"Dù ai đi ngược về xuôi Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng mười tháng ba…"
Tháng tư về, mở đầu với không khí hân hoan đón chào Ngày giỗ Tổ Hùng Vương hay Lễ hội Đền Hùng được tổ chức hằng năm vào mùng 10 tháng 3 ÂL theo Nghi lễ truyền thống “Quốc giỗ” tại khu di tích quốc gia đặc biệt Đền Hùng, Việt Trì, Phú Thọ. Ngày giỗ Quốc Tổ Hùng Vương là ngày Lễ hội thường niên được tổ chức trang nghiêm và long trọng không chỉ ở vùng đất địa linh nhân kiệt mang hồn thiêng sông núi ở khu di tích trung tâm Đền Hùng, nơi thờ tự Quốc Tổ đầu tiên của nước ta mà còn lan tỏa ở khắp các Đền thờ Vua Hùng của 63 tỉnh thành trên cả nước. Kiều bào ta ở nhiều nước trên thế giới cũng hướng về ngày giỗ Tổ Hùng Vương bằng nhiều hình thức tưởng nhớ và tri ân thành kính. Ngày giỗ Vua Hùng được nâng tầm trở thành Quốc lễ. Ngày 6 tháng 12 năm 2012, tại kỳ họp lần thứ 7, Ủy ban liên Chính phủ về Bảo vệ Di sản Văn hóa Phi vật thể diễn ra ở Paris (Pháp), Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã chính thức thông qua quyết định công nhận: “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam là Di sản Văn hóa Phi vật thể đại diện của nhân loại”. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương không phải là tín ngưỡng Tôn giáo mà chính là Kiệt tác Truyền khẩu và Phi vật thể nhân loại mang biểu trưng của lòng thành kính, sự biết ơn và tri ân công đức các Vua Hùng là những người có công dựng nước Văn Lang. Đặc biệt, vào sáng ngày 19/9/1954 tại sân Đền Giếng (Đền Hùng), Bác Hồ đã có buổi gặp mặt, thăm hỏi và giao nhiệm vụ cho cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn Quân Tiên Phong (Sư đoàn 308/Quân đoàn 1) trước khi về tiếp quản Thủ đô, Bác giảng giải nhiều điều và ân cần căn dặn: “… Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước!” Có thể nói rằng, lời dạy của Bác Hồ kính yêu từ trên vùng đất thiêng Đền Tổ Hùng Vương trong thời khắc lịch sử thiêng liêng năm ấy đã trở thành một lời Hịch truyền linh thiêng của non sông đất nước, vang vọng và lắng sâu trong tâm thức của mỗi người về truyền thống đạo lý tốt đẹp tự nghìn đời của dân tộc Việt Nam ta: “Uống nước nhớ nguồn - Tri ân Tổ tiên - Hướng về cội nguồn dân tộc” và ghi nhớ sắt son lời dạy của Bác là: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước…” Đồng thời với trọng trách kế thừa của thế hệ con cháu Bác Hồ muôn đời nay, muôn đời sau chính là: “Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước!” Lời căn dặn của Bác không chỉ nói với Đại đoàn quân 308 ngày hôm ấy, mà còn là lời dặn thiết thương, tin cậy gửi trao lại trách nhiệm thiêng liêng, cao cả này cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta vang vọng đời đời, trường tồn cùng lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam với những vẻ đẹp cao quý của giá trị lịch sử, bản sắc văn hóa, truyền thống tốt đẹp: “Ăn quả nhớ người trồng cây – Tìm về nguồn cội - Tôn vinh tinh hoa – Giữ gìn bản sắc - Nòi giống Lạc Hồng - Con cháu Rồng Tiên - Hào khí Việt Nam – Bốn nghìn năm song hành nghĩa vụ dựng nước và giữ nước…” 2. Hòa nhịp trong “Giai điệu tháng tư” với Bản hùng ca của Mùa Xuân đại thắng, Chào mừng 46 năm ngày 30 tháng 4 lịch sử - Ngày Giải phóng hoàn toàn Miền Nam, Thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2021), hướng tới sự kiện lớn trong năm của Giáo hội Phật giáo Việt Nam: Đại lễ Kỷ niệm 40 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam (07/11/1981 – 07/11/2021) với vị thế của một tôn giáo luôn bền bỉ đồng hành cùng lịch sử dân tộc với vai trò Hộ Quốc An Dân. “Năm tháng sẽ trôi qua nhưng thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang sử chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của Chủ nghĩa Anh hùng Cách mạng và Trí tuệ con người và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc. Nhân dân Việt Nam đã làm nên câu chuyện thần kì tưởng chừng không thể làm được giữa thế kỷ XX. Lần đầu tiên trong lịch sử, một dân tộc vốn là thuộc địa, nửa phong kiến, kinh tế kém phát triển, đánh thắng những cường