PSO - Được sự hứa khả của Hòa thượng Ân sư Thích Bảo Nghiêm - Phó chủ tịch HĐTS, Trưởng Ban Hoằng pháp TW GHPGVN, trong hai ngày 16 - 17/12/2024, Đạo tràng Pháp Hoa miền Bắc (ĐTPHMB) đã tổ chức khóa tập huấn tại chùa Bằng - Linh Tiên tự (quận Hoàng Mai, Hà Nội) với sự tham dự của 560 Phật tử là thành viên Ban điều hành ĐTPHMB, Chúng trưởng – Chúng phó, Ban điều hành các Đạo tràng thành viên và nguồn Phật tử kế cận đến từ 54 đạo tràng Pháp Hoa trên toàn miền Bắc.
Khóa tập huấn nhằm triển khai chuyên đề công tác tổ chức - xây dựng đạo tràng, ôn luyện – thực hành nghi lễ biệt truyền của pháp môn tu tập và triển khai các hoạt động Phật sự sắp tới. Được biết, hoạt động tập huấn toàn ĐTPHMB được tổ chức định kỳ hàng năm.
Sáng ngày 17/12, Đạo tràng đã trang nghiêm lắng nghe bài pháp thoại của Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm – Phó Chủ tịch HĐTS GHPGVN, Trưởng Ban Hoằng pháp TW, là người đã được Đại lão Hòa thượng Đệ tứ Pháp Chủ GHPGVN tin tưởng, trao truyền tổng lãnh đạo ĐTPH miền Bắc.
Trước khi nói về ý nghĩa của khóa tập huấn lần này, Hòa thượng vô cùng hoan hỷ khi nhìn thấy sự hiện diện của đầy đủ đại diện các Đạo tràng Pháp Hoa trên toàn miền Bắc. Hòa thượng đã tán dương tinh thần tu học của các Đạo tràng và chúc cho khóa tập huấn thành công tốt đẹp.
Theo Hòa thượng, Tập huấn có nghĩa là tập theo lời dạy của các bậc thầy giáo thụ để chúng ta có kỷ cương, là một Đạo tràng phát triển về số lượng cũng như chất lượng. Hòa thượng cũng chia sẻ tới đại chúng lời chúc của Đức Đệ Tứ Pháp chủ GHPGVN gửi tới toàn thể đạo tràng trong khóa tập huấn được bình an, hạnh phúc, tinh tiến tu tập trong 21 ngày tu gia hạnh Phổ Hiền.
Tiếp đó, Hòa thượng đã chỉ dạy và giảng giải về ý nghĩa của đạo tràng Pháp Hoa, đồng thời chỉ đạo Đạo tràng xây dựng phát triển theo phương châm Kỷ Cương – Đoàn Kết – Phát triển. Đức Tôn Sư cũng đã chỉ dạy rất rõ “Đạo tràng” có nghĩa là bao hàm tất cả khắp hư không pháp giới đều là đạo tràng của Chư Phật. Cho nên dù ở bất cứ đâu, bất cứ nơi nào, khi tâm thanh tịnh thì đều là đạo tràng, bất kỳ nơi nào cũng tu được, không nhất thiết phải đối trước tượng Phật. Học theo hạnh Bồ tát, vào bùn mà không nhiễm mùi bùn.
"Kinh Pháp Hoa là Kinh tối thượng thừa, là kinh cao nhất trong các bộ kinh Đại thừa. Kinh Pháp Hoa chỉ thẳng Phật tâm của chính mình, tâm Phật và chúng sinh bình đẳng như nhau, như hoa Sen dù ở đâu thì cũng giống nhau, cũng giống như chúng ta dù là đạo tràng các tỉnh khác nhau nhưng về bản chất là bình đẳng như nhau. Không phân biệt Đạo tràng Hà Nội hay Đạo tràng tỉnh khác. Hoa sen của Phật là hoa sen bừng nở, hoa sen của chúng ta là hoa sen chưa nở hoặc sắp nở, cho nên là con người thì phải trở thành một con người vĩ đại, là chúng sinh thì trở thành một chúng sinh phi thường, và hoa sen của chúng ta phải trở thành hoa sen giống như Phật. Cho nên, Phật mới chỉ cho chúng ta hiểu được tri kiến Phật" - Hòa thượng chia sẻ.
Đồng thời, Hòa thượng cũng nhấn mạnh, hàng Phật tử cần phải ghi nhớ và học theo hạnh của Bồ tát Thường Bất Khinh – tiền thân của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni trong kinh Diệu Pháp Liên Hoa, trên kính mười phương Chư Phật, dưới thương tất cả mọi người. Đạo tràng Pháp Hoa là đạo tràng tu tập với mục đích để giải thoát, an lạc theo Đức Phật. Cũng giống như các Pháp môn khác nhưng đều chung một kết quả – “Nhân tu vạn hạnh, quả chứng Nhất thừa”. Cho nên, người Phật tử không nên có tâm phân biệt đạo tràng này, đạo tràng khác cũng như pháp môn này, pháp môn khác, dù tu có khác nhau nhưng kết quả là giống nhau.
