03/10/2020 10:27

Tạp chí VHPG: Tiêu điểm “Trăng sáng cửa Thiền – Trung Thu đoàn viên” số Báo 353

PSO - Ngày đầu tiên “Chào tháng mười” năm 2020 cũng là ngày tròn trăng vui đón “Rằm Trung thu” thật ấn tượng với niềm vui lấp lánh rạng ngời trong từng ánh mắt trẻ thơ khi các em luôn được gia đình, nhà trường và toàn xã hội đặc biệt quan tâm trong ấm áp yêu thương và gửi trao niềm tin yêu hy vọng. Ngày rằm tháng tám năm nay cho dù cả nước ta vẫn đang trong trạng thái “Bình thường mới” trong tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp nhưng mọi người vẫn khắc phục mọi khó khăn để cho tất cả trẻ em ba miền vẫn được an toàn cùng nhau chan hòa hân hoan đón mừng ngày “Tết Thiếu nhi” của các em trong không khí tưng bừng, rộn ràng náo nức của đêm “Hội Trăng rằm” cùng vui rước đèn, ngắm trăng, đón chờ chú Cuội và chị Hằng, cùng nhau ca múa, xem múa lân, múa rồng, múa sư tử và phá cỗ chơi trăng… Tất cả đã và đang rộn rã lan tỏa trên khắp 63 tỉnh thành ngày Tết Trung Thu cổ truyền đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc dành cho những mầm xanh tương lai của đất nước. Ngày 01/10/2020 còn là ngày Tòa soạn Tạp chí Văn hóa Phật giáo (VHPG) phát hành định kỳ ấn phẩm Bán Nguyệt san số 353 với Chủ đề: “Trăng sáng cửa Thiền”. Trân trọng kính gửi đến quý độc giả lời thưa đề từ trong bài mở đầu Tạp chí: “Thư Tòa soạn” thay cho lời giới thiệu trân trọng về nội dung và chủ đề trọng tâm của các bài viết hay trong số báo có ý nghĩa như một “Bước ngoặt” trọng đại này!

THƯ TÒA SOẠN... 

“Kính thưa quý độc giả!

Ấn phẩm 353 Tạp chí VHPG mà quý độc giả đang cầm trên tay là thành quả đến từ nỗ lực của tập thể Ban biên tập, đội ngũ phóng viên, biên tập viên và chuyên viên Tòa soạn, sau khi Tòa soạn vừa trải qua những sự kiện hết sức quan trọng. Đó là lễ Công bố Mã số chuẩn Quốc tế xuất bản ấn phẩm nhiều kỳ ISSN, ra mắt thành viên Ban biên tập và Lễ Ký kết hỗ trợ chuyển phát thư tín, in ấn giữa Tòa soạn và hai đơn vị thuộc Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam.

Sự kiện này là dịp để Tòa soạn nhìn lại chặng đường 16 năm hình thành và phát triển, tưởng nhớ và tri ân người đi trước, kế thừa và phát huy những giá trị căn bản, thống nhất mà Tòa soạn liên tục theo đuổi từ quá khứ đến tương lai.

Khi nghĩ về công lao của quý chư Tôn đức, những bậc tiền bối trong vai trò hạt nhân tinh hoa ở buổi đầu xây dựng Tạp chí VHPG và công đức của các cá nhân lẫn cơ quan ngoài xã hội đã hoan hỷ hỗ trợ cho sự kiện trọng đại vừa qua, tập thể Ban biên tập mong muốn bày tỏ lòng tri ân sâu sắc. Nghĩa cử của quý liệt vị đẹp trong trẻo và tỏa rạng như ánh trăng sáng vào mùa Trung thu năm nay.

Đó cũng là lý do mà tập thể Ban biên tập quyết định lựa chọn chủ đề ấn phẩm 353 là “Trăng sáng cửa Thiền.”

Ngoài sự đổi mới về thể thức trình bày và chất lượng hình ảnh, Trăng sáng cửa Thiền tập hợp những bài viết chất lượng cùng chủ đề, gửi đến quý độc giả món  quà Trung thu lấp lánh bóng trăng.

Những ánh trăng đong đầy thiền ý, những ánh trăng giác ngộ, những con đường chánh niệm mênh mông trăng tỏ, những tiếng lòng được soi rọi bởi ánh từ bi, những vầng trăng xưa dưới cội bồ đề…đều có giá trị nhân văn và minh triết, khiến cho chúng ta không thể ngừng trăn trở về một lẽ sống thấu hiểu và bao dung đối với tha nhân, với quá khứ, với cả những bụi bặm của một kiếp con người. (Trích nguyên văn “Thư Tòa soạn” - Tạp chí VHPG số 353).