quốc, đế quốc chủ nghĩa chủ yếu bằng sức của chính mình, nêu một tấm gương anh dũng, bất khuất, trí tuệ, tài năng trước toàn thế giới”. (Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV tháng 12/1976 đã ghi nhận về ý nghĩa cao đẹp và thành quả cách mạng to lớn với mốc son chói ngời ngày 30 tháng 4 lịch sử năm 1975.) “Giai điệu tháng tư” âm vang khúc ca khải hoàn chào đón 46 Mùa Xuân đất nước thống nhất trọn vẹn, quê hương thanh bình nở hoa độc lập, non sông nối liền một dải. Nhìn lại lịch sử hình thành và phát triển của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong suốt 40 năm qua, với 40 mùa sen thanh, đây là giai đoạn Giáo hội Phật giáo Việt Nam ổn định, ngày càng đi vào chiều sâu của sự phát triển bền vững, ghi dấu thêm một mốc son rạng ngời trong lịch sử hai nghìn năm Phật giáo Việt Nam đồng hành cùng dân tộc. Trong bài viết Chủ đề: “Cốt lõi tinh thần hộ quốc an dân của Phật giáo Việt Nam qua thời đại lịch sử”, TT. Thích Phước Đạt đã khẳng định rằng: “Cốt lõi của tinh thần “Hộ quốc an dân” được biểu hiện đầu tiên là Phật giáo Việt Nam bao giờ cũng đặt sự tồn vong, sự phát triển của mình trong sự tồn vong và phát triển chung của dân tộc. Điều đó có nghĩa đời sống sinh hoạt Phật giáo người Việt luôn song hành với đời sống chính trị, kinh tế, văn hoá, giáo dục của đất nước…” Cùng với minh chứng: “Việc nhà sư Ngô Chân Lưu đã được Ngô Quyền, Đinh Tiên Hoàng và Lê Đại Hành phong làm Tăng thống, ban chức Quốc sư, làm cố vấn cho triều đình; nhà vua còn ban hiệu Khuông Việt đủ để chứng tỏ vai trò và vị trí của Phật giáo đối với đất nước.” Lịch sử của dân tộc ta là lịch sử dựng nước và giữ nước. Từ buổi đầu Phật giáo du nhập vào nước ta bằng con đường hoà bình nên đã có sự gắn bó và hoà nhập với dân tộc. Cốt lõi của Phật giáo Việt Nam là luôn thể nhập tinh thần sống đạo, đồng nghĩa sống theo tinh thần hộ quốc an dân, được người dân theo Đạo Phật diễn giải rất chân thật, rất triết lý: yêu nước là yêu đạo và yêu đạo chính là yêu nước qua các thời kỳ lịch sử. Vì thế, Phật giáo đã nghiễm nhiên trở thành một tôn giáo có tầm ảnh hưởng lớn đối với một dân tộc, một Đạo Phật có nếp sống đạo không chỉ giáo dục tự thân đối với từng cá nhân, gia đình, xã hội mà còn có thể xem như là một học thuyết chính trị giúp dân tộc Việt chống lại bất cứ kẻ thù nào đến xâm lược nhằm bảo tồn bản sắc nền văn hóa quốc gia, bảo vệ chủ quyền độc lập trọn vẹn biên cương lãnh thổ, xây dựng quốc gia hưng thịnh, chung sống hòa bình. (Trang 5-7 - “Cốt lõi tinh thần hộ quốc an dân của Phật giáo Việt Nam qua thời đại lịch sử” - TT. Thích Phước Đạt.) Với bài viết Sự ra đời của Giáo hội Phật giáo Việt Nam của Hòa thượng Thích Huệ Thông, Phó tổng Thư ký kiêm Chánh Văn phòng 2 Trung ương Giáo hội trong chuyên trang Kỷ niệm 40 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam, quý vị độc giả sẽ có cơ duyên tìm hiểu khái quát quá trình diễn biến hội nghị. Đồng thời nhìn thấy “Thời khắc trọng đại Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã được ra đời, đánh dấu một mốc son với sự kiện lịch sử của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đáp ứng nguyện vọng thiết tha bao đời của Tăng, Ni, Phật tử Việt Nam, mở ra một kỷ nguyên mới: kỷ nguyên Phật giáo thống nhất trong cộng đồng dân tộc Việt Nam, kỷ nguyên một Giáo hội Phật giáo Việt Nam lấy “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội” làm phương châm hành động. Đại hội đã cung nghinh suy tôn Đại lão Hòa thượng Thích Đức Nhuận làm Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam và cung thỉnh suy cử Hòa thượng Thích Trí Thủ làm Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Đại hội đã suy tôn Hội đồng Chứng minh và suy cử Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong thành phần nhân sự lãnh đạo Trung ương Giáo hội tại nhiệm kỳ I (1981-1987)”. Tác giả đặc biệt nhấn mạnh về ý nghĩa sự ra đời của GHPGVN: “Tóm lại, sự ra đời của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã trở thành sự kiện lịch sử trọng đại của Phật giáo Việt Nam, ghi đậm nét