Pháp tu căn bản nhất trong đạo là chữ Hòa hợp – Đoàn kết. Người tu phải lưu ý không được để xuất hiện sự hiềm khích, tự kiêu, tự mãn. Phật cũng giống như cha mẹ của ta, trong một gia đình anh em mà không hòa hợp thì cha mẹ không vui. Cho nên, Hòa thượng sách tấn trong đạo tràng, chức danh chỉ là phương tiện để làm việc,người Phật tử không được chấp vào danh. Phải kính trọng Tam Bảo, trong đó có ngôi Tăng bảo, bởi nhờ có Tăng lưu truyền mạng mạch Phật pháp thì Phật tử mới biết và hiểu được chính pháp của Phật.
Hòa thượng Ân sư chia sẻ, trong đời tu của Ngài, lấy 6 chữ tu. Đó là: “Thành kính – Chân thật – Tận tâm”. Thành kính với tất cả bề trên, coi tất cả mọi người đều trên mình. Làm việc gì cũng phải chân thật, không bao giờ dối trá, xu nịnh, lúc vui cũng như lúc buồn, lúc sướng cũng như lúc khổ, lúc có cũng như lúc không. Đặc biệt nhất là 2 chữ Tận tâm, làm việc gì cũng phải tận tâm. Tận tâm phụng sự học theo Ngài A Nan “Tương thử thâm tâm phụng trần sát, Thị tắc danh vi báo Phật ân” tức mang thân phụng sự cho thế giới này đó là báo ơn Phật. Khi còn làm việc được có nghĩa là Phật còn cho làm, khi không làm được nữa có nghĩa là Phật cho nghỉ. Đồng thời, kỷ cương tu tập còn thể hiện trong việc đúng giờ, ngồi đúng chỗ, ăn đúng thời, tu đúng lúc. Tu học không trễ nải, luôn đưa mình vào trong kỷ cương, sống thanh tịnh, hòa hợp. Thời khóa tu tập phải giữ liên tục, không được bỏ. Tu giống như dây đàn, dây đàn căng quá thì đứt mà trùng quá thì tiếng đàn không kêu, dây đàn phải vừa thì mới kêu hay. Người tu cần luôn luôn phải giữ tâm thanh tịnh, an trú trong mọi sát na.
Sau cùng, Hòa thượng cũng chia sẻ việc Đức Đại lão HT Tôn sư Đệ tứ Pháp Chủ rất quan tâm tới sự phát triển của Đạo tràng. Từ đó, Hòa thượng mong Đạo tràng Pháp Hoa miền Bắc “Hãy phát triển trong kỷ cương, đoàn kết và trong sức mạnh của sự tu tập. Phát triển về số lượng nhưng phải phát triển về chất lượng tu tập. Ban điều hành ĐTPHMB cần lưu ý phát triển các ban chuyên trách để hoàn thành các công việc một cách tốt hơn. Các Đạo tràng nhỏ nên học mô hình này để giúp cho Đạo tràng Pháp Hoa sẽ ngày càng phát triển hơn”.
Sau thời pháp thoại ý nghĩa của Hòa thượng truyền trao, đại chúng cùng đối trước Phật đài, nhất tâm trì tụng kinh Bổn Môn Pháp Hoa cầu nguyện Phật Pháp hưng long, thế giới hòa bình, nhân dân an lạc.
Đầu giờ chiều, Đạo tràng được cung đón Thượng tọa Thích Chiếu Tuệ - Ủy viên HĐTS, Phó trưởng Ban thường trực Ban Hoằng pháp TW, Trưởng Ban cố vấn ĐTPHMB quang lâm sách tấn đạo tràng về Công tác tổ chức xây dựng Đạo tràng.
Theo đó, Thượng tọa nhấn mạnh, hành giả tu tập Bổn môn Pháp Hoa cần có niềm tin Tam Bảo vô cùng chắc chắn, vững chãi trước những biến cố của xã hội, dịch bệnh. Đặc biệt, giữ vững niềm tin vào Phật – Pháp – Tăng, "nhất tâm cùng Phật - nhất hướng cùng Thầy".
