PSO - Hội nghị Hòa bình thế giới 2024 được tổ chức tại trụ sở UNESCO (Paris, Pháp) từ ngày 27 - 29/10 với chủ đề “Tiếp tục xây dựng Xã hội Hòa bình Bền vững: Hoàng gia Bảo trợ của Mọi Niềm tin”. Hội nghị quy tụ các đại diện từ khắp nơi trên thế giới trong mục tiêu chung là hòa bình.
Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Phó Pháp chủ HĐCM, Chủ tịch HĐTS GHPGVN, Cố vấn Hội Liên hữu Phật giáo Thế giới (WFB) dẫn đầu phái đoàn GHPGVN đến tham dự và có bài diễn văn đầy ý nghĩa. Ban Biên tập xin giới thiệu toàn văn bài diễn văn này:
Kính thưa quý Đại diện UNESCO, quý vị Đại sứ,
Kính thưa chư tôn đức Tăng Ni và quý Đại biểu tham dự,
Kính thưa quý quan khách,
Thưa liệt quý vị,
Thật là vinh hạnh lớn lao cho tôi khi được tham dự Hội nghị Hòa bình Thế giới được tổ chức tại trụ sở UNESCO, tổ chức của Liên Hiệp Quốc luôn hướng tới mục tiêu cao quý vì nhân loại. Thay mặt Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tôi chân thành cảm ơn và tán dương Liên hữu Phật tử Thế giới, UNESCO và Tòa Đại sứ Hoàng gia Thái Lan vì đã cùng nhau bảo trợ tổ chức hội nghị này vào thời điểm đầy thử thách mà nhân loại đang đối mặt. Những nguy cơ địa chính trị ngày càng leo thang không chỉ là mối đe dọa khu vực, mà còn có khả năng dẫn đến cuộc khủng hoảng toàn cầu. Trong bối cảnh này, sự hỗ trợ đầy ý nghĩa của Quốc vương Thái Lan, RAMA X, dành cho hòa bình và hòa hợp thế giới càng trở nên quý giá.
Thời đại hiện nay chứng kiến sự gia tăng không ngừng của chiến tranh và xung đột, đặt nhân loại vào tình thế bấp bênh và không có gì đảm bảo cho tương lai an lành. Thông điệp của Đức Phật về cộng tồn, hòa bình, từ bi, vô thường và vô ngã không chỉ giúp chúng ta nhìn rõ bản chất của cuộc sống mà còn chỉ ra con đường giải thoát khổ đau. Đây là thông điệp khế hợp với các giá trị chung mà thế giới cùng chia sẻ, đồng thời phản ánh những mục tiêu cao cả của Liên Hiệp Quốc. Phật giáo, với tư cách là tôn giáo vì hòa bình, cần dấn thân nhiều hơn để hỗ trợ cộng đồng quốc tế. Giáo pháp của Đức Phật sẽ tiếp tục là ngọn đuốc soi sáng, dẫn đường cho chúng ta vượt qua mọi thử thách để xây dựng một thế giới hòa bình, công bằng và hạnh phúc.
Trong tinh thần đó, chủ đề của Hội nghị Hòa bình Quốc tế “Duy trì xã hội bền vững trong hòa bình: Vị bảo trợ Hoàng gia của tất cả tôn giáo” (Continuing Sustainable Society of Peace: The Royal Patron of All Faiths) nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình như nền tảng cốt lõi để xây dựng một xã hội bền vững. Chỉ khi có hòa bình, con người mới có thể phát triển bền vững và đạt được sự thịnh vượng lâu dài.
Là nạn nhân của các cuộc chiến tranh xâm lược kéo dài từ đầu thế kỷ thứ I cho đến nửa sau thế kỷ XX, Việt Nam chính là minh chứng sống động cho những đau thương do chiến tranh để lại. Việt Nam đã trải qua và thấu hiểu sâu sắc những mất mát từ chiến tranh: sự hủy diệt về nhân mạng, tàn phá cơ sở hạ tầng, chia rẽ dân tộc, khủng hoảng kinh tế, trì hoãn tiến trình giáo dục và tác động tiêu cực đến mọi khía cạnh của đời sống xã hội. Với khát vọng mạnh mẽ tái thiết đất nước, Việt Nam đã không chỉ vượt qua những đau thương của quá khứ mà còn thành công trong việc hàn gắn vết thương chiến tranh, chuyển hóa kẻ thù ngày xưa thành đối tác hôm nay, tạo dựng một tương lai hòa bình và hợp tác.
