Bài nghiên cứu tập trung vào hai nội dung chính, thứ nhất, tìm hiểu khái quát về lịch sử dòng thiền Liễu Quán mang đậm dấu ấn văn hóa Việt Nam; thứ hai, đề cập lịch sử hình thành chùa Kim Cang. Đây là ngôi chùa cổ, có nhiều đóng góp trong quá trình truyền bá Phật giáo Bắc tông ở Tây Nam Bộ và thời kỳ chấn hưng Phật giáo Việt Nam vào những thập niên đầu thế kỷ XX. Lịch sử hình thành chùa Kim Cang có mối quan hệ mật thiết với đệ tử truyền thừa dòng Liễu Quán, khi các đệ tử của thiền phái này truyền bá Phật giáo vào vùng đất mới Tây Nam Bộ.
Chùa Kim Cang có lịch sử lâu đời, góp phần quan trọng vào sự truyền bá, lan tỏa Phật giáo Bắc tông ở Tây Nam Bộ giai đoạn nửa cuối thế kỷ XIX. Tiếp nối sự phát triển của Phật giáo, vào những thập niên đầu thế kỷ XX, chùa Kim Cang là nơi đào tạo nguồn tăng sĩ nổi tiếng, góp phần chấn hưng Phật giáo Nam Bộ trong thế kỷ XX. Với tầm quan trọng đó của chùa Kim Cang, việc nghiên cứu quá trình hình thành và phát triển của ngôi chùa có ý nghĩa quan trọng. Đặc biệt, ngôi chùa Kim Cang còn có mối quan hệ mật thiết với một dòng thiền mang đậm bản sắc văn hóa Phật giáo Việt Nam, đó là thiền phái Liễu Quán. Từ khi tồn tại dòng thiền này ở Tây Nam Bộ đến nay, chưa có nhiều nghiên cứu đề cập một cách hệ thống. Nhằm làm sáng tỏ lịch sử ngôi chùa và mạng mạch dòng thiền Liễu Quán ở Tây Nam Bộ, bài viết này bước đầu nghiên cứu lịch sử hình thành chùa Kim Cang trong mối quan hệ với thiền phái Liễu Quán.
KHÁI QUÁT VỀ THIỀN PHÁI LIỄU QUÁN
Cho đến nay đã có một số công trình nghiên cứu về Phật giáo Việt Nam của nhiều tác giả uy tín có đề cập đến thiền phái Liễu Quán. Cụ thể như tác giả Thích Mật Thể trong Việt Nam Phật giáo sử lược, xuất bản năm 1960; Vân Thanh qua khảo cứu Lược khảo Phật giáo sử Việt Nam qua các thời đại và phát nguồn của các giáo phái Phật giáo, xuất bản năm 1974; Nguyễn Lang trong nghiên cứu rất công phu về Phật giáo Việt Nam Việt Nam Phật giáo sử luận (toàn tập), tái bản năm 2014; tác giả Nguyễn Hiền Đức qua tập nghiên cứu về Lịch sử Phật giáo Đàng Trong (2 tập), xuất bản năm 1993 và 1995; tác giả Thích Hải Ấn và Hà Xuân Liêm trong nghiên cứu Lịch sử Phật giáo xứ Huế, xuất bản năm 2006,… Những nghiên cứu này đề cập khá cụ thể về quá trình hình thành và phát triển của Phật giáo dòng Liễu Quán. Do vậy, trong bài viết này chúng tôi chỉ điểm qua vài nét về thiền phái Liễu Quán.
Theo các nguồn sử liệu, Thiền sư Liễu Quán họ Lê, húy Thiệt Diệu, người làng Bạch Mã, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên, sinh ngày 18 tháng 11 năm Đinh Mùi (1667). Khi 6 tuổi, ngài mồ côi mẹ, được cha đưa đến chùa Hội Tôn thọ giới với Hòa thượng Tế Viên (thiền sư Trung Hoa), được 7 năm thì Hòa thượng Tế Viên viên tịch. Ngài ra Thuận Hóa xin học với thiền sư Giác Phong (người Trung Hoa) tại chùa Hàm Long (Báo Quốc). Sau đó một năm, năm Tân Mùi (1691), ngài phải về phụng dưỡng cha già, lấy nghề kiếm củi sinh sống và tu hành. Bốn năm sau thân phụ ông mất, năm Ất Hợi (1695), ngài trở ra Thuận Hóa thọ giới Sa-di với Hòa thượng Thạch Liêm. Năm Đinh Sửu (1697), ngài lại thọ Cụ túc giới với Hòa thượng Từ Lâm (thiền sư Trung Hoa).
