06/08/2024 14:23

Lời Phật dạy về hạnh hiếu trong Kinh tạng Nikaya

Nghe đọc bài:

Tóm tắt: Là người đệ tử Phật dù xuất gia hay tại gia, dù ở phương Đông hay phương Tây, thậm chí cho đến những người không theo Đạo Phật, ai ai cũng đều phải hiếu thảo với mẹ cha, quý kính ông bà tổ tiên của mình. Đó là nét đẹp thiêng liêng qua các thế hệ của người con Phật nói riêng và tất cả mọi người trên thế giới nói chung. Nhớ nghĩ về công ơn sanh thành và dưỡng dục, Đức Phật đã dạy hàng đệ tử Phật phải báo hiếu một cách thù thắng cả về phương diện vật chất lẫn tinh thần qua một số bản kinh trong kinh tạng Phật giáo Nguyên Thuỷ (Nikāya).

Từ khoá: Đức Phật, hiếu hạnh, kinh tạng Nikāya. 

 

MỘT SỐ BẢN KINH TIÊU BIỂU TRONG KINH TẠNG NIKĀYA NÓI VỀ VIỆC BÁO ƠN ĐỐI VỚI CHA MẸ

Thứ nhất là bài kinh Lửa, Đức Phật chỉ rõ bảy ngọn lửa gồm: lửa tham, lửa sân, lửa si, lửa củi, lửa những bậc đáng cung kính, lửa gia chủ, lửa các vị đáng cúng dường. Trong đó, lửa tham, lửa sân, lửa si là ba ngọn lửa phiền não đốt chúng sanh trôi lăn trong sanh tử luân hồi nên cần phải đoạn tận và tránh xa. Lửa củi là ngọn lửa dùng trong sinh hoạt hằng ngày, cần thường xuyên nhen nhóm, bảo quản ở nơi khô ráo và dập tắt ngay sau khi nấu ăn xong. Ngược lại, ba ngọn lửa đem lại chánh lạc gồm: lửa đáng cung kính, lửa gia chủ và lửa đáng được cúng dường cần phải thắp sáng mãi [1]. Trong đó, ngọn lửa đáng cung kính gồm: ông bà, cha mẹ, những vị đức độ,… đặc biệt, cha mẹ là người đã có công sanh thành và dưỡng dục chúng ta nên người, tạo dựng công danh sự nghiệp và lập gia đình cho chúng ta. Chính vì thế, người đệ tử Phật nói riêng và mọi người trong xã hội nói chung phải hiếu thảo và phụng dưỡng cha mẹ, đừng giết cha hại mẹ mà mắc tội ngũ nghịch, khiến pháp luật trừng trị, mọi người khinh chê và xa lánh.

 

Thứ hai là bài kinh Ngang bằng với Phạm Thiên, Đức Phật dạy một gia đình nào mà có con cái hiếu kính và phụng dưỡng cha mẹ thì “những gia đình ấy được chấp nhận ngang bằng với Phạm Thiên. Những gia đình nào, này các Tỳ kheo, trong ấy, các con cái kính lễ mẹ cha ở trong nhà, những gia đình ấy được chấp nhận như các đạo sư thời xưa. Những gia đình nào, này các Tỳ kheo, trong ấy, các con cái kính lễ mẹ cha ở trong nhà, những gia đình ấy được chấp nhận là đáng được cúng dường. Phạm Thiên, này các Tỳ kheo, là đồng nghĩa với cha mẹ. Các đạo sư thời xưa, này các Tỳ kheo, là đồng nghĩa với cha mẹ. Ðáng được cúng dường, này các Tỳ kheo, là đồng nghĩa với cha mẹ. Vì cớ sao? Giúp đỡ rất nhiều, này các Tỳ kheo, là cha mẹ đối với con cái, nuôi chúng lớn, dưỡng dục chúng, giới thiệu chúng vào đời” [2]. Cha mẹ là vị thầy đầu tiên dạy cho minh trước khi đến trường, là người đã tảo tần sớm hôm, một nắng hai sương kiếm từng đồng tiền lo cho mình ăn học và thành danh chi mỹ. Cha mẹ được ví như “hai vị Phật trong nhà”, là người đáng được cung dưỡng, cung kính, chăm sóc và yêu thương. Một người con Phật phát tâm cúng dường hộ trì đời sống tu học của chư Tăng Ni, hoặc tổ chức các chuyến thiện nguyện giúp đỡ nhiều mảnh đời bất hạnh, các em học sinh nghèo,… thì mình cũng cần phải làm tròn bổn phận hiếu thảo của một người con đối với cha mẹ về mặt vật chất và tinh thần khi còn sống hoặc đã qua đời. 

