫn các cháu tổ chức tiệc tại chùa, cúng dường trai phạn, cúng Trai Tăng, ăn chay, lễ Phật, tụng kinh,... để các cháu được gieo duyên Phật pháp và tạo ra cơ hội giáo dục đạo đức cho các cháu. Ngoài ra, cha mẹ cũng có thể dẫn các cháu đi thăm hỏi, trao tặng quà cho các trung tâm mồ côi, trung tâm nuôi dưỡng người già, người khuyết tật, người bệnh nan y,... để các cháu nuôi dưỡng tâm từ bi. Ngày sinh nhật là ngày vui của kiếp người, cho nên chúng ta hãy nhân dịp đó cố gắng tu tạo phước lành bởi vì phước chính là vệ sĩ, là hộ pháp bảo vệ mình, giúp mình dễ dàng vượt qua các khó khăn, biến cố trong cuộc đời. Ngày lễ thứ hai trong đời người là lễ trưởng thành. Tùy vào văn hóa của các quốc gia mà ngày lễ trưởng thành được diễn ra khi người thiếu niên, thanh niên tròn 16 tuổi, 18 tuổi hoặc 20 tuổi,... Đó là dịp đánh dấu cột mốc quan trọng về phương diện phát triển sinh lý; làm chủ bản thân, làm chủ cuộc đời mình; tính trách nhiệm pháp lý, pháp luật;... Tuy đây là ngày lễ đánh dấu sự trưởng thành về thể chất, về kiến thức, về trách nhiệm sống, nhưng không phải ai cũng đồng thời trưởng thành được cả về mặt tinh thần, nhân cách sống, kinh nghiệm sống, kỹ năng sống,... Do đó, trong cột mốc quan trọng này, văn hóa Phật giáo khuyên nhắc chúng ta nên ghi nhớ một giá trị đạo đức cao đẹp, đó là sự biết ơn và đền ơn. Đức Phật đã đã dạy có bốn ân lớn mà mỗi người cần luôn luôn ghi nhớ và gắng công đáp đền là ân cha mẹ, ân thầy tổ, ân tổ quốc, ân chúng sanh. Trong đó, ân cha mẹ và ân thầy tổ là hai ân đức quan trọng trong sự phát triển, trưởng thành của mỗi người. Cha mẹ là người có công ơn rất lớn đã sinh thành, dưỡng dục, hỗ trợ chúng ta hầu như gần hết cả đời mình; có lẽ chỉ đến khi nhắm mắt xuôi tay, cha mẹ mới thôi lắng lo cho chúng ta. Bên cạnh đó, đồng hành với sự trưởng thành về kiến thức, tri thức của mình chính là các bậc thầy tâm linh, các thầy cô giảng dạy tại các trường học. Do đó, để phát triển toàn diện về nhân cách, đạo đức, lối sống thanh cao, sáng đẹp, mỗi người chúng ta cần luôn luôn ghi nhớ công ơn và đền đáp ơn nghĩa của cha mẹ, thầy cô. Đám cưới là một sự kiện đặc biệt của đời người, dù là nam hay là nữ. Do đó, việc tổ chức đám cưới ở chùa, hay còn gọi là lễ hằng thuận có ý nghĩa vô cùng thiêng liêng và trang trọng. Buổi lễ được chứng minh và gia hộ bởi ân đức của Tam Bảo. Trong buổi lễ, cô dâu và chú rể được lắng nghe và học tập những bài học về đạo đức, kỹ năng, trách nhiệm và bổn phận trong đời sống hôn nhân, gia đình. Đây cũng là dịp tốt để cô dâu, chú rể cùng gia quyến gieo duyên lành Phật pháp và vun bồi phước báu cho mình. Vì vậy, Tăng Ni các chùa và các Phật tử nên cùng nhau tổ chức và truyền bá văn hóa tốt đẹp và có giá trị này ngày càng phổ biến rộng rãi hơn. Ngoài ra, trong hôn nhân khác tôn giáo, thì điều quan trọng đó là nên thực hiện nghiêm túc chủ trương đạo ai nấy giữ, tránh trường hợp phải cải đạo, bỏ làm Phật tử để theo đạo của chồng, đạo của vợ mình. Điều này là vô cùng đáng tiếc, bởi vì lời Phật dạy vô cùng tuyệt diệu và có giá trị trong việc giúp chúng ta chuyển hóa các nỗi khổ, niềm đau trong cuộc sống. Đức Phật đã khẳng định sinh, già, bệnh, chết là điều mà không ai tránh khỏi và phải chấp nhận. Do đó, khi có người thân bị bệnh hay đang hấp hối hoặc đã qua đời, chúng ta chớ nên ngần ngại trong việc đến chùa, mời các Thầy, các Sư Cô đến cầu an, cầu siêu, hộ niệm và làm tang lễ, cúng thất, cúng giỗ cho người thân của mình. Tam Bảo là điểm tựa tâm linh vững vàng, chắc chắn, với những sự hỗ trợ, hướng dẫn cần thiết giúp cả người mất và thân quyến còn sống vượt khỏi những khổ não, đau thương, mất mát. Bên cạnh đó, người thân phải mạnh dạn bài trừ các hoạt động mê tín dị đoan, gây hoang phí và không mang lại sự lợi lạc như đốt vàng mã, thuê kèn trống ồn ào, thuê dịch vụ khóc mướn, nghi thức mở cửa mã,... Mà thay vào đó, chúng ta hãy nỗ lực làm các công đức, phước báu như cúng dường Trai Tăng, ấn tống kinh sách, xây chùa, đúc chuông, phóng sanh, làm từ thiện,... để cho cả kẻ còn và người mất đều được lợi lạc và an lành.

