PSO – Ngày 03/03/2022, Phật tử và người dân Tây Tạng ở khắp nơi (Nepal, Bhutan, ...) đã đón mừng ngày đầu tiên của năm mới Thủy Dần – 01/01/2149 (theo âm lịch Tây Tạng), còn được gọi là Tết Losar cổ truyền. Ngày Tết Tây Tạng trễ hơn 30 ngày so với Tết âm lịch ở một số nơi.
Người dân đón năm mới kéo dài 15 ngày trước và 15 ngày sau Tết Losar. Trước Tết Losar, nhà cửa được dọn sạch sẽ (quét đi những xui xẻo năm cũ) cùng nhiều hoạt động và 15 ngày sau Tết Losar (từ mùng 03 đến ngày 18/03/2022) là những ngày thiêng liêng và quan trọng đối với những Phật tử thực hành pháp để tạo ra công đức tốt lành với niềm tin tâm linh rằng, tu tập trong những ngày này, sẽ được tăng trưởng công đức gấp hàng triệu lần. Đây là lễ tưởng niệm 15 ngày Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thị hiện thần thông để hóa độ chúng sanh nên tháng này được coi là tháng của những điều kỳ diệu.
Nhóm Phật tử Kim cương thừa thực hành pháp và cầu nguyện tại Thích Ca Phật Đài trong ngày Tết Losar
Vào ngày cuối cùng của năm, các tu viện cử hành nghi lễ tâm linh bằng vũ điệu hóa trang mặt nạ, biểu tượng cho việc xua đi những năng lượng tiêu cực năm cũ; người dân cũng kiêng quét nhà vào ngày đầu tiên của năm nhằm lưu giữ may mắn của năm mới. Đặc biệt, trong 5 ngày cuối của năm cũ, người dân thực hành việc thanh lọc nhằm loại bỏ những chướng ngại và nghiệp xấu để đón năm mới.
Để đón mừng sự kiện này, người Tây Tạng cũng diện những bộ trang phục mới; cùng nhau hội ngộ và gởi những lời chúc tốt lành – “Losar Tashi Delek” đến các bậc cao niên và thân bằng quyến thuộc. Trong 3 ngày đầu tiên của năm mới, người dân dành thời gian cho gia đình (ngày thứ nhất); thăm bạn bè và họ hàng (ngày thứ hai) và cầu nguyện, cúng dường các vị thầy và tu viện (ngày thứ ba).
Một trong những truyền thống văn hóa quan trọng vào dịp này là treo cờ cầu nguyện Lungta (theo tiếng Tây Tạng thì Lungta có nghĩa là ngựa gió). Người Tây Tạng tin rằng, ngựa gió biểu tượng cho những điều không may thành cát tường, thịnh vượng, chướng ngại trở thành cơ hội may mắn. Cờ Lungta được làm bằng vải ngũ sắc có hình vuông hoặc hình chữ nhật. Trên mỗi lá cờ được trang trí bởi các hình ảnh, thần chú và những lời cầu nguyện như một lời thì thầm nhờ gió gửi đến muôn phương.
Các tu viện và những nơi thờ cúng linh thiêng đều được trang hoàng với nhiều màu sắc rực rỡ. Người dân cũng đến thăm các tu viện và đảnh lễ những vị thầy, tổ chức cúng khói, cúng đèn dâng Phật.
Tháp Boudhanath tại Nepal được trang trí bằng nhiều bóng đèn lấp lánh và những lá cờ ngũ sắc.
Nơi thờ cúng tại gia cũng được người dân chuẩn bị hết sức chu đáo, trang nghiêm.
Nhân dịp năm mới, Đức Dalai Lama thứ 14 cũng gởi lời chúc mừng đến nhân dân Tây Tạng.
Thái Hà