PSO - Trong dòng chảy vô thường của kiếp người, ngày càng nhiều Phật tử không còn chọn an táng tại nghĩa trang, mà gửi tro cốt người thân về chùa – nơi an trú thanh tịnh dưới bóng Từ bi và tiếng kinh chiều sớm. Tại Hà Nội, Cực Lạc Đường chùa Long Hưng (Đông Anh) đang trở thành một mô hình mai táng tâm linh tiêu biểu, dung hòa giữa truyền thống Phật giáo và nhu cầu thực tế của xã hội hiện đại.
Khác với nghĩa trang đơn thuần, Cực Lạc Đường là một pháp xứ – nơi chư hương linh được an vị trong không gian trang nghiêm, thường xuyên nhận sự hộ trì của chư Tăng qua tụng kinh, lễ cúng, khóa tu niệm Phật. Mô hình này được phát triển theo kiến trúc Phật giáo Đài Loan, kết hợp hài hòa với truyền thống văn hóa Việt Nam.
Nhiều Phật tử chia sẻ rằng, việc gửi tro cốt người thân về chùa không chỉ thể hiện niềm tin vào Phật pháp mà còn là cách thực hành hiếu đạo sâu sắc. Những ngày lễ lớn như Vu Lan, rằm tháng Bảy hay các khóa lễ cầu siêu, lễ vía Bồ Tát… đều được tổ chức tại đây, tạo môi trường trợ duyên cho cả người đã khuất và người còn sống cùng vun bồi công đức.
Trong bối cảnh đô thị hóa, đất nghĩa trang ngày càng thu hẹp, việc lưu giữ tro cốt tại chùa còn giúp tiết kiệm không gian, bảo vệ môi trường và giảm gánh nặng chi phí cho gia đình. Cực Lạc Đường được trang bị hiện đại với hệ thống lưu giữ tro cốt có mã QR, tiện tra cứu, dễ tiếp cận, đồng thời giữ được nét thiền vị trong thiết kế – từ tượng Phật, lá bồ đề, hoa sen cho đến từng ô an vị đều gợi nhắc sự giải thoát và thanh tịnh.
Theo Thượng tọa trụ trì chùa Long Hưng, Cực Lạc Đường không chỉ là nơi lưu giữ tro cốt, mà là nơi chuyển hóa nhận thức về cái chết, giúp người sống đối diện vô thường bằng sự tỉnh thức, và tạo cơ hội tu tập, hồi hướng công đức cho người thân đã khuất. Đây là biểu hiện sống động của sự thích nghi hài hòa giữa văn hóa tâm linh truyền thống và nhu cầu nhân sinh đương đại.
Huệ Liên