Từ năm Kỷ Mão (1699), ngài vân du khắp nơi học pháp, sống cuộc đời đạm bạc tu hành. Đến năm 1702, ngài đến Long Sơn vào bái yết Hòa thượng Tử Dung cầu dạy pháp tham thiền. Hòa thượng Tử Dung dạy ngài tham cứu câu: “Vạn pháp quy nhứt, nhứt quy hà xứ”. Từ đó, ngài bắt đầu tham thiền nghiên cứu công án, thời gian dài mà vẫn chưa tỏ ngộ. Một hôm tình cờ, ngài đọc Truyền Đăng Lục có câu: “Chỉ vật truyền tâm, nhân bất hội xứ” thế là ngài tỏ ngộ, phá được công án và được Hòa thượng Tử Dung ấn chứng [8, tr.152-153].
Từ đó, ngài tiếp tục trên con đường tu hành, thiền định ở vùng núi Thiên Thai (Huế), giảng pháp ở nhiều đạo tràng, biệt xuất bài kệ 48 chữ (Thiệt Tế Đại Đạo…) truyền thừa và chính thức khai sinh Thiền phái Liễu Quán tại Đàng Trong vào đầu thế kỷ XVIII. Thiền sư Liễu Quán là bậc cao tăng đạo hạnh, được triều đình chúa Nguyễn rất mực kính trọng. Từ năm 1708 – 1722, thiền sư Liễu Quán vân du hoằng pháp ở nhiều ngôi chùa, từ Phú Xuân đến Phú Yên như các chùa Thiền Tông, Viên Thông (Phú Xuân), Hội Tôn, Cổ Lâm, Bảo Tịnh (Phú Yên),… Trong thời gian này, thiền sư Liễu Quán giáo hóa được rất nhiều đệ tử, có một số đã được truyền tâm ấn, tiếp nối ngọn đèn pháp của ngài, và đệ tử của ngài tiếp tục hoằng pháp ở nhiều nơi. Có nhiều đệ tử của ngài mở rộng phạm vi hoằng dương Phật pháp vào miền Nam, đến tận vùng Đồng Nai, Gia Định, Mỹ Tho,… từ đó dòng thiền Liễu Quán truyền bá khắp Đàng Trong.
Trong thời gian từ 1735-1740, Hòa thượng Liễu Quán không vân du hoằng pháp nữa mà trở về trú xứ tại Tổ đình Viên Thông. Mùa thu năm Nhâm Tuất (1742), Hòa thượng Liễu Quán khai giới đàn tại chùa Viên Thông, đệ tử thụ giới của ngài kể cả xuất gia lẫn tại gia có tới gần 4.000. Cuối mùa thu năm đó, sáng ngày 21 tháng 11 âm lịch, Hòa thượng bệnh nhẹ, ông gọi thị giả mang giấy bút tới, viết bài kệ: “Ngoài bảy mươi năm cõi sắc không/ Sắc không không sắc đã dung thông/ Sáng nay vẹn ước, về quê cũ/ Há phải tìm cầu hỏi tổ tông”. Viết bài kệ xong, ông ngồi dùng trà. Đại chúng lên làm lễ, có người than khóc. Ông nói: “Quý vị đừng khóc. Các Đức Phật thị hiện còn nhập Niết bàn, còn tôi thì đường đi nẻo về đã rõ ràng, không việc gì mà phải khóc”. Mọi người im lặng. Thầy trò nói chuyện hồi lâu, ông hỏi: “Đã đến giờ Mùi chưa?”. Mọi người đáp: “Phải”. Ông nói: “Sau khi tôi đi, quý vị phải nghĩ đến sự vô thường nhanh chóng của cuộc đời mà siêng năng tu tập trí tuệ, chớ quên lời dặn của tôi”. Nói xong, ông nhắm mắt mà tịch trong tư thế kiết già [3, tr.602]. Theo bia tháp của Tổ sư Liễu Quán có ghi rõ ngày viên tịch là 22 tháng 11 năm Nhâm Tuất (1742) [2, tr.295]. Đến năm 1747, nghĩa là năm năm sau khi thiền sư Liễu Quán tịch, chùa Thiền Tông tạo dựng ở núi Thiên Thai (vào khoảng năm 1708) được chúa Nguyễn Phúc Khoát ban biển ngạch sắc tứ. Đại Hồng Chung