PSO: Ngày 06/11/2023 (nhằm ngày 23/09/ Qúy Mão), tại chùa Pariyatti Sasana Buddha Vihara, quận Namsai, Arunachal Pradesh, Ấn Độ, đã diễn ra lễ Poi kanto Sara Sangha - mang ý nghĩa cầu nguyện của người dân theo Phật giáo tại Arunachal Pradesh; họ xin phát lời sám hối với chư Tăng sau 03 tháng an cư theo truyền thống Nguyên thủy; cầu nguyện chư Tăng ban phước lành và một cuộc sống an lạc hạnh phúc với âm đức Tam bảo; tạm dịch là “Lễ sám hối với Tăng đoàn”.
Lễ hội đã thu hút khoảng 10 ngàn người về tham dự, hơn 800 chư Tăng, chỉ khoảng chục tu nữ, trong tinh thần trách nhiệm với văn hóa Phật giáo mà họ sinh ra có duyên. Chứng minh buồi lễ, về phía quý chư Tăng trưởng lão có: (1) Hòa thượng Dharmakitti, Trưởng ban Tăng đoàn Tỳ kheo Arunachal/ Trưởng ban Trị sự Giáo hội Arunachal; (2) Hòa thượng Aggadhamma, trụ trì chùa Namsai; (3) Sư trụ trì Bhikkhu Vimala Tissa chùa Vàng ở Namsai (Golden Pagoda/ Kong Mu Kha hay Kongmu Kham Monastery Namsai). Về phía chính quyền quận Namsai có (4) ngài C. R Khampa, APCS Phó ủy viên quận Namsai.
Đại lễ Poi kanto Sara Sangha năm nay (2023), lãnh đạo quản lý và Tăng đoàn Arunachal Pradesh đã bàn và đồng ý để quận Namsai đăng cai tổ chức tại chùa Pariyatti Sasana Buddha Vihara. Arunachal Pradesh có 26 quận, dân chúng hầu hết theo Phật giáo Nguyên thủy, đời sống gắn liền với chùa chiền, trọng Sư; hiếm có nơi nào như vậy tại Ấn Độ thời hiện đại.
Buổi lễ có mặt đông đảo đại diện và dân chúng từ 85 làng ở 4 quận - Namsai, Lohit, Changlang và Tirap đã tụ họp tại chùa Pariyatti Sasana Buddha Vihara, Namsai. Trong số 85 đoàn đến dự lễ, mỗi đoàn đại diện cho một làng, sự chuẩn bị kĩ lưỡng và số lượng người tùy theo sự phân bổ dân cư ở địa phương đó.
Buổi sáng, chư Tăng và Phật tử nam nữ, già trẻ gái trai, ăn mặc thật đẹp và trang nghiêm theo phong tục truyền thống, xuất phát từ chùa khu vực mình cư trú. Và cứ như vậy, các đoàn từ khắp các ngả đường tiến về chùa Pariyatti Sasana Buddha Vihara như một dòng sông đổ ra biển lớn - nơi được chọn để buổi lễ Poi kanto Sara Sangha diễn ra đã được chuẩn bị trước đó nhiều tháng.
Các ngả đường tiến về chùa chính có rất nhiều cảnh sát bảo hộ, ngay từ đầu đường đã rộn ràng. Xe con, xe bán tải, tiếng chiêng trống không ngớt báo hiệu và cờ Phật giáo treo khắp nơi.
Tiến vào gần cổng chính của chùa Pariyatti Sasana Buddha Vihara, các đoàn nối nhau sắp hàng đi bộ diễu hành, với tiếng trống lớn, cồng chiêng – đặc trưng của văn hóa vật thể vùng Namsai, Arunachal Pradesh; ai cũng vui nhộn phấn khởi, không khí vô cùng xúc động hùng tráng miền cao.
