PSO - Tối ngày 20/10/2023 (nhằm ngày 06/09/Qúy Mão), Thầy Trần Việt Quân đến đảnh lễ và giao lưu Khóa Thiền Vipassanā ứng dụng dưới sự hướng dẫn của Thiền sư Ottamathara và Tăng đoàn Myanmar khoảng 50 chư Tăng, Tu nữ tại Nhà Khách Thiền Đường tầng 4, chùa Pháp Vân, Q, Hoàng Mai, Hà Nội. Sự kiện này cũng thể hiện sự kính ngưỡng đặc biệt đến Thiền sư Ottamathara và tấm lòng đồng cảm sâu sắc với người vợ - Cô Nguyễn Đoàn Kim Sơn, người hộ độ chính cho khóa thiền trong thời gian vừa qua.
Thầy Trần Việt Quân được biết đến là doanh nhân, diễn giả dạy kĩ năng sống hạnh phúc nổi tiếng; người sáng lập và cố vấn hệ thống các trường Liên cấp Tuệ Đức, CLB Dạy con nên người; lãnh đạo điều hành Công ty Bách Khoa computer; phát triển mạnh 4.0 chia sẻ những điều tử tế đến với cuộc đời, quan tâm đặc biệt đến giới trẻ. Các bài giảng của Thầy chuyển tải nhiều triết lý liên quan đến “Phật giáo ứng dụng”, được đông đảo quần chúng yêu mến và hiện cũng có tầm ảnh hưởng Quốc Tế.
Với gốc người Hà Thành, căn tánh thông minh, thâm trầm, tĩnh tại, sáng suốt, đam mê khoa học, học vấn khá bài bản, hiểu biết nhiều kiến thức liên ngành, nhất là thông rành về công nghệ, giảng dạy đại chúng dễ hiểu, Thầy Trần Việt Quân trên diễn đàn thế giới được xếp hạng đứng thứ gần 800 trong số người có ảnh hưởng cộng đồng; đứng thứ 12 trong số doanh nhân thành đạt. Thầy đang cố gắng phát triển “Tinh hoa Trí Tuệ Việt, khuyến khích Văn Hóa Đọc, mở các Câu lạc bộ Thiền, Làng Hạnh Phúc”... bằng nhiều hình thức khác nhau; là nhân vật thời hiện đại đang góp phần bảo lưu các triết lý Phương Đông bởi sự am hiểu: Phật học, Triết học Đông phương, Nhân tướng học, Kinh dịch,…Cùng tu học Phật một nguồn tâm nhưng cả hai đều tôn trọng căn cơ sở thích của nhau. Nếu Thầy Việt Quân quan tâm nhiều đến Triết lý và Văn hoá đọc thì cô Kim Sơn nhấn mạnh đến các Câu lạc bộ Thiền và làng hạnh phúc. Tất cả đều mang ý nghĩa tốt đời đẹp đạo.
Ba nền tảng giáo dục mà Thầy Việt Quân định ra: Đạo đức, Trí tuệ và Nghị lực, tương đồng với Bi - Trí - Dũng bản hoài của mười phương chư Phật. Thầy Quân nghiên cứu các triết lý Phật giáo, như: Lý Nhân Duyên, Tánh Không, Bát Chánh Đạo, Tứ Diệu Đế, Văn - Tư - Tu, Giới – Định – Tuệ, Ngũ giới, Bát Quan Trai, Thập Thiện, Luân hồi, Nghiệp báo, mối quan hệ Nhân – Duyên – Qủa; nghiên cứu về sự phong phú của Thiền Tứ Niệm Xứ, Thiền tông, Thiền Trúc Lâm Yên Tử; tìm hiểu các pháp tu Thiền – Tịnh – Mật của cả các truyền thống Nguyên Thủy, Khất sĩ, Đại thừa, Kim Cang thừa… tại Việt Nam và một số nước trên thế giới một cách khái quát. Nhưng dường như, giáo lý Ngũ giới, Tứ diệu đế, Bát Chánh Đạo và tinh thần Thiền tông trực chỉ/ Thiền Vipassanā được Thầy quan tâm nhiều hơn để chuyển hóa mọi giới, nhất là giới trẻ và người làm kinh doanh, sống an vui cống hiến hiệu quả. Đây cũng là những nền tảng căn bản Phật Pháp mang tính phổ quát.
