Trước tiên, Hòa thượng bày tỏ niềm hoan hỷ khi được về đây, gặp mặt quý Ni trưởng, Ni sư, sư cô, đại đức Ni trong tinh thân hữu của những ngày diễn ra khóa bồi dưỡng này. Quý vị Ni đã đoàn kết với nhau, theo sự tổ chức của Giáo hội nói chung và của phân ban Ni giới nói riêng. Khóa bồi dưỡng này có một vai trò vô cùng quan trọng, bởi sẽ giúp cho Ni giới mở ra nhiều hướng đi mới, cũng như giúp quý vị Ni học hỏi được nhiều điều hơn, mà trong đạo Phật luôn đề cao Phúc và Tuệ, Đức Phật cũng đã dạy “duy tuệ thị nghiệp”. Qua đây, Hòa thượng đã tán thán công đức của Ni trưởng Thích Đàm Nghiêm, Ni trưởng Thích Đàm Thành, Ni trưởng Thích Đàm Lan và quý vị trong Ban tổ chức bởi trong những năm gần đây, các vị Ni trưởng đã phát huy được sức mạnh của mình là người dẫn chúng đầu tàu để đưa Ni chúng lớp sau tiến bước theo con đường lớp trước đã đi. Đức Phật đã dạy “đồng nhất sư học, như thủy nhũ hợp” tức là cùng nhau vân tập về một chốn, tu tập, hòa hợp với nhau như nước với sữa không thể tách rời, đó mới chính là nghĩa của tăng già.
Hòa thượng nhấn mạnh với đại chúng rằng “Đức Phật có 4 chúng: Tỳ kheo, Tỳ kheo Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di. Trong đó có 2 chúng xuất gia là Tăng và Ni. Trong giáo pháp Phật đều bình đẳng như nhau. Tuy Đức Phật chế cho Ni bát kính, tuy trong lịch sử bước đầu cầu Pháp, Ni giới có 3 lần cầu thỉnh mà phải cầu tới Thánh tổ A Nan để xin Đức Phật cho Ni giới xuất gia, nhưng đấy là ý của Đức Phật nhằm tăng thêm tầm quan trọng cho việc xuất gia và tu học của Ni giới”.
Trong buổi sáng này, Hòa thượng đã chia sẻ với quý Ni trưởng, Ni sư, sư cô, đại đức Ni trong phân ban Ni giới khu vực phía Bắc những lời của Tổ dạy mà Hòa thượng đã chọn lọc trong bộ Thiền Lâm Bảo Huấn để chư vị Ni được nghe chư Tổ dạy làm người trụ trì phải như thế nào. Sau đó, Hòa thượng cũng nói thêm về những kinh nghiệm, chia sẻ về vai trò của một vị trụ trì. Cuối cùng, Hòa thượng giải đáp những thắc mắc, câu hỏi của đại chúng.
Hòa thượng chia sẻ về khái niệm trụ trì là người thay mặt Giáo hội điều hành các hoạt động cơ sở tự viện theo hiến chương, pháp luật Nhà nước. Trụ trì còn có ý nghĩa:
-Duy trì, nắm giữ. Đặc biệt trong nghĩa "Hộ trì Phật pháp"
-Nơi cư trú, sự lưu trú. Lập trường, quan điểm, cơ sở Phật tính
- Đồng nghĩa với Gia trì
-Thường an nhiên, thanh thản
-Vị tăng đứng đầu tu viện, hộ trì và truyền bá Phật pháp
Trong thiền môn, các Tổ đình cũng như các trường học hay dạy tới bộ sách đầu tay cho người trụ trì, đó là bộ Thiền Lâm Bảo Huấn. Thiền Lâm Bảo Huấn tức là lời vàng của các bậc Tổ được góp lại như một lời dạy quý báu. Bảo Huấn tức là lời huấn từ, huấn thị, dạy bảo, khuyên nhủ quý báu Tổ dạy cho các vị trụ trì ở một ngôi chùa.
