PSO - Tối ngày 18 tháng 02 năm 2025, tức ngày 21 tháng Giêng âm lịch, nhận lời thỉnh mời của Ni sư trụ trì Thích Đàm Thu, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm - Phó chủ tịch HĐTS, Trưởng Ban hoằng pháp TƯ, Trưởng BTS GHPGVN thành phố Hà Nội đã quang lâm về chùa Tương Mai (quận Hoàng Mai,Hà Nội), thuyết giảng cho Phật tử Đạo tràng nhân ngày khai pháp đầu tiên của năm Ất Tỵ.
Tại đây, Hòa thượng chia sẻ những kiến thức căn bản cần có của một người Phật tử khi về chùa lễ Phật, tu học làm sao để đạt được sự an trú và mang lại tâm hồn thảnh thơi, an lạc.
Theo Hòa thượng "Chúng ta gác bỏ những phiền muộn, khổ đau sang một bên, học cách buông bỏ và chuyển hóa từ cái lớn thành cái nhỏ, từ cái nhỏ thành cái không thì tâm bình an sẽ hiện tiền ngay trong tâm mỗi người. Đức Phật dạy “phiền não là khách trần, chân tâm mới là thường trụ”, cho nên hàng ngày chúng ta phải nhớ tới Phật, giúp cho phiền não tiêu tan, tâm trí sẽ an bình, thảnh thơi". Hòa thượng cũng chia sẻ tới đại chúng những câu chuyện có thật trong cuộc sống, cũng như cách đối diện với những khổ đau như thế nào để giúp Phật tử hiểu hơn và có được sự bình an trong tâm hồn.
Tiếp theo, Hòa thượng chỉ dạy về ý nghĩa việc lễ Phật, niệm Phật, tụng kinh và thiền quán.
Hòa thượng nhắc nhở việc đến chùa khi vào lễ Phật, ngoài việc mang một tâm thái bình an, thanh tịnh thì cần phải thể hiện sự cung kính với chư Phật qua việc lạy Phật 5 vóc sát đất, biểu thị cho việc tiêu trừ tâm ngã mạn, học hạnh kham nhẫn. Đồng thời, chỉ nên lễ 3 lễ, bởi cha ông dạy "Đa vái bất kính".
Hơn nữa, Hòa thượng nhấn mạnh về vai trò của việc Kính lễ 3 ngôi báu Phật - Pháp - Tăng, trong đó vai trò của Tăng bảo là rất quan trọng, không thể tách rời trong Tam Bảo, bởi lẽ người Thầy là bậc Tăng thanh tịnh để chúng ta nương vào, đưa chúng ta đi trên con đường chính pháp của Đức Thế Tôn.
Hòa thượng cũng chia sẻ: "Niệm Phật là niệm tại tâm, niệm Phật để mỗi người luôn tưởng nhớ đến ân đức của Phật, niệm Phật là niệm giác để tà ma không còn ngự trị trong tâm. Có 3 cách niệm Phật, thứ nhất niệm Phật tiếng to, thứ 2 là niệm Phật thầm trong tâm, thứ 3 là luôn nghĩ đến Phật, nhớ Phật. Niệm một đức Phật mà bao hàm mười phương ba đời các đức Phật. nên chỉ cần nhất tâm niệm danh hiệu một đức Phật thì đã niệm tất cả chư Phật".
Theo Hòa thượng, tụng kinh là để hiểu lời Phật dạy, đọc kinh để nhớ và hiểu, suy ngẫm rồi từ đó mang ra thực hành thì mới có được lợi ích. Vì vậy, tụng bộ kinh nào cũng được, tâm mình nguyện cầu an thì tâm được an, tâm nguyện để cầu siêu cho cha mẹ, ông bà Tổ tiên thì sẽ được siêu thoát. Việc lễ cầu an, cầu siêu ở chùa chỉ là trợ duyên, quan trọng nhất vẫn là bản thân mỗi chúng ta cần tu tập, dụng tâm đúng cách để chúng ta tự cầu an cho bản thân hay cầu siêu cho gia tiên đạt được kết quả viên mãn.
Đối với thực tập thiền, Hòa thượng mong mỗi người đều nên biết học và thực hành thiền quán trong cuộc sống. Từ lúc đi lại nói năng hành xử, nếu có thiền quán sẽ có chính niệm, làm việc gì biết việc đó, tìm được sự cân bằng, bình yên từ bên trong, từ đó giúp có được tâm an trụ trong chánh định. Mỗi người cần lưu ý phải quán chiếu để tâm thức luôn cố định, không bị lăng xăng theo hoàn cảnh.
Bên cạnh đó, Hòa thượng nhấn mạnh việc áp dụng Công nghệ trong cuộc sống ngày nay cũng quan trọng, nhưng người Phật tử cần sử dụng có chính niệm, đúng nơi đúng lúc. Công nghệ là công cụ phục vụ cho cuộc sống con người chứ không nên để nó chi phối, ảnh hưởng không tốt đến bản thân mỗi người.
Cuối thời pháp, Hòa thượng chia sẻ cảm nhận khi đến chùa Tương Mai trong buổi khai pháp này, cảm nhận được tâm thành kính, sự an lạc hiện diện trong mỗi người có mặt tại buổi lễ này. Dù không đông như mọi năm, nhưng tâm an tĩnh của mỗi người toát ra tạo nên một không gian an bình, tĩnh lặng. Hòa thượng sách tấn "Chúng ta quan trọng nhất là chất lượng tu tập của người tu. Việc thực tập Tâm để lan tỏa tâm an trú của chúng ta đến với tất cả mọi người, để ở đâu cũng được bình an. Thực tập giữ tâm bình an không chỉ khi đến chùa mà cả khi ở nhà và trong công việc cũng như trong cuộc sống hàng ngày để có được sự an vui, hạnh phúc".
Diệu Tường - Hồng Dung