Chiều ngày 06/7/2019, tại chùa Bảo Quang (thôn Phú Bình 1, xã Cam Tân, huyện Cam Lâm), TT. Thích Minh Nhẫn, Ủy viên Hội đồng Trị sự, Phó ban kiêm Chánh thư ký Ban Hoằng pháp TƯ, Tổng Biên Tập kênh thông tin – kênh truyền hình Phật sự Online TV, đã có buổi chia sẻ với chủ đề “Kỹ Năng Sử Dụng Mạng Xã Hội” cho hơn 500 em khóa sinh tham sự khóa tu mùa hè lần thứ 8 chủ đề “Tuổi Trẻ Hướng Thiện”.
Đầu tiên, Thượng tọa phân tích cho các em thấy rằng sự phát triển của nền công nghiệp 4.0 hiện nay đã làm thay đổi cuộc sống, tư duy và nhận thức của con người. Sự bùng nổ của công nghệ số với nhiều phương tiện truyền thông ra đời như : Internet, thư điện tử, các mạng xã hội Facebook, Twitter, Zalo, Youtube,… và các công cụ tìm kiếm như: Google, Yahoo… khiến cho thế giới như xích lại gần nhau hơn và mọi thông tin đến với nhau một cách nhanh chóng. Tất cả những điều này cùng tạo nên một thời đại của công nghệ số trên lãnh vực truyền thông đại chúng tự do ngôn luận, dễ dàng và tiện lợi. Đặc biệt, những năm gần đây công nghệ truyền hình trực tiếp (Live stream) trên các trang mạng xã hội như Facebook, youtube… đã tạo nên sự phát triển mới về truyền thông video kỹ thuật số. Ứng dụng sim 4G đường truyền tốc độ cao, đã tạo sự thuận lợi truyền hình trực tiếp (Live stream) các sự kiện mọi lúc mọi nơi, đã tác động mạnh đến xã hội về sự ảnh hưởng tác động của thiết bị nghe nhìn di động hiện đại và điện thoại thông minh.
Tuy nhiên, bên cạnh sự phát triển thuận lợi, thì mạng xã hội đang bị một bộ phận nhỏ cố ý lạm dụng một cách tiêu cực nhằm khai thác mặt trái của các thông tin để câu view (câu lượt xem) thực hiện ý đồ riêng. Từ đó, đã dẫn đến việc mất an ninh trật tự chung, an toàn riêng đối với thanh, thiếu niên khi tham gia mạng xã hội. “Thế giới ảo truyền thông xã hội đã đi vào cuộc sống thường ngày và ảnh hưởng toàn diện đến toàn nhân loại. Theo thăm dò của Trường Cao Đẳng Tiểu bang Georgia có chủ đề “Những ảnh hưởng tiêu cực của truyền thông xã hội đối với trẻ em và thanh thiếu niên” được công bố trong năm 2018, nói rằng, giới trẻ Mỹ tuổi từ 8 tới 18 đã vào các trang mạng xã hội từ 45 phút tới 10 tiếng đồng hồ mỗi ngày. 51 % trẻ em cho biết họ đã bị trang mạng bắt nạt, ngược lại 49 % trẻ em cho biết họ đã quấy rầy người khác trên mạng. Trong khi đó, cũng theo thăm dò nói trên thì 72 % những người làm cha mẹ lo ngại con em họ phát hiện ra những thông tin không chính đáng trên mạng”.
“Kể từ khi mạng xã hội bùng nổ, các cuộc khủng hoảng truyền thông lan nhanh đến chóng mặt. Nếu như trước đây thông tin hầu như phụ thuộc vào các trang báo chính thống, hoặc được thảo luận gián tiếp thông qua ngòi bút của phóng viên, thì giờ đây, tin tức lan truyền theo từng giây, từng phút thông qua từng kênh cá nhân, cộng đồng trên mạng xã hội”.
Chính vì vậy, khi tiếp nhận thông tin chúng ta cần có tính chọn lọc, bình tĩnh trước làn sóng dư luận cộng đồng xã hội. Sử dụng mạng xã hội là chúng ta đang đi vào nhà người khác, cần tiếp thu những gì tinh túy nhất, những điều hay điều tốt góp nhặt lại làm kinh nghiệm cho minh rèn luyện bản thân phấn đấu vươn lên. Đồng thời, chúng ta cũng đang “mở cửa nhà của mình” (mạng xã hội) để người khác đi vào, nên những gì cần thiết, quan trọng giúp ích cho cuộc sống thì chúng ta đăng tải lên.
Thượng tọa nhấn mạnh rằng: “mỗi người chúng ta cần sử dụng mạng xã hội một cách có chánh niệm, có chủ ý Chân-Thiện-Mỹ, nói theo nhà Phật “ẩn ác dương thiện” “tịnh hóa công dân mạng”. Mỗi ngày chúng ta chia sẻ những thông tin về người tốt việc tốt sẽ tạo nên làn sóng tích cực bình an hạnh phúc. Chúng ta, những người thích có cuộc sống yên bình hạnh phúc, nhưng trái ngược lại hàng ngày chúng ta xem và tuyên truyền những điều hơn thu, tranh chấp, những phim ảnh bạo lực, đây sẽ là nhân tố làm ảnh hưởng đến tư tưởng, đến một lúc nào đó chúng ta thấy rằng cuộc sống này quá mệt mỏi. Chúng ta thử nhìn lại, trên trang mạng xã hội, chúng ta thử đếm xem trong 100 tin chúng ta vừa lướt qua, ngoài những tin tức rao bán vật, những câu chuyện bên lề, những chia sẻ cảm xúc, hay những hình ảnh cá nhân bạn bè đâu đó. Nếu trong 100 tin vừa lướt qua, có 70% những chia sẻ nói về điều thiện lành đạo đức thì đó là một điều đáng chúc mừng vì trong nhóm những người mà mình kết bạn họ đều có đời sống đạo đức tốt đẹp. Bằng ngược lại với con số 50% hoặc thấp hơn thì chúng ta cần thanh lọc lại danh sách bạn bè của mình vì người xưa nói “gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”, hàng ngày xem những điều không tốt, tâm mình sẽ bấn loạn, bất an và phiền não khổ đau.
Tóm lại, mạng xã hội là sự phát triển tiến bộ văn minh của nền khoa học hiện đại, việc ứng dụng có ích hay có hại là do thái độ của mỗi người khi tiếp nhận sử chúng. Khi chúng ta đã nắm bắt và thấu hiểu chúng một cách tận tường thì những tiện ích chúng mạng lại cho chúng ta không nhỏ trong cuộc sống.
Tại đây, các bạn cũng đặt ra nhiều câu hỏi xoay quanh việc sử dụng mạng xã như thế nào là tốt nhất. Thượng tọa giảng sư đã chia sẻ và hướng dẫn cụ thể tận tường cho các em thông hiểu những thắc mắc và các vấn đền các em còn chưa rõ. Từ đó, đã giúp cho các em càng nhận định sâu sắc và có trách nhiệm hơn trong việc sử dụng mạng xã hội, chung tay vì lợi ích và hạnh phúc cộng đồng xã hội.
Một số hình ảnh tại khóa tu:
Ảnh: chùa Bảo Quang, tin: Tuệ Tánh
The post
Khánh Hòa: TT. Thích Minh Nhẫn chia sẻ “Kỹ Năng Sử Dụng Mạng Xã Hội” tại khóa tu mùa hè chùa Bảo Quang appeared first on
Phật sự Online Miền Trung.