Theo Thiền Lâm Bảo Huấn, người trụ trì là phải “tiếp dẫn hậu lai, báo Phật ân đức”.
Đối với chốn tùng lâm, chư Tổ đã dạy “Phàm người ở chốn tùng lâm, tự mình không duy trì lấy đạo đức ở nội tâm, lại nương cậy vào quyền thế ở bên ngoài thì nhất đán thế đó mất đi đều không thể tránh khỏi cái họa khuynh đảo”. Có nghĩa là trụ trì phải biết trị nội tâm của mình, đừng bao giờ ỷ quyền vào thế lực của mình là trụ trì mà ức hiếp chúng. Người trụ trì luôn luôn biết hi sinh cho chúng, luôn luôn nhường phần cho chúng. Người trụ trì phải nhận những cái khó khăn nhất, thiệt thòi nhất mới nêu gương cho chúng được.
Về phẩm chất của người trụ trì, Thuấn Lão Phu có nói rằng Truyền trì đạo pháp, quý nhất ở chỗ chân thật với hết thảy. Phân biệt điều tà chính, gạt bỏ mọi vọng tình, đó là cái thật trị tâm. Biết nhân quả rõ tội phúc, đó là cái thật tháo lý. Hoằng đạo đức, tiếp thập phương lui tới, đó là cái thật của trụ trì. Lượng tài năng, giao phó việc, đó là cái thật dùng người. Xét ngôn và hành, quyết định nên hay không nên, đó là cái thật cầu hiền. Nếu không giữ lòng thành thật, chỉ chuộng lừa dối hư danh, đối với đạo lý thời chẳng có lợi ích gì. Vây nên cái tháo lý của con người, cần nhất ở chỗ thành thật. Nếu cứ giữ một mực như thế không biến đổi, thì dù rằng việc di hiểm đến đâu cũng có thể nhất chí được.
Về phẩm chất của người trụ trì, cái yếu vụ của trụ trì trước hết phải xét phần thủ xả. Chỗ cùng cực của thủ xả định ở bên trong thời cái mầm mống an nguy định ở bên ngoài. An chẳng phải cái an ở một ngày, nguy chẳng phải cái nguy ở một ngày, mà nó đều chứa góp dần dần, nên không thể không xét nét cẩn thận. Nếu lấy đạo đức trụ trì thì tích phần đạo đức, lấy lễ nghĩa trụ trì thì tích phần lễ nghĩa. Lấy oán bóc lột trụ trì thời tích phần oán hận. Tích oán hận thời trong ngoài lìa tan, tích lễ nghĩa thời trong ngoài hòa vui, tích đạo đức thời trong ngoài cảm phục. Vì thế, thấm nhuần đạo đức lễ nghĩa thời trong ngoài vui vẻ, bốc lột oán hận cùng cực thời trong ngoài đau thuơng. Ôi! Cái cảm của vui buồn, tất sẽ ứng với họa phúc vậy.
Trụ trì có ba điểm cần thiết là "Nhân, Minh, Dũng". Nhân nghĩa là thực hành đạo đức, phát triển việc giáo hóa, an trên dưới, làm đẹp lòng người đi kẻ lại. Minh là giữ lễ nghĩa, biết an nguy, xét hiền ngu, biện phải trái. Dũng nghĩa là phải quả cảm với công việc, trừ người gian, bỏ kẻ nịnh. Nhân mà không có minh, như người có ruộng chẳng cày. Minh mà không có dũng, như có lúa non chẳng làm cỏ. Dũng mà chẳng có nhân, cũng như chỉ biết cắt cỏ mà chẳng biết gieo hạt giống. Ba điểm thiết yếu như trên mà đầy đủ, thời chốn tùng lâm hưng thịnh, thiếu một thời suy, thiếu hai thời nguy, thiếu tất cả thời cái đạo của trụ trì tất hỏng vậy.
