PSO - Thực hiện Thông bạch số 348/TB-HĐTS, ngày 12 tháng 11 năm 2024 của Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam về việc tổ chức Đại lễ tưởng niệm lần thứ 716 ngày Đức Vua – Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết bàn.
Sáng ngày 01/12/2024 (nhằm ngày 01/11/Giáp Thìn), tại chùa Viên Minh, Phường An Hội, Thành phố Bến Tre, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh trang nghiêm tổ chức Đại Lễ tưởng niệm lần thứ 716 năm, ngày Đức vua - Phật Hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết bàn, dưới sự chủ trì của Hòa Thượng Thích Nhựt Tấn – UVTT HĐTS, Trưởng BTS GHPGVN tỉnh Bến Tre.
Quang lâm buổi lễ có sự hiện diện có HT.Thích Lệ Đức, HT.Thích Lệ Linh – Thành viên HĐCM, Chứng minh BTS GHPGVN tỉnh Bến Tre; HT.Thích Huệ Ngộ chứng minh BTS GHPGVN tỉnh; TT.Thích Huệ Đức – Phó BTS, Trưởng ban Kiểm Soát GHPGVN tỉnh; TT.Thích Thanh Mẫn - Phó BTS, Trưởng ban Nghi lễ GHPGVN tỉnh; ĐĐ.Thích Trí Thuận - Phó Ban, Chánh Thư ký BTS GHPGVN tỉnh; ĐĐ.Thích Trung Hòa - Phó Thư ký BTS, Chánh văn phòng BTS GHPGVN tỉnh; NT.Thích nữ Như Tâm, NT.Thích nữ Như Chơn – Đồng chứng minh Phân ban Ni giới tỉnh; NS.Thích nữ Như Nguyệt – Phó Thư ký BTS, Trưởng ban kinh tế tài chính GHPGVN; NS.Thích Như Uyên – UV TT BTS, Phó thường trực Phân Ban Ni giới tỉnh; Cùng chư Tôn đức Tăng Ni thường trực BTS tỉnh, huyện, thành phố, Chư Tăng Ni trụ trì các tự viện thành phố tham dự đông đủ.
Đại diện các cấp Chính Quyền tham dự có Ông Nguyễn Công Vĩnh – UVTT UBMTTQVN tỉnh; Ông Hà Văn Tài – Chuyên viên Ban Tôn giáo tỉnh; Ông Bùi Văn Khoai – chuyên viên Phòng Nội vụ thành phố; Phan Thị Xuân Hương – Chuyên viên UBMTTQVN thành phố; Cùng đại diện các ban ngành, đoàn thể, Đài Truyền hình Bến Tre, Truyền hình An Viên đến đưa tin.
Đại diện ban ngành đoàn thể tỉnh, thành phố tham dự
Trên tinh thần truyền thống tri ân, báo ân đối với chư tổ sư tiền bối hữu công, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh trang nghiêm tổ chức Đại Lễ tưởng niệm lần thứ 716 năm, ngày Đức vua - Phật Hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết bàn. Đây cũng là dịp để chư Tăng Ni trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phật tử trong cả nước tưởng nhớ đến công lao và thể hiện sự biết ơn đối với các bậc tiền nhân hào hùng trong lịch sử thời đại nhà Trần có Đức vua - Phật Hoàng Nhân Tông có lịch sử, có sự thật. Ngài đại diện cho ý chí vươn lên và sự thống nhất đất nước, cũng là một vị Tổ sư đã để lại cho đời sau sự nghiệp hành đạo sáng chói, kết hợp hài hòa giữa vai trò của một vị Vua và một nhà tu hành Phật giáo luôn nêu cao tinh thần đồng hành cùng dân tộc. Cuộc đời và sự nghiệp của Phật hoàng Trần Nhân Tông không chỉ là một bài học giá trị về đạo trị Quốc an dân, còn tạo ra sự đồng cảm trong xã hội đương thời, cần được nghiên cứu sâu và phát huy giá trị để áp dụng trong thực tế xây dựng một đất nước hòa bình, phát triển ấm no và hạnh phúc.
