PSO – Chiều ngày 21/8/2022, đã diễn ra buổi tọa đàm "Lắng nghe cả khi đứa trẻ chưa lên tiếng" do TT.TS. Thích Nhật Từ và GS.TS. Thái Kim Lan chia sẻ với Phật tử tham dự khóa tu Tuổi trẻ hướng Phật tổ chức tại chùa Giác Ngộ, TP.HCM.
Đây là buổi tọa đàm thứ 3 của khóa tu và mục đích của buổi tọa đàm này để giúp đại chúng hiểu và thương trẻ em đúng cách; đặc biệt, đối với trẻ yếu thế trong xã hội.
Buổi tọa đàm được mở đầu với chương trình ca nhạc thật nhiều ý nghĩa với sự góp mặt của Ca sỹ Trúc Nhân và Ban đạo ca hòa âm các ca khúc Nếu một mai tôi bay lên trời, Lớn rồi còn khóc nhè, Vẽ và Vì trẻ em không bị bỏ rơi.
Ca sỹ Trúc Nhân
TT.TS. Thích Nhật Từ - Trụ trì chùa Giác Ngộ đã chia sẻ với đại chúng về 4 cách lắng nghe: qua lời nói, chữ viết, ngôn ngữ cơ thể và các dấu hiệu, biểu tượng. TT. cho biết, theo kinh điển của Phật giáo, Bồ tát Quán Thế Âm có khả năng lắng nghe mọi âm thanh của thế gian và dùng tâm từ bi để cứu độ chúng sanh. Vì vậy, TT. mong rằng trẻ em cũng cần được các bậc phụ huynh, ông bà và xã hội lắng nghe để giúp trẻ giải tỏa nỗi khổ niềm đau gặp phải trong cuộc sống và tránh được các tình huống xử lý.
Tiếp theo đó, GS.TS. Thái Kim Lan cũng khẳng định, để có thể giúp được bất cứ một ai thì trước tiên chúng ta cần phải có khả năng lắng nghe nhằm thấu hiểu và quan tâm đúng mức. Sự phát triển tâm lý của trẻ phụ thuộc phần lớn vào môi trường sống và đặc biệt, lối sống cũng như cách hành xử của các bậc phụ huynh ảnh hưởng rất nhiều đến trẻ.
TT. Thích Nhật Từ cho rằng, chính bản ngã làm che mờ khả năng lắng nghe và tư duy sai lệch về cách chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ là hai nguyên nhân chính yếu khiến cho người lớn ngày càng xa lìa trẻ em. Qua đây, TT. cũng gửi thông điệp đến các bậc phụ huynh, cần dành nhiều thời gian hơn nữa để quan tâm, lắng nghe, an ủi, động viên con cái để tháo gỡ bế tắc cho trẻ.
Khả năng lắng nghe cũng chính là một cách trị liệu, chữa bệnh đơn giản mà cần thiết và hữu hiệu, GS. Kim Lan chia sẻ thêm. Do đó, cha mẹ còn phải quan tâm, chú ý từ khi mang thai để chăm sóc, thai giáo trẻ một cách phù hợp.
Cha mẹ cũng phải học cách chấp nhận những điểm dị biệt trong quan điểm, nhận thức, ý kiến của con về các vấn đề của bản thân. Từ đó, cha mẹ cũng vừa là bạn bè thân thiết giúp con có giải pháp tích cực và phù hợp theo như chia sẻ của TT. Thích Nhật Từ. Trong đó, 3 điều mà Thượng tọa nhắn nhủ tới các bậc phụ huynh là: cần dành nhiều thời gian hơn, quan sát, gửi ánh nhìn trực diện vào gương mặt con khi trò chuyện; hạ thấp chiều cao của mình khi trò chuyện với trẻ nhỏ để trẻ dễ dàng tỏ bày; và sự tương tác giữa cha mẹ con cái phải tương ứng mà không tỏ uy lực để trấn áp trẻ.
Bên cạnh đó, phụ huynh không nên đặt kỳ vọng quá cao về con mình và cần dành thời gian trong các sinh hoạt hàng ngày (ăn cơm, vui chơi, học tập,...) để con trẻ được vui vẻ, hạnh phúc.
Điều cuối cùng, phụ huynh cần phải chủ động gợi ý, đặt câu hỏi để tìm hiểu đời sống tâm sinh lý của trẻ nhằm kịp thời thấu hiểu và đồng cảm với trẻ.
Đại chúng còn được nghe chia sẻ của em Nguyễn Mai Anh – Sinh viên trường Đại học Luật Hà Nội. Mai Anh bị bại não và vận động khó khăn nhưng đã vượt lên chính mình với nghị lực phi thường để tiếp tục hành trình tri thức nơi giảng đường đại học. Qua đó, Mai Anh và mẹ kêu gọi xã hội cần quan tâm, giúp đỡ trẻ em yếu thế Việt Nam.
Sau đây là một số hình ảnh được ghi nhận:
Tin, ảnh: Minh Lượng, Thanh Phong