PSO- Sáng ngày 20/7/2024, chư Tôn đức Tăng Ni của 2 trường hạ trong tỉnh vân tập về chùa Tỉnh Hội, phường Tân Thiện, TP. Đồng Xoài, lắng nghe ông Trần Thương Huyền – Phó Trưởng Ban Tôn giáo tỉnh Bình Phước phổ biến nghị định 95/2023/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật tín ngưỡng, tôn giáo.
Trước khi bắt đầu buổi lễ, toàn thể đại chúng đã giành 1 phút mặc niệm tưởng nhớ đến cố Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng từ trần và Hòa thượng Thích Huệ Trí – Phó Chủ tịch HĐTS, Phó Trưởng Ban Tăng sự Trung ương GHPGVN viên tịch cùng ngày 19/7/2024.
Ông Trần Thương Huyền, Phó Trưởng Ban Tôn giáo tỉnh điểm lại những thành tựu về văn hóa, kinh tế, xã hội của tỉnh. Những thành quả đạt được, trong đó nhờ sự đồng sức, đồng lòng của nhân dân, sự đóng góp của chức sắc, chức việc, nhà tu hành và tín đồ các tôn giáo, đồng bào có tín ngưỡng. Đã tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, góp phần thực hiện xuất sắc các chương trình phát triển kinh tế, xã hội địa phương, cùng toàn dân xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ hòa bình, giữ vững an sinh xã hội tại địa phương.
Tại buổi lễ, chư Tôn đức Tăng Ni đã được ông Trần Thương Huyền phổ biến Nghị định 95/2023/NĐ/CP ngày 29/12/2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng tôn giáo, trong đó phân tích rõ 13 điểm mới của Nghị định 95/2023/NĐ/CP so với các văn bản trước đây.
Theo đó, Nghị định số 95/2023/NĐ-CP được ký ban hành vào ngày 29/12/2023, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 30/3/2024 và thay thế cho Nghị định số 162/2017/NĐ-CP ngày 30/12/2017 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo. Nghị định bao gồm 06 Chương, 33 Điều, tăng 08 điều so với Nghị định số 162/2017/NĐ-CP, kết cấu lại Chương II thành 03 mục, bổ sung tên Chương III, Chương V, cùng với đó là 60 biểu mẫu được ban hành kèm theo. Một trong các điểm mới có thể kể đến như Nghị định số 95/2023/NĐ-CP đã dành một điều giải thích các từ ngữ về công trình tín ngưỡng, công trình tôn giáo, công trình phụ trợ, giấy tờ chứng minh có địa điểm hợp pháp. Ngoài ra, Nghị định số 95/2023/NĐ-CP còn bổ sung các quy định về thay đổi người đại diện, thay đổi địa điểm sinh hoạt tôn giáo tập trung của người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam; đình chỉ toàn bộ hoạt động tôn giáo của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc; đình chỉ hoạt động đào tạo của cơ sở đào tạo tôn giáo; phục hồi hoạt động của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc; phục hồi hoạt động của cơ sở đào tạo tôn giáo; việc xác định công trình phụ trợ được miễn giấy phép xây dựng; hoạt động quyên góp; tiếp nhận tài trợ của tổ chức, cá nhân nước ngoài; hình thức tổ chức hoạt động tôn giáo, hoạt động quyên góp, tiếp nhận tài trợ; tiếp nhận hồ sơ; phân cấp, ủy quyền… Các điểm mới này góp phần hoàn thiện pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo cũng như nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo thời gian tới.
Dịp này, ông Trần Thương Huyền cũng lắng nghe và trao đổi một số khó khăn, vướng mắc trong các hoạt động, tín ngưỡng, tôn giáo tại tỉnh Bình Phước. Bên cạnh đó, ông Trần Thương Huyền đã dành thời gian để trao đổi thỏa đáng các ý kiến được chư Tăng, Ni đặt ra.
Trưa cùng ngày, chư Tôn đức Tăng vân tập lên chánh điện niêm hương bạch Phật, bố tát tụng giới dưới dự chứng minh của Thượng tọa Thích Tỉnh Cường, ủy viên HĐTS, Phó Ban Thường trực Ban Trị sự Phật giáo Việt Nam tỉnh.
Đại chúng đã trang nghiêm lắng nghe Đại đức Thích Tâm Thanh, Phó Thư ký, Phó Chánh Văn phòng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh trùng tụng giới kinh.
Giới luật là thọ mạng của Phật pháp. Theo lời Phật dạy từ xưa, mỗi tháng 2 lần, Tăng đoàn cùng trở về một trú xứ trùng tuyên Giới luật do đức Phật chế định, ngõ hầu soi sáng lại chính mình.
Trong Luật có dạy:
“Giới như đèn sáng lớn,
Soi sáng đêm tối tăm.
Giới như gương báu lớn,
Chiếu sáng tất cả pháp.
Giới như châu ma ni,
Rưới của giúp kẻ nghèo.
Chỉ giới này hơn cả”.
Nương nơi giới, hành giả chuyển hóa tam độc (tham – sân – si), từ đó tam nghiệp (thân – khẩu – ý) được thanh tịnh, đây chính là nền tảng quan trọng của tu sĩ Phật giáo; vì nhờ Giới mà hành giả đạt được giác ngộ và có khả năng hướng dẫn người khác giác ngộ để tất cả đều được giải thoát khỏi đêm dài sanh tử.
Trong không khí hòa hợp thanh tịnh, toàn thể đại chúng cùng vân tập trai đường thực hiện nghi thức Quá đường và kinh hành niệm Phật.
Tin,ảnh: Tâm Đức, Thành Triết.