Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ vừa viên tịch

Nghe đọc bài:

PSO - Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ, vị giáo phẩm uyên bác, dịch giả của nhiều bộ kinh, luận quan trọng; tác giả của các công trình nghiên cứu Phật học giá trị đã được xuất bản, sau thời gian bệnh duyên đã viên tịch tại chùa Phật Ân (tỉnh Đồng Nai) vào 16 giờ chiều nay, ngày 24/11/2023 (tức ngày 12 tháng 10 năm Quý Mão), trụ thế 81 năm.

Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ, pháp húy Nguyên Chứng, sinh năm 1943 tại Paksé (Lào), nguyên quán tại tỉnh Quảng Bình.

 

Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ là đệ tử của Đại lão Hòa thượng Thích Trí Thủ, Đệ nhất Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN.

 

Năm 12 tuổi, Hòa thượng từ Paksé về Sài Gòn, sau đó trở lại Huế, tu học tại chùa Từ Đàm với Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Siêu, rồi vào học tại Phật học viện Trung phần Hải Đức (Nha Trang), Quảng Hương Già Lam.

 

Hòa thượng tốt nghiệp Viện Cao đẳng Phật học Sài Gòn (1964) do Hòa thượng Thích Nhất Hạnh sáng lập; sau đó, tốt nghiệp phân khoa Phật học của Viện Đại học Vạn Hạnh khi chỉ mới 22 tuổi.

Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ dâng hương đảnh lễ Giác linh Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Châu tại thiền viện Vạn Hạnh - Ảnh: VH

Năm 1970, với những công trình nghiên cứu, khảo luận có giá trị về Thiền học và Triết học Phật giáo, trong đó có tác phẩm đầu tay Đại cương về thiền quán và nổi bật hơn hết là Triết học về tánh Không, Hòa thượng được đặc cách bổ nhiệm Giáo sư thực thụ Viện Đại học Vạn Hạnh do Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Châu làm Viện trưởng; là giáo sư trẻ nhất lúc bấy giờ.

 

Năm 1971, ngài được Hòa thượng Thích Minh Châu bổ nhiệm làm Tổng Thư ký tạp chí Tư Tưởng - cơ quan luận thuyết của Viện Đại học Vạn Hạnh. Bên cạnh đó, ngài cũng làm Thư ký tòa soạn, tham gia cộng tác với nhiều tờ báo, tạp chí nghiên cứu đương thời như: Vạn Hạnh, Hải Triều Âm, Khởi Hành, Thời Tập,…

 

Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ được biết nổi tiếng về sự uyên bác, thông thạo nhiều loại cổ ngữ lẫn sinh ngữ như: Hán văn, Phạn văn, Tạng văn, tiếng Anh, Pháp, Đức, Nga… Trong gần trọn cuộc đời, Hòa thượng dành phần lớn thời gian và tâm huyết của mình cho việc phiên dịch và chú giải kinh điển, đặc biệt là tạng kinh A-hàm. Các dịch phẩm nổi bật của Hòa thượng đã được xuất bản chính thức, đến với độc giả trong và ngoài nước.

Gần 30 tác phẩm, công trình của Hòa thượng Tuệ Sỹ được xuất bản, tái bản nhiều lần trong nước

Trong đó, có thể kể: Trường A-hàm, Trung A-hàm, Tạp A-hàm - NXB Hồng Đức; A-tỳ-đạt-ma Câu Xá (6 tập) - NXB Hồng Đức; A-tỳ-đạt-ma Pháp uẩn túc luận - NXB Hồng Đức; A-tỳ-đạt-ma Tập dị môn túc luận - NXB Hồng Đức; Duy-ma-cật sở thuyết - NXB Hồng Đức; Luận thành duy thức - NXB Hồng Đức; Tinh hoa triết học Phật giáo của Junjiro Takakusu - NXB Hồng Đức, Thiền luận của Daisetsu T.Suzuki (đồng dịch giả với Trúc Thiên, 3 tập) - NXB Tổng hợp TP.HCM (1992), NXB Tri Thức tái bản; Thiền & Bát-nhã - NXB Hồng Đức…

 

Bên cạnh đó, Hòa thượng còn trước tác, biên soạn và giới thiệu nhiều tác phẩm luận giải kinh điển, lịch sử và triết học Phật giáo,… được in thành sách và xuất bản, tái bản trong nước gần đây, như:

 

