Đạo Từ của Hoà thượng Trưởng ban HDPT TƯ tại Hội Nghị Tổng Kết Phật Sự 2024 của Phân Ban PTDT TƯ

Phật lịch 2568 – Thứ Hai, Ngày 23 tháng 12 năm 2024 (23/11/ Giáp Thìn)

HỘI NGHỊ TỔNG KẾT PHẬT SỰ NĂM 2024 CỦA PHÂN BAN PHẬT TỬ DÂN TỘC TRUNG ƯƠNG

*Đạo Từ của Hòa thượng Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng Ban Hướng Dẫn Phật tử Trung ương Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam – Trưởng Ban trị sự Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế trong Hội Nghị Tổng Kết Phật Sự Năm 2024 Của Phân Ban Phật Tử Dân Tộc Trung Ương tổ chức tại Giảng đường Chùa Quang Minh, phường Thủy Xuân, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế vào ngày 23 tháng 11 năm Giáp Thìn (2024).

Trước phiên làm việc Hội nghị Tổng kết Phật sự năm 2024, Phân Ban Phật tử Dân tộc Trung ương do Thượng tọa Thích Quảng Tuấn, Trưởng Phân Ban dẫn đầu đến chùa Thiên Minh để thăm viếng Hòa thượng Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương GHPGVN để thỉnh Hòa thượng Chứng minh phiên làm việc vào buổi chiều cùng ngày (Thứ Hai, Ngày 23 tháng 12 năm 2024).

Để lưu giữ lại những lời Đạo từ của HĐTS Trung ương Giáo hội, Ban thư ký xin ghi lại toàn bộ nội dung lời Đạo từ của Hòa thượng Phó Chủ tịch.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Kính thưa Thượng tọa Thích Quảng Tuấn, – Ủy viên Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó Trưởng ban Hướng dẫn Trưởng ban Phật tử Trung ương Giáo hội, Trưởng Phân ban Phật tử Dân tộc Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Kính bạch Chư Tôn thiền đức Tăng Ni.
Kính thưa Các vị Cư sĩ trong Phân ban Phật tử Dân tộc Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Kính bạch Chư Tôn thiền đức Đại diện Ban Thường trực Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế.

Kính bạch hiện tiền Chư Tôn đức Tăng Ni,
Kính thưa toàn thể Quý Đạo hữu Phật tử.

Hôm nay, trong những ngày còn lại của năm 2024, tất cả Quý vị trong Phân ban Phật tử Dân tộc Trung ương vân tập về chùa Quang Minh, thành phố Huế để tiến hành Phật sự rất quan trọng, đó là Tổng kết Phật sự năm 2024, và đề ra Chương trình hoạt động Phật sự năm 2025 của Phân ban Phật tử Dân tộc Trung ương. Đồng thời, cũng nhân dịp này, Ban Hướng dẫn Phật tử tỉnh Thừa Thiên Huế đã có tờ trình lên Ban Thường trực Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế về việc xin phê cử thành phần nhân sự và ban hành quyết định bổ nhiệm Phân ban Phật tử Dân tộc tại tỉnh Thừa Thiên Huế trực thuộc Ban bổ nhiệm Phật tử tỉnh Thừa Thiên Huế.

Niềm vui tiếp nối niềm vui, trong sự hân hoan này, trước thành quả này, trước hết, tôi thay mặt Ban Thường trực Ban Hướng dẫn phật tử Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, riêng cá nhân tôi, xin chân thành tán thán và ghi nhận tất cả tấm lòng vì Đạo vì đời mà trong suốt năm qua, Thượng tọa trưởng Phân ban Phật tử Dân tộc, cùng Chư vị trong Ban Phật tử Dân tộc Trung ương và Ban Hướng dẫn Phật tử các tỉnh thành, đã đoàn kết, hòa hợp, chung sức chung lòng để hoàn thành trọng nhiệm Phật Tổ giao phó và viên thành các Phật sự lợi Đạo ích đời như Bản báo cáo Tổng kết Phật sự mà Ban Thư ký đã trình trước Hội nghị. Chúng Tôi hoàn toàn nhất trí với tất cả những thành quả Ban Thư ký đã báo cáo trước Hội nghị hôm nay.

