PSO:Sáng ngày 4/4/2025 (7/3 năm Ất Tỵ)Chính quyền, ban ngành đoàn thể quận Cầu Giấy, Đảng ủy – UBND – UB MTTQ phường Quan Hoa phối hợp cùng Nhà Chùa và nhân dân Phật tử địa phương long trọng tổ chức Lễ Hội Truyền Thống Chùa Duệ Tú, Giỗ Tổ mùng 7/3 năm Ất Tỵ, Phật lịch 2569 - Dương lịch 2025.
Lễ hội truyền thống chùa Duệ Tú (Quảng Khai thiền tự, phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy, TP.Hà Nội) được tổ chức nhằm tưởng nhớ đến công đức to lớn của thiền sư Lê Nghĩa, hiệu là Giác Hoàng Đại Điên.
Tham dự và chứng minh buổi lễ có Hòa thượng Thích Thanh Điện: Phó Chủ tịch HĐTS TW. GHPGVN, Phó Trưởng ban TT Ban Hướng dẫn Phật tử TW, Trưởng Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Lào Cai, Trụ trì Chùa Duệ Tú; Đại đức Thích Chân Tín: Ủy viên HĐTS, Phó Trưởng ban HDPT TW, Phó Trưởng ban Chánh Thư ký Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Lào Cai, Đương gia Chùa Duệ Tú cùng chư Tôn đức Tăng, Ni chùa Duệ Tú, Cư sĩ Diệu Nhân – Nguyễn Thị Xuân Loan: Ủy viên HĐTS, Phó Thư ký Ban Hướng dẫn Phật tử TƯ GHPGVN, Phật tử các Đạo tràng Chùa Quán Sứ, Chùa Khai Nguyên (Hà Nội) quý Phật tử Đạo tràng tại các chùa Tân Bảo, Liên Hoa, Cam Lộ, Thiên Trúc thuộc Sơn môn Tổ đình Duệ Tú tại tỉnh Lào Cai cùng các nhà Doanh nghiệp, doanh nhân, chư vị thiện nam, tín nữ Phật tử gần xa về tham dự trong buổi lễ.
Về phía chính quyền và đại biểu có ông Nguyễn Xuân Nhẫn - Giám đốc Sở Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Lào Cai; ông Vũ Trọng Khuynh - Trưởng Ban Tôn giáo tỉnh Lào Cai, bà Nguyễn Thị Bích Thuỷ - Phó Trưởng ban Tuyên giáo Dân vận Quận uỷ; ông Nguyễn Hoàng Anh , Phó Bí thư Thường trực Đảng uỷ phường Quang Hoa; Ông Lê Mạnh Tiến: Chủ tịch UBND phường Quan Hoa; Ông Nguyễn Ngọc Anh: Phó Chủ tịch UBND phường Quan Hoa, Trưởng Ban Tổ chức Lễ hội Chùa Duệ Tú; Ông Phạm Minh Hải: Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường Quan Hoa; Ông Phạm Văn Xuyên: Trưởng Tiểu ban Quản lý Di tích Chùa Duệ Tú cùng các cơ quan ban ngành chính quyền sở tại cùng về tham dự.
Sau nghi thức niệm Phật cầu gia hộ toàn thể hội chúng cử hành nghi thức mặc niệm tưởng nhớ đến Thâm ân của mười phương chư Phật, chư Tổ tiền bối hữu công đã khai sơn tạo tự, tưởng nhớ đến Chủ tịch Hồ Chí Minh chư vị anh hùng liệt sĩ đã vị quốc vong thân cho hòa bình và độc lập dân tộc, đồng bào tử nạn qua các thời kỳ
Đặc biệt trong 2 ngày 4-5/4 Đảng, Nhà nước, Nhân dân Việt Nam để Quốc tang tưởng nhớ Ngài Khăm Tày Si Phan Đon (Khamtay Siphandone) Nguyên Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào anh em vừa mới từ trần.
Toàn thể hội chúng hồi hướng bình an và siêu thoát tới các nạn nhân đã thiệt mạng và bị thương bởi trận động đất mới xảy ra tại Myanmar và Thái Lan.
Tại buổi lễ Ông Nguyễn Ngọc Anh, Phó Chủ tịch UBND phường Quan Hoa, Trưởng Ban tổ chức Lễ hội chùa Duệ Tú đọc diễn văn khai mạc Lễ hội truyền thống mùng 7-3 năm Ất Tỵ
Đại đức Thích Chân Tín, Ủy viên HĐTS TW.GHPGVN, Phó Trưởng Ban Hướng dẫn Phật tử TW, Đương Gia chùa Duệ Tú thừa hành Hòa thượng Trụ trì Cung tuyên Sơ Lược thần tích Thánh Tổ.
