PSO - Sáng ngày 22/10, Công an tỉnh Kiên Giang đã tổ chức Hội nghị sơ kết 01 năm thực hiện công tác phối hợp giữa Công an tỉnh với các tổ chức tôn giáo trên địa bàn tỉnh Kiên Giang trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc. Hội nghị diễn ra tại trụ sở Công an, số 8 đường Lý Thường Kiệt, phường Vĩnh Thanh, Thành phố Rạch Giá. TT. Thích Minh Nhẫn - Ủy viên Thường trực HĐTS, Phó Trưởng ban Thường trực BTS GHPGVN tỉnh đến tham dự và có bài phát biểu tham luận gửi đến Hội nghị.
Qua báo cáo, 01 năm thực hiện kế hoạch phối hợp số 627 giữa Công an và các Tổ chức tôn giáo trực thuộc trên địa bàn tỉnh Kiên Giang trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc năm 2020. Công an các đơn vị, địa phương đã lồng ghép triển khai trong các cuộc họp, các Hội nghị sơ, tổng kết các chuyên đề; các buổi tuyên truyền phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; các buổi sinh hoạt của các Tổ chức tôn giáo, các Tổ chức tôn giáo trực thuộc. Kết quả đã triển khai được 238 cuộc, có 28.563 lượt người dự, gắn với tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về Tôn giáo, Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo…
Trong bài phát biểu tại Hội nghị, Thượng tọa Thích Minh Nhẫn cho rằng: “Chúng ta cần thay đổi thói quen thường ngày của mình và thậm chí cần định hướng trong việc tuyên truyền bảo vệ an ninh Tổ quốc để đạt hiệu quả cao, như nhiều đất nước vẫn không thực hiện được, cho dù là nền kinh tế phát triển tốt hơn, dân trí tốt hơn đi nữa. Tôi cho rằng ở đây không phải một ngày một bữa, đó chính là công tác tuyên truyền, quán triệt sâu rộng đến từng cá nhân trong tổ chức.
Điều Nhà nước đã phối hợp rất tốt, tập hợp quần chúng trong khối đại đoàn kết cụ thể là sự ký kết, phối hợp giữa Công an với các tổ chức Tôn giáo, từ Trung ương cho đến địa phương, cấp tỉnh đến huyện, thị, thành phố, cấp phường, xã và đã lan rộng cho công tác tuyên truyền nà,y để rồi mỗi một bộ phận quần chúng phải có ý thức trách nhiệm thực hiện và hoàn thành tốt nhiệm vụ trên. Để từ đó, ý thức của người dân, cộng đồng cũng như tín đồ Phật tử đều phải thực hiện nghiêm túc, giúp chúng ta có thể phòng chống và chiến thắng được dịch bệnh Covid-19 vừa qua.
Cuộc tuyên truyền này mang tính sâu rộng và có chiều dài của thời gian để thực hiện tốt công tác này, không phải chỉ một thời gian ngắn ngủi, điều này được minh chứng tại Hội nghị. Có thể nói, việc các chức sắc, chức việc của các tôn giáo cùng ngồi lại với nhau, chia sẻ và thảo luận với nhau các vấn đề trong Hội nghị, thể hiện tinh thần đoàn kết, cũng như bày tỏ được tâm tư, nguyện vọng, quan điểm của mỗi tổ chức, mỗi tôn giáo cần được chia sẻ, cần được quan tâm tại hội nghị sơ kết ngày hôm nay.
Mỗi cá nhân, mỗi tổ chức cần thể hiện sự phối hợp, đoàn kết của mình bằng những hành động thiết thực, đó là hoàn thành trách nhiệm của mình một cách cụ thể, bằng tinh thần trách nhiệm, hỗ tương nhau để đạt được kết quả cao trong mỗi công tác, chương trình hay đề mục đã được đề ra, chứ không phải chỉ trên bề mặt văn bản, những trang giấy trắng mực đen đã ký kết với nhau. Điều này sẽ đạt được hiệu quả rất lớn trong cuộc sống ngày một đổi mới theo xu hướng phát triển chung của đất nước.