Phân ban Phật tử Dân tộc chúng ta có tất cả 69 Thành viên, với 31 Vị trong Ban Thường trực và 38 Vị ủy viên trong Phân ban Phật tử Dân tộc.

“Mỗi người, mỗi nước, mỗi non
Bước vào cửa Phật là con một nhà,
Cùng nhau thực hiện lục hòa,
Xiển dương Chánh pháp xây nhà tình thương.”

Trong 69 Vị, người Bắc, kẻ Nam, người miền Trung, kẻ miền xuôi, người miền ngược, thế nhưng, tất cả chúng ta trở về một ngôi nhà – ngôi nhà Giáo hội Phật giáo Việt Nam, để chung sức chung lòng “xiển dương Chánh pháp, xây nhà tình thương.” Đó là một Phật sự quan trọng, một việc làm rất có ý nghĩa trong suốt năm qua Phân ban Phật tử Dân tộc đã hoàn thành xuất sắc mọi Phật sự, từ công việc từ thiện xã hội, xây 28 ngôi nhà đại đoàn kết với tổng số tiền Hai tỷ – tám mươi triệu VNĐ (2.080.000.000 VNĐ), chưa kể đến những tịnh tài và chi phí về vấn đề cứu trợ, hoạt động và những công việc từ thiện phát sinh. Đây là gói trọn tất cả tấm lòng của Thượng tọa Trưởng ban, cũng như tất cả các thành viên trong Phân ban Phật tử Dân tộc, các nhà hảo tâm, các mạnh thường quân, các Thiện nam Tín nữ Phật tử ở trong nước cũng như nước ngoài.

Trong giờ phút này, thay mặt cho Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương, chúng tôi xin hồi hướng lên Tam Bảo chứng minh và cầu nguyện Chư Phật, Chư Đại Bồ tát, Chư Thánh Hiền Tăng, từ bi gia hộ Chư Tôn đức Tăng Ni pháp thể khinh an, đạo hạnh viên trường, Phật sự viên thành, lợi lạc chúng hữu tình. Chúc tất cả Quý Phật tử thân tâm dõng mãnh, tinh tiến trên con đường tu học Chánh pháp, hộ trì Tam Bảo và lợi lạc quần sanh

Kính bạch Chư Tôn đức,
Kính thưa toàn thể Quý vị,

Trong kinh Pháp Hoa, quyển thứ 5, Phẩm Tùng Địa dõng xuất thứ 15, Đức Thích Ca Mâu Ni đã chỉ rõ cho chúng ta có bốn bậc Bồ tát giữa cuộc đời này. Nếu tất cả chúng ta thấy có những người thực hành hạnh nguyện đó thì chúng ta nên gần gũi, nên học hỏi và nên thực hiện theo những hạnh nguyện đem đến sự lợi lạc cho Đạo, cho đời.

Vị Bồ tát thứ nhất, đó là Thượng hạnh Bồ tát, là Vị Bồ tát luôn luôn đi tìm việc khó khăn mà làm. Trong việc khó khăn, vị Bồ tát này đã viên thành được tất cả Phật sự, viên thành được tâm niệm cứu độ chúng sanh. Ở đời, người ta thường đi tìm việc dễ mà làm, nhưng với với các bậc Thượng hạnh Bồ tát, các Ngài đi tìm việc khó khăn mà làm. Trong khi làm việc khó khăn, dồn hết tâm niệm mình mà làm và làm việc khó khăn và đạt được kết quả mỹ mãn. Như thế rõ ràng, tất cả các vị dấn thân vào những công việc khó khăn, Phân ban Phật tử Dân tộc là một trong chín Phân ban của Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương, Phật sự thì nhiều, đường đi thì khó, lắm nỗi gian nan, bao nhiêu vất vả, nhưng trong cái khó khăn, các vị biết dấn thân, các vị biết hy sinh, và các vị dấn thân hy sinh đó suốt nhiều năm qua, và đặc biệt trong năm 2024, các vị đã thành công nhiều Phật sự. Như vậy là các vị đang thực hiện hạnh Bồ tát của vị Thượng Hạnh Bồ tát. Đức Thích Ca Mâu Ni thấy rằng, giữa cuộc đời nhiều người đang thực hiện hạnh nguyện đó. Và chúng ta là những hành giả đang tu tập, thấy ai thực hiện hạnh nguyện đó, chúng ta nên gần gũi để học, nên gần gũi để tiếp sức, nên phát nguyện để dấn thân.