Triết học về tánh Không - NXB Hồng Đức; Tổng quan về nghiệp - NXB Đà Nẵng; Thiền định Phật giáo - NXB Đà Nẵng; Huyền thoại Duy-ma-cật - NXB Hồng Đức; Thắng Man giảng luận - NXB Hồng Đức; Du-già Bồ-tát giới - NXB Hồng Đức; Tô Đông Pha, Những phương trời viễn mộng - NXB Hồng Đức; Pháp diệt tránh - NXB Phương Đông; Giấc mơ Trường Sơn (thơ) - NXB Đà Nẵng; Thiên lý độc hành (thơ) - NXB Đà Nẵng; Hoàng cầm tình khúc (thơ) - NXB Hồng Đức…

Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ là một tác gia lớn đóng góp nhiều công trình quan trọng cho nền Phật học Việt Nam hiện đại

Hòa thượng còn hiệu chính, chú thích bản Việt dịch Luật Tứ phần của Hòa thượng Thích Đỗng Minh, bản dịch Tăng-nhất A-hàm của Hòa thượng Thích Đức Thắng và chủ trì bản dịch của Phật điển phổ thông - Dẫn vào tuệ giác Phật... cũng đã được xuất bản trong nước.

 

Ngài còn đích thân giảng dạy các lớp học về Luật Tứ phần và các bộ kinh, luận Đại thừa cho chư Tăng và Phật tử tại Quảng Hương Già Lam cũng như một số nơi và qua phương thức trực tuyến.

 

Báo Giác Ngộ sẽ cập nhật thông tin đến Tăng Ni, Phật tử và quý thiện hữu tri thức.

Một số hình ảnh về Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ cùng chư tôn đức đảnh lễ Giác linh Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Châu tại thiền viện Vạn Hạnh và gần 30 tác phẩm, trong đó có những tác phẩm nhiều tập, của Hòa thượng xuất bản, tái bản trong nước

Nhóm PV Báo Giác Ngộ
Nguồn: giacngo.vn

Download Android Download iOS
Đồng Nai: Ban Văn hóa Trung ương vấn an Trưởng lão Hòa thượng Chủ tịch và xin chỉ đạo

Chiều 11/11, Đoàn công tác Ban Văn hóa Trung ương do Hòa thượng Thích Thọ Lạc, Ủy viên Thường trực Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Văn hóa Trung ương làm Trưởng đoàn đã đến vấn an Đức Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh, Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, tại chùa Quốc Ân Khải Tường, tỉnh Đồng Nai.

Bình Định: Ban Trị sự Phật giáo Tp. Quy Nhơn tổ chức hiến máu tình nguyện lần thứ 9

PSO - Sáng 10/11/2024 tại Văn phòng Ban Trị sự GHPGVN Tp. Quy Nhơn (tổ đình Minh Tịnh, 35 Hàm Nghi) Ban Trị sự Phật giáo Tp. Quy Nhơn phối hợp với Hội Chữ thập đỏ thành phố tổ chức chương trình hiến máu tình nguyện lần thứ 9 “Giọt hồng từ bi”.

Bình Định: Lễ ký kết chương trình phối hợp giữa Hội LHTN thành phố và Giáo hội Phật giáo Việt Nam Tp. Quy Nhơn

PSO - Sáng ngày 11/11/2024 (nhằm ngày 11/10/Giáp Thìn), tại Hội trường Khối Mặt trận Đoàn thể (Trung tâm hành chính Tp. Quy Nhơn, 30 Nguyễn Huệ) đã diễn ra lễ Ký kết chương trình phối hợp giữa Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam thành phố và Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố giai đoạn 2024 - 2026.

QUAN TÂM & HỖ TRỢ

Phật Sự Online với chủ trương “Nhanh chóng – Kịp thời – chính xác và Nhân văn” đăng tải các hoạt động Phật sự của các cấp Giáo hội và các tự viện trong cả nước cùng các chương trình tu học, thuyết giảng của chư Tôn đức Tăng, Ni giảng sư được truyền hình trực tiếp (Live Streaming) trên mạng xã hội: Facebook, Youtube, Phật Sự Online về các sự kiện Phật sự và trên 15 chương trình khác với mục đích “ Đẩy mạnh truyền thông Phật giáo như một kênh Hoằng pháp …”


Phật Sự Online có trên 60 nhân sự là phóng viên, Ban Biên tập và các bộ phận khác, vì vậy rất cần sự quan tâm chia sẻ, hỗ trợ của chư Tôn đức Tăng Ni, quý Phật tử và quý vị yêu mến Đạo Phật để có được kinh phí đảm bảo sự hoạt động bền vững và lâu dài.

Background Donate

Chủ tài khoản: KENH PHAT SU ONLINE

Số tài khoản: 070104929298

Ngân hàng Sacombank chi nhánh Kiên Giang

QRCOde Quan tầm và hỗ trợ phật sự online