PSO – Ngày 17/10/2024 (nhằm ngày 15/9/Giáp Thìn), tại Trung tâm Hội nghị Vigyan Bhawan của Chính phủ Ấn Độ ở New Delhi, Thủ tướng Shri Narendra Modi đã tham dự sự kiện kỷ niệm Ngày Quốc tế Abhidhamma (Vi Diệu Pháp) và công nhận tiếng Pali là ngôn ngữ cổ. Sự kiện do Liên đoàn Phật giáo Quốc tế (IBC) tổ chức dưới sự bảo trợ của Bộ Văn hóa Ấn Độ, với sự tham gia của hơn 2.000 đại biểu từ hơn 10 quốc gia.
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Modi nhấn mạnh tầm quan trọng của tiếng Pali – ngôn ngữ được Đức Phật sử dụng để truyền bá giáo pháp. Nhân dịp kỷ niệm sự kiện lịch sử trọng đại, Ngài khẳng định chính phủ Ấn Độ sẽ tiếp tục các sáng kiến bảo tồn và phát triển ngôn ngữ này, nhằm giữ gìn di sản văn hóa và tinh thần của Ấn Độ. Thủ tướng cũng đề cập đến các nỗ lực của chính phủ trong việc phục hưng di sản Phật giáo, bao gồm việc đưa về nước hơn 600 hiện vật Phật giáo trong những năm gần đây. Ngài khuyến khích giới trẻ Ấn Độ không nên chỉ cần phấn đấu dẫn đầu thế giới trong khoa học và công nghệ mà còn nên tự hào về nguồn cội và giá trị văn hóa.
Ngày Quốc tế Abhidhamma (Vi Diệu Pháp) đánh dấu một trong những sự kiện thiêng liêng và cảm động nhất trong cuộc đời của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, diễn ra vào năm thứ 7 sau khi Ngài thành đạo, với lòng hiếu thảo và sự biết ơn sâu sắc, Ngài đã quyết định lên cõi trời Đạo Lợi để thuyết pháp độ Thánh mẫu – Hoàng hậu Maya qua đời 7 ngày sau khi sinh ra Ngài và tái sinh ở cõi trời Đạo Lợi (Tavatimsa) này, nhằm báo đáp công ơn của mẹ mình.
Theo truyền thống Phật giáo Nguyên thủy (Theravāda), ngày rằm tháng Chín âm lịch là ngày mãn mùa an cư kiết hạ (Pavārāna) của chư Tăng, đồng thời là khởi điểm mùa dâng y Kathina trong một tháng, từ 16/9 đến rằm tháng 10 âm lịch hàng năm.
Tại cõi trời Đạo Lợi, trong khoảnh khắc thiêng liêng giữa không gian yên bình và thanh tịnh, Đức Phật đã thuyết giảng Vi Diệu Pháp (Abhidhamma) – tinh túy giáo lý, suốt ba tháng hạ. Ngài biết rằng chỉ những giáo lý thâm sâu, vi diệu nhất mới đủ để tôn vinh và đền đáp xứng đáng với công đức mà mẹ Ngài đã dành cho Ngài trong vô lượng kiếp, khi Ngài còn trôi nổi trong luân hồi, phàm những công đức cao quí phải đền đáp bằng pháp cao quí. Sự kiện thuyết giảng Vi Diệu Pháp này không chỉ nhằm mục đích giác ngộ Phật mẫu, mà còn nhằm cứu độ chúng sanh nơi cõi trời Đạo Lợi. Nhờ đó, Thánh mẫu Maya đã đắc quả Tu-đà-huờn, một trong bốn quả thánh của Phật giáo. Và khi đó, vô số chư Thiên cũng được thành đạo bởi giáo lý thâm sâu, vi diệu này.
Abhidhamma (Vi Diệu Pháp), có nguồn gốc từ hai từ trong tiếng Pali: "Abhi" có nghĩa là "cao siêu" hoặc "tuyệt đối" và "Dhamma" có nghĩa là "pháp" hay “giáo lý”. Vi Diệu Pháp (Abhidhamma) được coi là tinh hoa trí tuệ của Đức Phật trong Tam Tạng Kinh Điển Pali, bao gồm bảy bộ sách chứa đựng những phân tích chi tiết về tâm, pháp và vạn vật, giúp người nghe thấu hiểu bản chất của thế giới và tâm thức. Abhidhamma tập trung vào sự phân loại, phân tích, và cấu trúc tinh vi của thực tại.
Hành động của Đức Phật tại cõi trời Đạo Lợi là một biểu hiện cao cả của lòng hiếu thảo và sự tôn kính đối với công ơn sinh thành dưỡng dục. Không chỉ báo đáp mẹ, Ngài còn dùng trí tuệ siêu việt của mình để truyền đạt giáo pháp, đem lại sự giác ngộ cho vô số chúng sinh. Đây là minh chứng cho sự hoàn hảo của Đức Phật, không chỉ ở khía cạnh giác ngộ tâm linh mà còn ở tình thương và lòng biết ơn vô hạn đối với những người thân yêu.
Sự kiện báo hiếu này của Đức Từ Phụ trở thành tấm gương sáng ngời về lòng hiếu thảo và sự cứu độ, một bài học quý giá về sự đền ơn đáp nghĩa trong đạo Phật. Qua đây, Đức Phật không chỉ dạy chúng sanh biết trân quý và biết ơn những người đã hy sinh cho mình, mà còn nhắc nhở chúng ta về tầm quan trọng của việc tìm cầu trí tuệ và tu tập để tự độ và độ tha.
Tin & Ảnh: IBC
Biên tập: Thái Hà