Cuối cùng, TT. Thích Nhật Từ chia sẻ rằng lễ quy y Tam Bảo, noi theo gương lành Phật, Pháp, Tăng để tăng trưởng đạo đức, từ bi, trí tuệ là ngày lễ quan trọng bậc nhất trong đời của mỗi người Phật tử. Tam Bảo là bậc thầy tâm linh sáng soi tâm trí chúng ta khỏi sự vô minh, mê mờ, lầm lỗi, lạc lối. Học hỏi và hành trì lời Phật dạy giúp chúng ta cải thiện, điều chỉnh, thay đổi thói quen, hành vi, cách cư xử, lối sống của bản thân theo chiều hướng tích cực hơn, tốt đẹp hơn, ý nghĩa hơn. Những lợi ích đó không những có giá trị cho riêng mình và còn cho cả gia đình, cộng đồng và xã hội. Do đó, mỗi người cần tự phát tâm, phát nguyện nơi chính bản thân mình và khuyến khích, động viên gia đình, người thân, bạn bè tiếp nhận, ứng dụng lời Phật dạy vào đời sống hằng ngày để cuộc đời mỗi người trở nên có ý nghĩa lành mạnh và hạnh phúc hơn.

Tin: Minh Lượng Ảnh: Quốc Khánh

Download Android Download iOS
Lối sống mang lại hạnh phúc từ triết lý tiết độ trong kinh Trung A Hàm

Lối sống tiết độ qua lời dạy của Đức Phật là một lối sống có Chánh kiến, giúp con người tránh xa những khổ đau do những cám dỗ của vật chất mang lại. Mặt khác, tiết độ giúp con người biết sống có đạo đức, tuân thủ khuôn phép để xây dựng một cuộc sống an vui, hạnh phúc, thảnh thơi.

QUAN TÂM & HỖ TRỢ

Phật Sự Online với chủ trương “Nhanh chóng – Kịp thời – chính xác và Nhân văn” đăng tải các hoạt động Phật sự của các cấp Giáo hội và các tự viện trong cả nước cùng các chương trình tu học, thuyết giảng của chư Tôn đức Tăng, Ni giảng sư được truyền hình trực tiếp (Live Streaming) trên mạng xã hội: Facebook, Youtube, Phật Sự Online về các sự kiện Phật sự và trên 15 chương trình khác với mục đích “ Đẩy mạnh truyền thông Phật giáo như một kênh Hoằng pháp …”


Phật Sự Online có trên 60 nhân sự là phóng viên, Ban Biên tập và các bộ phận khác, vì vậy rất cần sự quan tâm chia sẻ, hỗ trợ của chư Tôn đức Tăng Ni, quý Phật tử và quý vị yêu mến Đạo Phật để có được kinh phí đảm bảo sự hoạt động bền vững và lâu dài.

Background Donate

Chủ tài khoản: KENH PHAT SU ONLINE

Số tài khoản: 070104929298

Ngân hàng Sacombank chi nhánh Kiên Giang

QRCOde Quan tầm và hỗ trợ phật sự online