Vị Bồ tát thứ hai, đó là Vô Biên Hạnh Bồ tát, tức là vị Bồ tát đa hạnh, việc khó cũng làm, việc dễ không bỏ. Giữa cuộc đời, nhiều người lựa chọn việc này, thường sàng lọc việc kia, nhưng với những vị Vô Biên Hạnh Bồ tát, việc khó không bỏ, việc dễ cũng làm. Bất cứ một việc gì đem đến lợi lạc cho chúng sanh, vị Vô Biên Hạnh Bồ tát đều phát tâm dõng mãnh thực hiện. Ngay chính cuộc đời Đức Phật chúng ta, Ngài vào trong cung để thuyết pháp cho vua, Ngài không quên độ cho một ông Ni Đề gánh phân, Ngài thuyết pháp cho các bậc trưởng giả, tu sĩ, Ngài không quên cứu độ cho những người nghèo khổ, Ngài nhận sự cúng dường của các bậc vua chúa, Ngài không quên nhận Một Đồng dầu hỏa của một người đi xin ăn đến cúng dường. Một hôm, đi giữa đường, Ngài thấy một bà già ngồi bên vệ đường, áo quần rách rưới, đang xâu kim để vá áo, Đức Phật đến gần bà già kia để xâu kim giùm cho bà vá những mảnh áo tả tơi. Tôn giả Anan thưa với Đức Phật:

– Bạch Đức Thế Tôn, Ngài là Đạo sư của chúng sanh, thế mà Ngài ngồi gần một người nghèo khổ, áo quần rách rưới để làm cái việc bên vệ đường như vậy có mất cái thể thống không?

Đức Phật dạy:

– Này Anan, ông bảo rằng, trong giờ phút này Ta không làm việc này thì ông bảo Ta làm việc gì? Chung quanh bây giờ chưa có việc gì phải làm mà việc trước mắt là phải xâu kim cho bà già nghèo để vá lại những mảnh áo rách rưới tả tơi. Đây là việc cần thiết, tuy rất nhỏ nhưng bây giờ là giải quyết liền.

Trước lời dạy của Đức Phật, Tôn giả Anan thấy rằng, hạnh nguyện Bồ tát của Đức Phật đem lòng từ bi vô bờ bến để cứu độ tất cả chúng sanh. Như vậy rõ ràng, với vị Bồ tát Vô Biên Hạnh, bất cứ việc gì mà chúng ta thấy rằng cần giải quyết ở trước mắt, thực tế, đem đến sự lợi lạc cho chúng sanh, chúng ta phải làm liền, chúng ta cố gắng, tinh tiến dõng mãnh thực hiện cho kỳ được, dầu một thùng mì, dầu một bao gạo, hay một căn nhà Đại đoàn kết, từ tỉnh này đến tỉnh kia, dầu miền xuôi hay miền ngược, việc trước mắt giải quyết, Phân ban Phật tử Dân tộc đã giải quyết. Việc cấp thiết phải làm trong những trận lũ lụt vừa qua, các vị lập tức làm liền. Như vậy, trong những việc làm của Phân ban Phật tử Dân tộc chúng ta thực hiện được hạnh nguyện Vô Biên Hạnh Bồ tát.

Vị Bồ tát thứ ba là Tịnh Hạnh Bồ tát. Các vị Tịnh Hạnh Bồ tát ra làm Phật sự luôn luôn biết thân tâm thanh tịnh, giữ giới hạnh trang nghiêm. Cổ nhân có nói: “Phú nhuận óc, đức nhuận thân”, giàu thì xây nhà cho đẹp, nhưng muốn làm con người cho đẹp thì phải lấy cái đức. Con người đẹp là nhờ cái đức, như Chư Tổ đã dạy: “Cái tôn quý nhất con người là có cái Đạo, vẻ đẹp nhất của con người là có cái Đức. Người có đạo đức tuy nghèo mà không hèn, người không có đạo đức tuy giàu mà không phải là người ngồi trên thiên hạ.” Cho nên, tất cả chúng ta là những người đệ tử của Đức Phật, chúng ta làm Phật sự với một tâm thanh tịnh, với một giới đức trang nghiêm, với một phong độ của người xuất gia, tại gia đệ tử. Đồng thời, khi tâm mình có thanh tịnh, trí mới sáng suốt; trí mình có sáng suốt, mới nhận định được những việc làm cấp thiết phải thực hiện ngay. Không ai bảo ai, tất cả các thành viên trong Phân ban Phật tử Dân tộc đồng tâm hiệp lực để làm dưới ánh sáng trí tuệ. Người ta khen, mình không mừng; người ta chê, mình không buồn. Người ta khen mình, mình cố gắng làm ra Phật sự, cố gắng tu tập tinh tiến, thì mình cũng thành Phật. Người ta chê mình, nếu mình cố gắng nỗ lực hoàn thành các trọng nhiệm, tinh tiến thanh tịnh trên con đường tu tập thì mình cũng thành Phật. Người họ khen, dẫu mình không tu, nếu mình không tạo các công đức thì mình cũng không thành Phật. Người họ chê mình, mà mình có tu, mình làm các công đức, hoàn thành sứ mệnh của người xuất gia, tại gia, thì mình cũng thành Phật. Cho nên, khen chê, thị phi ngày nào cũng có: “Thị phi trung hữu nhật, bất thính tự nhiên vô.”Chuyện xấu với tốt, chuyện khen với chê, chuyện hay với dở, ngày nào cũng có, nghe hay không là tùy theo mỗi người. Thành thử, khi biết nghe thì miệng mĩm cười tươi, người không biết nghe, ruột gan tơi bời khổ đau. Cho nên, trong khi làm Phật sự, chúng ta thực hiện hạnh Bồ tát là Tịnh hạnh Bồ tát, giữ thanh tịnh tam nghiệp thân, miệng, ý bằng giới đức trang nghiêm. Khi tâm thanh tịnh thì trí tuệ sáng suốt, tất cả mọi việc làm đều là những việc làm chân chính, tốt đẹp, lợi Đạo ích đời.

Vị Bồ tát thứ tư đó là An Lập Hạnh Bồ tát, tức là Vị Bồ tát luôn luôn bằng lòng với công việc của mình. Chúng ta đang làm Phật sự, luôn luôn bằng lòng với vị trí của mình, với trọng nhiệm của mình. Mình làm là vì muốn Chánh pháp tồn tại thế gian, làm với mục đích ánh sáng trí tuệ của Đức Phật soi tỏ khắp mọi nơi, làm là nhằm đến mục đích phụng sự chúng sanh, là cúng dường Chư Phật. Cho nên, dầu địa vị nào, dầu chức vụ nào, dầu góc độ nào, dầu vị trí nào, dầu hoàn cảnh nào, chúng ta cũng chỉ nhắm đến mục đích là phụng sự lý tưởng giải thoát, đem đến sự lợi ích cho chúng sanh, báo đáp hồng ân của Đức Phật. Cho nên, đứng ở địa vị nào, chúng ta cũng an lạc, làm bất cứ một việc gì, chúng ta cũng cảm thấy an lạc, bằng lòng với công việc hiện tại, bằng lòng với mọi công tác mà chúng ta đang làm. Có như thế, dầu bước những bước chân đi trèo núi, leo đèo, vượt ải qua sông, nhưng lòng chúng ta an tịnh, lòng chúng ta vui vẻ, bằng lòng với công việc chúng ta đang làm với lý tưởng cao siêu, với ý hướng đích thực, con đường đi tới đó là phụng Đạo ích đời.