Tuy nhiên, để đạt được điều đó, chúng ta cần sự thức tỉnh của các nhà lãnh đạo tinh thần bên cạnh đóng góp của các nguyên thủ quốc có tinh thần yêu nước, thương dân. Các nhà lãnh đạo tinh thần cần đóng vai trò là người bảo hộ đạo đức, giám sát và đảm bảo rằng các lãnh đạo chính trị hành động theo đúng tinh thần phục vụ nhân loại. Điều này không chỉ là trách nhiệm đạo đức mà còn là giải pháp thực tiễn để đảm bảo an sinh và hạnh phúc cho tất cả chúng sinh.
Phật giáo từ lâu đã khẳng định vai trò của mình trong việc mang lại hòa bình và ổn định. Từ các giáo lý cơ bản như từ bi và vô ngã, Phật giáo không chỉ dạy con người cách sống hòa hợp mà còn cung cấp giải pháp thực tiễn để giải quyết các xung đột. Ví dụ điển hình là trong lịch sử Việt Nam, Phật giáo đã đồng hành cùng dân tộc vượt qua nhiều cuộc chiến tranh. Nhân dân Việt Nam, từng chịu đựng bao đau khổ do chiến tranh, hiểu rõ hơn ai hết về những tổn thương mà xung đột mang lại. Chúng tôi chia sẻ nỗi đau cùng các nạn nhân chiến tranh khắp nơi trên thế giới.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, khi các quốc gia và vùng lãnh thổ ngày càng phụ thuộc lẫn nhau, những xung đột tại một khu vực có thể nhanh chóng lan rộng và ảnh hưởng đến toàn cầu. Phật giáo, với triết lý hòa bình và lòng từ bi, có thể đóng góp rất lớn vào việc giải quyết những căng thẳng này. Phật giáo không chỉ là một tôn giáo, mà còn là một hệ tư tưởng, một triết lý sống hướng tới việc giải quyết các xung đột thông qua hòa giải và sự hiểu biết lẫn nhau. Điều này hoàn toàn phù hợp với các mục tiêu mà Liên Hiệp Quốc và UNESCO đang theo đuổi: thúc đẩy hòa bình, công bằng và phát triển bền vững.
Trong bối cảnh xung đột địa chính trị ngày càng leo thang ở châu Âu và dãi Gaza và mối đe dọa về chiến tranh thế giới thế 3 vẫn còn đó, giải pháp mà Phật giáo đưa ra không chỉ là những bài học triết lý mà còn là các hành động cụ thể. Chúng ta cần thúc đẩy tinh thần hòa bình thông qua đối thoại, giải quyết mâu thuẫn thông qua thấu hiểu và tương nhượng. Phật giáo luôn khẳng định rằng gốc rễ của chiến tranh nằm ở lòng tham, sân hận và si mê. Do đó, chúng ta cần bắt đầu từ việc giáo dục, nâng cao nhận thức, làm dịu lòng người để xây dựng xã hội nơi mọi người cùng nhau chung sống trong sự hòa hợp và tôn trọng lẫn nhau.
Như Đức Phật đã dạy, tất cả chúng sinh đều bình đẳng và có khả năng đạt đến giác ngộ, nếu chúng ta sống trong hòa bình và từ bi. Cộng đồng Phật giáo toàn cầu có trách nhiệm chia sẻ thông điệp này và giúp các quốc gia thoát khỏi vòng xoáy của bạo lực. Để làm được điều này, chúng ta cần có sự đồng lòng của tất cả các tổ chức tôn giáo, chính trị và xã hội, cùng nhau chung tay xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn cho thế hệ tương lai.
Kính thưa quý vị,
Lịch sử đã chứng minh rằng chiến tranh không bao giờ mang lại hạnh phúc thực sự. Chỉ có hòa bình mới là giải pháp lâu dài và bền vững cho mọi xung đột. Phật giáo từ lâu đã trở thành một trong những tôn giáo lớn của thế giới với thông điệp hòa bình và từ bi. Hôm nay, thông điệp này vẫn giữ nguyên giá trị của nó, và chúng ta cần tiếp tục lan tỏa nó đến mọi nơi trên thế giới. Đặc biệt, trong thời điểm hiện tại, khi thế giới đang đối mặt với những thách thức lớn, chúng ta càng cần khẳng định hơn nữa vai trò của Phật giáo trong việc duy trì hòa bình và công bằng.
Nguyện cầu tất cả chúng sinh được hạnh phúc và an lạc.
Nguyện cầu cho không ai vì tham, sân si mà gây thương tổn cho người khác.
Nguyện cầu cho mọi người khai triển và tỏa sáng tình thương vô biên đến toàn thể chúng sinh và thế giới.
Nguyện cầu công đức tạo được bởi mọi người tham dự hội nghị này được chia sẻ cho tất cả chúng sinh và dẫn đến hòa bình, hạnh phúc bền vững.
Xin cảm tạ sự lắng nghe của quý vị.