Chùa Duệ Tú là quần thể di tích lịch sử văn hóa, danh thắng tâm linh phía Tây thủ đô Hà Nội. Chùa Duệ Tú nằm trên khu đất rộng, mặt hướng về phía Đông.Theo thần phả của chùa, trước đây có ông bà Lê Hưng và Nguyễn Thị Phan người ở thôn Tiền, trang Dịch Vọng, huyện Từ Liêm, phủ Quốc Oai tu nhân tích đức, mến mộ đạo Phật, luôn làm điều thiện. Ông bà chưa có con, lập đàn cầu tự tại nhà, 3 tháng sau thì ứng nghiệm. Bà Nguyễn Thị Phan mang thai đến ngày 18/3 năm Mậu Ngọ sinh được một cậu con trai đặt tên là Lê Nghĩa.
Cậu bé lớn lên mặt mày sáng sủa, thân hình cao lớn hơn hẳn người thường. Năm Lê Nghĩa 18 tuổi, cha mẹ mất. Ngài làm lễ an táng cha mẹ rồi xây chùa trên mảnh đất của gia đình để sớm hôm đọc kinh thờ Phật, thờ phụng cha mẹ. Ngài là thiền sư, lương y nổi tiếng, là công thân giúp dân giúp nước thời Lý. Ngài bị bệnh qua đời ngày 7/3, được sắc phong "Lê Đại Điên Giác Hoàng Thiền sư Đại vương (người dân vẫn quen gọi là Pháp sư Đại Điên). Nhà vua truyền cho nhân dân thôn Tiền Trang, Dịch Vọng tu sửa chùa để phụng thờ, ban cho 30 quan tiền làm quốc lễ xuân thu. Từ đấy trở đi, cứ đến ngày 7/3 dân làng mở hội để kỷ niệm ngày mất Pháp sư Đại Điên.
Chùa Duệ Tú mảnh đất trước đây vào Triều đại nhà Lý đời Vua thứ 4 là Lý Nhân Tông, một vị Hoàng đế anh minh, nhân từ, kiệt xuất và mến mộ Phật giáo đã trị vì quốc gia Đại Việt từ năm 1072 đến năm 1127 đã được Thân Phụ, Thân Mẫu cùng Thiền sư Pháp húy Lê Nghĩa hiệu Giác hoàng Đại Điên phát tâm Cải Gia Vi Tự - nghĩa là hiến đất xây chùa thờ Phật, tu hành.
Trong giai đoạn này, Thiền sư Đại Điên đã cùng với các bậc Cao Tăng được phong Quốc sư triều Lý như Thiền sư Từ Đạo Hạnh, Thiền sư Nguyễn Minh Không, Thiền sư Dương Không Lộ... đã trực tiếp Phò Vua giúp nước với các vai trò khác nhau để Hộ quốc an dân, Hoằng truyền Phật đạo.
Các Ngài đã góp phần không nhỏ để làm huy hoàng Triều Lý, rực rỡ non sông Đại Việt và được sử sách ca tụng, nhân gian tôn thờ đến ngày nay.
Thiền sư Đại Điên hóa thân ngày mùng 7 tháng 3 âm lịch. Sau khi Ngài hóa thân viên tịch, Mộ tháp của Ngài đã được dân làng Duệ Tú phụng thờ tại chùa. Trải qua thăng trầm của lịch sử gần 1000 năm qua; ngày Giỗ Tổ chùa Duệ đã trở thành Lễ Hội Truyền Thống để Tưởng nhớ, Tri ân Công đức đến Ngài. Thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, bách điểu quy sào của nhân dân bách gia trăm họ.
Tại buổi lễ Đại đức Thích Chân Tín điều hành phần nghi lễ tâm linh của chương trình.
Lễ hội truyền thống chùa Duệ Tú được nhân dân thôn Tiền tổ chức trang nghiêm trong 2 ngày 6-7/3 âm lịch hàng năm với sự tham gia của đông đảo người dân địa phương và du khách thập phương.
Cuối buổi lễ Chư Tôn đức cùng các quý vị đại biểu làm lễ dâng hương niêm hương bạch Phật bái Tổ tại chính điện chùa Duệ Tú.
Xin giới thiệu một số hình ảnh ghi nhận được trong buổi lễ:
Hoàng Tuấn - Cẩm Vân - Quang Phước