Không chỉ là một diễn giả chuyên giảng dạy về lý thuyết mà việc thực hành dấn thân đến các phúc lợi xã hội của Thầy cũng gây được thiện cảm tri ân của chính quyền các cấp và dân chúng hữu duyên. Ngoài việc kinh doanh lấy tâm Phật làm kim chỉ nam, Thầy luôn nhường phần kinh tế của gia đình, của Công ty mình để chia sẻ đến các hoàn cảnh khó khăn trên khắp đất nước, nhất là người già, người bệnh, người neo đơn không nơi nương tựa, người khuyết tật… Mô hình mà trước đó Thiền sư Ottamathara đã triển khai rất sâu rộng nhuần nhuyễn ở Myanmar và hầu hết nhiều chư Tăng Ni các hệ phái cũng đang dấn thân theo tinh thần Bồ tát hạnh nhập thế này để hoằng pháp.
Hiểu Phật Pháp và áp dụng qua cách tiếp nhận của bản thân, Thầy Quân sử dụng ngôn ngữ của riêng mình một cách sống động, gần gũi với nhận thức và tâm lý người hiện đại, chú trọng quay về bên trong trước để hiểu biết rõ thân tâm từ đó hóa giải các phiền não cũng như các cảm xúc tiêu cực nơi mỗi người. Cùng với bà xã của mình là Cô Nguyễn Đoàn Kim Sơn - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Trường liên cấp Tuệ Đức, gia đình Thầy Trần Việt Quân trong nhiều năm qua luôn tích cực phục vụ đại chúng một cách tự nguyện.
Cô Kim Sơn chia sẻ: Nghe Đức Phật dạy về bổn phận bảy loại vợ trong Kinh Tăng Chi bộ (vợ như kẻ sát nhân, như người ăn trộm, như chủ nhân, như mẹ, như em, như bạn, như người hầu), Cô tình nguyện chọn thực hành hạnh của bốn loại vợ sau mà đức Phật tán thán, để giữ gìn bí quyết gia đình hạnh phúc, vì đó cũng là duyên tái sanh cõi lành. Cô cảm thông sâu sắc với công việc và tâm nguyện của người bạn đời nên không đòi hỏi sống cho riêng mình mà luôn tạo thuận duyên để Thầy Việt Quân phát triển khả năng, phục vụ cộng đồng.
Cô Kim Sơn là một Phật tử thuần thành, nhiều năm qua luôn tích cực hộ trì chư Tăng Ni hành đạo từ Bắc vào Nam, hoan hỷ trong các công tác đóng góp an sinh xã hội trong sự hiểu thương; đã từng xuất gia gieo duyên. Cả hai vợ chồng Thầy đều lấy tinh thần Phật giáo là lẽ sống, tự độ độ tha. Thầy Cô luôn nhiệt tâm làm thiện pháp không giới hạn trong thân – miệng – ý chánh niệm xả ly để truyền tải Đạo đức và Trí tuệ Phật giáo đến khắp cả nước; cũng không ngừng tiếp thu những nền văn hoá lớn của thế giới nhân loại để hướng đến nhận thức chân lý một cách khách quan thiết thực, mong ước chung tay xây dựng cộng đồng thịnh vượng – an vui – lâu dài.
Trước sức ép của cuộc sống Công nghiệp hóa hiện đại hóa, áp lực của nền kinh tế thị trường, con người chịu sự chi phối của vật chất và mặt trái của lối sống hưởng thụ, thì các lớp học dạy kỹ năng sống lành mạnh của Thầy Quân Cô Kim Sơn – những người học Phật nghiêm túc, giúp giảm stress, khuyến khích xã hội suy nghĩ tích cực, nâng cao ý thức tự chịu trách nhiệm với bản thân và cuộc đời, góp phần giảm bớt các vấn nạn. Phật giáo chỉ có tác dụng khi được triển khai thiết thực ngay trong đời sống, như đức Phật tuyên thuyết, giáo lý Ngài: thiết thực hiện tại, giành cho người trí, đến để mà thấy, vượt thời gian, có khả năng hướng thượng, chứng đắc Thánh quả…
Đức Phật tán thán người tại gia có đức hạnh Chân thật (Sacca), Tự chế (Dama), Kham nhẫn (Khanti), Xả tài (Cāga),… để tích lũy các âm đức; cả hai vợ chồng Thầy Quân – cô Kim Sơn đều tích cực hộ đạo giúp đời, trước nhất bằng tinh thần tự lực. Ở Thầy Quân – Cô Kim Sơn, đời sống cư sĩ hạnh phúc được thực thi theo những điều đức Phật chỉ dạy trong Kinh Tăng Chi với bốn nhân duyên xứng đôi vợ chồng, vì cùng có: đức tin (Samasaddhā), giới hạnh (Samasīla), bố thí (Samacāgā), trí tuệ (Samapaññā).
