Sáng ngày 25/9/2023, tại Hội trường tầng 2 trường Lê Duẩn (số 306B Kim Mã, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), Hội liên hiệp khoa học kỹ thuật Việt Nam kết hợp cùng Viện nghiên cứu các vấn đề Tôn giáo và Tín ngưỡng đã tổ chức Hội thảo khoa học “Vai trò của chùa Thưa trong hệ thống chùa thờ Quốc sư Từ Đạo Hạnh”.
Hội thảo có sự tham dự của Thượng tọa Thích Minh Thuận - Ủy viên HĐTS, Phó trưởng Ban thường trực BTS GHPGVN tỉnh Phú Thọ; Thượng tọa Thích Thanh Lợi - Chánh thư ký, Ủy viên Ban Nghi lễ TW GHPGVN, Trưởng BTS GHPGVN thành phố Nam Định; Thượng tọa Thích Tục Bách - Ủy viên BTS, Trưởng Ban kinh tế tài chính GHPGVN thành phố Hải Phòng cùng chư Tôn đức Tăng trụ trì các chùa, tự viện. Hội thảo còn có sự hiện diện của ông Phạm Tiến Dũng - Trưởng Ban Tôn giáo thành phố Hà Nội cùng quý vị Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Thạc sĩ, nghiên cứu sinh, các nhà tri thức đã về tham dự và đóng góp cho hội thảo.
Thượng toạ Thích Quảng Dũng - Ủy viên HĐTS, Phó trưởng Ban kinh tế tài chính TW GHPGVN; Giáo sư Lê Mạnh Thát; Đại tá Hà Huy Thắng - Phó viện trưởng thường trực Viện Nghiên cứu các vấn đề Tôn giáo và Tín ngưỡng; Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Mai - Viện nghiên cứu Tôn giáo thuộc Viện hàn lâm KHXHVN chủ trì Hội thảo.
Trải theo chiều dài lịch sử, Phật giáo luôn đồng hành cùng dân tộc, với truyền thống xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nghìn năm văn hiến. Phật giáo Việt Nam thời Lý - Trần với tinh thần tuỳ duyên, hoà quang đồng trần, nhập thế hành đạo, đã sản sinh ra những thiền sư, danh sư lẫy lừng mà sự nghiệp của các Ngài đều gắn bó với nhân dân, hoà nhập với thời cuộc và là trụ đỡ của vương triều như: Quốc sư Lý Vạn Hạnh, Nguyễn Minh Không, Dương Không Lộ, Đại Điên, Giác Hải, Từ Đạo Hạnh.v..v… Trong số đó, Quốc sư Lý Vạn Hạnh và Quốc sư Từ Đạo Hạnh nổi lên như những nhân vật sáng nhất trong vai trò mở nghiệp, trụ đỡ cho vương triều nhà Lý. Riêng Quốc sư Từ Đạo Hạnh thì cuộc đời và hành trạng vô cùng đặc biệt, Ngài được dân gian coi là Thánh, là Phật, là Vua và là Tổ sư nghề múa rối cổ truyền.
Hệ thống chùa thờ Quốc sư Từ Đạo Hạnh và liên quan đến quốc sư cho đến nay vẫn hiện tồn với những ngôi cổ tự độc đáo như Chiêu Thiền Tự (chùa Láng), Thiên Phúc Tự (chùa Thầy), hay Cổ Sơn Tự (chùa Sưa - hay còn gọi là chùa Thưa)… Đặc biệt lễ hội chùa Láng mang đậm giá trị lịch sử, văn hóa, giáo dục đạo đức, đạo lý. Lễ hội vừa phảng phất sắc màu huyền thoại, gắn liền với cuộc đời, gia thế, hành trạng của Thiền sư Từ Đạo Hạnh. Trong đó có chị của Ngài là Từ Nương, trong vai trò Đô Phụng Nữ tức người quản giáo các cung nữ, thị tì trong cung vua, một người có liên đới quan trọng đến sự nghiệp trụ đỡ cho vương triều Lý Nhân Tông của Quốc sư Từ Đạo Hạnh. Hiện nay, ngôi chùa Thưa (Sưa) - một ngôi cổ tự với tuổi đời hơn nghìn năm tuổi hiện đang thờ bà Từ Nương.
Vì lẽ đó, Hội thảo được tổ chức nhằm để các học giả, các nhà nghiên cứu thảo luận và bàn rõ về những công lao và hành trạng của bà Từ Nương đối với nhà Lý, cũng như sự tồn tại của ngôi chùa Thưa (nơi thờ bà Từ Nương) ở kinh đô Thăng Long từ nghìn năm trước.
Sau đây là một số hình ảnh ghi nhận được:
Diệu Tường