son vàng trên trang sử Phật giáo nước nhà thời hiện đại, điều này thể hiện trọn vẹn sứ mạng thống nhất các tổ chức hệ phái Phật giáo trong cả nước quy về một mối, trở thành một tổ chức Giáo hội Phật giáo duy nhất tại Việt Nam sau hơn một ngàn năm phân tán và hoạt động rời rạc, sự kiện này đánh dấu bước khởi đầu công cuộc xây dựng và phát triển Giáo hội. Giáo hội Phật giáo Việt Nam là tổ chức Phật giáo chính thống và duy nhất trên đất nước Việt Nam được Nhà nước Việt Nam công nhận, có Hiến chương, có cơ cấu nhân sự từ Trung ương đến địa phương…” Lời kết: Bản tin PSO - Tiêu điểm hôm nay với những cung bậc về “Cảm xúc tháng tư” là dịp để chúng ta tự lắng lòng mình, soi vào quá khứ để nuôi dưỡng niềm tự hào về chân giá trị của lịch sử và cội nguồn dân tộc mỗi khi ngân nga giai điệu: “Con cháu Rồng Tiên/Con cháu Lạc Hồng/Tự hào hai tiếng/Việt Nam…” (Nhạc phẩm: “Dòng máu Lạc Hồng” – Sáng tác: Lê Quang). Tháng tư lịch sử với Hào khí non sông Thống nhất ngày 30/4/1975 sống mãi cùng bản hùng ca: “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng/Lời Bác nay đã thành chiến thắng huy hoàng…” (Nhạc phẩm: “Như Có Bác Hồ Trong Ngày Vui Đại Thắng” – Tác giả: Phạm Tuyên), tất cả đã góp phần thắp lửa và hun đúc thêm lòng yêu nước cho đồng bào ta phát huy nội lực, chủ động, tích cực kế thừa truyền thống dựng nước và giữ nước kiên cường, bất khuất của cha ông ta trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc: “Linh Thiêng trời Việt Nam/Linh Thiêng đất Việt Nam/Linh Thiêng đất trời Việt Nam…” (Nhạc phẩm: “Linh Thiêng Việt Nam” - Sáng tác: Lê Quang). Có thể nói rằng sự ra đời của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã trở thành sự kiện lịch sử trọng đại của Phật giáo Việt Nam, ghi đậm nét son hồng trên trang sử vàng Phật giáo nước nhà thời hiện đại, trong “Thư chúc Tết Xuân Tân Sửu” của Đức Pháp chủ GHPGVN - Trưởng lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ đã ban lời huấn thị: “Năm 2021, Giáo hội Phật giáo Việt Nam kỷ niệm 40 năm trưởng thành, hội nhập và phát triển cùng đất nước. Đây là sự kiện trọng đại của các cấp Giáo hội, của Tăng Ni, Phật tử Việt Nam ở trong nước và ở nước ngoài nhằm khẳng định Giáo hội Phật giáo Việt Nam là sự kết tinh trí tuệ, là chủ thể kế thừa lịch sử hàng ngàn năm Phật giáo Việt Nam “Hộ quốc An dân”, đồng hành cùng dân tộc. Đồng thời, năm nay các cấp Giáo hội tiến hành Đại hội đại biểu Phật giáo cấp quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh nhiệm kỳ 2021 - 2026, tiến tới Đại hội đại biểu Phật giáo cấp tỉnh, thành phố và Đại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ IX. Với quyết tâm cao và sự tinh tấn, nỗ lực không ngừng, toàn thể Tăng Ni, Phật tử tiếp tục phát huy truyền thống hòa hợp, đoàn kết, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, phát Bồ để tâm nguyện lớn lao, hành động thiết thực trau dồi Giới - Định - Tuệ, thực hiện thắng lợi 9 mục tiêu Phật sự quan trọng của nhiệm kỳ VIII tạo đà và động lực thúc đẩy các hoạt động Phật sự của Giáo hội ở những giai đoạn tiếp theo trong thể kỷ XXI.” (Trích: “Thư chúc Tết Xuân Tân Sửu” của Đức Pháp chủ GHPGVN - Trưởng lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ) Tạp chí Văn Hóa Phật Giáo sẽ tiếp tục truyền tải những thông tin hữu ích về sự kiện quan trọng này: “Giáo hội Phật giáo Việt Nam - 40 năm Trưởng thành, Hội nhập và Phát triển cùng đất nước” trong hầu hết các số báo trong năm 2021 cùng các bài viết chủ đề, chuyên đề, đề tài nghiên cứu chọn lọc, hay, đặc sắc; tiếp nối hành trình 17 năm của Tạp chí Văn Hóa Phật Giáo, cơ quan ngôn luận của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN). Trân trọng kính mời quý độc giả hoan hỷ tiếp bước đồng hành và ủng hộ. Kính chúc quý chư Tôn đức, quý Bạn đọc thân thiết, quý Mạnh Thường quân, Ban Bảo trợ cùng quý vị Phật tử có những ngày nghỉ lễ 30/4/201 và 01/5 thật “An vui – Lành mạnh - Hạnh phúc” trên tinh thần cảnh giác cao độ, chủ động tích cực, kiên quyết phòng chống dịch bệnh Covid-19 thật hiệu quả và an toàn.Nguyễn Kiều Phượng