 

Thứ ba là bài kinh Đất, Đức Phật dạy hàng xuất gia và tại gia báo ơn cha mẹ về mặt vật chất: “Nếu một bên vai cõng mẹ, này các Tỳ kheo, nếu một bên vai cõng cha, làm vậy suốt trăm năm, cho đến trăm tuổi; nếu đấm bóp, thoa xức, tắm rửa, xoa gội, và dầu tại đấy, mẹ cha có vãi tiểu tiện đại tiện, như vậy, này các Tỳ kheo, cũng chưa làm đủ hay trả ơn đủ mẹ và cha. Hơn nữa, này các Tỳ kheo, nếu có an trí cha mẹ vào quốc độ với tối thượng uy lực, trên quả đất lớn với bảy báu này, như vậy, này các Tỳ kheo, cũng chưa làm đủ hay trả ơn đủ mẹ và cha. Vì cớ sao? Vì rằng, này các Tỳ kheo, cha mẹ đã làm nhiều cho con cái, nuôi nấng, nuôi dưỡng chúng lớn, giới thiệu chúng vào đời này”  và báo ơn về mặt tinh thần là “ai đối với cha mẹ không có lòng tin, khuyến khích, hướng dẫn an trú các vị ấy vào lòng tin; đối với mẹ cha theo ác giới, khuyến khích, hướng dẫn, an trú các vị ấy vào thiện giới; đối với mẹ cha xan tham, khuyến khích, hướng dẫn, an trú các vị ấy vào bố thí; đối với mẹ cha theo ác trí tuệ, khuyến khích, hướng dẫn, an trú các vị ấy vào trí tuệ” [3]. Người con làm một cách đầy đủ như vậy là đã trả được công ơn của mẹ và cha giữa cuộc đời này.

 

Thứ tư là kinh Hiếu kính mẹ và kinh Hiếu kính cha, Đức Phật so sánh hạng người hiếu kính với cha mẹ như thể đất trong đầu móng tay của Ngài rất ít so với các hạng người còn lại trong trái đất này: “Ít hơn là các chúng sanh có hiếu kính với mẹ. Và nhiều hơn là các chúng sanh không hiếu kính với mẹ… Ít hơn là các chúng sanh có hiếu kính với cha. Và nhiều hơn là các chúng sanh không hiếu kính với cha” [4]. Trước cảnh con cái la mắng, đánh đập, bất hiếu với cha mẹ; thậm chí lao vào các thú vui của xã hội như cờ bạc, cá độ, đua xe, mại dâm, buôn bán ma tuý,… khiến cho cha mẹ đau đớn nghìn trùng về mặt thể xác lẫn tâm hồn khi con cái không theo nghiệp thiện.

 

Thứ năm là chuyện Tiền thân Đức Phật, tiêu biểu như trong bài kinh Tổ con chim (Chuyện tiền thân số 31: Tiền thân Kulāvaka), Bồ tát thực hạnh một cách rốt ráo bảy điều thệ nguyện gồm: hầu hạ mẹ, hầu hạ cha, kính trọng anh cả, nói lời chân thật, không nói lời thô ác, không nói lời vu cáo, nhiếp phục xan tham: 

Người nuôi dưỡng mẹ cha,

Kính bậc trưởng gia đình,

Nói từ hòa, ái ngữ,

Từ bỏ lời vu cáo,

Nhiếp xan tham nói thật,

Phẫn nộ được chế ngự,

Chư Thiên Ba mươi ba

Gọi là bậc Chân nhân [5]. 