Cô Kim Sơn ngoài việc tu tập hộ trì nhiều Tăng Ni trong nước, vài năm gần đây cũng có duyên với pháp thiền Vipassanā của Thiền sư Ottamathara và nhiều chư Tăng Ni trên thế giới. Khi được khảo sát đời sống Tứ chúng ở Thabarwa Myanmar, Cô thấy có những điểm chung về tâm từ, hạnh nguyện quên mình phục vụ cộng động, giữ tâm bình yên trong sáng xả ly, thấy biết rõ ràng không chấp thủ, hiểu sâu nhân quả của dòng nghiệp báo chỉ làm và làm mà không vướng mắc, kham nhẫn trong quá trình cộng tu gieo duyên, lấy yếu tố con người làm mục đích giáo dục rốt ráo… Cô bày tỏ sự tri ân sâu sắc đến Tăng đoàn nói chung và Thiền sư Ottamathara nói riêng. Khóa tu Thiền ứng dụng tại Hà Nội lần này, được sự chỉ dạy của TT. TS Thích Thanh Huân, Uỷ viên Thư ký HĐTS TƯ GHPGVN, Phó Chánh VP TW GHPGVN, Phó Ban Phật giáo Quốc Tế; Trụ trì chùa Pháp Vân, Trưởng BTC; TT. Thích Minh Thuận, Ủy Viên Hội Đồng Trị Sự, Phó Ban Hoằng Pháp Trung Ương, Trưởng Phân Ban Hoằng Pháp Đồng Bào Dân Tộc Thiểu Số, Phó trưởng ban Thường trực Ban Trị Sự Giáo Hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Phú Thọ; trụ trì chùa Bảo Ngạn, Sông Lô, Việt Trì; Phó BTC khóa Thiền; TT. Thích Minh Tuân, Ủy viên Thường Trực giáo Hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Lai Châu, Chánh Văn Phòng; Ủy viên Ban Kinh Tế Tài Chính Trung ương; Trưởng Ban Kinh Tế Tài Chính Phật giáo tỉnh Lai Châu; Trụ trì Thiền Viện Di Đà, Thường Tín, Hà Nội; Phó BTC…; Cô Kim Sơn phát nguyện là thí chủ chính, MC cho khóa Thiền Trải nghiệm Thiền Vipassanā ứng dụng. Đồng cảm trân trọng những phẩm chất tốt đẹp của bà xã, Thầy Trần Viêt Quân đã có mặt trong đêm 20/10 – ngày phụ nữ Việt Nam để đồng hành cùng vợ thiện pháp; càng về cuối khóa thiền, nhiều cảm xúc của các thiền sinh lại lắng đọng, cởi mở, hòa hợp, chân thành, bao dung, hiểu thương hơn.
Ngài Thiền sư Sayadaw Ashin Ottamathara khuyến tấn Cư sĩ tiến tu bằng bài pháp nhấn mạnh việc Đức Phật từng tuyên thuyết, người tại gia cũng có thể đắc đạo từ Sơ quả đến Nhị quả và Tam quả, có thể nhập vào dòng Thánh: đắc Sơ quả Dự lưu (Tu-đà-hoàn), như ông Anàthapindika, Jìvaka; bà Godhà, Visàkhà v.v…; đắc Nhị quả Nhất lai (Tư-đà-hàm), như ông Mahànàma, bà Sumanà (con gái ông Anàthapindika); đắc Tam quả Bất lai (A-na-hàm) như ông Chattapàni, gia chủ Citta, gia chủ Ugga; mẹ thôn trưởng Màtikàgàma, mẹ nàng Màgandiya v.v... Khích lệ người hành giả Cư sĩ vừa tu tập giúp đời hộ đạo, vừa sống đời gia đình xã hội an vui thanh tịnh; khẳng định Thiền Vipassanā – pháp thiền không phương pháp, chánh niệm xả ly có thể thực hiện được trong mọi hoàn cảnh. BTC nhân ngày này cũng gửi lời tri ân sâu sắc đến quý Sư Cô, quý Tu nữ, quý nữ thí chủ hộ độ trực tiếp có mặt và mật hạnh phía sau để công đức tu tập của đại chúng được trọn vẹn, hoàn mãn; để cái đẹp không ngừng được mở rộng và lan truyền, Phật Pháp tiếp tục đi vào đời với ý nghĩa ban vui cứu khổ, giác ngộ giải thoát, mục đích cao nhất là chấm dứt luân hồi sanh tử.
Sau đây là hình ảnh ghi nhận được:
TV Viên Giác