Sáng nay, ngày 11/01/2022, tại Hội trường Uỷ ban TƯ MTTQVN (số 46 Phố Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội), Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp với Bộ Nội Vụ – Ban tôn giáo Chính phủ và Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt nam tổ chức Hội thảo khoa học trực tuyến với chủ đề: “Phát huy vai trò Tăng, Ni Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc."
Tham dự dưới cương vị là chủ tọa Hội thảo, Hòa thượng Chủ tịch HĐTS GHPGVN Thích Thiện Nhơn đã có bài phát biểu chào mừng. Đồng thời qua bài phát biểu Hòa thượng muốn khẳng định "Đoàn kết là yếu tố then chốt, đóng vai trò quan trọng, quyết định cho sự thành công trong tất cả các tổ chức và trên mọi lĩnh vực."
Sau đây là toàn văn phát biểu của Hoà thượng Chủ tịch HĐTS GHPGVN tại Hội thảo Khoa học “Phát huy vai trò Tăng, Ni Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc”.
Hôm nay trong niềm hoan hỷ của ngày Hội thảo, trên tinh thần Đại đoàn kết cùng phối hợp giữa Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Nội vụ - Ban Tôn giáo Chính phủ, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức Hội thảo Khoa học Toàn quốc với chủ đề “Phát huy vai trò Tăng, Ni Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong xây dựng khối Đại đoàn kết toàn dân tộc”. Trước tiên tôi rất hoan hỷ khi tham dự hội thảo này và đồng thuận cao với chủ đề của Hội thảo này. Chúng ta có thể khẳng định rằng: Đoàn kết là yếu tố then chốt, đóng vai trò quan trọng, quyết định cho sự thành công trong tất cả các tổ chức và trên mọi lĩnh vực. Với truyền thống hàng ngàn năm của dân tộc Việt Nam, mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói "Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; thành công, thành công, đại thành công”, lịch sử Việt Nam đã luôn ghi nhận những đóng góp to lớn của Phật giáo đối với dân tộc, trong đó có sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, cũng như công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc ngày nay. Đề cao tôn chỉ “Phật pháp bất ly thế gian giác”, “hộ quốc, an dân” cho đường hướng hành đạo, Phật giáo luôn là thành viên tin cậy, có nhiều đóng góp quan trọng, thiết thực trong khối Đại đoàn kết toàn dân tộc. Với Đạo pháp, xây dựng khối Đại đoàn kết là gốc rễ cho sự hưng thạnh của Phật giáo, hun đúc nên sự gắn kết với cộng đồng, tín đồ, đưa ngôi chùa Phật giáo trở thành tín ngưỡng, gắn bó thân thuộc của nhân dân Việt Nam, giúp Phật pháp được trường tồn, hưng thạnh. Trước khi nhập Niết bàn, Đức Phật đã dạy rằng: “Này các Tỳ kheo, ngày nào chư đệ tử còn hội họp, chung sống trong tinh thần đoàn kết, làm Phật sự trong tinh thần đoàn kết và giải tán trong tinh thần đoàn kết, thì nhất định giáo pháp không thể suy đồi, mà trái lại, còn phồn thịnh hơn trước” Trong mọi giai đoạn lịch sử, mọi hoàn cảnh thăng trầm của đất nước, tinh thần đoàn kết dân tộc - tôn giáo luôn được phát huy một cách triệt để và cao độ, trở thành nguồn sức mạnh để Phật giáo cùng dân tộc ta vượt qua mọi khó khăn, thử thách. Trong thời đại Hồ Chí Minh, trên chặng đường 40 năm của GHPGVN, với phương châm: “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”, như một sợi chỉ đỏ xuyên suốt thể hiện tinh thần nhập thế của Phật giáo Việt Nam, hơn bao giờ hết, sức mạnh ấy được minh chứng sinh động, rõ nét trong công tác từ thiện, an sinh xã hội qua các đợt lũ lụt, thiên tai, đặc biệt là những tháng ngày cả nước chung tay ứng phó, chống lại đại dịch Covid -19. Hôm nay, chúng ta cùng ngồi lại để cùng