PSO - Ngày Rằm tháng Giêng âm lịch là tiết trời trăng tròn tháng đầu tiên trong một năm mới, dịp này dư âm mùa xuân vẫn đang còn đọng lại; dịp này những người con Phật đều có tâm hướng thiện làm lành mong được bình an suốt một năm mới, cho nên thường khởi duyên với Phật pháp, phát tâm đến chùa để dâng lễ đức Phật cùng chư Tăng.
Ngày Rằm tháng Giêng năm Tân Sửu – 2021, theo truyền thống Phật giáo Nguyên Thủy, tại chùa Tam Bảo - số 323 đường Phan Châu Trinh TP.Đà Nẵng đã tổ chức lễ thọ Đầu Đà và Đặt Bát, Cầu an chúc phúc tạo duyên lành đến đạo hữu Phật tử. Buổi lễ diễn ra trong sự kiểm soát chặt chẽ về việc phòng chống dịch bệnh Covid và hạn chế số lượng người tham dự.
Chùa Tam Bảo TP.Đà Nẵng là tổ đình Phật giáo Nguyên Thủy tại miền Trung, từ xưa đến nay vẫn giữ nét đẹp truyền thống văn hóa Phật giáo Nguyên Thủy tổ chức đại lễ Rằm tháng Giêng thường niên. Ngôi tổ đình năm nay lại càng trang trọng tôn nghiêm trong màu “áo mới” đỏ vàng uy nghi thiền định trong sắc pháp hữu - không hòa vào mùa xuân mới sang. Những sắc hoa lan, hoa mai thơm nguyện trong khói trầm hương vẫn còn lan tỏa lại càng thiêng liêng trong dịp Rằm tháng Giêng cho đạo hữu Phậtt tử tham dự trong dịp tổ chức lễ đặt bát cúng dường chư Tăng.
Buổi lễ có sự chứng minh của Hòa thượng Thích Pháp Cao - Ủy viên HĐTS GHPGVN, Trụ trì chùa Nam Quang (TP.Hội An, tỉnh Quảng Nam) cùng chư Tăng các chùa ở Quảng Ngãi, Quảng Nam.
Chương trình được ĐĐ.Thích Pháp Hiếu - Trụ trì chùa Tam Bảo chủ đạo tôn trí lễ và hội diễn ra trong suốt 2 ngày. Ngày đầu tiên bắt đầu từ 8 giờ sáng cho đến 24 giờ đêm với lễ Thọ Đầu Đà, thức trọn đêm Rằm để tưởng niệm công đức Đức Phật và để Phật tử công phu tu tập, luận đạo, hái hoa Phật pháp … Ngày thứ hai cúng chư vị Tổ có công tạo dựng ngôi tự Tam Bảo cùng hiệp kỵ chư hương linh thờ tự trong chùa.
Dịp này có ngài Viêng Xay Phom Ma Chanh - Tổng Lãnh sự quán Lào tại Đà Nẵng cùng phu nhân và các chuyên gia Lào công tác tại Đà nẵng, các em sinh viên Lào, sinh viên Thái Lan đang học tập tại các trường đại học ở Đà Nẵng đến dự lễ tại chùa, kết nối quan hệ hữu nghị các nước láng giềng có cùng chung văn hóa thờ Đức Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni, cùng giống nhau tụng kinh Pali.
Trong buổi lễ chư Tăng đã tụng kinh ban lời đạo hạnh chúc phúc các bạn sinh viên học tập thành tựu để về quê hương xây dựng đóng góp cho đất nước các bạn. Toàn thể sinh viên được rải nước từ tâm trong lời kinh và buột chỉ vào tay chúc phúc an lành đến từng người.
Lễ Rằm tháng Giêng thuở xưa thời Đức Phật tại thế cách đây hơn 2550 năm có kỳ Đại hội Thánh Tăng tại Trúc Lâm tịnh xá (veluvana) ở Ấn Độ; có 1250 vị Tỳ kheo về dự; giáo giới kỳ Đại hội lần đó có 2 phần:
Phần 1: tóm lược giáo pháp của Đức Phật thành 3 câu kệ ngôn: 1/ Không làm điều ác (Sabba bàbasa akaranam); 2/ Thành tựu các hạnh lành (Kusalassu upasampadà); 3/ Giữ tâm ý thanh tịnh (Sacit pariyotanam). Đó là những giáo giới đầu tiên của Như Lai.
Phần 2: Giảng ý nghĩa chuẩn y giới luật cho Tỳ kheo phải hành Bố tát (U posatha) mỗi tháng 2 kỳ vào ngày 15 và 30 (hoặc 29) âm lịch. Lễ Bố Tát là hình thức giúp các vị xuất gia quán chiếu giới hạnh của mình cho được tinh nghiêm, nếu có sơ sót trong tiểu giới thì ngày đó các vị sám hối với nhau.
Để kỷ niệm ngày lịch sử trọng đại đó, Phật giáo Nguyên Thủy tổ chức lễ Rằm tháng Giêng bằng nhiều hình thức khác nhau. Như lễ đặt bát đến chư Tăng, lễ Thọ giới, lễ Quy y thuyết pháp, lễ Thọ Đầu Đà … Nhằm giúp Phật tử có cơ hội gieo duyên lành trong chánh pháp.
Đặc biệt lễ Thọ Đầu Đà (Dhutanga) Thức một đêm không ngủ để tưởng nhớ Đức Phật, một con người vĩ đại, với một ý tưởng phi thường suốt cuộc đời tận tụy hy sinh vì an vui cho tha nhân. Thông thường trong đêm thọ đầu đà có nhiều tiết mục để người Phật tử tham gia học và thực hành về giáo lý, những tiết mục đó như Thuyết pháp, Chiêm bái Xá-lợi, Hành thiền, Vấn đáp Phật pháp, Hái hoa Chánh pháp, Luận đạo … Người dự đêm đầu đà qua những tiết mục đó, chắc chắn sẽ được hiểu giáo lý căn bản của Đức Phật và có thêm niềm tin vững chắc ở Tam Bảo.
Tin và ảnh: Chùa Tam Bảo