hiện giờ của chùa cũng được đúc vào năm đó, tức là năm Cảnh Hưng thứ tám. Chùa Viên Thông cũng được Thiền sư Liễu Quán tạo dựng ở chân núi Ngự Bình. Thời chúa Nguyễn Phúc Khoát rất sùng kính Phật pháp và đạo hạnh của Ngài, chúa nhiều lần triệu thỉnh Thiền sư vào phủ, nhưng ông một mực từ chối, không muốn lui tới nơi triều đình. Vì vậy, chúa thường tới chùa Viên Thông ở chân núi Ngự Bình để thăm ông và hỏi đạo pháp. Vì lý do đó, ngọn núi kia được gọi là núi Ngự [3, tr.602].
Trong Việt Nam Phật giáo sử luận của Nguyễn Lang (Thích Nhất Hạnh), thiền sư Liễu Quán có truyền bài kệ truyền thừa “Thiệt tế đại đạo”. Liên quan đến bài kệ truyền thừa này cũng có nhiều ý kiến và chưa thống nhất về mặt chữ Hán và cách đọc âm Hán – Việt. Ở đây, chúng tôi sử dụng nghiên cứu của tác giả Nguyễn Quốc Sử và Phan Trương Quốc Trung, bởi chúng tôi nhận thấy, quan điểm của các tác giả đưa ra hợp lý khi nghiên cứu so sánh với nhiều bản dịch, phiên âm của nhiều nhà nghiên cứu trước đây.
Bài kệ chữ Hán:
《實際大道、性海清澄、心源廣潤、德本慈風、戒定福慧、體用圓通
永超智果、密契成功、傳持妙里、演暢正宗、行解相應、達悟真空》.
Phiên âm:
Thiệt tế đại đạo/ Tính hải thanh trừng/ Tâm nguyên quảng nhuận/ Đức bổn từ phong/ Giới định phúc tuệ/ Thể dụng viên thông/ Vĩnh siêu trí quả/ Mật khế thành công/ Truyền trì diệu lý/ Diễn sướng chính tông/ Hành giải tương ưng/ Đạt ngộ chân không [5, tr.88].
Tác giả Nguyễn Lang trong Việt Nam Phật giáo sử luận đã dịch bài kệ này như sau: “Đường lớn thực tại/ Biển thể tính trong/ Nguồn tâm thấm khắp/ Gốc đức vun trồng/ Giới định cùng tuệ/ Thể dụng viên thông/ Quả trí siêu việt/ Hiểu thấu nên công/ Truyền giữ lý mầu/ Tuyên dương chính tông/ Hành giải song song/ Đạt ngộ chân không” [3, tr.603].
Thiền sư Liễu Quán có công lao rất lớn trong việc truyền bá và chấn hưng Phật giáo thời kỳ này và tạo lập một thiền phái Phật giáo mang bản sắc văn hóa Việt Nam giống như thiền Trúc Lâm Yên Tử. Nhận định về công trạng truyền bá và chấn hưng Phật giáo của thiền sư Thiệt Diệu Liễu Quán trong giai đoạn này, tác giả Nguyễn Lang cho rằng: “Thiền sư Liễu Quán đã làm cho thiền phái Lâm Tế trở thành một thiền phái linh động, có gốc rễ ở Đàng Trong. Trước ông, Phật giáo Đàng Trong mang nặng màu sắc Quảng Đông. Ông đã Việt hóa thiền phái Lâm Tế, và làm cho thiền phái này trở thành thiền phái của đa số Phật tử Đàng Trong. Kiến trúc, lễ nhạc bắt đầu trút bỏ màu sắc Trung Quốc và từ từ mang lấy màu sắc dân tộc. Những bài tán lễ như “Cực lạc Từ Hàng” chẳng hạn, đã hoàn toàn mang màu sắc Việt. Bốn vị đệ tử lớn của ông là Tổ Huấn, Trạm Quan, Tế Nhân và Từ Chiếu đã tạo lập bốn trung tâm hoằng đạo lớn, và hàng chục tổ đình được tạo dựng khắp Đàng Trong thế kỷ XVIII đã thuộc về môn phái Liễu Quán. Phong trào Phật giáo phục hưng ở thế kỷ thứ XX đã dựa trên cơ sở của môn phái mang tên ông” [3, tr.604].