nhau thảo luận, phân tích, trình bày về chủ đề “Phát huy vai trò Tăng, Ni Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong xây dựng khối Đại đoàn kết toàn dân tộc”. Qua đó, chúng ta cần làm rõ yêu cầu và đánh giá về phát huy những giá trị và nguồn lực của GHPGVN trong xây dựng và bảo vệ tổ quốc, trong vai trò đóng góp của GHPGVN, trong sự nghiệp Đại đoàn kết toàn dân tộc. Qua nội dung đóng góp tham luận tại hội thảo, chúng ta cần quan tâm đến vai trò quản lý Nhà nước về tôn giáo; những giá trị truyền thống tu học của Tăng Ni GHPGVN; thực trạng về quản lý Tăng, Ni của Giáo hội; những đóng góp của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong công cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4; thực trạng chất lượng trong công tác giáo dục và đào tạo của Giáo hội hiện nay, phát huy phẩm chất đạo - đời cần có của Tăng, Ni trong việc xây dựng khối Đại đoàn kết; vai trò giới luật và tu học của Tăng, Ni trước thời đại hiện nay và vai trò của Tăng, Ni đối với việc bảo tồn di sản văn hoá Việt Nam. Chúng tôi hoàn toàn tin tưởng rằng: Thông qua hội thảo này, sẽ giúp cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam một lần nữa khẳng định sứ mệnh “Đoàn kết - Hòa hợp - Phụng sự Tổ quốc - Bảo vệ hòa bình”; củng cố mục tiêu tăng cường vận động, xây dựng khối Đại đoàn kết trong Tăng, Ni, tín đồ Phật tử trong và ngoài nước, tiếp tục tích cực xây dựng đất nước giàu đẹp, phát triển đời sống văn hóa đạo đức tiến bộ. Đây chính là động lực phát huy vai trò của Tăng Ni, tín đồ Phật giáo Việt Nam trong xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam, đưa GHPGVN trở thành một tổ chức tin cậy và thực sự là ngôi nhà chung của Phật giáo Việt Nam ở trong nước và nước ngoài; nâng cao uy tín của Phật giáo Việt Nam ngày một thăng tiến ở trong nước, khu vực và trên toàn thế giới. Tôi tin tưởng rằng những bài tham luận khoa học, những ý kiến đóng góp từ chư Tôn đức Tăng Ni, các nhà nghiên cứu, học giả, sẽ mang ý nghĩa vô cùng to lớn, thiết thực làm sáng tỏ hơn vai trò của Tăng, Ni Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong xây dựng khối Đại đoàn kết toàn dân tộc và phát huy cao hơn nữa trong thời đại Hồ Chí Minh. Để hoàn thành được mục tiêu đó, Hội thảo lần này, chủ trương đánh giá một cách nghiêm túc và làm rõ được thực trạng của Tăng, Ni Giáo hội Phật giáo Việt Nam hiện nay, khách quan nhìn nhận về những mặt tích cực, cũng như những vấn đề còn hạn chế. Từ đó, cùng thảo luận, trao đổi, đề xuất, cống hiến những phương hướng khắc phục những mặt hạn chế còn tồn động, đồng thời đề ra những định hướng phát huy các giá trị tích cực, khai thác tối đa nguồn nhân lực, tiềm lực và tinh thần nhập thế của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong hàng ngũ Tăng Ni, tín đồ Phật giáo, tạo dựng và khẳng định được vị thế của GHPGVN trong khối đại đoàn kết dân tộc - tôn giáo, tiên phong trong công cuộc xây dựng khối Đại đoàn kết toàn dân. Sự thành công của công cuộc xây dựng, bảo vệ đất nước của nhân dân ta đòi hỏi phải dựa trên tinh thần đoàn kết, thống nhất của toàn Đảng, toàn dân, mà tôn giáo là một bộ phận quan trọng, không thể tách rời. Chúng tôi mong rằng, Hội thảo sẽ làm rõ những yếu tố khách quan, chủ quan dựa trên những cơ sở khoa học mà chúng ta đề xuất, định hướng những cách làm hay, phù hợp, hiệu quả từ các địa phương, Sơn môn, Hệ phái trong ngôi nhà Giáo hội Phật giáo Việt Nam, góp phần bền vững trong công cuộc xây dựng ngôi nhà chung của khối Đại đoàn kết toàn dân tộc. |
Ban Biên Tập