Số báo 353 sẽ ghi dấu một “Mốc son” trên chặng đường 16 năm hình thành và phát triển Tạp chí VHPG - Cơ quan Ngôn luận của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam (2004 -2020) với sự đón nhận “Mã số chuẩn Quốc tế ISSN” cho “Xuất bản phẩm nhiều kỳ - Tạp chí Văn hóa Phật giáo ISSN 2734 – 9128” theo Quyết định số 23/TTKHCN - ISSN do Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia cấp ngày 18/8/2020, Tạp chí VHPG đang từng bước chuyển mình hướng đến sự đổi mới, hòa nhập cùng hệ sinh thái số trong “Hành trình Hội nhập” trên diễn đàn Báo chí và Truyền thông Phật giáo thế giới. Sáng ngày 20/09/2020, tại Hội trường chính Khách sạn New World – 76 Lê Lai, Quận 1, TP. HCM, Ban Biên tập Tòa soạn Tạp chí VHPG đã long trọng tổ chức “Lễ công bố Mã số chuẩn Quốc tế cho xuất bản phẩm nhiều kỳ Tạp chí Văn hóa Phật giáo ISSN 2734 – 9128 cùng Quyết định ra mắt thành viên Ban Biên tập và lễ ký kết “Hỗ trợ chuyển phát thư tín, in ấn” giữa Tòa soạn Tạp chí VHPG với 2 đơn vị trực thuộc Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam là Bưu điện TP. HCM và Công ty Data Post.”

 

Ở Việt Nam, các Tạp chí và các ấn phẩm nhiều kỳ có chỉ số ISSN do Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia cấp sẽ được Quốc tế thừa nhận chính thức để giới thiệu trên quy mô toàn cầu và được xem như một "Thẻ Thông hành" để gia nhập trên diễn đàn Báo chí và Truyền thông thế giới. Từ năm 2012, chỉ những bài báo khoa học được đăng ở các Tạp chí có chỉ số ISSN mới được Hội đồng Chức danh Giáo sư các cấp xem xét, tính điểm.

Bắt đầu từ ngày 18/8/2020, Tạp chí VHPG vinh dự được sử dụng mã số chuẩn quốc tế ISSN 2734 - 9128 trên các ấn phẩm Bán nguyệt san xuất bản định kỳ được phát hành vào ngày 01 và 15 mỗi tháng. Đây là duyên lành để Tạp chí VHPG sau 16 năm hình thành và phát triển được nâng tầm vị thế là cơ quan ngôn luận tiên phong của GHPGVN với các giá trị văn hóa cho các sản phẩm tinh thần mang tinh hoa của một nền Văn hóa Phật giáo Việt Nam có truyền thống lịch sử hơn 2000 năm cùng với những vẻ đẹp truyền thống đậm đà bản sắc Văn hóa Dân tộc. Đồng thời đây cũng là cơ hội mới để Tạp chí được mở rộng, giới thiệu, giao lưu, trao đổi thông tin, quảng bá những bài báo, những thành tựu nghiên cứu có giá trị học thuật và các tác giả, học giả uyên bác, kỳ cựu trên chuyên trang Tạp chí VHPG với hơn 350 số báo đã phát hành sẽ được lan tỏa ra thế giới kể từ “Bước ngoặt” hôm nay.

Bước ngoặt của chuyên trang Bán Nguyệt san Tạp chí VHPG và hành trình 16 năm: “Kế thừa thành tựu tinh hoa Văn hóa Phật giáo – Trân trọng Tri ân người đi trước - Tiếp bước và nâng tầm hội nhập Báo chí và Truyền thông thời kỳ công nghệ số 4.0” sẽ được ghi dấu trong ấn phẩm 353 Tạp chí VHPG với Bài viết Tiêu điểm thật ấn tượng của Thượng tọa Thích Phước Nghiêm, thành viên nòng cốt của Ban Biên tập: “Tạp chí VHPG: Tri ân người đi trước, tiếp bước hành trình phát triển”. Bài viết đã khái quát quá trình hình thành và phát triển của Tạp chí VHPG với các đề mục quan trọng: “Công lao của những hạt nhân tinh hoa - Kế thừa và phát triển toàn diện trên hành trình phía trước”.