Trong không khí trang nghiêm, HT.Thích Lệ Đức – Thành viên HĐCM, Chứng minh BTS GHPGVN tỉnh cung tuyên tiểu sử, công hạnh, đạo pháp Sơ Tổ Thiền Phái Trúc Lâm - Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông.
Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông, tên húy là Trần Khâm, sinh ngày 07/12/1258 (11/11/Mậu Ngọ), con trưởng của Vua Trần Thánh Tông và Hoàng Thái hậu Nguyên Thánh. Đức vua Trần Nhân Tông là vị Hoàng đế anh minh, nhà tư tưởng vĩ đại của dân tộc, đồng thời là bậc Thiền sư giác ngộ ở cảnh giới cao. Cách đây hơn 700 năm, vào tháng 8 năm Kỷ Hợi (1299), Hoàng đế Trần Nhân Tông từ phủ Thiên Trường xuất gia vào núi Yên Tử tu khổ hạnh, lấy đạo hiệu Hương Vân Đại Đầu Đà, đánh dấu sự ra đời của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Với việc lập ra phái Trúc Lâm, Hoàng đế Trần Nhân Tông đã thống nhất các thiền phái tồn tại trước đó, và toàn bộ Phật giáo đời Trần về chung một thiền phái.
Ngài thâu thần thị tịch ngày 01/11/Mậu Thân (1308). Thọ thế 51 năm tại am Ngọa Vân, Đông Triều, Quảng Ninh. Vua Trần Anh Tông cung thỉnh nhục thân Ngài về kinh đô Thăng Long cử hành Quốc tang trong thời gian hai tuần. Sau đó, Vua quan, quần thần, văn võ bá quan, đệ tử Pháp Loa, Bảo Sát và chúng Tăng trong nước cử hành Lễ Trà tỳ.
Giáo lý của Phật hoàng Trần Nhân Tông nổi bật ở tinh thần nhập thế, gắn liền giữa đạo với đời, mang đậm nét dân tộc và là một thành tố văn hóa Việt Nam; ngời sáng tâm thế lấy lợi ích dân tộc và chúng sinh làm căn bản, tu hành và giác ngộ ngay giữa trần tục. Thiền phái Trúc Lâm là sự kết hợp nhuần nhuyễn triết học siêu nhiên Phật giáo với nhân sinh quan Nho giáo và vũ trụ quan Lão giáo, đã làm rạng ngời cho niềm kiêu hãnh Phật giáo Việt Nam với Phật giáo quốc tế.
Tiếp đến, Hòa thượng Thích Nhựt Tấn – UVTT HĐTS, Trưởng BTS GHPGVN tỉnh Bến Tre tuyên đọc văn tưởng niệm, tri ân Đức Vua Trần Nhân Tông - Sơ tổ đã khai sáng Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, phái thiền Việt Nam đầu tiên công nhận là di sản văn hóa muôn đời cho nhân thế, là niềm vinh dự, tự hào của Phật Giáo Việt Nam.
Sau lời tưởng niệm, Chư tôn đức giáo phẩm và quý Chính quyền dâng hương đảnh lễ và thực hiện nghi thức tưởng niệm Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết bàn nhân dịp 716 năm, ngày nhập Niết bàn.
Thay mặt Ban tổ chức, TT.Thích Trí Thọ – UV HĐTS, Phó Thường trực BTS, Trưởng ban Pháp Chế GHPGVN tỉnh có đôi lời cảm tạ, tri ân chư Tôn giáo phẩm, lãnh đạo tỉnh, thành phố và Chính quyền cơ sở, báo đài đã trở về tham dự đông đủ và đưa tin, tạo duyên lành cho buổi lễ thành tựu viên mãn.
Buổi lễ diễn ra thành tựu viên mãn, trên tinh thần tri ân và báo ân đối với bậc tiền nhân - Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông, nhân dịp 716 năm ngày nhập niết bàn.
Giới thiệu hình ảnh ghi nhận thêm:
Ban TT-TT PG tỉnh Bến Tre