Việc lớn của trụ trì ở "Tuệ và Ðức", phải đầy đủ cả hai phương diện, không thể bỏ thiếu một. Có ơn huệ mà không có đạo đức thời người chẳng kính, có đức mà không có ơn thời người chẳng nhớ. Nếu biết làm ơn tất có sự mong nhớ, lại thêm có đức để cùng giúp lẫn nhau, thời cái ơn đã tỏa ra, tất đủ để an trên dưới, dụ dẫn bốn phương.
Hơn nữa, người trụ trì phải luôn tôn trọng ý kiến tập thể. Ngoài ra, người trụ trì còn phải có tình thương. Người trụ trì phải kiệm đức, phải biết hi sinh cho người, thiểu dục tri túc. Đối với người, vị trụ trì phải thương bệnh. Trong 8 việc phúc, chăm nom săn sóc người bệnh là phúc đức lớn nhất. Cho nên Tổ dạy vị trụ trì phải quan tâm tới người bệnh. Đối với người già, vị trụ trì phải yêu quý chăm sóc người già. Ngoài ra, trụ trì cần cân nhắc kĩ lưỡng trước khi nói và làm, làm gì cũng phải cân nhắc nặng nhẹ, phát ngôn cần phải suy nghĩ trước sau cốt sao cho hợp với trung đạo.Trụ trì cần phải có Thành và Tín, thành tức là thành thực, Tín tức là tin. Lời nói Thành và Tín thì chỗ cảm rất sâu, lời nói không Thành và Tín thì chỗ cảm rất nông. Chư Tổ cũng dạy người tu phải chân thật, đừng là người giả dối.
Cũng trong thời pháp thoại, Hòa thượng đã chia sẻ về vai trò vô cùng quan trọng của người trụ trì. Giáo hội chia ra 12 ban và 1 viện, tuy là 12 ban nhưng lại liên quan mật thiết tới nhau. Hòa thượng đã từng đưa ra quan điểm và được Giáo hội chấp thuận đó là “một vị trụ trì chính là làm trưởng ban của cả 12 ban và 1 viện, bởi động đến ngôi chùa là động đến pháp lý, xây dựng, kiến trúc, quy hoạch rồi tiếp chúng độ nhân thì đấy chính là ban tăng sự. Sau đó phải dạy đệ tử ăn học đấy chính là ban giáo dục tăng ni. Phật tử đến tu học là ban hướng dẫn, giảng pháp cho Phật tử nghe là ban hoằng pháp. Nơi nào đau khổ, mình trích tiền của Tam Bảo ra ủng hộ đó là ban từ thiện xã hội. Giữ gìn cảnh quan của chùa là ban văn hóa, thực hiện nghi lễ cầu an cầu siêu cho tín đồ Phật tử là ban nghi lễ, lại quản lý tài sản trong chùa là ban kinh tế tài chính, khách nước ngoài tới thăm chùa mình tiếp đón và hướng dẫn họ lễ Phật đó là ban Phật giáo quốc tế. Cho nên vai trò của người trụ trì là vô cùng quan trọng”.
Cuối thời pháp thoại, Hòa thượng mong rằng chư vị Ni hãy lấy khóa học này làm tiền đề để tổ chức tiếp tục các khóa sau. Có thể sẽ tổ chức một năm 3 – 4 kỳ học, các trụ xứ tại các tỉnh có thể xin phép Ban trị sự đăng cai từng tỉnh nhằm tuyên truyền giáo pháp Phật tới nhân dân Phật tử vùng đó, đồng thời chị em Ni giới cũng có tầm mở rộng hơn, đi đến nhiều nơi để tăng thêm sự hiểu biết, học hỏi và giao lưu với nhau nhiều hơn. Hơn nữa, Hòa thượng cũng mong rằng tất cả chư tôn đức Ni hãy phát huy tinh thần ham học, chuyên tu, đều là trưởng ban của 12 ban và viện trưởng của 1 viện để Phật giáo vững mạnh trong lòng dân tộc.
Chùa Bằng