Như đề cập ở trên, thiền sư Liễu Quán trong giai đoạn từ 1708-1722, ngài đi vân du nhiều nơi từ Phú Xuân đến Phú Yên,… hoằng pháp và thu nhận rất nhiều đệ tử. Nhóm đệ tử của thiền sư cũng đi nhiều nơi truyền bá Phật pháp, cất chùa, am tu hành theo dấu chân Nam tiến của người Việt. Nơi nào có dấu chân người Việt ở vùng đất mới là nơi đó dần có sự hoằng truyền Phật giáo dòng Liễu Quán. Mặc dù thời kỳ này, Phật giáo Đàng Trong có rất nhiều phái nhưng dòng thiền Liễu Quán vẫn chiếm ưu thế. Hiện chưa có nhiều nghiên cứu đề cập đến số lượng đệ tử trực tiếp của thiền sư Liễu Quán hay đệ tử truyền thừa. Theo tác giả Nguyễn Hiền Đức, Tổ sư Thiệt Diệu Liễu Quán có 43 đệ tử nối truyền ngọn đèn pháp của chi phái Liễu Quán, nhưng chỉ còn một số vị còn truyền lại cho đến ngày nay. Cụ thể như: thiền sư Tế Mẫn Tổ Huấn, thiền sư Tế Viên Hữu Bùi (Hữu Phỉ/Giác Viên), thiền sư Tế Dương Bửu Hiển, thiền sư Tế Hiển Bửu Dương, thiền sư Tế Căn Từ Chiếu, thiền sư Tế Huyền Ứng Am, thiền sư Tế Ân Lưu Quang, thiền sư Tế Quảng Phổ Chấn, thiền sư Tế Vĩ Trường Chiếu. Trong quá trình vân du khắp nơi hoằng pháp, các thiền sư truyền thừa tiếp tục thu nhận nhiều tín đồ và lớp tín đồ đời thứ ba tiếp tục vào Nam truyền bá Phật pháp. Quá trình Nam tiến truyền bá Phật pháp, các đệ tử dòng thiền Liễu Quán lập nên nhiều ngôi chùa, góp phần quan trọng làm cho Phật giáo Bắc tông đi sâu vào đời sống tinh thần người dân vùng Tây Nam Bộ gắn với hành trình khẩn hoang, lập làng thời kỳ chúa Nguyễn và triều Nguyễn. Dấu tích của thiền phái Liễu Quán ở vùng Nam Bộ còn khá nhiều ở các ngôi chùa, tuy vậy, theo thời gian, hiện nay, do nhiều nguyên nhân, những ngôi chùa này không ghi chép đầy đủ về quá trình trình thừa của thiền phái Liễu Quán cũng như các thiền phái khác, đã dẫn đến tình trạng, lịch sử của thiền phái Liễu Quán ở các ngôi chùa bị “khuất lấp”. Trong quá trình nghiên cứu về thiền phái này, chúng tôi phát hiện chùa Kim Cang gắn liền với dòng thiền Liễu Quán, mặc dù hiện nay, lịch sử của ngôi chùa cũng không ghi rõ về vấn đề này.