Trong đó, dẫn đầu với sự biểu diễn đánh trống, chiêng, mặc lễ phục, của người nam. Sau đó đến gánh kiệu làm bằng tre, nam nữ cùng gánh trên vai với nhiều nhánh rất linh thiêng đỡ trên đó một cây cao khoảng 50 phân đến gần mét, tên địa phương là cây “Ton patesa”; trên cây có gắn hương thơm, nến và tịnh tài tiền lẻ, dâng lên Tam bảo. Lễ rước còn có nhiều người cầm vật linh như những cây phướn, cây nêu cát tường, có tên địa phương là “Tankhon”, rất giống văn hóa cúng dường của Thái.
Nam nữ tất cả đều nhảy múa hoan hỷ trong làn điệu của dân tộc, nhẹ nhàng, trang nhã. Có đoàn công phu thêm các tiết mục phụ họa biểu tượng về đời sống dân cư nông nghiệp; như phục trang bằng hình ảnh lợn, gà…, ước mong cuộc sống sung túc, gắn bới với thiên nhiên. Đa phần dân nơi đây ăn chay, tránh tối đa sát sanh. Thực phẩm bán quanh lễ hội không thấy giết mổ, chỉ nước trái cây nhẹ nhàng và tranh Phật là chính, cùng các mặt hàng thủ công may mặc, đồ chơi trẻ em.
Những người nam cư sĩ được Ban Tổ Chức chọn đại diện đón các đoàn, luôn đứng dậy cung kính hoan hỷ trong sự chắp tay búp sen (giống nghi lễ thể hiện người Phật tử Việt Nam); hầu hết họ mặc áo trắng – biểu tượng người cư sĩ Nguyên thủy. Mỗi đoàn đến lại được chùa đăng cai cho người ra đón với chuông trống vang dội, thể hiện sự hiếu khách, kính Tam bảo nồng nhiệt; trước cổng chùa.
Bước vào cổng chùa, BTC chùa đăng cai sắp mỗi bên khoảng 20 thiếu nữ mặc đồ truyền thống áo trắng, váy thổ cẩm, múa làn điệu dân tộc; tiếp tục thể hiện sự vui mừng nồng nhiệt đón tiếp từng đoàn.
Cứ vậy, trong suốt cả buổi sáng, các đoàn diễu hành khắp các lối đi trong chùa chính, xen lẫn với sự cầu nguyện, đồ cúng chủ yếu là hương và nến. Người nam mặc đồ như cư sĩ nam của người Miến. Thông qua các phong cách trang phục tại lễ hội thấy rõ sự hòa trộn văn hóa tại Namsai, Arunachal Pradesh: gần gũi văn hóa Thái, Miến; cả một số dân tộc phía Bắc, Tây Bắc của Việt Nam như: Thái, Tày,…; gần gũi ít nhiều với lễ hội của người Khmer miền Tây Việt Nam.
Như tinh thần chung của Lễ Hội, Phần Lễ được cử hành theo truyền thống chư Tăng Nam tông, đọc kinh Pali, Phật tử dâng lễ cúng dường, ban phước. Các quận Lohit, Chowkham ở Arunachal Pradesh đều lưu trữ thư viện kinh điển lớn. Phần Hội gắn liền với văn hóa bản địa truyền thống lâu đời nơi đây của địa phương, bản sắc văn hóa riêng.
Buổi trưa, chư Tăng cùng dùng vật thực Tứ chúng dâng cúng, sau đó thuyết pháp; chính quyền Arunachal Pradesh và Namsai đại diện thay mặt phát biểu. Cũng như tinh thần của 10 parami, buổi lễ được miễn phí hoàn toàn thức ăn cho người về dự ở khu vực ăn tập trung và có chiêu đãi các loại nước cũng như một số thức ăn nhẹ miễn phí cho người về dự từ khắp nơi. Tâm lý dân chúng thuần Phật pháp, mỗi nhà đều thờ Phật và treo ảnh chư Tăng nổi tiếng tại gia; thức ăn tuy ít nhưng mỗi ngày trong làng luân phiên các gia đình chia nhau dâng cúng không để chư Tăng thiếu vật thực, họ làm bằng cả tấm lòng và khả năng thanh tịnh nhất đúng pháp.
