PSO- Sáng ngày 20/7/2023 (03/6 Quý mão, tại chùa Phật Tổ (Sắc Tứ Quan Âm Cổ Tự), tọa lạc tại khóm 3, phường 4 Tp Cà Mau, tỉnh Cà Mau, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh cùng Tăng Ni hai trường Hạ Sắc tứ Quan Âm cổ tự và Kim Sơn cổ tự đang trang nghiêm thiết lễ tưởng niệm 181 năm ngày Tổ sư Thích Trí Tâm, khai sơn Quan Âm cổ tự viên tịch.
Quan Âm cổ tự được xây dựng vào năm 1840, mang đậm lối kiến trúc cổ của thế kỷ 19, đây là nơi truyền giáo Phật pháp sớm nhất ở vùng đất Cà Mau. Nguyên cách gọi tên chùa Phật Tổ là do sự tôn kính từ lâu đời của người dân vùng Cà Mau với vị hòa thượng lập dựng chùa: Hòa thượng Thích Trí Tâm.
Truyền thuyết kể lại khoảng năm 1840 vùng Cà Mau là vùng lau sậy, theo dòng người đi khai hoang mở đất có chàng trai Tô Quang Xuân đi lấy củi trong rừng, khi rìu bổ vào thân cây bồ đề cổ thụ thì thấy lộ ra một quyển kinh Phật đặt ở gốc cây. Từ đó chàng trai dựng am thờ Đức Quan Thế Âm vừa tu vừa bốc thuốc chữa bệnh cho dân bên bờ kênh Quản Lộ. Tương truyền, Tô Quang Xuân tụng kinh Kim Cương cảm hóa được thú dữ. Thiên hạ biết tiếng kéo đến xin thuốc và học đạo rất đông. Trong số những đệ tử này có cả cọp dữ cũng đến để học đạo. Hiện nay tháp của con hổ ấy vẫn còn, đệ tử trong chùa gọi là tháp Sư Cậu.
Về sau, nhờ người dân đóng góp tài vật, Tô Quang Xuân dựng được một ngôi chùa bằng lá đơn sơ. Thấy vậy, hương hào Đỗ Văn Viễn trong vùng ghen ghét đã vu cho ông là gian đạo sĩ, do vậy ông bị quan trên bắt đem về Sài Gòn quản thúc.
Thế nhưng đạo hạnh sáng ngời của Tô Quang Xuân đã làm các quan trên kính phục. Ông được đưa về Huế và thọ giới xuất gia ở chùa Kim Chưởng. Sau khi thọ giới được 7 ngày, ông viên tịch. Vua sắc phong cho ông làm “Hòa thượng” đồng thời ban cho gấm vóc và cử người đưa di hài về đến tận Cà Mau.
Tiếc thương ông, năm 1842, vua Thiệu Trị (triều Nguyễn) đã xuống chiếu sắc phong cho Tô Quang Xuân là Hòa thượng Thích Trí Tâm, sửa sang am tranh của ông bên cánh rừng già và sắc tứ cho chùa với tên hiệu là “Sắc Tứ Quan Âm Cổ Tự”. Hòa thượng Thích Trí Tâm được người dân trong vùng tôn kính xem như là “Phật Tổ”, nên chùa cũng gọi là “chùa Phật Tổ”.
Tại buổi lễ, chư Tôn đức đã dâng nén tâm hương thành kính tưởng niệm bậc Tổ Sư với những mật nguyện kỳ đặc, là tấm gương sáng cho hàng hậu học noi theo trên bước đường tu tập và lợi tha.
Huệ Nghĩa
---o0o---
CHIẾU SẮC PHONG CỦA VUA THIỆU TRỊ BAN CHO
HÒA THƯỢNG THÍCH TRÍ TÂM “PHẬT TỔ” CÀ MAU
SẮC TỨ QUAN ÂM CỔ TỰ
(Hàn Lâm Viện Học Sĩ soạn văn)
Chiếu rằng:
Trẫm nghĩ chốn kỳ duyên mậu thạnh trăm hoa đua nở đầy cành, cảnh sắc ta bà.
Hương thủy bao trùm hoa tạng muôn xưa không diệt không sanh.
Bờ bỉ vơi vơi từng nghe nương một cành lau mà đến trời Tây, vời vợi sang qua nhờ chiếc thuyền Từ đã trưng việc cổ để nghiệm đời nay.
Vừa đọc tố chương bỡ ngỡ ve vang trước mắt,
Duyệt xem văn sớ từng ngày đã cởi hạc quy tiên.
Người linh địa cảnh nên linh, vương pháp tâm đồng Phật pháp.
Triều đình không có chi hơn kính phong hòa thượng và ân ban gấm vóc,
Lễ kỳ siêu cho người quan thân nơi cảnh lạc ban.
Giờ đây người đã viên tịch nơi chùa danh thắng Kim Chương.
Hỡi ơi!
Tiên cảnh không trần thiên đường có nẻo,
Vinh hạnh thay! Kính tỏ tấm lòng.
Hoàng thượng ân ban một đạo và gấm vóc đôi cây gọi là ân huệ triều đình làm sáng tỏ công đức của ngài.
Khả kính thay!
Hoàng triều Thiệu Trị đệ nhị niên
Nhâm Dần niên 1842 tháng 6 mùng 3
Sắc ban Từ lâm tuế Chánh tông.
Tam thập nhất thế
Thượng Trí hạ Tâm
Sắc phong Hòa thượng
Tô Quang Xuân