Qua bài viết, Thượng tọa trân trọng kính gửi lời Tri ân sâu sắc đến chư Tôn đức lãnh đạo HĐTS GHPGVN ngay từ buổi ban đầu với tầm nhìn chiến lược đã luôn trực tiếp quan tâm sâu sát, trao gửi niềm tin và khẩn trương hoàn tất các thủ tục theo luật định để “Khai sinh” và ươm mầm cho Tạp chí VHPG hình thành và phát triển: “Tạp chí VHPG có nguồn gốc hình thành từ Tập Văn, một Tập san của Ban Văn hóa Trung ương GHPGVN, hoạt động từ năm 1985, do Cư sĩ Võ Đình Cường bấy giờ là Trưởng ban, làm Chủ nhiệm. Được sự chấp thuận của Giáo hội, Tập Văn phát hành mỗi năm 3 số vào các dịp Xuân, Phật đản và Vu lan. Tập Văn hoạt động được 19 năm (từ 1985 đến 2004), phát hành được 56 số, mỗi số gần 1.000 bản.

Đến giữa năm 2004, Cư sĩ Võ Đình Cường đề nghị Giáo hội xin nhà nước cho phép xuất bản một Tạp chí thay cho Tập Văn. Nhờ sự đồng thuận và quan tâm đặc biệt của Trưởng lão HT.Thích Hiển Pháp (lúc bấy giờ đương nhiệm là Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký HĐTS - GHPGVN) và HT. Thích Thiện Nhơn (lúc bấy giờ đương nhiệm là Phó Tổng Thư ký kiêm Chánh VP 2 Trung ương Giáo hội), các thủ tục được khẩn trương hoàn tất theo luật định. Đến cuối năm 2004, Tạp chí VHPG chính thức ra đời theo Quyết định số 96/GP-BVHTT ngày 13/10/2004 của Bộ Văn hóa Thông tin, theo đó cơ quan chủ quản của Tạp chí là GHPGVN.

Hiện nay, Tạp chí VHPG hoạt động theo giấy phép hoạt động báo chí số 1878/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 14/11/2011, trở thành một trong những cơ quan ngôn luận, đại diện cho tiếng nói của GHPGVN. Tạp chí là nơi giới thiệu các công trình nghiên cứu về tư tưởng, văn hóa, nghệ thuật, triết học của Phật giáo, những tinh hoa Văn hóa Phật giáo Việt Nam, khảo cứu về những công trình kiến trúc Tôn giáo, di tích Phật giáo, góp phần phát huy giá trị tốt đẹp của Văn hóa Phật giáo Việt Nam, làm phong phú thêm kho tàng văn hóa dân tộc Việt Nam. Tạp chí hoạt động với chủ trương: “Tạp chí của tất cả những ai chấp nhận tư tưởng Phật giáo, quyết tâm xây dựng một xã hội lành mạnh, hiền hoà, đồng thời bảo vệ, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc”. Hơn 16 năm hình thành và phát triển, Tạp chí VHPG đã được dẫn dắt bởi bốn vị Tổng Biên tập, đó là: Cư sĩ Võ Đình Cường, cố Trưởng lão HT. Thích Chơn Thiện, cố HT. Thích Trung Hậu và Tổng Biên tập đương nhiệm là HT. Thích Hải Ấn".

Trong bài viết Tiêu điểm số báo này, Thượng tọa đặc biệt nhấn mạnh đến sự cống hiến lặng thầm của Giáo sư Trần Tuấn Mẫn - Ủy viên Thư ký HĐTS kiêm Phó Trưởng ban Truyền thông TƯ. GHPGVN, Nguyên Phó tổng Biên tập Thường trực kiêm Thư ký Tòa soạn Tạp chí VHPG với những cống hiến sâu dày đầy tâm huyết của Thầy cho Tạp chí VHPG từ những buổi đầu sơ khai cho đến nay. Một hành trình chắt chiu con chữ, gửi trao Trí tuệ và Học thuật uyên bác của một học giả tín tâm thấm nhuần Phật học trong từng bài viết trên chuyên trang Tạp chí VHPG trong mười sáu năm qua cùng các cộng sự: “Để có được thành tựu ấy, ngoài vai trò của các vị Tổng biên tập thì không thể không kể đến sự đóng góp liên tục và lớn lao trong vai trò Phó Tổng biên tập thường trực của Cư sĩ Trần Tuấn Mẫn và đội ngũ nhân sự, cộng tác viên của Tạp chí, từ buổi sơ khai cho đến tận ngày hôm nay".

