PSO - Nằm trong khuôn khổ đại lễ Vesak – 2025, nhằm bảo tồn, phát huy và lan tỏa các giá trị văn hóa Phật giáo Việt Nam. Sáng hôm nay, ngày 05/5/2025, tại Học viện Phật giáo Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh (huyện Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh), long trọng khai mạc triển lãm văn hóa với chủ đề: Nơi Nghệ Thuật và Tâm Linh hội tụ.
Vào sáng sớm chư Tôn đức đã di chuyển về trước không gian tổ chức lễ thực hiện nghi thức thượng cờ. Được biết Đại kỳ Phật giáo với diện tích 500m2 sẽ được treo xuyên suốt chương trình diễn ra chương trình đại lễ.
Tham dự và chứng minh buổi lễ có Trưởng lão Hòa thượng Thích Quang Nhuận, Thành viên Hội đồng chứng minh, Chứng minh Ban Văn hóa T.Ư; Hòa thượng TS.Tampalawela Dhammaratana, Phó Chủ tịch Thường trực ICDV; Hòa thượng Thích Thọ Lạc, Trưởng ban Văn hóa Phật giáo T.Ư; Hòa thượng Thích Hải Ấn, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Văn hóa T.Ư GHPGVN; chư tôn đức Ban Văn hóa T.Ư, Ban Văn hóa GHPGVN TP.HCM; HT. Thích Bửu Chánh - Ủy viên Thư ký HĐTS, Phó trưởng ban Thường trực ban Văn hóa TƯ.
Về phía chính quyền có Bà Trần Thị Minh Nga – Phó Trưởng Ban Ban Tôn giáo Chính phủ; ông Hoàng Văn Ngọc – Phó Giám đốc sở Tôn giáo dân tộc; ông Nguyễn Ngọc Hồi – Phó Giám đốc sở văn hoá thông tin. Cùng đông đảo các nghệ nhân, nghệ sĩ, kiến trúc sư, quý vị nhân sĩ trí thức, các cơ quan thông tấn báo chí, các quý Phật tử thập phương xa gần cùng về tham dự.
Không gian văn hóa được thiết kế nhằm giới thiệu một cách khái quát và sâu sắc về những giá trị đặc trưng của văn hóa Phật giáo Việt Nam và Phật giáo các nước trên thế giới, từ ngôn ngữ, nghi lễ, pháp phục, kiến trúc đến những di sản vô giá, tất cả hòa quyện trong tinh thần thống nhất mà đa dạng của Phật giáo.
Tại buổi lễ Hòa thượng Thích Hải Ấn cho biết triễn lãm văn hóa Phật giáo không chỉ là hoạt động chào mừng Đại lễ VESAK 2025 mà còn là trái tim văn hóa của sự kiện, là nơi nghệ thuật, lịch sử và tâm linh gặp nhau thấp sáng lên chiều sâu trí tuệ của Phật giáo Việt Nam trong nền chảy của nên văn minh nhân loại, mỗi bảo vật nơi đây không chỉ là vật thể mà còn là câu chuyện nghìn năm lịch sử đạo Phật. Buổi triển lãm có các khu trưng bày như sách, bộ đề án, ngôn ngữ, pháp phục, kiến trúc di sản văn hóa Phật giáo và họa đồ lịch sử đức Phật, quy trình tạo tượng đức Phật theo truyền thống dân tộc, pháp khí nhạc cụ, V.v….
Hòa thượng Tiến sĩ T. Dhammaratana phát biểu đến với triễn lãm "Đối với tôi là vô cùng tuyệt vời và vinh dự, tôi tự hào khi cùng với quý vị dương cao Phật kỳ lá cờ có diện tích 500 mét vuông, khi đến với buổi triễn lãm hôm nay tôi rất bất ngờ về sự chỉnh chu và không gian rộng lớn thể hiện lịch sử Phật giáo thông qua nhiều thời kì. Chúng ta có thể thấy Phật giáo đã phát triển và lan tỏa những giá trị đến với cộng đồng, mọi sự phùng thịnh của Phật giáo điều được thể hiện qua hành trình cùa ba miền Bắc, Trung, Nam hòa hợp và thống nhất mang lại những giá trị vô cùng tốt đẹp. Hơn 2 nghìn 5 trăm năm về trước, Phật giáo đã được hình thành và phát triển, chúng ta là những người hậu duệ đã được thừa hưởng nền văn minh của Phật giáo. Tôi mong muốn rằng sự kiện Phật giáo hôm nay sẽ được lan tỏa đến người dân để hiểu rõ hơn về sự kiện ý nghĩa này.