Vốn dĩ Đạo tràng Pháp Hoa có nền tảng rất vững chắc và có quy định cho mỗi hành giả từ ngay bước chân đầu tiên vào Đạo tràng, khi được thọ pháp y từ Hòa thượng Tôn sư và Hòa thượng Ân sư. Bởi lẽ đó, Pháp y vô cùng ý nghĩa và thiêng liêng. Tuy chỉ là tấm vải nhưng Y này có uy lực từ chư Tổ, chư Bồ tát, Đại lão Hòa thượng Tôn sư, Hòa thượng Ân sư đến các Phật tử. Pháp vốn tịch diệt, không có lời nói; Pháp Y là phương tiện để ta tu hành đạt tới giải thoát. Pháp Y là pháp của Phật. Hành giả thọ Pháp y phải chuẩn bị thân tâm thanh tịnh, cảm được ân đức, năng lượng của Đức Phật, cảm được sự gia trì của Đức Phật. Y còn là cứu mạng, thể hiện thân tuệ mạng. Hành giả đeo y để luôn nhớ đã thọ pháp thì phải trì pháp và hành pháp. Điều đầu tiên của hành pháp là đeo pháp y. Vì vậy, Đạo tràng Pháp Hoa cần giữ gìn, nuôi dưỡng tâm tu, có phương pháp hành trì, thống nhất nghi lễ của Bổn môn Pháp Hoa từ trên xuống dưới. Ngoài thời khóa tụng niệm, Đạo tràng có mùa tu gia hạnh Phổ Hiền hàng năm, bắt đầu từ ngày 17/11 ÂL (Ngày vía Đức Phật A Di Đà) đến ngày 08/12 ÂL (Ngày vía Đức Phật Thích Ca) để tăng trưởng niềm tin, công đức của hành giả Pháp Hoa.
Thượng tọa nhận định, Đạo tràng Pháp Hoa có tính tổ chức xuyên suốt từ trên xuống dưới. Nhờ đó các đạo tràng duy trì phát triển đều đặn. Đặc biệt, về vấn đề tổ chức, Đạo tràng Pháp Hoa là đạo tràng trực thuộc Ban Hoằng pháp TW GHPGVN, hoạt động trên tinh thần giáo pháp của Đức Thế Tôn, phụng sự Phật pháp, phụng sự cho Giáo hội. Đây chính là tính ưu việt của đạo tràng Pháp Hoa.
Nhân đây, Thượng tọa cũng sách tấn Đạo tràng về các vấn đề như nghi lễ, tu tập,.... Ví dụ như về nghi lễ cần thống nhất trong cách đọc tụng, lễ lạy, kinh hành.... theo nghi lễ chung của Bổn môn Pháp Hoa. Ban nghi lễ của ĐTPHMB cần chỉ dạy cho Đạo tràng Pháp Hoa các tỉnh thành trong sự hòa hợp, để có được sự thống nhất chung.
Đặc biệt, mỗi hành giả cần tinh tiến Tu tập để niềm tin Tam bảo tăng trưởng mỗi ngày. Nếu không tu tập thường xuyên thì niềm tin sẽ bị mai một. Đạo tràng cần khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các Phật tử về tu tập. Đạo tràng cần đưa ra tính tổ chức, kỷ luật để tạo ra sự quy củ, nề nếp, song cũng phải giữ sự đoàn kết hòa hợp giữa các Đạo tràng cũng như các thành viên với nhau. Các Đạo tràng cần có Ban Kiểm chúng, Ban Trật tự để quản lý quân số sinh hoạt và hướng dẫn các thành viên tham gia sinh hoạt, tu tập được trang nghiêm, thanh tịnh. Hơn nữa, khi sinh hoạt ở chùa nào thì Đạo tràng cần tôn trọng thầy trụ trì cũng như tôn trọng nếp sống sinh hoạt của ngôi chùa đó, dưới sự đồng thuận của Chư Tăng Ni và Ban quản lý khu di tích đó. Đạo tràng cần biết hài hòa cân đối tu tập phối hợp với nhà chùa, với chính quyền để nhà chùa và chính quyền cùng đạo tràng hoan hỷ.
Hơn nữa, Từ thiện nhân đạo là việc làm thể hiện tinh thần từ bi cứu khổ của Đạo Phật. Tuy nhiên, công việc đòi hỏi từ bi phải đi liền với trí tuệ, cần chọn đúng đối tượng, phù hợp với hoàn cảnh và mang tinh thần thống nhất chứ không tự phát.
Nhân đây, Thượng tọa cũng sách tấn các Chúng trưởng "cần biết chấp nhận sự sai biệt của mỗi người trong Đạo tràng và khéo léo dung hòa. Không bị dao động bởi trần lao chi phối, tìm cách giải quyết mọi việc bằng cách lắng nghe để thấu hiểu tâm tư, hoàn cảnh, nghề nghiệp, địa lý, phong tục tập quán, văn hóa địa phương của từng người. Các Chúng trưởng cần có đức hy sinh, nhẫn nhục, bao dung làm gương tu tập cho đạo tràng noi theo".