CHÙA KIM CANG VÀ THIỀN PHÁI LIỄU QUÁN
Chùa Kim Cang tọa lạc tại ấp Bình Cang 1, xã Bình Thạnh, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An. Theo tư liệu lịch sử do viện chủ chùa cung cấp cho chúng tôi trong đợt khảo sát vào tháng 9 năm 2023, chùa Kim Cang trước đây có tên là chùa Phước Long, do thiền sư Đại Bồ Thiện Đề sáng lập vào thế kỷ XIX, thuộc địa phận Cầu Voi, thôn Bình Khê, tổng Thuận Đạo, huyện Cửu An, phủ Tân An [7, tr.1]. Ở một tư liệu khác ghi rằng: “Vào năm 1820, Hòa thượng Thích Đại Bồ, húy Thiện Đề, thuộc dòng Lâm Tế chánh tông đời 37, trên bước đường du hóa, nhận thấy nơi đây có cơ duyên khai mở đạo tràng nên Ngài đã lập ngôi Tam Bảo, đặt tên là Phước Long tự. Đồng bào Phật tử quy ngưỡng Phật pháp và tu tập rất đông” [1, tr.250]. Theo tài liệu sưu khảo của tác giả Lê Ái Siêm cho rằng, ở chùa Vĩnh Tràng, vào tháng 4 năm 1861, quân Pháp chiếm Định Tường, chùa Vĩnh Tràng bị tàn phá. Năm 1864, Hòa thượng Huệ Đăng trụ trì chùa Vĩnh Tràng viên tịch, Hòa thượng Thiện Đề kế thế trụ trì [6, tr.15]. Như vậy, lưu truyền này nếu chính xác thì Hòa thượng Đại Bồ Thiện Đề không chỉ thành lập chùa Phước Long – Kim Cang, mà (có thể) còn hoằng pháp và trụ trì chùa Vĩnh Tràng trong một giai đoạn.
Khi Hòa thượng Đại Bồ Thiện Đề viên tịch, chùa Phước Long vắng trụ trì trong một thời gian dài. Mãi đến năm 1860, Hòa thượng Chánh Tâm, húy Hải Lương thuộc dòng Lâm Tế chánh tông đời 40 (sinh năm 1837, là sư đệ của Thiền sư Minh Trữ Quảng Huệ thời tu học ở chùa Phước Lâm), đang trụ trì chùa Hàn Lâm (phủ Tân An), thể theo lời thỉnh cầu của Phật tử, ngài về chùa Phước Long hoằng truyền Phật pháp. Tuy nhiên, theo tài liệu của Lê Ái Siêm thì vào năm 1864, Hòa thượng Đại Bồ Thiện Đề vẫn còn tại thế. Đến nay, chúng tôi vẫn chưa tìm được lịch sử ghi chép cụ thể về năm mất của thiền sư Đại Bồ Thiện Đề, cũng như thời gian Ngài trụ trì chùa Phước Long hay Vĩnh Tràng đến khi nào.
Đến năm 1865, Hòa thượng Chánh Tâm lập nguyện tu bổ ngôi chùa Phước Long. Truyền thuyết được ghi chép như sau, vào một hôm, sau giờ thiền tọa, ngài nằm mộng thấy thần Kim Cang tay cầm bảo sử uy nghiêm đến bảo rằng: “Nơi đây địa thế không lành, nên dời chùa vào phía cạnh bờ sông thì ngôi già lam sẽ được hưng vượng”. Sáng hôm sau, trong khi đang chấp tác quanh chùa, bỗng nhiên có một con rắn to xuất hiện phùng mang đuổi ngài đến bờ sông thì nó liền biến mất. Ngài quán chiếu lại giấc mộng và nghĩ thầm: “Đây có lẽ là thần Kim Cang hóa thân rắn để chỉ chỗ cho ta xây dựng ngôi Tam bảo chăng?”. Duyên lành hội tụ, trong làng có Phật tử là điền chủ Bùi Bá Kim phát tâm hỷ cúng 12,8 mẫu đất, ngài quyết định dời chùa về nơi mới (cách chùa cũ khoảng 500 mét) và đổi tên thành chùa Kim Cang [1, tr.250]. Hiện nay trong chùa còn thờ bài vị của Phật tử điền chủ Bùi Bá Kim và vợ ông; trong khuôn viên ngôi chùa cũng có lập bia ký chép công lao của ông Bùi Bá Kim trong việc đóng góp tài vật xây dựng ngôi chùa.