Tiêu điểm: “Tạp chí VHPG: Tri ân người đi trước, tiếp bước hành trình phát triển” của Thượng tọa Thích Phước Nghiêm còn là sự suy ngẫm trao gửi niềm tin và chính kiến nhằm khẳng định tôn chỉ, mục đích của Giáo hội Phật giáo Việt Nam về tính kế thừa: “Để đảm bảo tôn chỉ và tinh thần của Tạp chí VHPG được kế thừa và phát triển liên tục, tháng 7 năm 2020, Ban Thường trực HĐTS GHPGVN tin tưởng bổ nhiệm TT. TS Thích Minh Nhẫn, Ủy viên Thường trực HĐTS GHPGVN giữ chức vụ Phó Tổng Biên tập Thường trực kiêm Tổng Thư ký Tòa soạn thay cho cư sĩ Trần Tuấn Mẫn, thể theo nguyện vọng xin nghỉ hưu do tuổi cao và sức khỏe”.

Nhìn lại chặng đường 16 năm hình thành và phát triển càng thêm Trân trọng, tưởng nhớ và Tri ân người đi trước để tự tin tiếp bước và kế thừa vững chắc nhằm phát huy những giá trị tinh hoa tốt đẹp trên nền căn bản, sự thống nhất đồng thuận mà Tòa soạn đã liên tục theo đuổi từ quá khứ đến hiện tại và hướng tới tương lai, Thượng tọa đã đề ra những tiêu chí “Định hướng phát triển mới” trên cơ sở những Thành tựu ban đầu mới đây kể từ số báo 350 - 351 - 352 với những bước đột phá táo bạo và linh hoạt để Tạp chí VHPG có thể “Kế thừa và phát triển toàn diện trên hành trình phía trước” ngay từ những bước đi ban đầu thận trọng mà không kém phần quyết liệt và sáng tạo: “Nhận thức được tầm nhìn của công tác truyền thông Phật giáo, tính nhân văn xã hội và yếu tố khoa học, Tạp chí VHPG đã có những sự chuyển biến mạnh mẽ. Đơn cử như việc ra mắt Tạp chí VHPG phiên bản điện tử song hành cùng ẩn phẩm báo in truyền thống, phát hành định kỳ hai số mỗi tháng. Tạp chí VHPG đã hình thành một giao diện mới, hiện đại, linh hoạt, chuyên nghiệp và có chiều sâu. Niềm vinh dự tiếp nối đến với Tạp chí VHPG, khi vào ngày 18/8/2020, Tạp chí đã được Cục Thông tin khoa học và Công nghệ Quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp mã số ISSN tại quyết định số 23 / TTKHCN - ISSN cho Tạp chí VHPbán Nguyệt san với mã số ISSN 2734-9128. Dự kiến, trong thời gian sắp tới, Tòa soạn sẽ ra mắt phiên bản Tạp chí VHPG bằng tiếng Anh, nhằm nâng cao khả năng tiếp cận đến quý vị học giả và bạn bè trên khắp năm châu”.

Trong đó: “Để đánh dấu mốc son phát triển của Tạp chí VHPG, song hành cùng sự phát triển của thời đại công nghệ số, kể từ số báo 350, Ban Biên tập đã vận dụng hiệu quả ưu thế của nền tảng kỹ thuật số để góp phần tạo nên sức lan toả mạnh mẽ cho nội dung Tạp chí, đưa các giá trị thông tin và khoa học hữu ích của Tạp chí đến với cộng đồng các giới một cách nhanh nhất. Nhằm thích ứng với những thay đổi nhanh chóng và những thách thức mới của xã hội thông tin, Tạp chí VHPG đã xây dựng chiến lược hoạt động tổng thể và nền tảng định dạng đa kênh để đảm bảo tính hiện đại và chuyên nghiệp, giá trị khoa học và xã hội sâu sắc, yếu tố kế thừa và phát triển toàn diện”.