Bốn vị Bồ tát đó ở giữa thế gian này có những vị Bồ tát vô danh, hằng ngày đang âm thầm đang lặng lẽ để thực hiện công tác Phật sự. Với Phân ban Phật tử Dân tộc chúng ta, qua cái nhìn tuệ giác của Đức Phật, những người con của Ngài cũng đang tìm kiếm việc khó khăn đang làm, những người con của Ngài cũng đang làm tất cả mọi việc có thể làm được, những người con của Ngài luôn luôn giữ giới hạnh trang nghiêm, thân tâm thanh tịnh để thừa hành Phật sự, và những người con của Ngài trong muôn phương muôn hướng cũng đang bằng lòng chấp nhận với vị trí, với hoàn cảnh, với công việc của mình mà Giáo hội đang giao phó. Với bốn hạnh Bồ tát đó, Đức Thích Ca Mâu Ni đã dạy cách nay gần ba nghìn năm lịch sử trong kinh Pháp Hoa gồm có Bảy cuốn và Hai mươi tám phẩm, mà Phẩm Tùng địa dõng xuất là phẩm thứ 15 của quyển thứ 5.

Hôm nay, nhân lễ Tổng kết Phật sự năm 2024, đề ra Chương trình hoạt động Phật sự năm 2025, chúng tôi hết sức xúc động khi thấy tất cả các vị là những người muôn phương muôn hướng, tuy tiết đông thiêng lạnh lẽo, đường sá xa xôi, nhưng các vị đã tổ chức vì Đạo pháp, vì Giáo hội, vì sự lợi lạc quần sanh, vân tập về đây một cách đông đủ để tham dự Hội nghị Tổng kết hôm nay.

Chúng tôi cũng hết sức tán thán Thượng tọa Trưởng ban Hướng dẫn Phật tử tỉnh Thừa Thiên Huế đã chu toàn được trọng nhiệm của mình, đó là tiến hành thành lập Phân ban Phật tử Dân tộc tỉnh nhà với tất cả các vị tham gia một cách tích cực. Giáo hội xin tán thán tất cả đạo tâm quý báu của quý vị trong Ban Hướng dẫn Phật tử tỉnh và cũng xin khuyến tiến, động viên, cổ vũ tinh thần dõng mãnh của toàn thể các vị trong thành viên của Phân ban Phật tử Dân tộc tỉnh Thừa Thiên Huế. Chỉ có sự tinh tiến mới hoàn thành được nhiệm vụ, tinh tiến là chất xăng, xe dẫu tốt, tài xế dẫu giỏi, đường đi có bằng phẳng, điểm khởi đi và điểm tới nơi gần, không xa, nhưng thiếu xăng thì xe không chạy. Mình có khỏe, có học nhiều, hiểu biết, có đủ khả năng nhưng không siêng năng, không tinh tiến thì mọi việc nhất định không thành công. Giáo hội trông mong điều đó, xin gửi gắm đến tất cả các vị đức tinh tiến mà Đức Phật đã dạy cho chúng ta trong tám con đường đi chân chính gọi là Bát Chánh đạo. Chỉ có sự tinh tiến là nhân tố quan trọng để đạt đến thành công.

Một lần nữa, chúng tôi thay mặt Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam xin tán thán công đức Thượng tọa Trưởng Phân ban Phật tử Dân tộc Trung ương và tất cả quý vị thành viên trong Ban Phật tử Dân tộc Trung ương, cùng toàn thể quý vị trong Ban Hướng dẫn Phật tử tỉnh Thừa Thiên Huế, Phân ban Phật tử Dân tộc tỉnh Thừa Thiên Huế, cùng toàn thể Quý Đạo hữu Phật tử, đã chung sức chung lòng đóng góp nhiều Phật sự lợi Đạo ích đời trong suốt năm qua.