Từ khi tạo lập lại ngôi chùa ở địa điểm mới, uy đức của Hòa thượng Chánh Tâm càng tỏa sáng, đạo tràng càng hưng thịnh. Từ những năm 1878 đến khoảng 1906, Tổ đình Kim Cang được xem là trung tâm văn hóa Phật giáo và Phật học miền Nam, Việt Nam. Hòa thượng Chánh Tâm đã khai mở Pháp hội đào tạo tăng tài đầu tiên ở miền Nam lúc bấy giờ. Chư tăng khắp nơi hội tụ về học với Thiền sư Chánh Tâm rất đông. Nhiều vị thiền sư sau này trở thành những bậc cao tăng thạc đức chấn hưng Phật pháp miền Tây Nam Bộ, như: Hòa thượng Khánh Hòa, Khánh Huy, Khánh Đức, Khánh Thông, Khánh Hưng, Khánh Long, Khánh Dư, Khánh Tường, Khánh Thoại,… [1, tr.250].
Qua lược khảo lịch sử chùa Phước Long – Kim Cang, nhận thấy, vị thiền sư khai sơn chùa Phước Long – Kim Cang là thiền sư Đại Bồ Thiện Đề có mối quan hệ truyền thừa với dòng thiền Liễu Quán giai đoạn dòng thiền này truyền bá ở Tây Nam Bộ. Theo tác giả Nguyễn Hiền Đức: “Thiền sư Đại Bồ Thiện Đề thuộc đời 37 phái thiền Lâm Tế, là đệ tử của Hòa thượng Tế Hiển Bửu Dương. Có lẽ thiền sư Đại Bồ là đệ tử của thiền sư Đại Bửu, khai sơn chùa Sa Long ở Khánh Hòa, vì thiền sư Đại Bửu có hiệu là Kim Cang Đại lão Tổ sư. Trong khi đó, thiền sư Đại Bồ Thiện Đề lại lập chùa Kim Cang ở xã Bình Thạnh, huyện Thủ Thừa (Long An). Thiền sư Đại Bồ Thiện Đề viên tịch ở chùa Kim Cang, đồ chúng lập tháp thờ bên phải ngôi chùa, tháp Tổ hiện còn. Tháp xây bằng ô dước trộn vôi, cao ba tầng” [2, tr.371]. Theo phân tích của Nguyễn Hiền Đức thì có sự khác biệt với lịch sử ngôi chùa như tài liệu chúng tôi dẫn giải ở trên. Tuy nhiên, qua đó cũng cho thấy rõ dấu chân truyền bá của thiền sư phái Liễu Quán ở vùng đất lục tỉnh thời kỳ này.
Theo điền dã của chúng tôi, trên tháp Tổ của thiền sư Đại Bồ Thiện Đề còn ghi một số thông tin như sau: “Tự Lâm Tế chánh tông tam thập thất thế, húy Đại Bồ thượng Thiện hạ Đề Hòa thượng giác linh – 嗣臨濟正宋三十七世諱大菩上善下提和尚覺靈”. Như đề cập ở trên, Hòa thượng Tế Hiển Bửu Dương là đệ tử của Tổ sư Thiệt Diệu Liễu Quán, Ngài khai lập chùa Thiên Bửu (Mỹ Hiệp, Ninh Hòa, Khánh Hòa) và một số ngôi chùa khác nhưng hiện nay không còn. Như vậy, Thiền sư Đại Bồ Thiện Đề là đệ tử truyền thừa của dòng phái Liễu Quán đời thứ 3. Trong thời gian nghiên cứu khảo sát tại chùa Kim Cang, chúng tôi thấy được phía hậu điện ngôi chùa, trên bàn thờ lớn thờ nhiều long vị của các vị tổ khai lập và trụ trì ngôi chùa. Tuy nhiên, vì lý do khách quan, chúng tôi chưa có điều kiện tham khảo các long vị này. Theo khảo cứu của Nguyễn Hiền Đức vào năm 1993, các long vị thờ có thông tin như sau:
