Hàng ngàn trang cá nhân của những người yêu mến đạo Phật, cộng đồng Tăng Ni và Phật tử đang phản ứng gay gắt trước thái độ được cho là cố tình công kích, xúc phạm đến Phật giáo của Ban Biên tập Tuổi Trẻ Cười khi sự việc xúc phạm đến hình ảnh Đức Phật tôn kính qua tiểu phẩm “Chùa Online”còn chưa kịp lắng xuống thì tác phẩm “Bị vợ đánh lên núi méc Thiền sư” lại gây ra những phản ứng gay gắt, đầy bức xúc của dư luận.
Bao đời nay, Phật giáo đã song hành cùng dân tộc, các trang sử vàng son qua các triều đại Đinh- Lê- Lý-Trần còn in đậm công lao của các bậc Thiền sư cả đời tu hành, phò vua trị quốc an dân, góp phần bình ổn quốc gia, bảo vệ đất nước. Điển hình như Thiền sư Vạn Hạnh không chỉ đóng vai trò là một vị quốc sư mà ngài được xem là người đã có công lao vô cùng lớn trong việc tạo lập nên triều đại nhà Lý. Và ngay từ khi còn trên ghế nhà trường thì không ít những vị Thiền sư nổi tiếng Việt Nam được nhắc đến một cách đầy trân trọng trong các bài học văn học và lịch sử của dân tộc. Do vậy, người Phật tử nói riêng và người Việt Nam nói chung đều rất kính quý các bậc chân tu, đạo hạnh của Phật giáo.
Theo tinh thần của nhà Phật, “Thiền Sư” là danh xưng đầy tôn kính, được dùng để chỉ các bậc chân tu, phạm hạnh trong Đạo Phật, một tôn giáo lớn của thế giới và nhất là đất nước Việt Nam chúng ta. Vì "Thiền sư" là một danh xưng rất tôn quý như thế, cho nên danh xưng này không thể dùng một cách tùy tiện, và càng không thể mang ra châm biếm như trong tác phẩm “Bị vợ đánh lên núi méc Thiền sư” đăng tải trên Tuổi Trẻ Cười ngày 6/11/2020 ngay trước thềm kỷ niệm ngày thành lập GHPGVN (7/11/1981- 7/11/2020).Phụ san Tuổi Trẻ Cười thuộc Báo Tuổi Trẻ đã nhiều lần xúc phạm Phật giáo dưới nhiều hình thức khác nhau và vấn đề này đã gây ra nhiều bức xúc trong dư luận. Nhất là sự việc xúc phạm hình ảnh “Đức Phật” qua tác phẩm “Viếng chùa Online” vẫn còn đọng lại nhiều bức xúc. Mặc dù ngay sau khi bị cộng đồng Tăng Ni và Phật tử phản đối thì Báo Tuổi Trẻ đã công khai xin lỗi trước công chúng. Nhưng rồi chưa được bao lâu thì Ban Biên tập lại tiếp tục cho đăng tác phẩm “Bị vợ đánh lên chùa méc Thiền sư” với những lời thoại châm biếm khó chấp nhận được. Hình ảnh “Thiền sư” được tác giả Cacho và Lacan nhắc đến trong tác phẩm biếm họa đăng trên Báo Tuổi Trẻ ngày 06/11/2020
Vào ngày 29/09/2020 Ban Biên tập Báo Tuổi Trẻ do ông Lê Thế Chữ, Tổng Biên tập dẫn đầu đã đến Văn phòng 2 Trung ương GHPGVN (TƯGH, thiền viện Quảng Đức, Q.3, TP.HCM) xin lỗi về việc đã sử dụng hình ảnh Đức Phật trong các biếm họa trên Tuổi Trẻ Cười và tờ báo này cũng công khai đăng tải Thư Xin lỗi Giáo Hội Phật giáo Việt Nam và Tăng, Ni Phật tử trước công chúng.Ông Lê Thế Chữ, Tổng Biên tập Báo Tuổi Trẻ đại diện xin lỗi Phật giáo Việt Nam về sự việc mà Ban Biên tập cho là ngoài ý muốn và không cố ý xúc phạm hình ảnh Đức Phật trên trang Tuổi Trẻ Cười.
Thế mà ngày 6/11/2020, chuyên trang Tuổi Trẻ Cười của Báo tuổi trẻ lại xúc phạm đến Phật giáo, sự việc lần này khiến cộng đồng Tăng Ni và Phật tử trong và ngoài nước vô cùng bức xúc. Trong tác phẩm “Bị vợ đánh lên chùa méc Thiền sư”, tuy hình ảnh nhân vật được gọi là “Thiền sư” không phải hình ảnh của một vị Tu sĩ đầu tròn, áo vuông, nhưng tác giả đã dùng danh xưng “Thiền sư” một cách không phù hợp, thiếu sự tôn trọng. Tác giả ngỡ tưởng rằng không ai bắt lỗi được mình vì không dùng hình ảnh Đức Phật hay Tu sĩ trong tranh biếm họa như lần trước. Đây là sự cố tình xúc phạm Phật giáo một cách có chủ ý của tác giả với sự tiếp tay của Ban Biên tập, hay là do sự thiếu hiểu biết, kiến thức nông cạn của tác giả về các danh xưng trong tôn giáo?
Như trên đã nói, "Thiền sư" là từ dùng để chỉ các bậc chân tu phạm hạnh, là bậc được mọi người tôn kính, cho nên không thể dùng một cách tùy tiện, và càng không thể mang ra châm biếm với nội dung được minh họa có tính châm biến rất rõ ràng rằng “Thiền sư" cũng "bị vợ đánh sấp mặt nên mới trốn lên đây”.
Thực tế là đã có nhiều vụ việc trên thế giới, vì sự xúc phạm tôn giáo của các cơ quan truyền thông, báo chí mà đã ảnh hưởng đến sự đoàn kết và gây hậu quả nghiêm trọng, và chính Báo Tuổi Trẻ cũng từng bị phản ảnh vì xúc phạm tôn giáo, đích thân Tổng Biên tập đã đứng ra xin lỗi. Đáng lý, Báo Tuổi Trẻ cần rút ra bài học kinh nghiệm một cách nghiêm túc nhưng báo Tuổi Trẻ lại tiếp tục hành vi xúc phạm tôn giáo, sử dụng những hình ảnh tôn nghiêm của Đức Phật, danh xưng trong Phật giáo một cách tùy tiện, hết lần này đến lần khác để bỡn cợt. Điều này thật khó có thể chấp nhận được!
Trên các trang mạng xã hội, có nhiều bình luận cho rằng “Báo Tuổi Trẻ vốn không có thiện chí, chỉ xin lỗi cho có và lại tiếp tục xúc phạm Phật giáo bằng cách này hay cách khác”. Bên cạnh đó nhiều ý kiến cho rằng “Do đạo Phật quá từ bi nên báo Tuổi Trẻ mới lờn mặt, xem thường và cố tình bày ra nhiều cách để phỉ báng, xúc phạm Phật giáo".
Đề nghị các cơ quan chức năng quản lý cần sớm vào cuộc chấn chỉnh và xử lý nghiêm khắc đối với Báo Tuổi Trẻ về vấn đề xúc phạm này để ổn định dư luận và đảm bảo đúng tình thần Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ Nghĩa Việt Nam đã nêu: "Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật" (Mục 3, Điều 24).
Tuệ Tâm