Qua đó, có thể nói rằng trong cả nước, có nhiều nơi (tỉnh, thành) việc vận động treo cờ trong các kỳ lễ không phải là điều dễ dàng, nhưng tại tỉnh Kiên Giang thì ở các tổ chức Tôn giáo, cơ sở thờ tự kết quả đã đạt được là 95%, và được triển khai thực hiện thật nghiêm túc trong một thời gian rất ngắn. Trong 02 lần Đại dịch Covid-19 bùng phát, Phật giáo Kiên Giang có 3 sự kiện lớn, đó là Đại lễ Phật Đản, lễ Ooc om boc của Phật giáo Nam tông Khmer và lễ Vu Lan nhưng các vị chức sắc, tín đồ Phật giáo tỉnh nhà luôn chấp hành đúng quy định của Chính phủ yêu cầu: Không tập trung đông người, giữ khoảng cách an toàn và phòng chống dịch bệnh Covid-19 thật nghiêm túc. Đại dịch đã phá hoại không chỉ ở thể xác, sức khỏe con người mà còn là phá hủy toàn bộ nền kinh tế của cả đất nước.
Bên cạnh đó, Phật giáo cũng kịp thời phát hiện và trao đổi với các vị lãnh đạo Công an tỉnh Kiên Giang về những tôn giáo lạ, lợi dụng hình ảnh, giáo lý của đạo Phật để thực hiện việc chống phá, xuyên tạc diễn biến hoạt động, và bộ phận An ninh đã kịp thời xử lý triệt để, đó chính là kết quả của việc phối hợp giữa các tôn giáo với lãnh đạo chịu trách nhiệm công tác An ninh Xã hội.
Do cuộc cách mạng công nghệ 4.0 phát triển quá mạnh, thế nên các trang mạng xã hội đã có nhiều thông tin xuyên tạc, lợi dụng hình ảnh tôn giáo nhằm phá hủy, đánh phá vào các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước. Đồng thời nghiêm trọng hơn là lợi dụng vào tôn giáo để thực hiện diễn biến chống phá hòa bình của nước nhà. Phật giáo đã có triển khai công tác tuyên truyền đến chư Tôn đức Tăng Ni, tín đồ Phật tử sử dụng mạng xã hội trong sự chánh niệm, tỉnh giác, làm thế nào tịnh hóa được công dân mạng, không để bị lôi cuốn, thanh lọc được thông tin để góp phần vào việc bảo vệ an ninh quốc phòng không phải chỉ trên lãnh thổ địa giới của hành chính mà cả trên không gian mạng. Và đây cũng chính là điều trong nội dung ký kết cần được quan tâm, chú trọng. Bởi vì, chúng ta tuyên truyền, giáo dục con em không phải thế hệ ngày hôm nay mà còn cả thế hệ mai sau bằng tinh thần giáo lý nhà Phật đó là tứ trọng ân, nghĩa là yêu quê hương, yêu đất nước, yêu Tổ quốc và hiếu thảo với cha mẹ, thì sẽ không thể xảy ra những điều đau lòng, đáng buồn và mất đi cả sự nghiệp, danh dự của mỗi cá nhân.
Sau cùng, việc ký kết, phối hợp giữa Công an và các tôn giáo là một chương trình rất tốt, khi các lãnh đạo Công an tỉnh nắm rõ được quan điểm, chủ trương của các cơ sở thờ tự sẽ tạo nên sự gắn bó, đoàn kết và tiếp cận thật nhịp nhàng, phát huy được hiệu quả trong công tác phối hợp, tổ chức toàn dân bảo vệ an ninh quốc phòng…”.
Hội nghị sơ kết cũng đã thành tựu viên mãn.
Một số hình ảnh đã ghi nhận:
PSO, ảnh - Minh Thuận