1. Thiên Thai sơn, Thiền Tông tự, húy Thiệt Diệu, thượng Liễu hạ Quán lão tổ hòa thượng.
2. Tuệ Ân đường thượng, tam thập ngũ thế, húy Tổ Thành, thượng Trí hạ Ấn đại lão hòa thượng.
3. Từ Lâm tế chánh tông, tam thập lục thế, húy Tế Hiển, thượng Bửu hạ Dương lão tổ hòa thượng.
4. Từ Lâm Tế chánh tông, tam thập thất thế, húy Đại Bồ, thượng Thiện hạ Đề lão tổ hòa thượng.
5. Từ Lâm Tế chánh tông, tam thập bát thế, húy Đạo Đăng thượng Bửu hạ Hương lão tổ hòa thượng.
6. Từ Lâm Tế chánh tông, tam thập cửu thế, húy Tánh Đức, thượng Vạn hạ Bửu.
7. Kim Cang đường thượng, từ Lâm Tế chánh tông, tứ thập thế, húy Hải Lương, thượng Chánh hạ Tâm hòa thượng. Nguơn sanh Bính Thân (1836). Tịch ngày mùng 4 tháng 4 nhuần năm Bính Ngọ (1906).
8. Kim Cang đường thượng, từ Lâm Tế chánh tông, tứ thập nhất thế, húy Thanh Nhựt, thượng Độ hạ Long hòa thượng.
9. Kim Cang đường thượng, từ Lâm Tế chánh tông, húy Trừng Thọ, thượng Thiện hạ Quới Yết ma.
10. Từ Lâm Tế chánh tông, tam thập thất thế, húy Tiên Giác, thượng Hải hạ Tịnh đại lão hòa thượng
11. Từ Lâm Tế Gia Phổ, tam thập cửu thế, thượng Chánh hạ Truyền, Như Tịnh đại sư.
Căn cứ vào các long vị được thờ trong chùa Kim Cang, tác giả Nguyễn Hiền Đức xác lập phổ hệ của chùa Kim Cang theo dòng thiền Liễu Quán như sau:
Đời 35: Thiệt Diệu Liễu Quán
Đời 36: Tế Hiển Bửu Dương
Đời 37: Đại Bồ Thiện Đề
Đời 38: Đạo Đăng Bửu Dương
Đời 39: Tánh Đức Vạn Bửu
Đời 40: Hải Lương Chánh Tâm
Đời 41: Thanh Nhựt Độ Long
Đời 42: Trừng Thọ Thiện Quới [2, tr.371-372].
Như vậy đủ để cho thấy, chùa Kim Cang giai đoạn đầu hình thành là do thiền sư phái Liễu Quán tạo nên trong quá trình hoằng pháp ở vùng đất mới Tây Nam Bộ. Lịch sử của những vị thiền sư truyền thừa chúng tôi sẽ tiếp tục tìm hiểu và đề cập trong một nghiên cứu khác.
Chùa Kim Cang có mối liên hệ chặt chẽ với chùa Phước Lâm (ấp Phú Lợi, xã Phú Nhuận, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) qua các đời trụ trì. Sư đệ của Thiền sư Minh Trữ Quảng Huệ là Hải Lương Chánh Tâm cùng tu hành tại chùa Phước Lâm; Thiền sư Hải Lương Chánh Tâm cũng từng cầu pháp tại chùa Linh Sơn (Tây Ninh) theo dòng Liễu Quán. Như vậy, Hòa thượng Chánh Tâm cũng là đệ tử dòng thiền Liễu Quán. Và đệ tử chùa Phước Lâm cũng từng quy y tu học tại chùa Kim Cang, như Hòa thượng Như Huy. Trong thời kỳ Hòa thượng Như Huy quy y với Hòa thượng Hải Lương (Minh Lương) Chánh Tâm chùa Kim Cang được ban cho pháp danh là Như Huy, pháp hiệu Khánh Huy; pháp hiệu Khánh Huy là theo dòng thiền Liễu Quán, điều này đã được đề cập trong lịch sử chùa Phước Lâm. Do đó, dựa trên nhiều cứ liệu, từ thời thiền sư khai lập chùa Kim Cang là thiền sư Đại Bồ Thiện Đề đến các đời truyền thừa sau, có thể khẳng định, chùa Kim Cang do thiền sư dòng Liễu Quán lập nên, đời truyền thừa sau như Hòa thượng Chánh Tâm cũng gắn với dòng thiền Liễu Quán. Các thiền sư truyền thừa dòng Liễu Quán ở chùa Kim Cang có đóng góp rất lớn cho sự phát triển của Phật giáo ở vùng Tây Nam Bộ từ thế kỷ XIX đến thế kỷ XX.