Giáo hội nhất tâm cầu nguyện ơn trên Tam Bảo gia hộ tất cả Quý vị sang năm mới 2025 và mùa Xuân Tết cổ truyền dân tộc năm Ất Tỵ sắp tới thân khỏe tâm an, vạn sự cát tường và hoàn thành mọi Phật sự mà Phật Tổ đang giao phó cho chúng ta.

Nam Mô Công Đức Lâm Bồ Tát Ma Ha Tát.

Download Android Download iOS
[Video] GHPGVN trao 120.000 USD hỗ trợ Phật giáo và nhân dân Myanmar

PSO - Chiều ngày 15/4, trong khuôn khổ chuyến thăm và hỗ trợ Myanmar khắc phục hậu quả sau trận động đất nghiêm trọng vừa qua, phái đoàn GHPGVN do Thượng tọa Thích Thanh Huân – Ủy viên Thư ký HĐTS, Phó chánh Văn phòng Trung ương GHPGVN làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc, thăm hỏi và trao kinh phí hỗ trợ tại trụ sở chính quyền tỉnh Mandalay, địa ph

[Video] Trung ương Giáo hội thành kính dâng hương tưởng niệm Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Tịnh

Chiều 26-3, chư Tôn đức Giáo phẩm Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự đã vân tập về chùa Vạn Đức (Tp.Thủ Đức) để thành kính dâng hương, tưởng niệm Lễ tiên thường nhân 11 năm ngày viên tịch của Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Tịnh – Tổ sư pháp môn Tịnh độ Việt Nam, Đệ nhất Phó Pháp chủ kiêm Giám luật, Chủ tịch đời thứ hai GHPGVN.

Đồng bào Khmer TP.HCM đón Tết Chol Chnam Thmay ý nghĩa tại Chùa Candaransi

Những ngày giữa tháng 4, trong không khí hân hoan và ấm cúng, đồng bào Khmer sinh sống tại TP.HCM đã vui đón Tết cổ truyền Chol Chnam Thmay tại chùa Candaransi (quận 3). Đây là một trong những ngôi chùa tiêu biểu của cộng đồng Khmer Đông Nam Bộ, nơi gìn giữ bản sắc văn hóa tâm linh truyền thống giữa lòng thành phố hiện đại.

Hành trình thiện duyên - Tuổi trẻ đồng hành làm tượng Phật cúng dường Đại lễ Vesak 2025

Giữa không khí hướng về Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2025, nhóm Phật tử trẻ mang tên “Hành trình thiện duyên” đã tích cực tham gia chiến dịch tôn tạo 10.000 tượng Phật cúng dường do nhóm Tâm Hoa Hạnh phát động. Với tinh thần trách nhiệm, nhiệt huyết và chánh tín, nhóm đã lan tỏa năng lượng tích cực và góp phần khơi dậy Bồ-đề tâm trong cộng đồng Phật

QUAN TÂM & HỖ TRỢ

Phật Sự Online với chủ trương “Nhanh chóng – Kịp thời – chính xác và Nhân văn” đăng tải các hoạt động Phật sự của các cấp Giáo hội và các tự viện trong cả nước cùng các chương trình tu học, thuyết giảng của chư Tôn đức Tăng, Ni giảng sư được truyền hình trực tiếp (Live Streaming) trên mạng xã hội: Facebook, Youtube, Phật Sự Online về các sự kiện Phật sự và trên 15 chương trình khác với mục đích “ Đẩy mạnh truyền thông Phật giáo như một kênh Hoằng pháp …”


Phật Sự Online có trên 60 nhân sự là phóng viên, Ban Biên tập và các bộ phận khác, vì vậy rất cần sự quan tâm chia sẻ, hỗ trợ của chư Tôn đức Tăng Ni, quý Phật tử và quý vị yêu mến Đạo Phật để có được kinh phí đảm bảo sự hoạt động bền vững và lâu dài.

Background Donate

Chủ tài khoản: KENH PHAT SU ONLINE

Số tài khoản: 070104929298

Ngân hàng Sacombank chi nhánh Kiên Giang

QRCOde Quan tầm và hỗ trợ phật sự online