PSO - Tối ngày 17/5 nhận lời mời từ HT.TS. Thích Thanh Quyết – Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng Ban Giáo dục Phật giáo TW, Viện trưởng Học viện PGVN tại Hà Nội, GS.TS Vũ Minh Giang đã có buổi chia sẻ đầy ý nghĩa với 500 Tăng Ni sinh toàn trường tại Bảo tàng Học viện, với chủ đề "Phật giáo đồng hành cùng dân tộc" tại Học viện nhân sự kiện Đại lễ Vesak tổ chức tại Việt Nam, nhân dân thành kính chiêm bái Xá lợi Đức Phật, thể hiện nét đẹp Văn hóa Phật giáo trong tâm thức cộng đồng dân tộc.
Giáo sư Lương Gia Tĩnh – Phó Viện trưởng kiêm Trưởng phòng Đào tạo, cùng quý Thầy phòng Đào tạo vô cùng hoan hỷ được Giáo sư Vũ Minh Giang nhận lời mời và đến chia sẻ những giá trị cốt lõi trong triết học, văn hóa và lịch sử Phật giáo trong chiều dài lịch sử dân tộc Việt Nam. Đây là nét đẹp văn hóa đã ảnh hưởng sâu sắc tạo nên đức tính nhân hậu, khoan dung của dân tộc Việt Nam.
Tại buổi chia sẻ GS.TS Vũ Minh Giang khái quát được tinh thần du nhập Phật giáo vào Việt Nam từ những buổi đầu dựng nước và giữ nước, Phật giáo xuất hiện như một chất keo kết dính giữ gìn nét đẹp truyền thống, đoàn kết hòa ái.
Theo đó Giáo sư cũng chia sẻ giá trị Phật giáo trong cộng đồng, như một sự giao thoa tiếp biến trong nét đẹp văn hóa Việt Nam và văn hóa Phật giáo. Triết lý Phật giáo luôn mang giá trị nhân văn, thiện lương và hòa đồng không có sự phân biệt, đấy chính là chất liệu gắn kết con người và hướng đến tinh thần đoàn kết cộng đồng và dân tộc Việt Nam.
Phật giáo trải qua các triều đại đều có lúc hưng thịnh theo biến cuộc lịch sử, những giai đoạn cần thu mình để cùng vận mệnh đất nước đứng lên chống giặc ngoại xâm, Phật giáo đã phát triển đỉnh cao trong giai đoạn nhà Trần với sự sáng tỏ ngôi cao của vị vua Phật, vị tướng lĩnh tài trí, bậc nhân từ trong quyền và pháp đó là Phật hoàng Trần Nhân Tông đã 2 lần lãnh đạo nhà Trần chiến thắng ngoại xâm, khi hòa bình lại tu tập và lấy tư tưởng Phật giáo để xây dựng đất nước yên bình thịnh trị.
Vậy mới thấy rõ Phật giáo đồng hành cùng dân tộc không chỉ là giáo lý mà luôn đan xen trong văn hóa Phật giáo, văn hóa dân tộc, làng xã để bảo tồn văn hoá và giúp vượt qua những giai đoạn khó khăn thử thách.
Giáo sư Vũ Minh Giang cũng chia sẻ, trong nhiều ngày qua vô cùng xúc động, tự hào và hân hoan khi thấy Phật giáo Việt Nam đã tổ chức thành công Đại lễ Vesak lần thứ 20 năm 2025, là điểm nhấn đối với cộng đồng quốc tế, khẳng định vai trò và vị trí Phật giáo Việt Nam trong cộng đồng thế giới, đặc biệt là chuỗi sự kiện văn hóa Phật giáo cũng như các tỉnh thành từ Nam ra Bắc đã vinh dự được cung nghinh tôn trí Xá lợi Đức Phật Thích Ca để nhân dân đồng bào Phật tử chiêm bái. Hàng triệu người với tâm thành kính xếp hàng dài với tâm thái an nhiên tự tại, không ngại trời nắng hay mưa nối dài hàng cây số chỉ có một tấm lòng thành kính là được đỉnh lễ và chiêm bái Xá lợi Đức Phật, đấy chính là nét đẹp của đức tin, niềm kính tưởng và sâu thẳm Phật giáo luôn có trong lòng mỗi người Việt Nam.
Trải suốt chiều dài lịch sử Phật giáo gắn bó trong lòng dân tộc, gắn bó vào trong máu thịt, tính cách người Việt Nam, luôn đầy đủ những yếu tố cốt lõi của đạo đức và phẩm chất cao quý trí thức – tuệ giác; phúc đức và uy tín trong đối nhân xử thế và cho chính bản thân mỗi người, văn hóa Phật giáo đã hòa cùng trong truyền thống tâm linh và nhân phẩm cao quý tạo nên những con người Việt Nam khoan dung, tài trí, nhân đạo, truyền thống nhân ái, tự hào dân tộc và đoàn kết được nhân lên trong dân tộc Việt Nam.
Giáo sư cũng chia sẻ Phật giáo đang trong thời đại mới, giai đoạn vươn mình của đất nước, thực hiện khát vọng đưa Việt Nam trở thành quốc gia hùng cường. Trong giai đoạn này cần có những con người pháp khí thiền gia, có tài đức và luôn đề cao sự nghiệp giáo dục Phật giáo, không chỉ còn trong phạm vi của những tự viện, học viện mà còn lan tỏa và có trong ghế nhà trường, các giảng đường Đại học. Đây chính là sứ mệnh thiêng liêng của Phật giáo cho dân tộc, đất nước. Phật giáo luôn có nhiều lần chấn hưng và phát triển thì giai đoạn này Phật giáo Việt Nam phát huy tốt vai trò trong lòng dân tộc với triết lý sống thiện lương, củng cố giá trị đạo đức tốt đẹp vốn có của dân tộc Việt Nam, khai mở tiềm năng tâm thức mỗi cá nhân, tự bản thân thay đổi, cách nhìn cách nghĩ, hiểu đúng về bản chất của Phật giáo, không phải là tôn giáo của sự kêu xin ban phát mà là trí tuệ toàn giác trong tư duy, nhận thức và hành động đúng với chính pháp. Điều đó mới đem lại giá trị hạnh lạc, hòa bình cho nhân loại.
__________
TTHV-Báo Khuông Việt.