Các thiền sư truyền thừa ở Tổ đình Kim Cang không hoàn toàn là dòng Liễu Quán, mà thời kỳ tu học, các thiền sư cầu pháp với nhiều thiền sư phái Lâm Tế chánh tông hay Lâm Tế Gia Phổ, nên hậu thế khi ghi truyền thừa có sự kế tục tên gọi tông phái cầu pháp gần nhất. Hoặc do quan niệm về gốc của tông phái, dòng thiền Liễu Quán cũng xuất phát trên cơ sở Lâm Tế, vì vậy mà việc ghi chép lịch sử, long vị, tháp tổ của thiền sư ở chùa, danh phái Liễu Quán bị “mờ” đi. Cũng có khi, việc đặt tên húy, hiệu theo bài kệ truyền thừa của tông phái mà thiền sư đó ảnh hưởng nhiều nhất, điều này cũng làm cho tên gọi truyền thừa dòng Liễu Quán “khuất lấp” theo thời gian. Từ những cứ liệu lịch sử, có thể phần nào thấy được dấu ấn dòng thiền Liễu Quán ở chùa Kim Cang trong giai đoạn thiền phái này truyền bá vào vùng Tây Nam Bộ.
KẾT LUẬN
Thiền phái Liễu Quán ra đời vào đầu thế kỷ XVIII, là dòng thiền của người Việt Nam trên cơ sở biến chuyển thiền phái Lâm Tế của thiền sư Thiệt Diệu Liễu Quán. Với tinh thần Phật giáo phù hợp với người Việt Nam, thiền phái Liễu Quán đã lan tỏa sâu rộng ở miền Trung và truyền vào Nam Bộ. Các thiền sư phái Liễu Quán vân du khắp nơi truyền bá ngọn đèn Liễu Quán, nhờ đó mà Phật giáo ảnh hưởng sâu đậm trong đời sống tinh thần của người Việt trên bước đường Nam tiến đến vùng đất mới Nam Bộ. Chùa Kim Cang đánh dấu bước đường lan tỏa của thiền phái này trong bối cảnh Phật giáo phát triển mạnh mẽ ở Tây Nam Bộ với nhiều phái khác nhau.
TS. Nguyễn Trung Hiếu
Tài liệu tham khảo:
[1]. Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Long An (2021), “Chùa Kim Cang – Ngôi cổ tự với nét son phát triển mới”, trong sách: Tự viện Phật giáo Long An, do Ban Trị sự Giáo hội PGVN tỉnh Long An xuất bản.
[2]. Nguyễn Hiền Đức (1993), Lịch sử Phật giáo Đàng Trong (tập 1), TP. Hồ Chí Minh, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh.
[3]. Nguyễn Lang (2014), Việt Nam Phật giáo sử luận (toàn tập), Hà Nội, Nxb. Văn học.
[4]. Nguyễn Trung Hiếu, Tư liệu điền dã tại chùa Kim Cang vào tháng 9 năm 2023.
[5]. Nguyễn Hữu Sử & Phan Trương Quốc Trung (2017), “Về bài kệ truyền thừa của phái thiền Lâm Tế Liễu Quán”, Nghiên cứu Tôn giáo, số 5&6 (162).
[6]. Lê Ái Siêm (2002), Tiền Giang những di tích nổi tiếng, Tiền Giang, Sở Thương mại Du lịch & Sở Văn hóa Thông tin Tiền Giang xuất bản.
[7]. “Lược sử quá trình hình thành chùa Kim Cang”, Tư liệu do Viện chủ Tổ đình Kim Cang cung cấp.
[8]. Vân Thanh (1974), Lược khảo Phật giáo sử Việt Nam qua các thời đại và phát nguồn của các giáo phái Phật giáo, Sài Gòn, Phật học Viện xuất bản.