Cuối cùng, Thượng tọa nhấn mạnh tới toàn đạo tràng về ý nghĩa của việc tu tập theo đúng tinh thần Phật giáo Việt Nam, hộ quốc an dân, đồng hành cùng dân tộc.
Kết thúc thời pháp, Đạo tràng bước vào hoạt động sinh hoạt Tổ. Dưới sự chứng minh của Hòa thượng trụ trì Thích Bảo Nghiêm, 560 Phật tử được chia làm các nhóm khác nhau với sự dẫn dắt của các thành viên Ban điều hành ĐTPHMB nhằm lắng nghe, chia sẻ cùng nhau những tâm tư, khó khăn trong hoạt động tu tập, Phật sự của các Đạo tràng thành viên, nhất là các đạo tràng mới thành lập hay đạo tràng ở vùng xa xôi. Từ đó, Ban điều hành ghi nhận, tổng hợp và kịp thời hỗ trợ các đạo tràng, đưa ra những cách thức ứng xử hài hòa.
Buổi tối, đại chúng cùng lên thời khóa tụng Kinh khép lại ngày tập huấn đầu tiên trong niềm hoan hỷ.
Sáng ngày 17/12 (tức ngày 17/11 ÂL), là ngày vía Đức Phật A Di Đà, cũng là mở đầu cho ngày tu đầu tiên trong mùa tu gia hạnh Phổ Hiền của Đạo tràng Pháp Hoa; ngay từ sáng sớm, đại chúng đã vân tập về nơi lễ đường, đối trước Phật đài chí thành chí kính tụng kinh A Di Đà. Sau khi kết thúc thời khóa, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm cũng đã có đôi lời hỏi thăm sức khỏe Đạo tràng, bày tỏ niềm xúc động khi dù trời giá rét, nhưng các Phật tử vẫn tinh tiến tu tập không giải đãi. Hòa thượng động viên đại chúng nỗ lực để khóa tập huấn thành công viên mãn.
Sau đó, đại chúng cùng nghe chia sẻ của đạo hữu Hoa Đạo Lịch (85 tuổi) – là một trong những hạt sen đầu tiên của ĐTPHMB, nguyên là Trưởng Ban điều hành ĐTPHMB chia sẻ về công tác xây dựng đạo tràng cùng những thuận lợi và khó khăn. Đồng thời, Đạo hữu cũng động viên các đạo tràng luôn đoàn kết, hòa hợp, cố gắng vượt qua khó khăn, tinh tiến tu học, cùng nhau xây dựng đạo tràng Pháp Hoa miền Bắc ngày càng phát triển để không phụ công ơn dưỡng dục của Đức Đại lão HT Tôn sư và HT Ân sư kính yêu.
Thay mặt BĐH, Đạo hữu Pháp Thiện Thịnh đã thông tin đến khóa tập huấn về Tình hình tổ chức của đạo tràng đến thời điểm hiện tại, cũng như những Phật sự trọng tâm từ nay đến ngày Đức Phật Thành Đạo, ngày kỷ niệm thành lập Đạo tràng 8-12 Giáp Thìn.
Tiếp theo, đại chúng cùng nhau ôn và thực hành lại để thống nhất những nghi lễ trong lễ lạy, tụng kinh, thiền hành của đạo tràng Pháp hoa dưới sự hướng dẫn của Ban nghi lễ miền Bắc.
Buổi trưa, Trước khi khép lại khóa tập huấn trong ngày thứ hai này, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm đã cùng đại chúng nhất tâm niệm Phật và có những lời dặn dò các Phật tử về pháp môn tu học.
Theo Hòa thượng, pháp môn tu Tịnh Độ cũng nằm trong pháp môn tu Pháp Hoa. Trong thời khóa tu học của Đạo tràng cũng có bản kinh A Di Đà do đức Đại lão HT Tôn sư biên soạn. Pháp môn Pháp Hoa hay pháp môn Tịnh Độ tên gọi có khác nhau nhưng đồng quy nhất về Phật thừa là giống nhau. Vì vậy, các Phật tử cần chuẩn bị tư lương về với Phật bằng cách hàng ngày trì tụng, lễ lạy kinh Bổn Môn, Sám hối Hồng danh và cũng nhất tâm niệm Phật để đạt được sự an lạc, giải thoát và giác ngộ.
Bên cạnh đó, các Phật tử hãy chọn lối sống lành mạnh, thiện lương, không oán thù hờn giận, không luyến ái mà tùy pháp sinh diệt. Lập nguyện cho mình, để dũng mãnh tu tập hướng đến sự an vui cho mình và gia đình ngay đời hiện tại cũng như quả vị an lạc giải thoát mai sau.
Những lời chia sẻ giá trị của Hòa thượng đã khép lại khóa tập huấn thành tựu viên mãn.
Diệu Tường - Ban TTTT Đạo tràng Pháp Hoa miền Bắc