Không khí lễ hội không xô bồ và chánh niệm, sự nhẹ nhàng luôn bàng bạc xen lẫn niềm vui tươi phấn khởi của tất cả mọi người. Đây là một đại lễ lớn của người theo Phật giáo tại Arunachal Pradesh. Lễ hội kéo dài đến tận buổi tối với thời tụng kinh chung; chủ yếu là kinh Nikaya và Abhidhamma (tạng Luận Vi Diệu Pháp).
Thị trấn Namsai thuộc quận Lohit, bang Arunachal Pradesh. Từ năm 2015, Namsai biệt lập với Lohit, thành quận riêng. Arunachal Pradesh hiện dân số khoảng 1,820,000 người; điều kiện an ninh chính trị, kinh tế, giáo dục nơi đây khá ổn; văn hóa vô cùng phong phú; gắn với đời sống nông nghiệp, thủ công nghiệp, lâm nghiệp; có nhiều tộc người cùng chung sống. Và đặc biệt, hầu hết dân chúng theo Phật giáo Nguyên thủy.
Văn hóa Thái, Miến hòa vào tự nhiên với nhóm người Khamti bởi các yếu tố lịch sử; điều này được thể hiện qua kiến trúc nhiều chùa tại Namsai với mô hình bảo tháp chùa Vàng Myanmar. Người Khamti đến sinh sống tại Arunachal Pradesh khoảng thế kỉ XVIII - XIX từ miền bắc Myanmar.
Chùa Vàng ở Namsai (Golden Pagoda/ Kong Mu Kha hay Kongmu Kham Monastery Namsai), Arunachal Pradesh, cũng là một trong những ngôi chùa nổi tiếng ở Namsai nói riêng và Ấn Độ nói chung. Sư trụ trì là Bhikkhu Vimala Tissa cùng góp bài chia sẻ thuyết pháp rất sâu sắc tại lễ hội Poi kanto Sara Sangha, nội dung khích lệ phát triển Phật giáo tại Namsai cũng như Arunachal Pradesh phát triển đoàn kết rộng lớn. Chùa Vàng, của Sư Bhikkhu Vimala Tissa có kiến trúc cũng độc đáo theo hơi hướng Miến - Thái kết hợp như chùa Pariyatti Sasana Buddha Vihara, Namsai. Hai chùa này giữ vị trí quan trọng trong đời sống người dân nơi đây, quý Sư đều là những Tăng tài có Pháp học và Pháp hành; quá trình phụng sự Phật pháp gắn liền với sự bảo hộ của chính quyền Arunachal Pradesh cũng như các cấp quản lý tại quận Namsai.
Có thể nói, lễ hội Poi kanto Sara Sangha tôn vinh giá trị đạo Phật không chỉ ở Arunachal Pradesh, Ấn Độ , nơi thuần dân chúng theo đạo Phật như một sự tự hào và thể hiện sự tín tâm với Phật pháp mà còn có ý nghĩa bảo lưu các giá trị văn hóa bản địa của Arunachal Pradesh; giúp thắt chặt tình đoàn kết cư dân nơi đây; góp phần gìn giữ và phát triển Phật giáo Nguyên thủy ở Ấn Độ nói riêng và trên thế giới nói chung; là niềm tự hào của người con Phật; thể hiện Phật giáo đi đến bất kì quốc gia, nơi nào, cũng nhu nhuyến uyển chuyển linh hoạt theo tinh thần văn hóa bản địa nhưng giáo lý chung vẫn được lưu giữ; chư Tăng luôn thể hiện sự bất hại, hướng dẫn hoằng pháp, khai thị cho hàng cư sĩ biết đến Tam quy, Ngũ giới, Thập thiện, Bát quan trai, thực hiện các ba-la-mật thiện pháp và xứng đáng là ruộng phước điền, là viên ngọc quý nơi thế gian cho quần chúng nương tựa cúng dường gieo duyên; chư Tăng chuyên tâm vào pháp học pháp hành để có pháp thành cũng hết sức chăm lo đời sống của người dân nơi trú xứ mình giáo hóa để hàng cư sĩ sống đời tại gia thiện lành, mục đích giải thoát luân hồi.
Sau đây là hình ảnh ghi nhận được:
TN Viên Giác