Bất luận là con ruột hay con rể, con dâu,… chúng ta phải hiếu kính, vâng lời khuyên dạy của cha mẹ và tu tập theo lời Phật dạy để trở thành một người con đạo đức và cũng là mẫu hình gương mẫu cho thế hệ con cháu mai sau tiếp bước noi theo.  

Trong tiền kiếp của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, đa phần Ngài sanh vào kiếp thiện làm những việc phước lành như chăm sóc mẹ cha, tôn kính người thân trong gia đình, nói lời ái ngữ, nhiếp phục mọi xan tham,… trở thành bậc chân nhân đáng kính, sanh về cõi trời an lành. 

 

HẠNH HIẾU CỦA ĐỨC PHẬT VÀ MỘT SỐ VỊ ĐỆ TỬ PHẬT 

Đối với Đức Phật, Ngài nói với chúng Tỳ kheo rằng: “Này các Tỳ kheo, trong bất kỳ đời trước nào, hiện hữu nào, trú xứ nào, Như Lai đời trước làm Người kiên trì và không dao động đối với các thiện Pháp, thiện hành về thân, thiện hành về miệng, thiện hành về ý, phân định bố thí, thủ hộ giới luật, tuân giữ các lễ Bồ tát, hiếu kính với mẹ, hiếu kính với cha, cúng dường Sa môn, cúng dường Bà la môn, tôn kính các bậc đàn anh trong gia đình, và tất cả những vị tối thắng khác. Với tác động, chất chứa, tích tụ và tăng thịnh của nghiệp ấy, sau khi thân hoại mạng chung được sanh cõi thiện thú, cõi Trời hay đời này” [6]. Sau khi nghe tin vua Tịnh Phạn (Suddhodana) bệnh, Đức Phật và cùng chư Tăng về thành Ca Tỳ La Vệ (Kapilavatthu) thuyết cho vua hiểu về lẽ vô thường của cuộc đời, tác hại của việc chấp ngã và mê lầm trong biển khổ đau. Nhờ năng lượng tình thương của một đấng giác ngộ, vua cha an trú tâm lắng nghe lời Phật dạy và thực hành tự thân nên đã chứng đắc quả A la hán. Sau khi vua băng hà, chính Đức Phật là người đã khiêng quan tài của vua cha đến đài hoả táng và trực tiếp làm lễ hoả táng cho vua Tịnh Phạn. Đức Phật đã lên cung trời Đao Lợi thuyết kinh Địa Tạng độ Thánh mẫu Ma Da (Māyā). Ngoài ra, Ngài còn cho phép di mẫu Kiều Đàm Di (tức bà Ma Ha Ba Xà Ba Đề, Mahā Pajāpati Gotami), công chúa Da Du Đà La (Yasodhara) và 500 người nữ dòng họ Thích xuất gia làm Tỳ kheo Ni tu tập và thực hành Bát kỉnh pháp. Từ đó, Ni đoàn được hình thành và cùng với Tăng đoàn hoằng pháp khắp xứ Ấn Độ và truyền khắp các quốc gia như hiện nay.

 

Đối với Tôn giả Mục Kiền Liên, vì xót thương thân mẫu Thanh Đề đọa lạc khổ đau trong cảnh ngạ quỷ nên ngài Mục Kiền Liên (Moggallāna) dâng bát cơm cho mẹ. Khi đó, bà Thanh Đề bèn:

Tay tả che đậy hữu hầu bốc ăn. 

Lòng bỏn sẻn tiền căn chưa dứt, 

Sợ chúng ma cướp giựt của bà. 

Cơm đưa chưa đến miệng đà,

Hoá thành than lửa nuốt mà đặng đâu [7]. 

Một người con hiếu kính hay một đệ tử hiếu đạo phải luôn nỗ lực hoàn thiện đạo đức tự thân, xây dựng đạo đức gia đình, phát triển đạo đức xã hội và thành tựu đạo đức giải thoát trong tương lai mà Mâu Tử từng sách tấn rằng: “Ở nhà hiếu với mẹ cha, ra đường giúp nước lợi dân, ngồi một mình tu sửa thân tâm”.

Đau xót trước cảnh đó, Tôn giả Mục Kiền Liên về thỉnh Đức Phật dạy phương pháp nào cứu mẫu thân thoát khỏi cảnh khổ ngạ quỷ. Đức Phật dạy Tôn giả thiết lễ cúng dường mười phương Tăng vào ngày Tự tứ (tức ngày 15 tháng 7), vì đó là ngày chư Phật hoan hỷ, chư Tăng Ni được thêm một tuổi hạ (hạ lạp) [8] sau ba tháng An cư kiết hạ tịnh tu tam vô lậu học. Nhờ năng lượng từ bi và phước đức cầu nguyện của Đức Phật và đại chúng Tăng, việc phát tâm cúng dường thanh tịnh của Tôn giả Mục Kiền Liên; cùng với tâm hối cải quy hướng chánh pháp của bà Thanh Đề đã giúp bà Thanh Đề thoát khỏi cảnh ngạ quỷ khổ đau. Đây cũng là duyên khởi cho lễ hội Vu lan của Phật giáo về sau.

 

Đối với Tôn giả Xá Lợi Phất, trước khi nhập diệt, ngài Xá Lợi Phất (Sāriputta) xin phép Đức Phật về thăm quê hương và hoá độ mẫu thân, bà Xá Lợi khoảng 100 tuổi. Sau khi gặp mẫu thân, Tôn giả bệnh khiến cho bà Xá Lợi bồn chồn, lo lắng. Đêm đó, bà đến thăm Tôn giả và lần lượt thấy các vị trời như Tứ Thiên Vương, Đế Thích cho đến Phạm Thiên Vương đều đến cung kính đảnh lễ và thăm ngài Xá Lợi Phất; khiến bà tự nghĩ thầm rằng: “Nếu con của ta mà có oai lực lớn đến trời người đều cung kính như vậy thì Đấng Thế Tôn oai lực vĩ đại đến dường nào” [9]. Nếu trước kia, bà oán ghét Đức Phật và Tăng già thì bấy giờ liền phát khởi niềm tịnh tín cung kính Đức Phật. Nhân đó, Tôn giả Xá Lợi Phất đã “tuần tự giải thích và xưng tán công đức siêu tuyệt của Thế Tôn qua các phương diện giới, định, tuệ, giải thoát và giải thoát tri kiến. Thật diệu kỳ, khi pháp thoại vừa chấm dứt thì bà Xá Lợi thành tựu pháp nhãn thanh tịnh, tin tưởng bất động vào Thế Tôn, chứng đắc sơ quả Tu đà hoàn” [10]. Sau khi hoá độ mẫu thân Xá Lợi thức tỉnh và nhập vào dòng Thánh, Tôn giả Xá Lợi Phất đã làm tròn bổn phận hiếu đạo của một người xuất gia và sau đó nhập diệt Niết bàn. 

 

Đối với Hoà thượng Tông Diễn và Nhất Định tại Việt Nam, trước hết là Hoà thượng Tông Diễn (hay còn gọi là Hoà thượng Cua) đã ưu tư trong nội tâm: “Nếu hôm nay Sư nhận mẹ, đưa mẹ về chùa phụng dưỡng, thì tình cảm mẹ con sẽ khiến bà sinh tâm chiếm hữu, ỷ lại và khinh mạn đối với chư Tăng. Mẹ vẫn còn tâm chúng sinh với đủ tật tham, sân, si sao khỏi tổn phước; như thế thương mẹ mà vô tình làm hại mẹ. Còn nếu không nhận mẹ con, để mẹ cứ mãi cô đơn nơi quán nước hiu quạnh, thì chẳng hóa ra bạc bẽo, tàn nhẫn lắm sao? Làm thế nào trọn vẹn cả đôi đường, Sư có thể gần gũi chăm sóc mẹ, hướng dẫn mẹ tu hành theo chánh pháp, mà mẹ không tổn phước khi sử dụng của tín thí đàn na” [11]. Thế là, Hoà thượng Tông Diễn đã thầm lặng hoá độ mẫu thân tu tập chốn thiền môn và vãng sanh về cảnh giới an lành. Thứ đến là Hoà thượng Nhất Định đã rời Giác Hoàng Quốc Tự mà lập am An Dưỡng để phụng dưỡng mẹ già bệnh nặng. Vua Tự Đức tìm hiểu và cảm động trước tấm lòng hiếu thảo và tu hành nghiêm mật của Hoà thượng Nhất Định nên đã cho xây dựng ngôi chùa mang tên “Từ Hiếu” sau khi Hoà thượng viên tịch. 

Chữ “Hiếu” mãi luôn là nét đẹp văn hoá thiêng liêng của người con Phật nói riêng và mọi người trên thế giới nói chung.

ỨNG DỤNG VÀO TRONG ĐỜI SỐNG THỰC TIỄN 

Trong Kinh Pháp Cú số 332 dạy rằng:

Vui thay, hiếu kính mẹ,

Vui thay, hiếu kính cha,

Vui thay, kính Sa môn,

Vui thay, kính Hiền Thánh! [12].

 

Đối với những người con hiếu thảo dù là nam hay nữ cũng cần phải thành tựu báo hiếu về vật chất lẫn tinh thần. Về phương diện vật chất, người con phải biết phụng dưỡng cha mẹ khi mạnh khoẻ cũng như lúc già yếu, bệnh tật; giữ gìn gia phong; bảo vệ tài sản thừa tự; và lo tang lễ chu toàn khi cha mẹ qua đời [13]. Về phương diện tinh thần, người con sẽ hướng cha mẹ phát khởi niềm tin bất động đối với Đức Phật, chánh pháp, chư Tăng (Ni); biết bố thí và cúng dường; thọ trì Thánh giới; và tu tập đạt được trí tuệ. Tiêu biểu như nữ cư sĩ Tỳ Xá Khư (Visakha) hoá độ người cha chồng nói riêng và gia đình nhà chống nói chung quy hướng về Tam bảo tu tập và hộ trì chánh pháp. Chính vì thế, bất luận là con ruột hay con rể, con dâu,…, chúng ta phải hiếu kính, vâng lời khuyên dạy của cha mẹ và tu tập theo lời Phật dạy để trở thành một người con đạo đức và cũng là mẫu hình gương mẫu cho thế hệ con cháu mai sau tiếp bước noi theo.  

 

Đối với những đứa con bất hiếu, Đức Phật dạy rằng:

Ai với mẹ hay cha,

Già yếu, tuổi trẻ hết,,

Tuy giàu, không giúp đỡ,

Chính cửa vào bại vong [14].

 

Như hình ảnh vua A Xà Thế (Ajātasattu) giết phụ hoàng Tần Bà Sa La (Bimbisāra) và giam lỏng mẫu hậu Vi Đề Hi (Vaidehi); hoặc câu chuyện tiền kiếp của ngài Mục Kiền Liên về việc nghe lời vợ mà chở cha mẹ lên rừng và dựng hiện trường giả có cướp để đánh đập cha mẹ. Sau đó, vua A Xà Thế đã thức tỉnh việc làm sai trái của mình mà đến sám hối trước Phật, từ đó tu tập Phật pháp và trị quốc an dân. Cũng vậy, tiền thân Mục Kiền Liên hối hận khi chứng kiến hành động cha mẹ bảo vệ con hơn là bảo vệ bản thân khi nghe giặc cướp đánh đuổi, khiến ông cảm động sanh tâm hối hận và đưa cha mẹ về lại nhà mà phụng dưỡng sớm hôm. Chính sự bất hiếu trong tiền kiếp mà Tôn giả Mục Kiền Liên phải trả nghiệp báo bị ngoại đạo giết và nhập Niết bàn.  

