PSO - Thể hiện tinh thần tri ân, tưởng nhớ công ơn của chư vị Hoà thượng tiền bối, ngày 06/11/2023 (23/09/Quý Mão) Hoà thượng Thích Chơn Minh - Trụ trì chùa Hòa Long cùng môn đồ pháp quyến trang nghiêm thiết lễ Huý kỵ tưởng niệm lần thứ 4, ngày Hoà thượng Thích Chơn Thành viên tịch.
Quang lâm chứng minh buổi lễ có HT. Thích Chơn Minh - Trưởng Ban trị sự GHPGVN tỉnh Đồng Tháp; trụ trì Chùa Hòa Long, chư tôn đức thường trực Ban trị sự tỉnh, chư tôn đức trụ trì các cơ sở tự viện tại Thành phố Cao Lãnh cùng đông đảo quý thiện nam tín nữ Phật tử cũng trở về tham dự.
Sau nghi thức dâng hương tưởng niệm, ĐĐ. Thích Nguyên Từ - P.Trụ trì, thay mặt cho môn đồ pháp quyến tác bạch cúng dường mười phương chư Phật, chư Tôn đức hiện tiền chứng minh, hồi hướng đến Giác linh Hòa thượng thượng Chơn hạ Thành cao đăng phẩm vị.
TIỂU SỬ HÒA THƯỢNG THÍCH CHƠN THÀNH (1953 – 2017)
. Ủy viên Ban TTXH TW GHPGVN
. Phó Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Đồng Tháp
Ba nhiệm kỳ: khóaVI(2007-2012), khóa VII (2012-2017), và khóa VIII (2017-2022)
. Trưởng Ban Trị sự GHPGVN thành phố Cao Lãnh
Hai nhiệm kỳ: khóa VII (2011-2016) và khóa VIII (2016-2021)
. Nguyên Trưởng Ban Từ thiện Xã hội PG tỉnh Đồng Tháp
. Trụ trì Chùa Hòa Long, phường 4, thành phố Cao Lãnh
I. THÂN THẾ
Hòa Thượng thế danh là Võ Thiền Phương, pháp húy Nhựt Phương, hiệu Chơn Thành, dòng Lâm Tế Chánh Tông, đời thứ 41. Hòa Thượng sinh năm Giáp Ngọ (1953), tại xã Tịnh Thới, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Thân phụ là cụ ông Võ Tấn Lập. Thân mẫu là cụ bà Nguyễn Thị Phối. Gia đình có 8 anh chị em. Hòa Thượng là người con trai út.
II. THỜI KỲ XUẤT GIA HỌC ĐẠO
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần túy Phật giáo, kính tin Tam Bảo, Hòa Thượng được sự thương yêu và dẫn dắt của cha mẹ, nên đã thường xuyên lui tới chốn không môn từ thuở ấu niên. Do ảnh hưởng song thân thấm nhuần Phật pháp, nên Hòa Thượng đã sớm có căn duyên thoát tục. Từ năm 9 tuổi, Hòa Thượng sống trong chùa Thới Hòa với dì ruột là Ni sư Thích Nữ Như Phước.
Rồi năm Ất Tỵ (1965), khi vườn hoa Bát Nhã đơm bông, chí xuất trần dõng mãnh và nhất là được sự đồng thuận của song thân, Hòa Thượng chính thức thế phát xuất gia với Hòa Thượng Thích Thiện Thọ, trụ trì chùa Phước Lâm, huyện Tân Uyên, tỉnh Sông Bé (nay là tỉnh Bình Dương). Năm ấy, Hòa Thượng vừa tròn 11 tuổi. Kể từ đây, đường đời đã khép, Hòa Thượng đã rẽ sang con đường đạo.
