Ban TTTT PG Quảng Nam
PSO - Ban Thông tin Truyền thông GHPGVN tỉnh Quảng Nam vừa tổ chức chương trình lễ công bố và trao giải thưởng cuộc thi “Sáng tác văn học, nghệ thuật và báo chí về đạo hiếu” năm 2020, tại Trụ sở Văn phòng BTS GHPGVN tỉnh Quảng Nam (chùa Đạo Nguyên, TP.Tam Kỳ) vào tối ngày 10/10 vừa qua.
Quang lâm chứng minh và tham dự có: HT.Thích Thiện Thành – UV HĐTS, Trưởng BTS GHPGVN tỉnh Quảng Nam; TT.Thích Minh Nhẫn – UVTT HĐTS, Phó Trưởng ban TTTT TƯGH, Phó Tổng Biên tập Thường trực kiêm Thư ký Tòa soạn Tạp chí Văn Hóa Phật Giáo, Tổng Biên tập kênh Thông tin Tổng hợp Phật sự Online; ĐĐ.Thích Viên Trừng – UV HĐTS, Phó trưởng ban kiêm Chánh thư ký BTS PG tỉnh; ĐĐ.Thích Quảng Tiến – UV HĐTS, Phó trưởng ban kiêm Chánh Thư ký Ban HDPT TƯGH; ĐĐ.Thích Viên Tánh – UVTT BTS, Trưởng ban Phật giáo Quốc tế tỉnh, Trưởng BTS PG TP.Tam Kỳ; ĐĐ.Thích Viên Hải – UVTT BTS PG tỉnh, Trưởng ban TTTT GHPGVN tỉnh, Trưởng Ban Tổ chức cùng chư Tôn đức Thường trực BTS Phật giáo tỉnh, các ban ngành trực thuộc, chư Tăng Ni trụ trì các tự viện trong và ngoài tỉnh.
Về phía chính quyền có ông Lê Thái Bình – Phó chủ tịch UBMTTQVN tỉnh; ông Cao Minh Khiết – Phó trưởng Phòng nghiệp vụ Ban Tôn giáo tỉnh; ông Phan Duy Thành – Đội trưởng Đội An ninh đối nội Công an Quảng Nam; ông Cao Văn Minh – Đội an ninh Công an TP.Tam Kỳ; Nhà thơ Phan Chín – Phó chủ tịch Thường trực Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Nam, Tổng biên tập Tạp chí Đất Quảng; Tiến sĩ Đoàn Thị Hòa – Trưởng Phòng Quản lý Đào tạo Sau đại học Trường Đại học Nội vụ Hà Nội; Thạc sĩ Nguyễn Thị Thanh Thảo – Giảng viên Khoa ngữ văn Trường Đại học Quảng Nam; bà Vũ Thị Hường – Giám đốc Tài chính công ty cổ phần Du lịch và Thương mại Dân chủ Hotel De L’Opera Hà Nội – Mgallery; cùng đại diện các ban ngành, hội đoàn thể tỉnh, TP.Tam Kỳ và đông đảo Phật tử tham dự.
Phát biểu khai mạc, ĐĐ.Thích Viên Hải – Trưởng ban Thông tin Truyền thông PG tỉnh Quảng Nam, Trưởng Ban tổ chức cho biết: Cuộc thi “Sáng tác văn học, nghệ thuật và báo chí về đạo hiếu năm 2020” nhằm tôn vinh đạo hiếu và truyền thống văn hóa dân tộc, khuyến khích các tác giả sáng tác, bày tỏ sự tri ân đối với những người có công với đạo pháp, với đất nước; xiển dương những tấm gương hiếu thảo, đặc biệt là giáo dục “đạo hiếu” trong thời đại ngày nay, góp phần xây dựng xã hội Việt Nam hưng thịnh, vững bền”.
“Đa số các tác phẩm đạt giải thưởng đều là những tác phẩm mang tính giáo dục rất cao, không chỉ dành riêng trong hàng Phật tử mà còn có giá trị đối với cộng đồng xã hội trong quá trình xây dựng phát triển…” – Đại đức Thích Viên Hải nhận định.
Đây là lần thứ 2 Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh phát động tổ chức cuộc thi về Đạo hiếu, đã thu hút được rất nhiều người dự thi, trong đó có cả những người viết văn, làm báo chuyên nghiệp. Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, ảnh hưởng lớn đến công tác tham gia và tổ chức cuộc thi, nhưng Ban Tổ chức vẫn nhận được hơn 500 tác phẩm văn học về đạo hiếu của các tác giả khắp cả trong và ngoài nước dự thi, hơn 200 tác phẩm của 131 tác giả có giá trị chân thật, xuất sắc được đưa vào vòng chung khảo. Tại vòng chung khảo BTC đã chọn được 24 tác phẩm của các tác giả, nhóm tác giả để trao giải, gồm các giải thưởng nhất, nhì, ba và khuyến khích, theo các thể loại: văn xuôi, thơ, báo viết, truyền hình, hình ảnh nghệ thuật. Ngoài ra còn có 3 giải hiếu hạnh – là những nhân vật, tấm gương hiếu hạnh có thật, hoàn cảnh đặc biệt được thể hiện trong các bài dự thi.
