Trong ngày tu tập thứ năm của Pháp hội Dược Sư tại chùa Bằng (Linh Tiên Tự) – số 63 phố Bằng Liệt – phường Hoàng Liệt – quận Hoàng Mai – thành phố Hà Nội, sáng ngày 10 tháng 10 năm 2019, nhằm ngày 12 tháng 09 năm Kỷ Hợi, nhận lời mời của Ban tổ chức, Thượng tọa Thích Chiếu Tuệ – Ủy viên HĐTS, Phó Ban hoằng pháp TƯ GHPGVN, Trưởng Ban hoằng pháp GHPGVN thành phố Hà Nội đã quang lâm thuyết giảng cho đạo tràng bản tự với chủ đề “4 niềm tin quan trọng của người Phật tử”.
Mở đầu thời pháp thoại, Thượng tọa đã nhấn mạnh tới 4 niềm tin quan trọng của người Phật tử, đó là “Tin Phật – tin Pháp – tin Tăng và tin Thánh giới”.
Thượng tọa chia sẻ “Chúng ta về chùa tu tập, quy y Tam Bảo, thụ trì ngũ giới đó là căn bản của người Phật tử tại gia. Tin vào Phật đó là Đức Phật Thích Ca Mâu Ni – Giáo chủ cõi Sa Bà. Ngài xuất thân là hoàng tử con vua, Thái tử đã từ bỏ tất cả để tìm đạo giải thoát và tu hành chứng Phật quả. Ngài tự do đi khắp nơi để truyền bá Phật pháp cho mọi người. Vậy thì Đức Phật là một con người có thật, Ngài không phải một vị thần thánh ban phước giáng họa, Ngài như một người thầy chỉ đường dẫn dắt cho chúng ta được giác ngộ như Ngài. Đức Phật Thích Ca là giáo chủ cõi Sa Bà. Ngài thuyết kinh A Di Đà để giới thiệu cho chúng ta về cảnh giới Tây phương của Đức Phật A Di Đà và kinh Dược Sư giới thiệu về cảnh giới phương Đông của Đức Phật Dược Sư Lưu Ly Quang. Tin Phật rồi phải tin vào giáo pháp của Đức Phật. Như trong kinh Dược Sư, Đức phật giới thiệu về Đức Phật Dược Sư và 12 nguyện của Phật Dược Sư, đây là giáo pháp, những gì Đức Phật nói là thật, nếu áp dụng đúng chúng ta sẽ có an lạc, hạnh phúc và chúng ta được thành Phật như Phật.Tin vào Tăng, Tăng là chỉ cho sự hòa hợp và thanh tịnh, sống trên tinh thần lục hòa. Chúng ta tin vào Tăng tức là tin vào sự hòa hợp thanh tịnh của Tăng đoàn chứ không phải tin một thầy Tăng nào đó. Nếu thầy nào đó đi ngược lại lời dạy của Đức Phật, ngược lại đạo đức trên tinh thần của Phật giáo thì vị đó không được gọi là Tăng thanh tịnh. Trong kinh có câu “y pháp bất y nhân”, chúng ta học theo giáo pháp của Đức Phật, chư Tăng là người hướng dẫn cho chúng ta thực hành theo chính pháp, không vị Tăng nào được thêm bớt bất cứ điều gì trong giáo pháp của Đức Phật. Tin vào “Thánh giới”, chư Tăng giúp chúng ta thụ tam quy và truyền trao 5 giới, vì vậy ta nên nương vào 5 giới mà tu tập để xây dựng hạnh phúc gia đình, xây dựng xã hội lành mạnh, xây dựng thế giới hòa bình và an lạc trên nền tảng 5 giới của đệ tử tại gia…Đức Phật mong chúng ta tin vào 12 đại nguyện của Đức Phật Dược Sư và những đại nguyện của chư Phật và Bồ Tát. Trong khi niệm hồng danh Đức Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, chúng ta nghe âm thanh rõ ràng minh bạch là tính giác sáng tỏ, nếu chúng ta nghe không rõ nghĩa là đang bị hôn trầm, khi nghe rõ tiếng niệm là lúc đó ta trở về với thể tính, bản tính của chính mình. Thể tính, bản tính đồng với chư Phật và tất nhiên đồng với Đức Phật Dược Sư Lưu Ly Quang. Chúng ta niệm danh hiệu của Đức Phật Dược Sư không chỉ gọi tên Ngài, mà còn để nhắc nhở tâm Phật ,tâm Bồ Tát vẫn luôn thường trụ với chúng ta. Trong kinh Lăng Nghiêm, Đức Phật dạy “mười phương Như Lai thương nhớ chúng sinh như mẹ thương con, nếu con trốn chạy thì nhớ nghĩ làm gì được, nếu con nhớ mẹ như mẹ nhớ con thì mẹ con đời đời chẳng xa rời nhau”. Nếu tâm chúng sinh nhớ Phật và niệm Phật thì đời này đời sau chắc chắn gặp Phật. Như vậy mặt trời trí tuệ của chúng sinh bản lai vẫn thường sáng, nhưng chỉ vì chúng ta chạy theo ngoại cảnh bên ngoài nên quên mất cái bản tính của mình. Ta vâng theo giáo pháp của Đức Phật Dược Sư, niệm danh hiệu Ngài để thoát khỏi sinh tử luân hồi và trở về với bản tính sẵn có đó là Lưu Ly. Vậy thì Dược Sư là công dụng, Lưu Ly là thể tịnh, Quang là tính giác còn Vương là hình dung từ hiển công dụng thù thắng, thể thanh tịnh, tính thanh minh. Đức Phật Dược Sư khi tu nhân hạnh Bồ Tát đã phát ra 12 đại nguyện và nay thành Phật là đã viên mãn 12 đại nguyện. 12 nguyện là thường chúng pháp thân thanh tịnh ở khắp mười phương, cả về sự là lý đều viên dung,được đầy đủ 32 tướng tốt”.
Cuối cùng, Thượng tọa nhắc nhở đại chúng nếu tinh tiến hành trì, tụng kinh, hiểu giáo lý Đức Phật chỉ dạy và biết cách thực hành, đồng thời giữ vững 4 niềm tin thật kiên cố sẽ được an lạc, hạnh phúc đời này và đời sau. “Đức Phật muốn nhắc chúng ta phải tỉnh giác, thanh lọc tâm của mình không cho nghĩ xấu ác. Ta phải tin 12 đại nguyện của Đức Phật Dược Sư và những lời nguyện của Ngài là có thật, nếu chúng ta thực hành thì chắc chắn Ngài sẽ độ cho được như nguyện tức là được chư Phật, Bồ Tát hộ niệm, các bậc Thiện thần hộ niệm. Chúng ta luôn phải nhớ và tin rằng những lời nguyện của Đức Phật Dược Sư là có thật, và nếu thực hành lời nguyện đó chúng ta sẽ có an lạc và hạnh phúc thật”.
Sau hơn một giờ đồng hồ, buổi chia sẻ pháp thoại của Thượng tọa Thích Chiếu Tuệ đã kết thúc trong niềm hoan hỷ vô biên của toàn thể đạo tràng có mặt tại chùa Bằng hôm nay.
Diệu Tường
The post Hà Nội: Ngày thứ năm của Pháp hội Dược Sư tại chùa Bằng (Linh Tiên Tự) appeared first on Phật Sự Online Miền Bắc.