Tại nhiều nước châu Á, Tết Nguyên đán là dịp lễ quan trọng bậc nhất trong năm với các hoạt động mang dấu ấn văn hóa. Khắp các nẻo đường trở nên rực rỡ, nhộn nhịp thời gian này.
Không khí tất bật chuẩn bị từ trước Tết
Tết cổ truyền được xem là ngày lễ quan trọng nhất trong năm tại nhiều quốc gia châu Á. Mỗi đất nước có một phong tục đón tết khác nhau, nhưng đây đều là dịp để mọi người trở về đoàn tụ cùng gia đình, quây quần thưởng thức bữa ăn truyền thống. Trước Tết khoảng một tháng, không khí đã bắt đầu trở nên tất bật, nhộn nhịp. Người dân các nước tranh thủ dọn dẹp, sắm sửa vật dụng trang trí nhà cửa, làng nghề truyền thống cũng bước vào thời điểm bận rộn nhất trong năm. Các món đồ màu đỏ như đèn lồng, câu đối, quần áo... có ý nghĩa mang tài lộc đến trong dịp lễ Tết. Không khí khắp nơi đều vui vẻ, náo nhiệt, nhiều phong tục và lễ hội thú vị được tổ chức.
Châu Á khoác sắc đỏ chào đón lễ hội quan trọng nhất năm
Bắn pháo hoa, lễ chùa, chiêm ngưỡng màn múa lân sư rồng, lì xì người thân... là những truyền thống lâu đời còn lưu lại đến ngày nay. Vào thời khắc giao thừa, pháo hoa bắn lên trời như hình thức đón chào một năm mới đến rộn ràng, náo nhiệt. Ánh sáng và tiếng ồn của pháo hoa được xem là vũ khí lợi hại để xua đuổi tà ác và điềm xấu. Đường phố dịp đầu năm mới cũng trở nên rực rỡ, lung linh hơn với ánh đèn màu, muôn hoa khoe sắc. Tết Canh Tý, mô hình chuột được dựng lên khắp phố phường hy vọng nhiều điều tốt lành sẽ đến. Người Singapore có truyền thống tặng tiền lì xì đựng trong bao đỏ cho người thân chưa lập gia đình. Các hoạt động thường diễn ra vào dịp Tết của người Việt là đi du xuân, lễ chùa, hái lộc, xông đất đầu năm… Đối với mỗi người, dù có đi đâu làm gì thì ngày Tết cũng là lúc trở về, thắp nén hương lên bàn thờ tổ tiên và cùng gia đình đón một mùa xuân mới.
Nghề làm đèn lồng cỡ lớn vào dịp Tết ở Trung Quốc Làng Tuntou (Trung Quốc) được biết đến với nghề sản xuất đèn lồng từ thời cổ đại. Những chiếc đèn lồng cỡ lớn được làm tỉ mỉ và trang trí vào các ngày lễ lớn, đặc biệt là dịp Tết.