Sáng ngày 2-7 đã diễn ra khai mạc Hội thảo nghi lễ Phật giáo toàn quốc năm 2022 do Ban Nghi lễ Trung ương Giáo hội kết hợp với Trung ương Giáo hội và Ban Trị sự GHPGVN TP. Hải Phòng tổ chức tại Draco – Thăng Long Hotel.
Hội thảo mang chủ đề "Kế thừa, bảo tồn và phát huy truyền thống Nghi lễ Phật giáo trong thời kỳ hội nhập".
- Chứng minh có: Trưởng lão Hoà thượng Thích Thanh Dục, Uỷ viên TT HĐCM; Hoà thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch HĐTS; Hoà thượng Thích Thiện Pháp, Phó Chủ tịch TT HĐTS, Trưởng Ban Tăng sự Trung ương; Hoà thượng Thích Bảo Nghiêm, Hoà thượng Thích Khế Chơn, Hoà thượng Thích Quảng Hà, đồng Phó Chủ tịch HĐTS; Hoà thượng Thích Quảng Tùng, Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng Ban Trị sự GHPGVN TP.Hải Phòng; Hoà thượng Thích Thanh Đạt, Uỷ viên Thư ký HĐTS.
Chủ toạ: Hoà thượng Thích Huệ Minh, Uỷ viên TT HĐTS, Trưởng Ban Nghi lễ Trung ương; Hoà thượng Thích Giác Liêm, Uỷ viên TT HĐTS, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Nghi lễ Trung ương; Hoà thượng Thích Thanh Giác, Uỷ viên HĐTS, Phó Ban Nghi lễ Trung ương; Phó Trưởng Ban TT Ban Trị sự GHPGVN TP. Hải Phòng; cùng chư Tôn đức HĐTS, Phó Ban Nghi lễ Trung ương.
Tham dự có: đại diện Ban Tôn giáo Chính phủ, Chính quyền các cấp TP.Hải Phòng; cùng thành viên Ban Nghi lễ Trung ương, đại diện các Ban, Ngành Trung ương Giáo hội, Ban Nghi lễ Phật giáo các tỉnh, thành; các nhà nghiên cứu, học giả, thiện hữu trí thức và đại biểu Phật tử các giới.
Phát biểu khai mạc, Hoà thượng Thích Huệ Minh nhấn mạnh “Hội thảo Nghi lễ Phật giáo toàn quốc lần này, là một việc làm hết sức cần thiết để đề ra giải pháp, một hướng đi thích hợp chung cho mọi người trong xã hội, đó là: "Vật chất phát triển nhưng yếu tố tâm linh vẫn phải được coi trọng, đạo đức và văn hóa dân tộc luôn được giữ gìn và phát huy".
Hoà thượng tin tưởng rằng những ý kiến đóng góp, phát biểu, tham luận của chư Tôn đức, chư vị Khách quý tại Hội thảo lần nầy sẽ góp phần cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ban Nghi lễ Trung ương để Ban Nghi lễ Phật giáo đẩy mạnh công tác và phát huy theo hướng: "Kế thừa, bảo tồn và phát huy truyền thống Nghi lễ Phật giáo trong thời kỳ hội nhập" như chủ đề chính Hội thảo đã nêu.
Báo cáo đề dẫn, Hoà thượng Thích Giác Liêm, Uỷ viên TT HĐTS, Phó Thường trực Ban Nghi lễ Trung ương cho biết; Hội thảo Nghi lễ Phật giáo toàn quốc có kế hoạch tổ chức từ năm 2020 nhưng do đại dịch Covid-19 nên tạm dừng.
Nhờ sự quyết tâm của toàn thể Ban Nghi lễ, Hội thảo đã chính thức được diễn ra tại TP. Hoa Phượng Đỏ với chủ đề: “Kế thừa, bảo tồn và phát huy truyền thống Nghi lễ Phật giáo Việt Nam trong thời kỳ hội nhập” với 09 chuyên đề thảo luận, được chư Tôn đức Giáo phẩm, các nhà Khoa học, các nhà Nghiên cứu đã có 57 tham luận:…., bài viết rất sâu sắc, mang tinh nghiên cứu khoa học thực tiễn, để định hướng cho Ban Nghi lễ Trung uơng tiếp tục hoàn thành trọng trách trong công tác Phật sự về nghi lễ, góp một phần để phát triển ngôi nhà chung Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong hiện tại và tương lai, với tinh thần hộ quốc an dân, Phật giáo đồng hành cùng dân tộc.
Ban đạo từ định hướng Hội thảo và phương hướng hoạt động của Ban Nghi lễ Trung ương, Hoà thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch HĐTS cho rằng. Văn hóa Phật giáo Việt Nam là một nền Văn hóa tâm linh đặc thù lấy giáo lý Đức Phật làm trung tâm, kể từ khi Phật giáo du nhập vào nước ta đến nay đã hơn 2000 năm, văn hóa Phật giáo đã thắm sâu một cách nhuần nhuyễn vào phong tục tập quán, tâm tư tình cảm, cung cách lễ nghi trong nếp sống người dân Việt và Nghi lễ của Phật giáo Việt Nam cũng gắn liền với văn hóa ấy, chính vì vậy mà cả hình thức lẫn nội dung của Nghi lễ Phật giáo Việt Nam trở nên đa dạng và phong phú.
Trên tinh thần đó, Hoà thượng Chủ tịch chỉ đạo nên thống nhất về mục đích, ý nghĩa của nghi lễ Phật giáo, vì đó là phương tiện gần gũi và dễ dàng thể hiện cảm xúc của mình để dẫn dắt chúng sanh đến với ngôi nhà giác ngộ giải thoát của đạo Phật.
Tại Hội thảo, Ban Tổ chức cũng đón nhận phát biểu chúc mừng của Ban Trị sự GHPGVN TP.Hải Phòng, Ban Tôn giáo Chính phủ và Bằng Tuyên dương công đức của Trung ương Giáo hội.
Dịp này, Ban Tổ chức cũng trao tặng quỹ vì người nghèo, quỹ vì biển đảo quê hương, mỗi nơi 100 triệu đồng.
Phiên khai mạc kết thúc vào 9h00, sau đó Chủ toạ Hội thảo tiếp tục làm việc, chư Tôn đức Ban Nghi lễ các tỉnh thành và học giả trình bày tham luận. Được biết, 10 bài tham luận quan trọng nhất được lựa chọn để đọc tại Hội thảo.
Đăng Huy
https://phatsuonline.com/hoa-thuong-chu-tich-thong-nhat-mu%cc%a3c-dich-y-nghi%cc%83a-hinh-thuc-cu%cc%89a-nghi-le%cc%83-lam-phuong-tien-dan-dat-chung-sanh-giac-ngo/