Giải pháp nào khả thi? Định hướng trước mắt và lâu dài chính là: “Muốn thực hiện được kỳ vọng đặt ra, ngoài sự nỗ lực kiên trì và bền bỉ của tập thể Ban biên tập, đội ngũ phóng viên, biên tập viên và chuyên viên Tòa soạn thì phải kể đến sự đóng góp chuyên môn đa dạng của quý cộng tác viên thuộc tất cả các giới trong xã hội, đặc biệt là quý chư Tôn đức, Phật tử, Nhân sĩ, Trí thức. Tòa soạn cũng trân trọng những cộng tác viên trẻ yêu mến Phật giáo, có dụng tâm nghiên cứu và thấu hiểu Triết lý Phật đà, đồng thời sở hữu góc nhìn văn hóa xã hội sâu sắc. Tòa soạn hy vọng sẽ xây dựng hoàn thiện mạng lưới cộng tác viên rộng khắp trong cả nước và quốc tế, kết hợp cùng năng lực tác nghiệp chuyên môn nội bộ để góp phần nâng cao liên tục chất lượng nội dung cũng như hình thức của các ấn phẩm trong tương lai. Với sự tâm huyết và đồng lòng, Tạp chí VHPG sẽ tiếp tục đồng hành và sánh vai cùng các ấn phẩm báo chí chính thống liên quan đến Phật giáo, hòa chung tiếng nói “TỐT ĐỜI - ĐẸP ĐẠO”, vững vàng bước đi trên con đường xiển dương Phật pháp và xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh, tiến bộ, đổi mới và hội nhập.”(Trích Bài viết Tiêu điểm Tạp chí VHPG số 353: “Tạp chí VHPG: Tri ân người đi trước, tiếp bước hành trình phát triển” của Thượng tọa Thích Phước Nghiêm).

Lắng đọng cùng “Giọt Sương mai – Tạp chí VHPG số 353 và bài Kinh Pháp cú: 

Như nước nhỏ từng giọt, Từ từ bình tràn ra, Người trí được toàn thiện, Do tích lũy dần dà”.

(PC.122)

Cùng chiêm nghiệm triết lý “Thiền Trăng” trong bài viết: “Thiền Trăng và minh triết Giác ngộ” cùng Tác giả Minh Quang: “Có - Không” tựa như sóng trăng, bóng trúc. Trong mối tương quan hòa quyện giữa tư tưởng đạo Phật với thiên nhiên, vũ trụ “Thiền và Trăng”, chúng ta cũng có thể thả mình để thưởng thức những ngôn từ tuyệt đẹp về ánh trăng trong hai câu đối cổ xưa quý hiếm của các bậc tiền bối, còn lưu giữ tại Tổ đình chùa Hội Khánh (TP. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương).

“Nhược thực nhược hư, trúc ảnh tảo giai trần bất động Thị không thị sắc, nguyệt xuyên hải đổ thủy vô ngân.”

Tạm dịch:

“Như thực như hư, bóng trúc quét thềm bụi thềm chẳng động Là không là sắc, trăng soi đáy biển, nước biển không nhồi.”

Quả thật trong trăng có thiền, trong thiền có trăng hay thiền và trăng chính là một. Chỉ có đủ sự tĩnh lặng, bình yên và thanh thản, vầng trăng mới có thể làm nên điều kỳ diệu từ ánh sáng của mình: đẹp rạng ngời, soi tỏ mọi thứ trong bình an và tĩnh lặng. Nhịp điệu tĩnh lặng đó đã chạm đến và đánh thức sự bình an trong bản tính chân như của thiền nhân. “Thực - Hư” như một. “Không - Có” là một. “Thực - Hư”, “Không - Có”, vốn hiện hữu hoặc như không hiện hữu đều tạo nên những cảnh sắc tuyệt đẹp trong nhân gian. Khi một ai đó, ngộ được đạo lý này, không chấp “tướng”, không chấp “hình”, không chấp vào “thực - hư”, “không - có”… thì sẽ đạt được nhiều những sự an lạc, tĩnh tại bên trong. Đôi mắt của chúng ta nhìn thấy sự vật bên ngoài - Sự vật bên ngoài là thực, nhưng hình ảnh phản ánh vào bộ não của chúng ta để chúng ta thấy nó đâu có còn là thật nữa. Vậy vì điều gì mà chúng ta phải chấp vào các sự vật, để rồi phải nhận lại kết quả không như ý. Ngộ được đạo lý này, các vị Thiền nhân vì thế mà sống cuộc đời ung dung, tự tại, không bận tâm đến được mất, có không!… Trong cuộc sống đời thường, cá nhân, gia đình và xã hội, khi ngộ được đạo lý tuyệt vời từ Thiền và Trăng, bỏ qua những tất bật, bộn bề của cuộc sống, thả mình dưới ánh trăng sáng ngời trong đêm, mỗi chúng ta, hẳn đều có thể tìm thấy những phút giây bình yên, thiền vị, thanh thoát trong tâm hồn và chắc hẳn nguồn năng lượng này sẽ đem lại một đời sống an lành, bất nhiễm cho tự thân và tha nhân. (Trích bài viết: “Thiền Trăng và minh triết Giác ngộ” - tác giả Minh Quang). 

