PSO - Chiều ngày 15/04/2023 (nhằm ngày 07/03 năm Giáp Thìn), nhận lời mời của Ban tổ chức, TS. Đào Lê Hòa An – Giám đốc Trung tâm ứng dụng khoa học tâm lý và hướng nghiệp 4.0 Jobway có tiết giảng đầu tiên về chuyên đề “Ứng dụng tâm lý học sư phạm nghề nghiệp và chinh phục người học bằng tương tác tâm lý” tại khóa bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm do Ban giáo dục Phật giáo TW tổ chức tại Sandy Beach Resort (Q. Ngũ Hành Sơn, TP. Đà Nẵng).
Tại buổi chia sẻ, Tiến sĩ Đào Lê Hòa An định nghĩa về “Nghệ thuật sư phạm” là trình bày một cách hệ thống và sáng rõ một vấn đề trước đông người, là quá trình "ám thị" và thuyết phục người nghe đồng ý với quan điểm mà người giảng nêu ra (thông qua phương tiện ngôn ngữ và phi ngôn ngữ), diễn giảng là sự tương tác 2 chiều, diễn giảng là một nghệ thuật mà người thuyết trình là một “nghệ sĩ”.
Tiến sĩ đưa ra nhiều ví dụ thiết thực tương tác với chư Tôn đức học viên để chư tôn đức thấy được sự quan trọng của nghệ thuật sư phạm. Bên cạnh việc sử dụng những nghệ thuật thì thầy cô cần có những tác động, lời nói, hành động, lời động viên, liên quan đến trái tim của học viên để kết quả được như mong muốn hơn.
Tiến sĩ chỉ ra một số áp lực thường gặp khi mình diễn giải hay trình bày một vấn đề nào đó (sợ nói sai, đọc nhầm, khán giả chán, tình huống bất ngờ xảy ra, sợ không ngoại hình của bản thân không đẹp,…) chúng ta nên rèn luyện sự tự tin, nói chuyện trôi chảy, và luôn đưa ra tình huống chủ động vì chúng ta là người cầm mic; 80% của sự thành công trong giảng dạy đó là chuẩn bị. Để chuẩn bị tốt cho bài giảng chúng ta cần: nội dung nói (số liệu, thông tin, ví dụ,..), phong cách nói (tác phong ngoại hình, hình thức trình bày), giọng điệu và ngữ điệu.
Với những chia sẻ hữu ích của Tiến sĩ đã mang lại niềm hoan hỷ tích cực, khép lại cho tiết học thứ 2 của ngày học đầu tiên.
Thực hiện: Tường Huy – Được Huỳnh