Điểm nhấn của triển lãm lần này là sự ra mắt của 87 Bảo vật Quốc gia của Phật giáo Việt Nam. Lần đầu tiên, những di sản quý báu, khắc ghi dấu ấn quan trọng qua các thời kỳ phát triển của Phật giáo Việt Nam, sẽ được giới thiệu đến Tăng Ni, Phật tử và công chúng trong và ngoài nước.
Triển lãm “VĂN HÓA PHẬT GIÁO VIỆT NAM: Ngôn ngữ, Pháp phục, Kiến trúc, Di sản” do Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức nhân dịp Đại lễ VESAK Liên Hiệp Quốc 2025 là một nỗ lực trân trọng nhằm phác họa một bức tranh toàn diện về văn hóa Phật giáo Việt Nam. Qua đó, chúng ta có thể thấy được sự phong phú, đa dạng của một nền văn hóa đã tiếp thu hài hòa cả hai dòng Phật giáo Nam tông và Bắc tông, tạo nên bản sắc độc đáo cho dân tộc Việt Nam, đồng thời góp phần làm rạng rỡ thêm bức tranh đa sắc màu của Phật giáo khu vực và thế giới.
Không gian triển lãm “Văn hóa Phật giáo Việt Nam” tại Đại lễ Vesak 2025 là một điểm hội tụ đặc biệt, tôn vinh những giá trị lịch sử, văn hóa và tâm linh của Phật giáo Việt Nam qua hàng nghìn năm. Nơi đây trưng bày những giá trị Phật giáo tiêu biểu, được Nhà nước công nhận là Bảo vật Quốc gia, cùng với hệ thống hình ảnh, tư liệu và trích đoạn giới thiệu về giá trị của những bảo vật đang được trân trọng lưu giữ tại các bảo tàng, tự viện và di tích lịch sử trên khắp cả nước.
Những bảo vật Phật giáo được giới thiệu không chỉ là những tuyệt tác điêu khắc, tượng thờ, phù điêu tinh xảo, mà còn bao gồm các hiện vật thờ tự linh thiêng, pháp khí cổ kính, kinh sách quý hiếm, tất cả đều mang đậm dấu ấn văn hóa Phật giáo Việt Nam từ các triều đại Lý, Trần, Lê đến Nguyễn. Mỗi bảo vật là một chứng nhân lịch sử, phản ánh sự hòa quyện sâu sắc giữa nghệ thuật, tín ngưỡng và triết lý Phật giáo, minh chứng cho vai trò to lớn của Phật giáo trong đời sống tinh thần và tâm linh của dân tộc Việt Nam qua bao thăng trầm.
Nổi bật trong không gian triển lãm còn có sự trưng bày các sản phẩm nhạc cụ truyền thống, nghệ thuật trà đạo thanh tao, pháp phục trang nghiêm, kinh sách Phật điển, mộc bản cổ xưa, sắc phong quý giá và những hình ảnh sống động. Mỗi không gian trưng bày không chỉ mang đến giá trị thẩm mỹ mà còn ẩn chứa tâm hồn, phong tục và bản sắc văn hóa dân tộc, khơi dậy tình yêu quê hương, gìn giữ những nét đẹp văn hóa truyền thống và tăng cường sự kết nối tinh thần Phật pháp trong cuộc sống hiện đại.
Thông qua không gian triển lãm Ban Tổ chức mong muốn mang đến cho quý vị đại biểu, chư Tôn đức Tăng Ni, quý Phật tử và du khách quốc tế một cái nhìn sâu sắc hơn về sự phong phú, bề dày lịch sử và giá trị bền vững của Phật giáo Việt Nam – không chỉ là một tôn giáo mà còn là một phần không thể tách rời trong tiến trình hình thành và phát triển bản sắc văn hóa dân tộc.
Đây cũng là cơ hội quý báu để khơi dậy tình yêu đối với quê hương, lòng tôn kính đối với các bậc tiền nhân và nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc gìn giữ, bảo tồn những di sản văn hóa Phật giáo vô giá trong dòng chảy của văn minh hiện đại.
Tại buổi lễ chư Tôn đức và quý vị đại biểu thực hiện nghi thức cắt băng khai mạc, chính thức mở cửa không gian triển lãm văn hóa Phật giáo và thăm quan triển lãm để chiêm ngưỡng những giá trị văn hóa và tâm linh đặc sắc.
Chư Tôn đức Tăng Ni và quý vị đại biểu khách quý đảnh lễ kim thân Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đản sinh, thực hiện nghi lễ tắm Phật truyền thống và tham quan các khu triển lãm.
Cuối buổi lễ, chư Tôn đức thực hiện nghi thức cắt băng khai mạc khu trà đạo và cùng quý vị thăm quan khu thiền trà, dừng chân tại không gian thưởng trà và âm nhạc an lạc.
Xin giới thiệu chùm ảnh tại buổi lễ
Hoàng Tuấn- Cẩm Vân