Có thể nói, vầng trăng là biểu tượng của vẻ đẹp, bình an, tĩnh lặng và thật sự tương đồng với ý nghĩa của thiền định. Vầng trăng hiện hữu từ cổ chí kim luôn có một ý nghĩa và tâm thái vô cùng đặc biệt trong tình cảm hòa quyện với tâm hồn của mỗi người. Ở các nước châu Á mà Việt Nam là một đặc thù, hình ảnh vầng trăng đã được ghi dấu đậm nét trong đời sống văn hóa và tinh thần gắn liền với dân gian và lịch sử. Vầng trăng trong ký ức tuổi thơ của Tác giả Vũ Tam Huề trong bài viết: “Trăng xưa dưới mái Bồ Đề” là những hồi ức thật đẹp, thật dung dị đơn sơ và đong đầy bao kỷ niệm gần gũi, gắn bó thiết thương… Tác giả vẫn nhớ hoài đám bạn nhỏ chân quê hồn nhiên năm ấy như vầng trăng non sáng ngời giữa làng quê thanh bình hiền hòa cùng với hương vị kẹo bánh, trái cây nhà quê vẫn còn vương vấn quanh mình cho đến tận bây giờ trong tâm tưởng. Lời văn giản dị, đằm thắm, trong trẻo thiết tha, chan chứa những nỗi niềm thiết thương khi nhớ và nghĩ về một vầng trăng tuổi thơ nơi quê nhà những ngày xưa năm cũ dưới bóng Già Lam và vị Sư thầy bao dung hồn hậu với bầy trẻ thơ trong xóm nhỏ yên bình dưới ánh trăng rằm những đêm Trung thu nơi quê nhà dấu yêu năm ấy. Dù xa xôi cách trở về thời gian và khoảng cách địa lý mà vẫn còn in đậm trong tim ghi dấu bao hoài niệm: “… Tết Trung thu ngày đó của chúng tôi đơn giản lắm, nhưng cũng đủ: chiếc đầu sư tử (đầu lân) nhỏ bé và cái trống cơm, vài ba chiếc đèn ông sao và đèn xếp quây quanh đèn kéo quân do Sư Thầy tự làm, một đàn tò he bằng bột màu nhờ bàn tay khéo léo của các vãi trong chùa tự nặn, đủ cả: con gà, con mèo, con chim… rồi hoa trái bốn mùa. Tuy nhiên, lũ trẻ chúng tôi vẫn háo hức đối với mâm cỗ đón trăng. Kẹo bánh thì ít thôi, cũng chỉ là thứ quà quê rẻ tiền mua ở chợ huyện, nhưng trái cây thì nhiều lắm, trẩy xuống từ vườn chùa và những mảnh vườn nhỏ quanh chùa. Những trái thị vàng ươm thơm ngát, những quả na mở mắt tròn xoe, những chùm ổi găng ngọt lịm, rồi bưởi, rồi mía, rồi hồng… Nhìn hoa cả mắt và thèm nhỏ dãi… Dưới bầu trời trăng thanh gió mát. trong sân chùa thơm ngát hương hoa, bầy trẻ chúng tôi vui đùa thỏa thích: múa sư tử, gõ trống, rước đèn, chơi trò “ bịt mắt bắt dê” hay “ thả đỉa ba ba “ , rồi cả kéo co nhảy dây… Chơi chán rồi chúng tôi cùng nhau ca hát, thầy giáo tôi là quản ca: “… Ánh trăng trắng ngà, có cây đa cao, có chú Cuội già ôm một mối mơ. Cuội ơi! Ta nói Cuội nghe, ở cung trăng mãi làm chi…” Trăng lên cao dần, càng cao càng sáng. Gió thổi phe phất mát dịu. Vui chơi ca hát đủ rồi, chúng tôi xúm lại phá cỗ trông trăng. Chao ơi ! Ngon quá ! Với những cái miệng thơ bé ấy cái gì cũng ngon, cái gì cũng ngọt ngào, cũng thơm tho trong vòng tay thầy cô, dưới ánh đạo vàng Phật pháp… Mãi cho tới lúc cỗ trông trăng kết thúc, bọn trẻ tíu tít chào hỏi và chia tay ra về, trả lại cho sân chùa một khoảng lặng bình yên dưới vòm trời khuya trăng tỏ. Tôi là đứa lớn nhất trong bọn trẻ. Hồi đó tôi 13 tuổi học lớp 5, nhà lại gần chùa nên ở lại giúp Sư Thầy dọn dẹp. Công việc xong, hai thầy trò ngồi dưới mái tam quan ngắm trăng. Không gian tĩnh lặng, trăng càng sáng, gió càng mát, thoang thoảng mùi hương thơm từ gian thờ Phật nhẹ đưa… Dù còn nhỏ nhưng sao lúc đó tôi thấy lòng mình tràn ngập một cảm xúc thanh tịnh, an nhiên… Tôi lẩm nhẩm: “… Nam mô A Di Đà Phật…! Vừa lúc đó, sư thầy cất tiếng ngâm khẽ:       

“Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên Giang phong ngư hỏa đối sầu miên Cô Tô thành ngoại Hàn San tự Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền.”

Sư thầy có giải thích cho tôi về ý nghĩa bài Đường thi. Thực tế là khi đó tôi không hiểu lắm nhưng chỉ thấy hay hay trong một cảm xúc mơ hồ lãng đãng dưới bóng trăng bát ngát. Lớn lên, tôi mới biết đó là bài tứ tuyệt “Phong Kiều dạ bạc“ nổi tiếng của nhà thơ Trương Kế, được tác giả Nguyễn Hàm Ninh dịch sang tiếng Việt:  

“Trăng tà chiếc quạ kêu sương Lửa chài cây bến sầu vương giấc hồ Thuyền ai đậu bến Cô Tô Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn Sơn.”      

Rồi những mùa Trung thu trôi qua, vật đổi sao dời… Những cái Tết trăng tròn thời hiện đại khác xưa nhiều lắm. Và dẫu rằng tóc đã ngả màu sương, tôi vẫn nhớ về thời thơ ấu giữa một đêm trăng tỏ dưới bóng già lam.” (Trích Bài viết: “Trăng xưa dưới mái Bồ Đề” – Tác giả Vũ Tam Huề.)

Kính thưa quý vị độc giả xa gần!     

Khi quý bạn đọc cầm trên tay quyển Tạp chí VHPG số 353, chắc hẳn là quý vị đã và đang sum vầy dưới ánh Trăng rằm tháng tám tinh khôi rạng ngời sáng tỏ lung linh để chung vui, đón mừng một đêm Trung Thu thật ấm áp bên tổ ấm nhỏ cùng gia đình có nụ cười rạng rỡ trong veo của các con thơ, có hương thơm thanh mát nồng nàn của chén trà Sen, có vị ngọt lành của chiếc bánh dẻo đặc sản quê hương và có cả tinh hoa những tác phẩm VHPG đã và đang đồng hành cùng quý vị 16 năm qua... Kính chúc quý vị vui đón một mùa Trăng thu thật an lành, hạnh phúc trong niềm hoan hỷ vô biên hướng về ngôi Tam Bảo và hòa niệm Cầu an cho tất cả chúng sanh!         

Tạm khép lại Bản tin “Tiêu điểm “Trăng sáng cửa Thiền - Trung Thu đoàn viên” – Tạp chí VHPG phát hành số Báo 353 ngày 01/10/2020 ghi dấu một mốc son trên chặng đường 16 năm hình thành và phát triển với Tuyên ngôn: “Trân trọng Tri ân người đi trước, tiếp bước nối dài Hành trình phát triển…”

Hy vọng rằng với “Trái ngon Quả ngọt” của hơn 350 ấn phẩm Tạp chí VHPG đã, đang và sẽ mang tinh hoa Văn hóa Phật giáo 16 năm hình thành và phát triển cùng tất cả thành viên Tòa soạn Tạp chí VHPG tiếp bước và nối dài thêm những “Thành tựu mới” với “Bước ngoặt” của sự kiện trọng đại: “Lễ công bố Mã số chuẩn Quốc tế cho Xuất bản phẩm nhiều kỳ Tạp chí VHPG ISSN 2734 – 9128 cùng Quyết định ra mắt thành viên Ban Biên tập và Lễ ký kết “Hỗ trợ chuyển phát thư tín, in ấn giữa Tòa soạn Tạp chí Văn hóa Phật giáo với 2 đơn vị trực thuộc Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam là Bưu điện TP. HCM và Công ty Data Post” đã diễn ra thật long trọng và thành tựu viên mãn ngày 20/09/2020, tại Hội trường chính Khách sạn New World – 76 Lê Lai, Quận 1, TP. HCM.

Nhân dịp này, Ban Biên tập Tạp chí VHPG xin phép được thông báo và chính thức công bố đến quý độc giả thân thiết, quý vị cộng tác viên, các tổ chức, cá nhân được biết để cùng chung vui với tập thể Ban biên tập và Tòa soạn niềm vinh dự đặc biệt này với Mã số chuẩn quốc tế Tạp chí VHPG ISSN 2734 - 9128! Tin tưởng và kỳ vọng rằng, từ đây, Tạp chí VHPG sẽ tiếp tục nhận được nhiều hơn nữa sự quan tâm, sự cộng tác của quý vị, góp phần vào sự phát triển của Tạp chí VHPG trong tương lai. Chúng tôi tin rằng: “Sự kết hợp từ nền tảng truyền thống mang tính Hàn lâm của Tạp chí VHPG với khoa học hiện đại của Hệ sinh thái số hiện nay sẽ chắp cánh cho những vẻ đẹp giàu tính nhân văn của một nền văn hóa Phật giáo có sức sống hơn hai nghìn năm lịch sử cùng những giá trị thực tiễn sinh động mang nội dung, tư tưởng, quan điểm và chủ trương đường lối hoạt động của GHPGVN sẽ tiếp thêm cơ hội cho Tạp chí đến gần hơn với cộng đồng Phật tử, người yêu mến Đạo Phật trong và ngoài nước chỉ với thao tác đơn giản là quét mã Code QR trên điện thoại thông minh là đọc được tất cả các bài viết trên chuyên trang Tạp chí VHPG. (Trích bài viết “Tạp chí VHPG và Giai đoạn phát triển mới” – tác giả Thích Minh Nhẫn - Trang 6-10 – Tạp chí VHPG số đặc biệt 350 phát hành ngày 15/8/2020). 

Kiều Phượng

Download Android Download iOS
Hà Nội: Chùa Hội Xá – Linh Tiên Tự khởi công xây dựng và đúc Đại Hồng Chung

Hướng về kỷ niệm 70 năm ngày giải phóng Thủ Đô. Ngày 6 tháng 10 năm 2024 nhằm ngày 4 tháng 9 năm Giáp Thìn, Ban Tổ chức Chùa Hội Xá (Linh Tiên tự) long trọng tổ chức Đại lễ khởi công, trùng tu tôn tạo và lễ chú nguyện rót đồng đúc Đại Hồng Chung tại Tổ 1 – Phường Phúc Lợi – quận Long Biên – Tp Hà Nội.

Tiểu sử Hoà thượng Thích Chơn Minh (1956 - 2024)

Hòa thượng Thích Chơn Minh, thế danh Trần Bạch Mai, sinh năm Bính Thân 1956 tại quận Sa Đéc, tỉnh Vĩnh Long (nay thuộc phường 2, thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp) nối dòng Lâm Tế chánh tông đời thứ 40 pháp huý Hồng Hoa, pháp tự Huệ Quang.

Trà Vinh: Chương trình Trao Gửi Yêu Thương tại chùa Quan Âm- thị trấn Càng Long

Sáng nay, ngày 06/10/2024, tại chùa Quan Âm (huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh) Ni sư Thích Nữ Như Thức, trụ trì chùa đã tổ chức tiệc Buffet chay miễn phí và trao 150 phần quà đến đồng bào nghèo.

QUAN TÂM & HỖ TRỢ

Phật Sự Online với chủ trương “Nhanh chóng – Kịp thời – chính xác và Nhân văn” đăng tải các hoạt động Phật sự của các cấp Giáo hội và các tự viện trong cả nước cùng các chương trình tu học, thuyết giảng của chư Tôn đức Tăng, Ni giảng sư được truyền hình trực tiếp (Live Streaming) trên mạng xã hội: Facebook, Youtube, Phật Sự Online về các sự kiện Phật sự và trên 15 chương trình khác với mục đích “ Đẩy mạnh truyền thông Phật giáo như một kênh Hoằng pháp …”


Phật Sự Online có trên 60 nhân sự là phóng viên, Ban Biên tập và các bộ phận khác, vì vậy rất cần sự quan tâm chia sẻ, hỗ trợ của chư Tôn đức Tăng Ni, quý Phật tử và quý vị yêu mến Đạo Phật để có được kinh phí đảm bảo sự hoạt động bền vững và lâu dài.

Background Donate

Chủ tài khoản: KENH PHAT SU ONLINE

Số tài khoản: 070104929298

Ngân hàng Sacombank chi nhánh Kiên Giang

QRCOde Quan tầm và hỗ trợ phật sự online