PSO - Hằng năm, khi mùa Hoa ChămPa và hoa Dook-khoun (Muồng Hoàng Yến) nở rộ khoe hương sắc là lúc người Lào nô nức chuẩn bị đón Tết cổ truyền của dân tộc, Bunpimay hay còn gọi là Boun Hot Nam (Lễ hội té nước), để cầu mong nước về, cho cuộc sống sinh sôi, đâm chồi, nảy lộc.
Người Lào có nếp sống hiền thiện theo truyền thống Phật Giáo từ lâu đời. Trong mùa tết cổ truyền, các gia đình có truyền thống thỉnh mời Chư Tăng về nhà để gia đình và họ hàng cùng nhau làm lễ Trai Tăng để cầu siêu cho các bậc ân nhân quyến thuộc đã quá vãng và cầu an năm mới an vui hạnh phúc. Theo truyền thống hằng năm, vào ngày 20/3/2024 Tổng Lãnh Sự nước CHDCND Lào tại thành phố Đà Nẵng cung thỉnh quý chư Tăng Việt – Lào làm lễ Trai Tăng mừng đón Tết Lào Bubimay tại Tổng Lãnh Sự.
Lễ Trai Tăng đón tết Lào Bunpimay 2567 năm nay do tín tâm của ông Sou-phanh Ha-dao-heuang - Tổng Lãnh sự CHDCND Lào tại Đà Nẵng, Bà Lienseng Phengsavath, ông Phousavang Phommachack đồng Lãnh sự cùng các cán bộ Tổng Lãnh Sự Quán phát tâm cúng dường.
Về phía chư Tăng có Đại đức Thích Pháp Hiếu -Uỷ viên Ban Chấp hành TƯ Hội Hữu nghị Việt – Lào, Uỷ viên Ban Phật giáo Quốc tế Trung ương GHPGVN, trụ trì chùa Tam Bảo, cùng quý chư Tăng Việt – Lào chứng minh và cầu nguyện.
Nghi thức đầu tiên là cúng chư Thiên trước sân, năm nay Bàn thờ Chư Thiên tại Tổng Lãnh Sự Lào được bày trí khang trang, sơn vàng rực rỡ, chư Tăng tụng kinh thỉnh chư Thiên lắng nghe Pháp Bảo trong làn khói nhang lan tỏa mang theo những lời khấn nguyện của gia chủ cầu mong trong năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, cuộc sống no đủ, đất nước thanh bình, thịnh vượng.
Truyền thống Lễ Trai Tăng saṅghabhattaṃ (ຖະວາຍພັດຕະຫານເພນໃຫ້ແກພະສົງ) các cán bộ Lào trong trang phục không thể thiếu “phạ-xà-rông”, chiếc khăn quấn trên vai, được giặt sạch và giữ thẳng, đẹp. Đèn cầy sợi sáp ong là đồ dùng phải có, thay thế cho nhang ở Việt Nam. Bánh mứt, trái cây, hoa, cơm nếp (khẩu niếu), nước suối, tịnh tài,… tất cả phải được chuẩn bị đầy đủ. và mâm cơm trang trọng để cúng lễ. Phần nghi thức này rất trang nghiêm và được xem là phần chính của Lễ Trai Tăng saṅghabhattaṃ. Khu vực lễ đường (a-ham) được các cán bộ Phật Tử Lào bày trí trang trọng, bắt mắt; những mâm cơm tươm tất, sang trọng được đặt tất cả trên lễ đường. Tất cả Chư Tăng ngồi trên bục cao trước lễ đường để đọc kinh, cầu nguyện cho Hương Linh quyến thuộc đã khuất được siêu thoát, vãng sanh cực lạc Niết Bàn.
Sư trụ trì chùa Tam Bảo truyền Tam Quy ngũ giới, và Sư người Lào Thatsaphone Xayalath hướng dẫn bài kinh văn tác bạch cúng dường Tứ sự bằng tiếng Pali. Buổi lễ diễn ra trong không khí trang nghiêm và ấm cúng trong lời kinh tiếng kệ ngân vang chúc phúc phước báu của chư Tăng, cầu nguyện đến nhân dân và các cán bộ TLS Lào cùng gia quyến an vui hạnh phúc.
Tiếp theo thời kinh chúc phúc là những lời giảng Pháp của Sư Ketsana Phomluangsy đến các cán bộ Phật tử Lào về năm giới và phước báu của bố thí, không làm điều sai trái như uống rượu bia quá chén; nên làm những điều thiện, điều phúc để hồi hướng những người đã khuất được an vui nhàn cảnh và mang lại sự bình yên, may mắn, hạnh phúc trong cuộc sống.
Thay mặt chư Tăng, Sư trụ trì chùa Tam Bảo thực hiện nghi thức truyền thống buộc chỉ cổ tay và tặng quà Phật Pháp đến Ngài Tổng Lãnh Sự Lào và quý cán bộ nhân viên Lãnh Sự Quán chúc mừng năm mới tết Lào Bunpimay 2567.
Lễ Trai Tăng truyền thống mừng đón Tết Lào Bubimay trên đất Việt quả thật là một nét đẹp văn hóa tâm linh rất độc đáo và đáng trân trọng. Buổi Lễ không chỉ thể hiện lòng biết ơn sâu sắc của các thế hệ đương thời mà còn mang đến một niềm tin vững chắc để con cháu sống tốt đời, đẹp đạo, ấm no, hạnh phúc. đồng thời mang lại niềm vui, sự nồng ấm, chan hòa và đoàn kết, thân thiện của người con Phật hai nước Việt Nam và Lào. Bởi lẽ, đây không chỉ là cơ hội để mọi người thắp nén nhang bày tỏ tấm lòng thành kính, tưởng nhớ và tỏ lòng tri ân, báo hiếu tới chư vị hương linh đã khuất, mà còn là dịp để Chư Tăng và Phật Tử Việt – Lào gặp gỡ, giao lưu, bày tỏ tình đoàn kết.
Ban TT- TT PG Đà Nẵng