PSO - Thiền sư Ottamathara - Tăng đoàn Thabarwa tham dự Đại lễ khai mạc tụng Kinh Pali Tipitaka kết hợp hướng dẫn thiền tại Deekshabhoomi Stupa - Nagpur. Đây là một sự kiện quốc tế lớn, quy tụ quý Tăng Ni từ nhiều quốc gia, như: Ấn Độ, Thái Lan, Mỹ, Myanmar, Lào, Việt Nam, Campuchia… diễn ra từ ngày 2/2 - 6/2/2025 tại Nagpur, với sự tham dự khoảng hơn 100 Tăng Ni, hơn 1000 Phật tử. Có thể nói, chương trình tu tập 5 ngày này vẫn nằm trong khuôn khổ Đi Bộ & Trùng tụng Tipitaka, của Tăng đoàn Quốc Tế cộng tu.
Trong chuỗi hoạt động Phật sự mang ý nghĩa thúc đẩy Phật giáo phục hưng tại Ấn Độ này, trước đó, buổi tối ngày 1/2/2025 đã diễn ra chương trình “Giao lưu Văn hóa Phật giáo” tại Nagpur. Để hôm sau là Đại lễ khai mạc “Chương trình tụng Kinh Tipitaka” diễn ra gần một tuần.
Nội dung Đại lễ diễn ra sáng ngày 2/2/2025 tại sảnh đường Diksha Bhumi Auditorium, ở Nagpur:
Ngày 1: Buổi tối ngày 1.2.2025, Giao lưu Văn hóa Phật giáo Nagpur
Ngày 2: Khai mạc chương trình trùng tụng Tipitaka
Ngày 3: Tụng kinh, thuyết pháp
Ngày 4: Tụng kinh, thuyết pháp và hướng dẫn thiền tập
Ngày 5: Tụng kinh, thuyết pháp và bế mạc
Chương trình gồm: Khai Kinh và Hội nghị Phật tử tại Nagpur (2/2/2025), diễn ra từ sáng đến chiều; gồm các phần chính:
7g30: Đại chúng vân tập;
8g30: Diễn văn khai mạc;
9g00 - 11g00: Bắt đầu chương trình Tụng kinh;
15g00: Thuyết pháp
Đêm Giao lưu Văn hóa Phật giáo Nagpur, Hoà thượng Chalong Candasiri - Phó chủ tịch Hội đồng Trùng Tụng Tam Tạng Kinh Điển Quốc Tế ITCC (International Tipitaka Chanting Council) tuyên bố về nội dung ý nghĩa chương trình. Bà Wangmo Dixey - Thành viên Hội đồng ITCC, Ban Tổ chức Đại lễ này (là người có công rất lớn với chương trình Trùng tụng Tipitaka Quốc Tế nhiều năm qua tổ chức thường niên tại Bodhgaya) cũng phát biểu.
Đại lễ khai mạc tụng Kinh Pali Tipitaka kết hợp hướng dẫn thiền tại Deekshabhoomi Stupa – Nagpur năm nay trên thực tế đã kéo dài sau Tụng Tạng Tipitaka từ cuối năm 2024 đến hết tháng 3 năm 2025. Mục đích lan tỏa Phật Pháp khắp đất Ấn, vì vậy, Ban Tổ chức cũng chia thành từng khung chương trình nhỏ để linh động các hình thức hoằng pháp.
Thiền sư Sayadaw Ottamathara chuyên dạy Thiền Vipassana, Myanmar được mệnh danh là “Thiền sư Sóng thần” bởi sự hoằng pháp “siêu xuất”, “hiếm có”; sự dấn thân hành đạo “vượt trội”. Ngài quan tâm sâu sắc đến việc hành trì, hiện là người đang có công lớn đưa Thiền ứng dụng rộng rãi trên thế giới; chung tay vì hòa bình và tiến bộ của nhân loại. Pháp thiền của Ngài khuyến khích con người thời hiện đại sống “chánh niệm tỉnh thức” trong từng khoảnh khắc; “bình yên bất động trong nội tâm”, thực hành các thiện pháp miên mật do tin sâu Nhân Quả; trân trọng sự sống và tự nguyện phụng hiến. Thiền Sư giảng Pháp và hướng dẫn thiền Vipassana tại nhiều viện nghiên cứu, trường học, bệnh viện và tư gia trong đó có Ấn Độ với một số trung tâm Thabarwa đã và đang hình thành. Ngài không chỉ là một Thiền sư, một Pháp sư, một nhà tâm lý học, nhà xã hội học... mà còn là một người lãnh đạo Phật giáo có tầm ảnh hưởng lớn đối với Tăng đoàn, Phật tử, dân chúng ở Myanmar và một số nơi trên thế giới hiện nay.