Thay mặt Ban Thường trực BTS PG tỉnh Quảng Nam, HT.Thích Thiện Thành ban đạo từ tán dương công đức đối với chư tôn đức và quý Phật tử trong Ban Thông tin Truyền thông, Ban tổ chức và Ban giám khảo cuộc thi.
Hòa thượng nhấn mạnh: “Hiếu đạo là một trong những chuẩn mực đạo đức căn bản của xã hội loài người, là yếu tố định hình cho đời sống luân lý đạo đức, mang lại bình an, hạnh phúc, góp phần ổn định trật tự, an ninh xã hội, là văn hóa đạo đức của toàn nhân loại…”
Tại lễ trao giải thưởng, Ban tổ chức còn tôn vinh những tấm gương hiếu thảo và tổ chức chương trình tọa đàm cùng TT. Tiến sĩ Thích Minh Nhẫn và Tiến sĩ Đoàn Thị Hòa về chủ đề “Giáo dục đạo hiếu trong xã hội hiện đại”.
Các vị cử tọa đã chia sẻ những quan điểm cá nhân, góc nhìn đa chiều về đạo hiếu và giáo dục đạo hiếu trong xã hội hiện đại. “Một người con có hiếu sẽ luôn luôn làm những điều tốt đẹp nhất để bố mẹ vui lòng, một con người có lòng hiếu hạnh sẽ là một con người có nhân cách tốt, gia đình có người con có hiếu là gia đình hạnh phúc, góp phần xây dựng xã hội tốt đẹp”– Tiến sĩ Đoàn Thị Hòa chia sẻ.
Về việc tuyên truyền, lan tỏa những tấm gương về đạo hiếu, TT.Thích Minh Nhẫn nhận xét: “Ban trị sự Phật giáo tỉnh Quảng Nam, Ban TTTT PG tỉnh đã làm việc này rất tốt thông qua cuộc thi này, nhiều tác phẩm về đạo hiếu đã được gửi đến, đó cũng là phong trào chúng ta đề cao tinh thần hiếu đạo”. Qua buổi tọa đàm, Thượng tọa đã chia sẻ góc nhìn đạo hiếu theo tinh thần Phật giáo và một số phương cách giáo dục đạo hiếu cho giới trẻ trong xã hội hiện nay.
Được đón chờ nhiều nhất trong đêm trao giải là phần vinh danh các tác giả tác phẩm đạt giải. Ban tổ chức đã trao 24 giải thưởng cho các tác phẩm xuất sắc nhất (gồm 3 giải nhất, 3 giải nhì, 5 giải ba và 13 giải khuyến khích) ở các lĩnh vực: báo chí, thơ, văn xuôi, truyền hình, ảnh nghệ thuật và 3 giải Hiếu hạnh dành cho các nhân vật có thật, có hoàn cảnh đặc biệt trong các tác phẩm tham dự cuộc thi.
Trong số 24 tác phẩm đạt giải thưởng, Ban tổ chức trao thêm 3 giải Hiếu hạnh (người thật việc thật) trị giá 3 triệu đồng/giải cho các giả: Huỳnh Văn Nhân, Võ Thị Như Trang (Điện Bàn), Phạm Giang My (Đại Lộc).
Ba giải nhì, trị giá 3 triệu đồng/ giải, thuộc về các tác phẩm: Lá Thư gửi cha (tác giả Đoàn Thị Diễm Hằng,huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam); tác phẩm: Chùm thơ về đạo hiếu (Tác giả Võ Trung Tuyến, quận Cẩm Lệ, TP.Đà Nẵng), tác phẩm: Hai đóa hoa hiếu hạnh ngát hương (Tác giả Lê Xuân Vĩnh (bút danh Lê Vĩnh), huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam).
Ba giải nhất trị giá 5 triệu đồng/giải thuộc về các tác phẩm “Gánh nghĩa sinh thành” (lĩnh vực báo viết của tác giả Trần Thị Quỳnh Như, tỉnh Bình Dương), “Chuyện nhà ông Quất” (lĩnh vực văn xuôi của tác giả Cao Kim, TP.Hội An) và chùm thơ của tác giả Vũ Tuyết Nhung (tỉnh Thanh Hóa).
Buổi lễ trao giải đã khép lại với nhiều cảm xúc từ phía người tham dự lẫn chính các tác giả có tác phẩm đạt giải. Trao đổi với phóng viên Ban TTTT PG Quảng Nam, tác giả Cao Kim-giải Nhất về thể loại văn xuôi đã chia sẻ: “Bản thân là một người sống hiếu đạo, tôi viết bằng cảm xúc thật của mình, viết cho mình và cho nhiều người khác. Tôi mong muốn có nhiều cuộc thi như thế này được tổ chức”.
Với cảm xúc từ một lần đi cứu trợ gặp một người con hiếu thảo, bán vé số nuôi mẹ nằm liệt giường hơn 20 năm, chị Trần Thị Quỳnh Như-đơn vị Báo Bình Dương đã viết nên tác phẩm Gánh nghĩa sinh thành. Chị chia sẻ: “Mong muốn của mình là muốn viết những tấm gương như vậy để nhân rộng ra những việc làm hiếu đạo của những người con.”
Sau đây là một số hình ảnh được ghi nhận: