Trong các ngày 4/12 đến ngày 11/12/2022, Đoàn Phật tử Chùa Pháp Tạng (Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, thành phố Hồ Chí Minh) kết hợp với Chùa Long Tuyền (Đồng Nai) đã có chuyến Hành Hương Phật Tích tại Ấn Quốc, tham dự Đại lễ Trùng Tụng Tam Tạng Thánh điển Tipitaka 2022 lần thứ 17. Được sự chỉ dạy của Đại đức Thích Trí Huệ - UVTT Ban Hoằng Pháp TƯ GHPGVN – Trụ trì Chùa Pháp Tạng, ngoài thiện sự trùng tụng Thánh điển, đoàn đã nhín thời gian đến thăm hỏi, động viên các gia đình bà con Ấn Quốc tại các khu Dân Nghèo, trao tặng những suất quà yêu thương gồm: 1 cái chăn, 5 kg bột Chapati, thuốc men, dầu gió và tiền mặt và các trường học tại khu vực này với tổng kinh phí thực hiện trên 150 triệu đồng.
Đức Phật – một bậc vĩ nhân, một bậc đại Trí Tuệ, đại Giác Ngộ của Tam thiên Đại thiên thế giới. Không chỉ vậy, Ngài còn là một nhà Đại cách-mạng, giải phóng con người ra khỏi hai thứ xiềng xích của tinh thần và thể chất, đó là nô lệ thần quyền và giai cấp xã hội.
Cách đây hơn 26 thế kỷ, đức Bồ Tát Siddhartha Gautama - sinh trưởng trong một gia đình Hoàng Tộc, vốn là một vị đương kim Thái Tử của đất nước Kapilavatthu. Tuy thuộc dòng dõi Sát Đế Lợi cao quý – có quyền kỳ thị những tầng lớp kém hơn mình (theo như cổ tục của xã hội Ấn Độ), nhưng với lòng từ bi bao la, Đức Bồ Tát đã không những không kỳ thị mà còn yêu thương vô hạn những người thuộc tầng lớp thấp kém hơn mình và vạn loài chúng sinh. Giữa một xã hội rối ren với 96 mối Đạo, Ngài thấu rõ được nỗi khổ đau của kiếp sống nhân sinh. Ngài không thấy một Đạo nào giúp chúng sinh thoát được khổ, Ngài mãi trăn trở về phương pháp giúp cho mọi loài có được nguồn phúc lạc trường tồn. Chính vậy mà ở cương vị tột cùng, có tất cả nhưng Ngài đã từ bỏ tất cả mà tầm Đạo cứu nhân sinh.
Tầm sư học Đạo nhưng không có một ai cho Ngài con đường thoát khổ thật sự. Để rồi, “Trải sáu năm nơi rừng sâu núi thẳm; Tấm thân ơi ! Còn lại nắm xương tàn.”
Ngài ép xác khổ hạnh, nhẫn chịu đến cùng cực nhưng vẫn không tìm thấy Đạo.
Một hôm, Ngài ngã quị bên dòng sông Ni Liên Thiền (Neranjarà). Khi tỉnh dậy, Ngài mới nhận ra rằng con đường khổ hạnh đến tột độ cũng chỉ là hành hạ thân xác, mà trí tuệ lại càng thêm thoái hóa. Nghĩ như thế, Ngài liền xuống rạch Ni Liên tắm rửa và trì trai khất thực cho lại sức.
Ngài chọn Đại Bồ Đề thọ làm nơi an trụ Thiền Định. Tâm trí minh mẫn không chút bợn nhơ, Ngài nhập xuất các tầng Thiền và chứng được Tam Minh – Lục Thông, hoàn toàn Giác Ngộ và giải thoát mọi mối dây buộc ràng sanh tử vào đêm Sao Mai vừa ló dạng của ngày mùng 08 tháng 12 năm 594 Trước Công Nguyên. Đêm ấy được gọi là ‘Đêm Thành Đạo’, đức Bồ Tát Siddhartha Gautama đã thành tựu quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, trở thành vị Phật với hiệu là Thích Ca trong lịch sử nhân loại.
“Rạch Ni Liên Thiền bốn chín đêm
Quán trí khai thông suốt cổ kim
Sao mai vừa mọc tam minh chứng
Đại giác Như Lai khỏi kiếm tìm.
Ma Vương nha chảo đến hành hung
Ngũ ấm nội ma buộc Phật tùng…”
Sự thành tựu của Ngài đã truyền đi bức thông điệp về tình yêu thương, dần dần qua tháng năm du hành giáo hóa đó đây, các đệ tử của Ngài tiếp tục truyền đi ngọn đuốc Chân lý tối thượng với một lời xác quyết rúng động con tim từ ngàn xưa cho đến nay, rằng: “KHÔNG CÓ GIAI CẤP KHI MÁU CÙNG ĐỎ! KHÔNG CÓ GIAI CẤP KHI NƯỚC MẮT CÙNG MẶN!”
Quả thật, đã là chúng sinh thì mãi quẩn quanh trong khổ đau và luân hồi sanh tử. Không ai không quý trọng mạng sống chính mình! Nếu không gặp được giáo lý Phật Đà, không thực hành con đường Bát Chánh, chắc chắn rằng, dòng luân hồi của chúng ta sẽ bất tuyệt miên viễn, không hồi kết. Thế giới sẽ chìm trong bóng đêm của sự u tối, si mê, hận thù và thương đau biết nhường nào.
Theo truyền thống xưa, xã hội Ấn Độ được chia thành 4 giai cấp:
- Giai cấp cao nhất là “Brahmani” gồm các tư tế, các người trí thức, các nhà chú giải các văn bản thánh, dạy dỗ và truyền thụ;
- Giai cấp thứ hai là “Kshatriya” gồm các nhà lãnh đạo quân sự, các chiến sĩ tức giới thượng lưu quân sự;
- Giai cấp thứ ba là “Vaishya” gồm các thương gia, các nông dân và các người chăn nuôi súc vật;
- Giai cấp thứ tư là “Shudra” gồm các người làm thủ công nghệ, đầy tớ và công nhân thợ thuyền.
Ngày nay tuy không phân theo giai cấp như xưa, những tầng lớp người dân nghèo tại xứ Ấn vẫn còn rất nhiều, nhất là các khu nhà tạm bợ, mà được mệnh danh là khu “Ổ Chuột”, nơi rất thiếu thốn về mọi mặt.
Xót xa trước những cảnh khổ ấy, đoàn chúng tôi với sự dẫn đoàn của Đại đức Thích Trí Quang – Trưởng đoàn; Đại đức Thích Huệ Thuận – Tiến sỹ Phật học – Phó đoàn; Sư Cô Thích Nữ Huệ Thiện – UVTT Phân Ban Quản lý các Cơ sở Bảo trợ Xã hội Phật giáo thuộc Ban Từ thiện Xã hội Trung ương GHPGVN - Trưởng Ban Từ thiện Xã hội Phật sự Online – Trụ trì Chùa Long Tuyền (Đồng Nai) cùng với 70 vị Tăng Ni, Phật tử đồng hành thực hiện chuyến thiện nguyện trao gửi yêu thương đến những khu nhà Tạm bợ của miền quê Bắc Ấn.
Ven theo các tuyến đường mà đoàn chúng tôi tìm về, “Nhà” với người dân khu này chỉ là một cái lán làm bằng thiếc với sàn đất nằm ở vòng ngoài. Bao quanh là những đồng cỏ hoang mọc lút cả ngôi nhà.
Thiếu nước sạch, điện đài, cơ sở vật chất - hạ tầng, cho đến kiến thức đều bị hạn hẹp, họ lẩn quẩn trong kiếp sống bần hàn, chịu nhiều thiệt thòi, đành chấp nhận trong kiếp sống cơ cực, áp bức không đường lui. Nghe đoàn chúng tôi đến phát quà từ thiện, những hộ không được phát phiếu cũng đến dự, mong có một phần quà hy hữu nào đó sẽ có cho gia đình họ trang trải miếng cơm manh áo qua ngày.
Những cái kẹo cái bánh được gửi tặng đến các bé. Các em vui thích đón nhận từng phần quà
Còn Cha Mẹ các em được gửi tặng những phần bột, cái mền, tiền mặt và thuốc men…
Được biết, tổng kinh phí thực hiện chương trình này trên 140 triệu đồng. Ngoài ra, các Phật tử đi trong đoàn cũng phát tâm chia sẻ yêu thương bằng tiền mặt đến những gia đình không có phiếu.
Cùng chuyến hành trình, đoàn từ thiện còn đến thăm các trường học và gửi tặng đến quý Thầy Cô giáo đang giảng dạy tại đây và các em học sinh tiền mặt, bánh kẹo, bút…
Đời sống của giáo viên nơi đây rất khó khăn, đồng lương lại ít ỏi. Yêu nghề giáo, muốn truyền dạy con chữ đến các em nhỏ, cho các em cơ hội đổi đời nên họ chẳng ngại gian lao. Sau những cuộc thăm hỏi và trao quà, đoàn chúc quý Thầy Cô nhiều sức khỏe, các em luôn yêu đời, gắng chăm ngoan học giỏi. Chia tay đoàn, ánh mắt trong veo, các em lưu luyến và dõi theo đoàn xe từ thiện trong niềm xúc cảm đặc biệt của cả đoàn chúng tôi.
Phật thành đạo không chỉ là một cuộc chinh phục vĩ đại, một chiến thắng vẻ vang đối với bản thân Ngài mà còn là một sự khai sáng tuyệt vời cho hết thảy chúng sanh. Với chí nguyện xuất gia phi thường, rốt cuộc rồi Ngài đã tìm được phương thuốc mầu nhiệm cứu chữa cho chúng sanh thoát cảnh trầm luân, bi oán, tăm tối trong tội lỗi và si mê, như chính lời Ngài phân tỏ với Xa-Nặc lúc chia tay:
“Giờ này mờ mịt quá
Mà sao Thái tử lại đi đâu?
Chính đời mờ mịt nên ta phải
Đi để tìm ra chân lí đạo mầu”.
Thời gian trôi đi, thế giới loài người cũng đã bao lần thay đổi, nhưng những lời dạy của Đức Phật vẫn mãi là bức thông điệp muôn thuở cho chúng ta nương theo hỏi hỏi, thực hành và thâm nhập. Phật dạy rằng: “Ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành”, câu nói đó vừa thể hiện sự đồng đẳng, nhân văn, tinh thần vô ngã và siêu việt, không những vậy, lời khẳng định đó lại xác quyết khả năng thành tựu Đạo Quả đồng với Phật, là động lực giúp chúng ta thêm vững vàng nơi tự thân mình. Hãy nương tựa hải đảo tự thân, hãy thực hiện hồi quang phản chiếu nơi chính mình, thực hành con đường Bát Chánh cao siêu trên nền Tứ Niệm xứ, rồi sẽ có ngày tuệ minh bừng tỏ. Phật không ở đâu xa, không cần tìm cầu bên ngoài, không có một quyền năng nào có khả năng ban phước giáng họa, mà:
Mỗi người có sẵn đèn lồng
Tự mình soi lấy chớ trông tầm ngoài
Cũng đừng ỷ lại vào ai
Phật, Tiên, Thần, Thánh tự ngay tâm mình.”
Sau đây là những hình ảnh được ghi nhận từ chuyến hành trình vừa qua:
Tin & Ảnh: Ban TT-TT Chùa Pháp Tạng