Chứng minh buổi lễ có: Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu – Phó chủ tịch thường trực HĐTS GHPGVN; Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm – Phó chủ tịch HĐTS kiêm Trưởng Ban hoằng pháp TW, Trưởng BTS GHPGVN thành phố Hà Nội; Thượng tọa Thích Đức Thiện – Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký HĐTS GHPGVN cùng chư tôn đức HĐTS GHPGVN, chư tôn đức thường trực BTS GHPGVN thành phố Hà Nội, chư tôn đức Tăng Ni trụ trì các chùa, tự viện trong địa bàn thành phố và Tăng Ni sinh trường Trung cấp Phật học Hà Nội.
Về phía chính quyền có: Ông Hoàng Trung Hải – Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư thành ủy Hà Nội; Ông Phạm Quang Nghị - Nguyên ủy viên Bộ chính trị, nguyên Bí thư thành ủy Hà Nội; Ông Vũ Đức Đam - Ủy viên Ban chấp hành TW Đảng, Phó thủ tướng Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam; Bà Nguyễn Thị Doan – Nguyên ủy viên Ban chấp hành TW Đảng, nguyên Phó chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam; Ông Lê Thành Long - Ủy viên TW Đảng, Bộ trưởng Bộ tư pháp cùng quý vị lãnh đạo các bộ, ban ngành TW, thành phố Hà Nội và huyện Mỹ Đức.
Mở đầu buổi lễ là màn trình diễn nghệ thuật thực cảnh mang đậm đặc trưng văn hóa truyền thống của vùng đất Phật chùa Hương, kết hợp với văn minh lúa nước vùng đồng bằng sông Hồng. Chương trình được dàn dựng công phu với sự tham gia của 500 người dân và nghệ sĩ.
Thay mặt lãnh đạo huyện Mỹ Đức, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Nguyễn Văn Hoạt báo cáo về giá trị quần thể di tích thắng cảnh Hương Sơn, dấu mốc 60 năm Bác Hồ về thăm chùa Hương và thành tựu trong 130 năm xây dựng, phát triển huyện.
Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Quần thể Hương Sơn là một quần thể văn hóa - tôn giáo Việt Nam, gồm 21 ngôi chùa, động thờ Phật, ngôi đền thờ Thần theo tín ngưỡng nông nghiệp bản địa và gắn liền với Phật giáo Đạo tràng, nơi tu hành đắc đạo của Bồ Tát Quan Thế Âm.
Quần thể Hương Sơn được xây dựng từ đời Lê Thánh Tông (1442 - 1497) và đã trải qua 11 đời Tổ sư. Tuy đã nhiều lần bị thực dân Pháp đốt phá, ném bom nhưng quần thể Hương Sơn luôn được Nhà nước, nhân dân địa phương và quý khách thập phương cùng nhà chùa quan tâm tu bổ, sửa chữa.
Vì vậy, đến nay vẫn giữ nguyên được giá trị về lịch sử, danh thắng và đã góp phần làm nên nét văn hóa đặc sắc, đa dạng của đạo Phật Việt Nam.
Với những giá trị đó, ngày 25/12/2017 Thủ tướng Chính phủ đã Quyết định xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt đối với Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Quần thể Hương Sơn.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã trao bằng di tích Quốc gia đặc biệt đối với quần thể di tích thắng cảnh Hương Sơn – chùa Hương cho đại diện lãnh đạo chính quyền, Ban quản lý di tích thắng cảnh Hương Sơn và nhân dân huyện Mỹ Đức.
Ghi nhận và biểu dương những thành tích mà Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Mỹ Đức đạt được trong thời gian qua, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải cho biết, Mỹ Đức là vùng đất cổ, nơi có bề dày về lịch sử - văn hóa và truyền thống cách mạng rất đáng tự hào. Sau mở rộng địa giới hành chính, huyện Mỹ Đức đã trở thành 1 trong 30 đơn vị hành chính thuộc Hà Nội. Với lịch sử 130 năm xây dựng và trưởng thành, Nhân dân huyện Mỹ Đức đã sáng tạo nên đời sống văn hoá đa dạng, phát huy tốt các di tích lịch sử văn hoá, danh lam thắng cảnh trên địa bàn và đã nổ lực trong việc phát triển kinh tế - xã hội của huyện.
Bên cạnh đó, trước những yêu cầu đòi hỏi của sự nghiệp đổi mới cũng như công cuộc xây dựng, phát triển Thủ đô và đất nước, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Mỹ Đức đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết để khai thác tiềm năng, thế mạnh để vươn lên trên mọi lĩnh vực và thu được kết quả đáng trân trọng.
Theo Bí thư Thành ủy, Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân Thủ đô luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho sự nghiệp bảo tồn và phát huy giá trị của những di sản quý giá này nhằm phục vụ công tác nghiên cứu khoa học, giáo dục truyền thống, tinh thần tự hào dân tộc và bồi đắp lòng yêu nước cho thế hệ trẻ; phát triển du lịch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân. Việc quần thể danh thắng Hương Sơn được Chính phủ xếp hạng là di tích Quốc gia đặc biệt đã thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước về bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa của dân tộc ta nói chung và của Thủ đô Hà Nội nói riêng.
Bí thư Thành ủy cho rằng, việc Lễ đón nhận bằng xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt đối với Di tích lịch sử và quần thể danh lam thắng cảnh Hương Sơn (chùa Hương) hôm nay là niềm vinh dự, tự hào của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Mỹ Đức và cả Thành phố chúng ta; càng ý nghĩa hơn khi đúng vào dịp kỷ niệm 130 năm thành lập huyện Mỹ Đức và kỷ niệm 60 năm ngày Bác Hồ về thăm Chùa Hương. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô sẽ quyết tâm bảo vệ, phát huy giá trị để phát triển nơi đây không chỉ là điểm đến hấp dẫn về du lịch văn hóa tâm linh đối với nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế mà còn là địa chỉ giáo dục về lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, bảo vệ môi trường.
Sau lễ đón nhận bằng xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt quần thể di tích thắng cảnh Hương Sơn – chùa Hương là chương trình nghệ thuật đặc sắc được dàn dựng công phu, hoành tráng và đẹp mắt với màn thực cảnh “Hương Sơn ngày về” với sự tham gia trình diễn của 500 nghệ sĩ và người dân địa phương, tiết mục biểu diễn ca khúc “Về với Mỹ Đức yêu thương”, “Bác Hồ – Một tình yêu bao la”, “Hà Nội linh thiêng và hào hoa”, “Hương thu ca”, “Mẹ quan âm”…
Nhưng điểm nhấn đặc biệt nhất của buổi lễ đó chính là màn trình diễn thực cảnh ấn tượng trên mặt nước, được dàn dựng hết sức công phu với sự tham gia của 500 bà con nhân dân huyện Mỹ Đức. Đây cũng là lần đầu tiên tại Việt Nam, một tác phẩm nghệ thuật thực cảnh quy mô lớn được thực hiện trong điều kiện thực địa, trên mặt nước hoàn toàn tự nhiên. Với gần 100 con đò, thuyền chở người và hoa đăng đã tạo nên một bức tranh sống động và tuyệt mỹ về con người và cảnh sắc Hương Sơn.
Sau đây là một số hình ảnh ghi nhận được: