PSO - Sáng ngày 28 tháng 11 năm Giáp Thìn (nhằm ngày 28 tháng 12 năm 2024), tại Tổ đình Linh Ứng Non Nước (phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, Tp Đà Nẵng), môn đồ pháp quyến đã trang nghiêm tổ chức lễ húy nhật Cố Hòa thượng Thích Hương Sơn – Nguyên trú trì Tổ đình Linh Ứng Non Nước.
Quang lâm chứng minh lễ húy nhật có Trưởng lão Hòa thượng Thích Huệ Thường – Thành viên Hội đồng chứng minh GHPGVN, Chứng minh Ban Trị sự GHPGVN Tp Đà Nẵng; Hòa thượng Thích Từ Nghiêm - Ủy viên Hội đồng Trị sự GHPGVN, Trưởng Ban Trị sự GHPGVN Tp Đà Nẵng; Chư Tôn đức Thường trực Ban Trị sự GHPGVN Tp Đà Nẵng; Chư Tôn đức Tăng Ni các tự viện trên địa bàn Tp Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam.
Đoàn Ban Trị sự GHPGVN quận Ngũ Hành Sơn gồm Thượng tọa Thích Thông Đạo - Ủy viên Hội đồng Trị sự GHPGVN Tp Đà Nẵng, Phó trưởng ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN Tp Đà Nẵng, Chứng minh Ban trị sự GHPGVN quận Ngũ Hành Sơn; Thượng tọa Thích Pháp Châu – Phó trưởng ban Trị sự kiêm Trưởng Ban Hướng dẫn Phật tử GHPGVN Tp Đà Nẵng, Trưởng Ban Trị sự GHPGVN quận Ngũ Hành Sơn cùng Chư Tôn đức Thường trực Ban Trị sự quận đã đến dâng hương và cầu nguyện.
Cố Hòa thượng húy Lê Thùy, pháp danh Thị Năng, pháp tự Trí Hữu, pháp hiệu Hương Sơn, sinh năm Quý Sửu (1912), tại làng Quá Giáng, huyện Điện Bàn,tỉnh Quảng Nam, trong một gia đình Nho học và tin Phật.
Năm 8 tuổi (1920), ngài cầu thầy học đạo với HT Như Thông - Tôn Nguyên. Năm 19 tuổi, ngài được bổn sư cho thọ giới Sa di tại chùa Linh Ứng.
Từ năm 1935 đến 1937, Ngài theo học với quý Thiền sư Giác Phong (chùa Phổ Thiên-Đà Nẵng), Thiền sư Phước Huệ, và Thiền sư Trí Độ (chùa Báo Quốc-Huế).
Năm 27 tuổi (1939), ngài thọ Cụ túc giới, nối pháp Thiền phái Lâm Tế đời thứ 42, dòng kệ Chúc Thánh. Ngài tốt nghiệp chương trình Cao đẳng Phật học vào năm 33 tuổi (1945). Sau khi học xong, Ngài vân du vào Nam hóa đạo.
Năm Kỷ Sửu 1949, Ngài lập ngôi tịnh thất lấy tên là Ứng Quang tại vườn Bà Lớn, ngã ba Vườn Lài, Chợ Lớn để tu niệm, đồng thời mở lớp dạy chúng điệu mới xuất gia các chùa lân cận. Trong thời gian này, Ngài cộng tác viết bài thường xuyên nơi mục: Phật học Danh số trên tạp chí Từ Quang do đạo hữu Chánh Trí-Mai Thọ Truyền, Hội trưởng Hội Phật học Nam Việt chủ trương.
Năm 1950, Ngài cùng với quý Hòa thượng Thiện Hòa, Thiện Hoa, Nhật Liên hợp nhất các Phật học đường Liên Hải, Sùng Đức thành Phật học đường Nam Việt mà cơ sở Ứng Quang do Ngài hiến tặng Hòa thượng Thiện Hòa, dùng làm địa bàn kết nạp Tăng sinh. Ngài còn giữ chức Kiểm Khán, kiêm giảng sư Phật học đường Nam Việt, làm giáo thọ và giảng dạy tại các Ni trường Dược Sư, Từ Nghiêm, Huệ Lâm.
Năm 39 tuổi (1951), Ngài được đề cử giữ chức Ủy viên Tổng Trị sự Tổng hội Phật giáo Việt Nam trong kỳ đại hội Tổng hội Phật giáo Việt Nam toàn quốc lần thứ I, khai mạc tại chùa Từ Đàm - Huế.
Năm 1957, Ngài rời chùa Ấn Quang, trở về chùa Linh Ứng-Quảng Nam, nơi đầu tiên xuất gia tu học để đảm nhận chức trú trì, vì nhu cầu Phật sự.
Năm 1960, Phật học viện Phổ Đà - Đà Nẵng thành lập tại chùa Phổ Thiên, Ngài được mời làm Giám viện cho đến ngày viên tịch năm 1975.
Năm 1961, Ngài được cung thỉnh vào chức vụ Trị sự trưởng Giáo hội Tăng già Quảng Nam – Đà Nẵng. Sau đó Ngài được cử trú trì chùa Tỉnh Hội Đà Nẵng (chùa Pháp Lâm).
Năm 1964, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất thành lập, Ngài được Viện Hóa Đạo cử làm Chánh Đại diện miền Liễu Quán. Ngài vận động đại trùng tu tổ đình Linh Ứng năm 1972 được quang huy tráng lệ, xứng đáng tòa Phật ngự Phạm vũ huy hoàng như hiện nay.
Năm 1973, Ngài được tấn phong lên hàng giáo phẩm Hòa thượng và được thỉnh cử vào Hội đồng Giáo phẩm Viện Tăng thống, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.
Ngoài vai trò trú trì hai ngôi chùa: chùa Linh Ứng và chùa Tỉnh Hội, Ngài còn là Giám viện Phật học viện Phổ Đà và Giáo thọ dạy chúng tại các đạo tràng Linh Ứng, Phổ Thiên, ngài vẫn cố vấn chỉ đạo đôn đốc thành lập các chùa, như: Chùa Hòa Phước (1950), Chùa Bảo Minh (1965) tại Hòa Vang, Chùa Từ Quang, Chùa Bích Trâm, Chùa La Thọ tại Điện Bàn - Quảng Nam, phiên dịch và sáng tác như một số tác phẩm tiêu biểu: Kinh Viên Giác, Lời Phật dạy (phỏng dịch), Duy Thức dị giản, Kinh Phật địa (ấn hành năm 1959, tái bản tại Úc năm 2006), Phật học danh số: đăng nhiều kỳ trên tạp chí Từ Quang, Lịch sử Ngũ Hành Sơn (sáng tác)
Hàng đệ tử xuất gia của Ngài, trở thành những bậc lỗi lạc trong chốn tòng lâm, trong và ngoài nước, như: Cố Hòa thượng Thích Thiện Nguyện – Nguyên Trưởng Ban Trị sự GHPGVN Tp Đà Nẵng, kế thế trụ trì chùa Linh Ứng, Ngũ Hành Sơn, TP. Đà Nẵng; Cố Hòa thượng Thích Bảo Huệ: trụ trì chùa Long Thọ, Đồng Nai; Cố Hòa thượng Thích Thanh An, Mỹ quốc; Hòa thượng Thích Bảo Lạc, Úc châu; Hòa thượng Thích Thanh Thế, chùa Thánh Đức, Đức Trọng, Lâm Đồng; Cố Hòa thượng Thích Hoằng Khai, chùa Già Lam, TP. Hồ Chí Minh; Cố Hòa thượng Thích Bảo Quang, trú xứ Quảng Nam; Cố Ni Trưởng Thích Nữ Diệu Thanh, trú trì chùa Hòa Phước, Đà Nẵng; Ni Trưởng Thích Nữ Thông Đạo : trụ trì chùa Phước Mỹ, Đà Nẵng; Ni Trưởng Thích Nữ Diệu Nguyên.
Hòa thượng viên tịch năm Ất Mão vào ngày 28 tháng 11 âm lịch (nhằm ngày 30 tháng 12 năm 1975) tại chùa Ấn Quang - Sài Gòn, nơi mà trước đây ngài đã hiến tặng làm Trung tâm Hoằng pháp cho Phật giáo sau này.
Hòa thượng trụ thế 63 năm, với 36 mùa an cư kiết hạ. Sau lễ Trà tỳ, hài cốt Ngài đuợc phân làm 2 phần: một phần thờ tại chùa Ấn Quang, và một phần đưa về thờ nơi bảo tháp tại tổ đình Linh Ứng, Ngũ Hành Sơn.
Những hình ảnh ghi nhận:
NGUYÊN HÀ