Nhân dịp tham dự Đại hội Đại biểu Phật giáo tỉnh Nam Định lần thứ X, Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch HĐTS GHPVN đã đến thăm tổ đình Vọng Cung và Chùa Tháp (Phổ Minh) để thắp hương, đảnh lễ chư vị Tổ sư, tiền bối hữu công đã viên tịch nơi vùng đất Nam Định.
Từ thời nhà Trần, Nam Định được coi đất Nam Kinh của Vua, cũng là nơi xuất thân của nhiều bậc cao Tăng lỗi lạc trong hàng trăm năm qua. Vì lý do đó, đất Nam Định trở thành chốn Tổ của Phật giáo Việt Nam.
Tại Tổ đình Vọng Cung, ngôi cổ tự hơn 100 năm được vua Gia Long xây dựng vào năm 1902, rộng hơn 3000m2. Từ khi được thành lập, nơi đây đã trở thành nơi đào tạo nhiều thế hệ Tăng Ni của tỉnh Nam Định.
Đến tổ đình Vọng Cung, Hòa thượng Chủ tịch có dịp nhắc lại công trạng của chư vị Tổ sư đã từng trú xứ nơi đây.
Bên cạnh đó, Hòa thượng đã đến thắp hương, đảnh lễ cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Tâm Thi, Thượng thủ Tăng già Việt Nam và Trưởng lão Hòa thượng Thích Tâm Thông, Phó Pháp Chủ HĐCM GHPGVN.
Dịp này, Hòa thượng Chủ tịch cũng ghé thăm chùa Phổ Minh hay còn gọi là chùa Tháp, một ngôi chùa cổ nhất vùng đất Nam Định.
Theo tư liệu lịch sử, chùa được xây dựng vào năm 1262, ở phía tây cung Trùng Quang của các vua nhà Trần. Tại đây, Hòa thượng tham quan Tháp Phổ Minh, một di tích lịch sử còn nguyên vẹn gần 1000 năm, chứng minh lịch sử một thời hưng thịnh bậc nhất của Phật giáo Việt Nam.
Hòa thượng Chủ tịch và chư Tôn đức tháp tùng cùng vào chánh điện và nhà tổ để thắp hương, đảnh lễ Tam Bảo và tôn tượng Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông.
Trưởng lão Hòa thượng Thích Tâm Thi, đạo hiệu Tuệ Tạng, thế danh Trần Thanh Thuyên, sinh năm Canh Dần (1889) tại làng Quần Phương Trung, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Ðịnh. Trên nửa thế kỷ từ lúc xuất gia tu học đến giờ phút cuối cùng cuộc đời, Ngài luôn nghiêm trì giới luật, hoằng pháp độ sinh, đào tạo Tăng tài bất kể hoàn cảnh khó khăn hay thuận lợi nào. Đồng thời, Trưởng lão Hòa thượng còn được biết đến là một Luật sư uyên thâm, tiêu biểu nhất của Luật Tông Việt Nam, pháp âm của Ngài là nền tảng vững bền cho mạng mạch chính pháp lưu truyền.
Năm 1952, Giáo hội Tăng già Toàn quốc suy tôn Trưởng lão Hòa thượng lên ngôi vị Thượng thủ Tăng già Toàn quốc. Năm 1953, Ngài đã soạn thảo và ấn hành “Lá Tâm Thư” đại ý kêu gọi Tăng tín đồ toàn quốc chung sức chung lòng trùng hưng Phật giáo như thời đại Lý, Trần xưa kia.
Nguyện lực hoằng thâm đã viên mãn, thân tứ đại đến lúc trả về cho tứ đại, ngày 3 tháng 4 năm Kỷ Hợi, tức 10-5-1959, Ngài xả báo thân tại tổ đình Vọng Cung, hưởng thọ 70, công đức tu trì 50 hạ lạp.
Hòa thượng Thích Tâm Thông, thế danh là Nguyễn Văn Tiến, sinh ngày 27 tháng 11 năm Bính Thìn – 1916 tại thôn An Ninh, xã Hải Trung, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Xuất gia đầu Phật, cầu pháp với Sư tổ Thích Thanh Lịch trụ trì chùa Lam Cầu, tỉnh Hà Nam.
Tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IV Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ngài được suy tôn ngôi vị Phó Pháp chủ kiêm Chánh Thư ký HĐCM GHPGVN. Trước đó với đạo hạnh và uy đức, Trưởng lão Hòa thượng cũng được Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam và GHPGVN giao đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng.
Cả cuộc đời Ngài, từ buổi sơ tâm cho đến lúc hóa duyên mãn tận là một tấm gương sáng, lấy việc nghiêm trì giới luật làm thân giáo để sách tấn hàng môn đồ, Phật tử. Đối với Phật giáo Việt Nam, Trưởng lão Hòa thượng là vị cao Tăng tiêu biểu với giới hạnh tinh nghiêm.
Ngài đã thị tịch vào lúc 4 giờ 30 phút, ngày 25 tháng 8 năm 1999 (nhằm ngày Rằm tháng Bảy năm Kỷ Mão) tại Hà Nội, trụ thế 84 năm, 60 Hạ lạp. Nhục thân Ngài được đưa về nhập Bảo tháp tại Tổ đình Vọng Cung, thành phố Nam Định.
Đăng Huy