PSO - Từ ngày 7 - 9/2/2025 (nhằm ngày 10-12/1/ Ất Tỵ), tại chùa Đông Khánh (Đông Ngàn, Việt Long, Sóc Sơn) đã diễn ra khóa Thiền Tứ Niệm Xứ, đây là khóa tu tiếp theo của ba khóa trải nghiệm Thiền Tứ Niệm Xứ trước đó, kết hợp giữa sự hộ đạo và chia sẻ Phật tử doanh nhân trí thức Thầy Trần Việt Quân và cô Nguyễn Đoàn Kim Sơn, hướng đến ứng dụng triết lý giáo dục 3 gốc rễ của một con người: Đạo đức - Trí tuệ - Nghị lực, rất tương đồng với Bi - Trí - Dũng của Phật giáo.
Dự án Phật học Tinh Hoa Thế Giới cũng là ứng dụng cho các giá trị thực tiễn của Phật học. Pháp phục thực phẩm Viên Tâm Thabarwa hoan hỷ đồng hành hộ trì Pháp học Pháp hành Thiện pháp không giới hạn, qua tiếp nhận lời dạy Thiền sư Ottamathara ứng dụng trong tất cả nhân duyên, đồng thời gián tiếp mong muốn Phật Pháp lan tỏa toàn cầu.
Thời Thiền đầu năm thu hút gần 100 thiền sinh, chủ yếu là nhân duyên Thầy Cô giáo học viên Hệ thống Trường Xanh Tuệ Đức và Làng Hạnh Phúc. Khóa Thiền ngoài quy định chung, thiền môn còn đặc biệt chú ý đến hành thiền, tọa thiền, kinh hành, giảng Pháp, giao lưu chia sẻ khai thị, sám hối, quy y.
Hàng ngày Tỳ-kheo Thích Pháp Cẩn (Đại đức Phước Hạnh) đều cho các thiền sinh thực tập pháp Sám pháp Địa Xúc.
Kinh Địa Tạng nhắc đến “Địa là dày chắc, Tạng chứa đủ”. Pháp sám này cũng như Từ Bi Thủy Sám Pháp của Đại thừa, câu chuyện của Quốc sư Ngộ Đạt đều có công năng đưa đến niệm lực và định lực vững chãi, vì lấy Từ bi làm gốc, làm phép quán, như trong “phẩm Phổ Môn” kinh Pháp Hoa đề cập. Trong tinh thần Kinh Hoa Nghiêm, vạn vật hiện tượng đều "vô ngại" thể nhập trong Như Lai Tạng, không gì không phải là Pháp, Pháp thân Phật luôn phủ trùm, tâm con người chính là vũ trụ và đồng thể với tâm Phật, “không đến không đi không sợ hãi”. Duyên khởi, Tính không, Thiền tông được thể hiện rất sâu sắc trong nhiều bộ kinh Đại thừa.
Thầy Pháp Cẩn với sự hiểu biết cả hai truyền thống Phật giáo Nguyên thủy và Đại thừa đã khéo kết hợp, kế thừa và vận dụng tùy theo căn cơ của thiền sinh, phù hợp với văn hóa, hoàn cảnh, xã hội, địa lý. Thiền sinh vì vậy được mở rộng lòng biết ơn, chánh niệm hiện tiền, lấy đề mục của Đất để tiếp xúc thân hành, làm đề mục quán tưởng; từ đó thiền sinh có thể ứng dụng trong mọi hoàn cảnh khi trở lại tư gia và công việc với tâm thức tỉnh, chuyển hóa, thanh lọc, tràn đầy năng lượng thiện lành tích cực.
Khóa Thiền lần này đề cập sâu đến việc niệm Thân, vừa ôn kĩ nhuần nhuyễn các khóa học trước, vừa giảng giải cũng như để Thiền sinh quán niệm chiêm nghiệm pháp quán Thân này sâu hơn. Kinh Đại Niệm Xứ (pi. Mahāsatipaṭṭhāna-sutta) Đức Phật khẳng định pháp này có thể đưa đến Niết-bàn: “Này các Tỷ kheo, đây là con đường độc nhất, đưa đến thanh tịnh cho chúng sanh, vượt khỏi sầu bi, diệt trừ khổ ưu, thành tựu chánh lý, chứng ngộ Niết bàn. Đó là Bốn niệm xứ.Thế nào là bốn? Này các Tỷ kheo, ở đây vị Tỷ kheo sống quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, để chế ngự tham ưu ở đời; sống quán thọ trên các thọ, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, để chế ngự tham ưu ở đời; sống quán tâm trên tâm, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, để chế ngự tham ưu ở đời; sống quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, để chế ngự tham ưu ở đời” (kinh Trường Bộ: Kinh số 22: Kinh Đại Niệm Xứ).
… Quán Thân Trong Thân có khả năng an tịnh thân hành. Chánh niệm làm cho thân tâm an tịnh, giúp hành giả sống sâu sắc trong giây phút hiện tại; khả năng nhận diện sanh diệt vô thường vi tế, phát triển hạt giống hiểu thương, buông bỏ các kiến chấp lậu hoặc một cách tự nhiên, giúp hành giả trở về sống với chính mình “như thị”, “như lý tác ý”. Theo quy luật vận hành của Pháp, khả năng chuyên chú vào một đối tượng nên Định kiên cố, giúp hành giả vượt qua sợ hãi, tuyệt vọng, hận thù, sầu đau; an trú trong Định hỷ lạc kéo dài, các tâm sở thiện hảo luôn hiện hữu, tiêu trừ nghiệp chướng, căn lành tăng trưởng, từ đó thấy rõ vạn pháp đúng Duyên Khởi - Vô Ngã - Trung Đạo, đem đến giải thoát; nhờ tuệ giác, cởi trói tâm thức ra khỏi những ràng buộc và hệ lụy bất thiện, đem an vui cho mình và người, giải quyết các vấn nạn của xã hội hiện đại.
….
Như vậy, khóa Thiền lần này nhấn mạnh Niệm và Định, là nền tảng phát sinh hạnh phúc. Sống chánh niệm là sống hạnh phúc. Trong đó có đề mục niệm: Phật, Pháp, Tăng, Thí, Giới, Thiên…; Tam bảo là nơi nương tựa, Tăng thân là nơi phước điền, đạo hữu là những thiện tri thức đang thực hành lời Phật. Phật Pháp chính là cuộc sống. Vì ai cũng có tính giác. Từ đó, nhận thức bình đẳng Phật tính hiện hữu nơi mỗi hành giả và sự lý hài hòa mỗi người; tùy theo khả năng căn cơ cộng tu, đóng góp trong sự vận hành chung không hề chống trái; tự nhiên kham nhẫn với các bất như ý bằng tâm trong trẻo, vun bồi các thiện pháp parami. Nhân và quả từ đó cũng chuyển, thiện nghiệp cũng đang vận hành. Vì vậy cha mẹ, ông bà, con cái, người thân, cửu huyền… đồng hiện trong mỗi bước chân hơi thở tỉnh thức của hỷ lạc, lòng từ, chánh niệm, thiện lành, biết ơn, kham nhẫn xả buông, an tịnh, phụng hiến.
TN Viên Giác