Chiều 6-5, đến tham dự Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2025 tại Việt Nam, đoàn đại biểu Phật giáo Trung Quốc do Hòa thượng Thích Viễn Giác – Chủ tịch Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc, dẫn đầu có buổi diện kiến Đức Pháp chủ GHPGVN – Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng và Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn – Phó Pháp chủ, Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN, tại Học viện Phật giáo Việt Nam TP.HCM.
Trong không khí thân mật, Hòa thượng Thích Viễn Giác bày tỏ niềm hoan hỷ và vinh dự khi được tham dự Đại lễ Vesak 2025. Ngài xúc động khi lắng nghe thông điệp của Đức Pháp chủ và diễn văn khai mạc của Hòa thượng Chủ tịch GHPGVN, qua đó cảm nhận sâu sắc giá trị minh triết của Phật giáo trong việc góp phần hóa giải những thách thức lớn của nhân loại.
Hòa thượng Thích Viễn Giác cũng chia sẻ niềm cảm kích khi phái đoàn có cơ duyên được diện kiến chư tôn đức lãnh đạo GHPGVN. Ngài nhận định đây là biểu hiện sinh động của mối quan hệ pháp lữ thâm tình, gắn bó mật thiết giữa Phật giáo hai nước, góp phần làm sâu sắc thêm tình hữu nghị và sự hợp tác trong lĩnh vực Phật học và văn hóa.
Đáp lời, Đức Pháp chủ Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng hoan hỷ chào đón phái đoàn Phật giáo Trung Quốc, bày tỏ niềm vui trong buổi gặp gỡ thân tình. Ngài chia sẻ rằng từ thuở còn trẻ đã có cơ duyên nghiên cứu văn hóa Trung Quốc, và Luận văn Tiến sĩ của ngài là công trình nghiên cứu về Kinh Pháp Hoa – một bản kinh trọng yếu đã được truyền bá sâu rộng tại Trung Hoa. Qua đó, ngài luôn giữ lòng kính trọng sâu sắc đối với chư vị cao tăng Phật giáo Trung Quốc.
Đức Pháp chủ kỳ vọng rằng trong tương lai, Phật giáo Việt Nam và Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng cường giao lưu, hợp tác trên các lĩnh vực Phật học, văn hóa và giáo dục, góp phần thắt chặt tình hữu nghị giữa hai dân tộc và phát triển Phật giáo ngày càng vững mạnh, hòa hợp trong thời đại mới.
Nhân dịp này, Hòa thượng Chủ tịch Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc đã trân trọng thỉnh mời Đức Pháp chủ và Trưởng lão Hòa thượng Chủ tịch GHPGVN sang thăm Trung Quốc. Ngài khẳng định đây sẽ là niềm vinh hạnh to lớn đối với Tăng Ni và cộng đồng Phật giáo Trung Quốc.
Đăng Huy