PSO - Sáng ngày 1/12/2024 (nhằm mùng 1 tháng 11 năm Giáp Thìn), tại Văn phòng Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Hậu Giang – chùa Quốc Thanh (phường 5, TP. Vị Thanh), chư Tôn đức Tăng Ni trong toàn tỉnh đã trang nghiêm tổ chức Đại lễ tưởng niệm 716 năm ngày Đức vua – Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết bàn.
Chứng minh và tham dự lễ tưởng niệm có Trưởng lão HT.Thích Giác Giàu - Ủy viên TT HĐCM, Chứng minh BTS Phật giáo tỉnh; HT.Thích Huệ Hoá, HT.Thích Thiện Huệ - đồng Chứng minh BTS Phật giáo tỉnh; TT.Thích Phước Thành – Uỷ viên HĐTS, Trưởng BTS Phật giáo tỉnh; ĐĐ.Danh Tuấn - Phó ban Trị sự đặc trách Hệ phái Nam tông Khmer; TT. Thích Phước Dũng – Phó ban kiêm Chánh Thư ký BTS Phật giáo tỉnh; ĐĐ. Thích Thiện Đức – Phó Thư ký kiêm Chánh Văn phòng BTS Phật giáo tỉnh cùng chư Tôn đức BTS Phật giáo tỉnh; Tăng Ni trụ trì các tự viện trong tỉnh về tham dự.
Về phía chính quyền có ông Lê Văn Sơn – Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQVN tỉnh Hậu Giang; ông Trần Khánh Tòng – Trưởng phòng Tôn giáo tỉnh; ông Dương Ngọc Thủy – Phó ban Dân vận Tỉnh ủy; Trung tá Đặng Văn Còn – Đội trưởng Phòng An ninh Nội địa Công an tỉnh, ông Nguyễn Khoa Nam - Phó ban Dân vận Thành ủy Vị Thanh; ông Danh Thừa - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQVN TP. Vị Thanh cùng đại diện các ban, ngành tỉnh Hậu Giang và TP.Vị Thanh.
Trong không gian thấm đẫm đạo vị, Đại đức Danh Tuấn đã ôn lại cuộc đời và hành trạng của Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông.
Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông sinh năm Mậu Ngọ (1258), tên húy là Trần Khâm, là con trưởng của vua Trần Thánh Tông và Hoàng Thái hậu Nguyên Thánh Thiên Cảm. Ngài không chỉ là một vị minh quân anh minh mà còn là lãnh tụ thiên tài, anh hùng dân tộc kiệt xuất. Dưới sự lãnh đạo của Ngài, Đại Việt đã hai lần đánh bại quân Nguyên - Mông hùng mạnh, bảo vệ bờ cõi và giữ vững nền độc lập.
Không chỉ là một vị hoàng đế kiệt xuất, Ngài còn là nhà văn hóa, tư tưởng lớn, sáng lập Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Tư tưởng “Cư trần lạc đạo” của Ngài đã khẳng định sự hòa hợp giữa đạo và đời, giữa trách nhiệm dân tộc và lý tưởng Phật giáo.
Cuộc đời Ngài là một minh chứng cho sự hòa quyện tuyệt vời giữa trách nhiệm với dân tộc và lý tưởng Phật pháp. Những năm tháng cuối đời, Ngài dành trọn tâm huyết hoằng dương Phật pháp, giáo hóa muôn dân, lan tỏa lòng từ bi và sự giác ngộ.
Ngày mùng Một, tháng 11 năm Mậu Thân (1308), Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết bàn tại đỉnh Ngoạ Vân, am Tử Tiêu, núi Yên Tử, thọ thế 51 năm. Ngài để lại di sản tư tưởng, đạo đức sâu sắc, trở thành biểu tượng cho sự dung hòa giữa đạo và đời, trường tồn trong lòng dân tộc và Phật giáo Việt Nam.
Thượng tọa Thích Phước Thành thay mặt Ban Trị sự tuyên đọc văn tưởng niệm Đức vua – Phật hoàng. Bản văn khẳng định lòng tri ân sâu sắc đối với công đức của Ngài, đồng thời kêu gọi chư Tăng Ni, Phật tử tiếp tục giữ vững tinh thần đoàn kết, hòa hợp, cùng nhau phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc và đạo pháp.
Trong bài tưởng niệm, có đoạn nhấn mạnh: "Chúng ta đồng thành kính nguyện thực hành giữ gìn tinh thần đoàn kết hòa hợp dân tộc, nêu cao tinh thần phóng khoáng, bao dung trong cộng đồng; đồng thời phát huy triết lý Thiền của Tổ sư, sống với tâm từ bi chan chứa mọi loài, thực hành Bồ tát đạo để xây dựng một xã hội hòa bình, nhân ái, tạo dựng thiên đường tại nhân gian trong lòng mỗi người."
Kết thúc buổi lễ, trong không khí trang nghiêm, chư Tôn đức Tăng Ni cùng đông đảo Phật tử đã thành tâm phát nguyện noi theo hạnh nguyện của Đức vua – Phật hoàng, thực hành phương châm “Tốt đời đẹp đạo” gìn giữ và lan tỏa giá trị văn hóa, đạo đức của dân tộc. Đại lễ khép lại trong sự đồng lòng, tri ân và quyết tâm tiếp nối tinh thần giác ngộ mà Ngài đã để lại cho muôn đời.
Ban TT-TT Phật giáo tỉnh Hậu Giang, Phương Đại