Những thiện pháp cộng đồng Thabarwa Quốc tế đã và đang triển khai dưới sự chứng minh và ảnh hưởng bởi lời dạy Ngài Ottamathara luôn nhận được sự yêu mến của quần chúng giúp cho nhiều người biết đến giáo Pháp; trợ duyên lành cho nhiều người chuyển hóa được cảm xúc tiêu cực khổ đau, hướng thiện, sống tích cực và vì cộng đồng; góp phần giải quyết các vấn nạn của xã hội thời hiện đại; chứng minh thiết thực lời dạy của Đức Phật khi được vận dụng đúng đắn, luôn mang đến những điều chân lý tốt đẹp cho con người không phân biệt màu da quốc độ.
Nhận lời mời trước đó của nữ Cư sĩ WangMo, Ngài Ottamathara đồng ý tham gia, ngoài ra trong thời gian có hạn với Phật sự phủ kín khắp nơi tại Myanmar và phương Đông, phương Tây, Ngài thiền sư vẫn kết hợp với nhiều nhóm Tăng đoàn Ấn và hướng dẫn thiền ở khung giờ thích hợp.
Nagpur được xem là thánh địa của những Phật tử mới Ấn Độ, liên quan vấn đề cải đạo từ Ấn giáo sang Phật giáo xuất phát sau phong trào của B.R. Ambedkar. Deeksha Bhoomi được xây dựng tại nơi B.R. Ambedkhar tổ chức lễ quy y theo Phật giáo vào năm 1956. Hầu hết những người cải sang Phật giáo từ sau phong trào B.R. Ambedkar đều xuất thân từ đẳng cấp thấp, và ở Nagpur, đẳng cấp Mahar.
22 lời thệ nguyện của B.R. Ambedkar khi ông quy y Phật giáo, dành cho tất cả những người quy y theo Phật giáo về sau: không tin Brahma, Vishnu và Mahesh, Rama, Krishna, Gauri, Ganapati và những thần và nữ thần khác của người Ấn giáo, không thờ phượng họ; không tin vào sự hóa thân của thần linh; không tin Đức Phật là hóa thân của thần Vishnu; không thực hiện ‘shraddha’ không dâng cúng ‘pind-dan’; không hành động theo một thể thức vi phạm những nguyên tắc và lời dạy của Đức Phật; không theo bất kỳ nghi lễ nào do các Bà-la-môn; tin và nỗ lực thiết lập sự bình đẳng giữa con người; theo Bát Chánh đạo và Ba la mật của Đức Phật; thể hiện lòng từ bi đối với tất cả chúng sanh và bảo hộ họ; không trộm cắp; không nói dối; không phạm tà hạnh; không sử dụng các chất gây say nghiện như bia rượu và mà túy…; nỗ lực thực hành Bát Chánh đạo và thực hành lòng từ bi trong đời sống hàng ngày; từ bỏ Ấn giáo chọn Phật giáo; tin tưởng kiên định Pháp (Dhamma) của Đức Phật là tôn giáo duy nhất đúng; tin sự sinh trở lại của mình sau khi quy y và tin lời Phật là đúng; sẽ sống theo những nguyên tắc và lời dạy của Đức Phật và Pháp của Ngài.
Phong trào của B.R. Ambedkar thành công lớn ở lĩnh vực chính trị - xã hội. Ở thành phố Nagpur nói riêng và ở bang Maharashtra nói chung, tên tuổi của ông được đặt tên đường, tên trường học và các quỹ từ thiện, kể cả trong tranh cử lãnh đạo. Hiện số người cải từ Ấn giáo sang Phật giáo mới của B.R. Ambedkar rất đông đảo và mỗi năm vẫn có hàng trăm ngàn người. Đại lễ Tụng Kinh Pali Tipitaka kết hợp hướng dẫn thiền tại Deekshabhoomi Stupa – Nagpur của Ban Tổ Chức cũng góp phần phát triển Phật giáo tại Nagpur và Ấn Độ dựa trên các giá trị lịch sử từ quá khứ, đó cũng chính là tinh thần lời Phật khuyến khích các Tỳ kheo hãy dấn thân hành đạo thắp lên chánh pháp của đức Như Lai vì hạnh phúc vì an lạc cho chư Thiên và loài người.
Thabarwa India - TN Viên Giác