Được dự vào hàng xuất gia, hạt giống Bồ đề ngày càng nảy mầm tăng trưởng. Do ý thức được phước duyên lớn của mình, nên ngoài việc sáng công phu, chiều tịnh độ, chấp lao phục dịch, Hòa Thượng càng gia tâm tu học. Nhận thấy đệ tử có tâm cầu học, năm 1970, Thầy Bổn sư đã cho phép Hòa Thượng đến chùa Thiền Tân, phường An Bình, quận 5, thành phố Hồ Chí Minh để tu học.
Năm 1971, Hòa Thượng được thọ giới Sa Di tại giới đàn chùa Từ Quang, quận thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh tổ chức. Được khoát lên người chiếc y vàng giải thoát, Hòa Thượng ngày đêm nỗ lực tấn tu tam vô lậu học, giữ gìn oai nghi tròn đủ. Khi lý tưởng thượng cầu Phật đạo, hạ hoá chúng sanh được thấm nhuần kiên định, năm 1975, Hòa Thượng được truyền trao Cụ túc giới, tại giới đàn chùa Ấn Quang, quận 10, thành phố Hồ Chí Minh tổ chức. Từ đây, Hòa Thượng chính thức dự vào hàng Chúng Trung Tôn.
Với chí nguyện cần cầu tham học, để hoằng truyền chánh pháp, tác Như Lai xứ hành Như Lai sự, kể từ năm 1975 – 1982, Hòa Thượng đã nhập chúng tu học tại chùa Tuyền Lâm, quận 6, thành phố Hồ Chí Minh. Được sống trong hội chúng, Hòa Thượng ngày đêm chuyên tâm trau dồi Kinh Luật Luận, càng tinh tấn tiến tu, lập hạnh, bồi đức quyết chí cầu đạo giải thoát. Ngoài những giờ tham học Phật pháp, Hòa Thượng còn siêng năng, hoan hỷ chấp lao phục dịch, hành đường công quả, để cúng dường thời gian cho chư Tăng ôn tầm kinh điển.
Cũng trong thời gian tu học tại chùa Tuyền Lâm, Thầy Bổn Sư là Hòa Thượng Thích Thiện Thọ (thường được gọi là Hòa Thượng Tân Uyên) lâm trọng bệnh, rồi viên tịch. Sau đó, Hòa Thượng cầu pháp với Sư Bác trong tông phong là Hòa Thượng Thích Quảng Trí, trụ trì chùa Hội Khánh, xã Tịnh Thới, thành phố Cao Lãnh, để làm nơi nương tựa tiến tu.
III. THỜI KỲ HÀNH ĐẠO
Sau nhiều năm tu học và tham gia những công tác Phật sự tại chùa Tuyền Lâm, quận 6, thành phố Hồ Chí Minh, Hòa Thượng không chỉ hướng về quê hương Đồng Tháp để thực hiện nhiều công tác từ thiện, mà Ngài còn trải lòng từ đến toàn thể đồng bào đang gặp thiên tai trên khắp miền đất nước.
Đến năm 1982, nhận thấy Đại sư huynh là Hòa Thượng Thích Chơn Hảo, trụ trì chùa Thới Long, xã Tịnh Thới, thành phố Cao Lãnh, tuổi cao sức yếu, với lòng cảm mến và tôn kính, Hòa Thượng đã thu xếp về quê, thay Sư huynh đảm nhận vai trò trụ trì chùa Thới Long, cho đến năm 2007. Trong thời gian hành đạo tại đây, Hòa Thượng đã trùng tu ngôi chùa Thới Long, tạo nên những nét mỹ quang, để khách thập phương chiêm bái và tổ chức khóa an cư kiết hạ cho chư Tăng, cũng như mở đạo tràng niệm Phật cho hàng Phật tử tu tập. Nhờ đạo hạnh tròn đủ và sinh hoạt tôn giáo đúng hiến chương, ngày mùng 6 tháng 12 năm 2002, Ngài được tấn phong giới phẩm Thượng Tọa.
Năm 2007, chùa Hòa Long phường 4, thành phố Cao Lãnh là văn phòng Ban Đại Diện Phật giáo thị xã Cao Lãnh (nay là thành phố Cao Lãnh), sau khi Hòa Thượng Thích Huệ Từ viên tịch, vẫn chưa có người thừa kế. Nhận thấy Phật giáo thành phố Cao Lãnh cần được phát triển, Hòa Thượng đã đáp lại lời thỉnh cầu của môn nhơn pháp quyến, nên đã giao chùa Thới Long lại cho Sư cô Như Liên quản lý, rồi về trụ trì chùa Hòa Long cho đến hôm nay. Tại đây, Hòa Thượng đã hoạt động nhiều Phật sự, đặc biệt là công tác từ thiện, góp phần xóa đói, giảm nghèo, giúp đồng bào ổn định đời sống và mở ra những chương trình khuyến học, khuyến tài, để hỗ trợ cho các học sinh hiếu học, có hoàn cảnh khó khăn. Những hoạt động của Hòa Thượng là nhịp cầu nối giữa đời và đạo, là chất liệu gắn kết giữa Phật giáo và đồng bào Phật tử, là lý tưởng của người con Phật, vì sự sự an lạc cho chúng sanh, vì lợi ích cho đạo pháp và dân tộc.
Với phương châm “phụng sự chúng sanh là thiết thực cúng dường chư Phật”, kể từ năm 1997, Hòa Thượng đã tham gia nhiều công tác từ thiện, nên được Giáo hội suy cử là Ủy viên Từ Thiện Xã Hội (nay gọi là Trưởng Ban TTXH) tỉnh Đồng Tháp. Trải qua ba nhiệm kỳ: khóa VI (2007-2012), khóa VII (2012-2017), và khóa VIII (2017-2022), Hòa Thượng đảm nhiệm chức vụ Phó Ban Trị Sự GHPGVN tỉnh Đồng Tháp. Hòa Thượng cũng đảm nhiệm chức vụ Trưởng Ban Trị Sự GHPGVN thành phố Cao Lãnh hai nhiệm kỳ: khóa VII (2011-2016) và khóa VIII (2016-2021). Đồng hành cùng những hoạt động Phật giáo, Hòa Thượng cũng tham gia hai nhiệm kỳ liên tiếp là Ủy viên Hội Khuyến Học tỉnh Đồng Tháp. Với nhiệt tâm phụng sự đạo pháp và dân tộc, năm 2013, Ngài được Giáo hội tấn phong giáo phẩm Hòa Thượng.
Với hơn 44 năm tu học và hoằng pháp lợi sanh, Hòa thượng đã cống hiến hết khả năng và công sức cho sự nghiệp hoằng dương Chánh pháp. Hòa Thượng đã đảm nhận nhiều chức vụ trong Giáo hội và cũng là Tôn Chứng Sư trong các Đại giới đàn, truyền trao giới pháp cho Tăng Ni tu học. Suốt con đường hành đạo, dù bận rộn nhiều Phật sự, thế sự, Hòa Thượng vẫn dành thời giờ niệm Phật tịnh tu, để hướng đến mục đích thoát ly sanh tử.
IV. THỜI KỲ VIÊN TỊCH
Tự tha hạnh nguyện tròn đầy
Từ bi tế độ nguyện xây Lạc thành
Xả thân huyễn mộng chỉ mành
Tây phương Cực Lạc nguyện sanh liên đài
Rồi như đèn hết dầu, đèn tắt, Hòa Thượng đã thuận thế vô thường, an tường chánh niệm, thu thần thị tịch vào lúc 14 giờ 45 phút, ngày 23, tháng 9, năm Đinh Dậu (nhằm ngày11 tháng 11 năm 2017), trụ thế 64 năm, hạ lạp trải qua 44 mùa An Cư Kiết Hạ.
Một số hình ảnh lễ tưởng niệm:
Ban TT-TT Phật giáo Đồng Tháp