 

Tóm lại, từ ngàn xưa đến nay, thậm chí mai sau, chữ “Hiếu” mãi luôn là nét đẹp văn hoá thiêng liêng của người con Phật nói riêng và mọi người trên thế giới nói chung. Bổn phận người con không những phụng dưỡng cha mẹ khi còn sống và mai táng cha mẹ đã qua đời một cách vẹn toàn; mà còn hướng dẫn cha mẹ an trú trong thiện pháp, thực hành Tín - Thí - Giới - Tuệ ngay trong cuộc sống này. Một người con hiếu kính hay một đệ tử hiếu đạo phải luôn nỗ lực hoàn thiện đạo đức tự thân, xây dựng đạo đức gia đình, phát triển đạo đức xã hội và thành tựu đạo đức giải thoát trong tương lai mà Mâu Tử từng sách tấn rằng: “Ở nhà hiếu với mẹ cha, ra đường giúp nước lợi dân, ngồi một mình tu sửa thân tâm”.

ĐĐ. Thích Thiện Mãn

Chú thích: 

[1] Thích Minh Châu (dịch, 2018), Kinh Tăng Chi Bộ, tập 2, chương Bảy pháp, phẩm Đại tế đàn, kinh Lửa (2), Hà Nội: Nxb. Tôn giáo, tr.207-211.

[2] Thích Minh Châu (dịch, 2018), Kinh Tăng Chi Bộ, tập 1, chương Ba pháp, phẩm Sứ giả của trời, kinh Ngang bằng với Phạm Thiên, Hà Nội: Nxb. Tôn giáo, tr.163.

[3] Thích Minh Châu (dịch, 2018), Kinh Tăng Chi Bộ, tập 1, chương Hai pháp, phẩm Tâm thăng bằng, kinh Đất, Hà Nội: Nxb. Tôn giáo, tr.98-99.

[4] Thích Minh Châu (dịch, 2018), Kinh Tương Ưng Bộ, tập 5, chương Tương ưng sự thật, phẩm Bánh xe lược thuyết, kinh Hiếu kính mẹ (66) và kinh Hiếu kính cha (67), Hà Nội: Nxb. Tôn giáo, tr.820. 

[5] Thích Minh Châu (dịch, 2018), Kinh Tiểu Bộ, tập 3, Chuyện tiền thân Đức Phật, phẩm Kulavaka, Tiền thân Kulāvaka, Hà Nội: Nxb. Tôn giáo, tr.137 

[6] Thích Minh Châu (dịch, 2018), Kinh Trường Bộ, kinh Tướng, Hà Nội: Nxb. Tôn giáo, tr.593.

[7] Thích Huệ Đăng (2019), Kinh Vu Lan và Báo Hiếu, Hà Nội: NXb. Tôn giáo, tr.16.

[8] Hạ lạp: là một tuổi đạo của vị Tỳ kheo hay Tỳ kheo Ni sau ba tháng an cư kiết hạ. Theo điều 68 và 69 trong chương X (Tấn phong giáo phẩm) của Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam (sửa đổi lần thứ VII): tấn phong Hoà thượng (Ni trưởng) đối với Thượng toạ (Ni sư) có tuổi đời từ 60 tuổi trở lên và tuổi đạo từ 40 hạ lạp trở lên; tấn phong Thượng toạ (Ni sư) đối với Đại đức (Sư cô) có tuổi đời từ 45 tuổi trở lên và tuổi đạo từ 25 hạ lạp trở lên (Nguồn: “Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam (sửa đổi lần thứ VII)”, Giác Ngộ online, đăng ngày 15/03/2023, truy cập ngày 17/08/2023. Nguồn: https://giacngo.vn/toan-van-hien-chuong-giao-hoi-phat-giao-viet-nam-sua-doi-lan-thu-vii-post66133.html).

[9] Quảng Tánh (2011), “Gương hiếu hạnh của Tôn giả Xá Lợi Phất”, Giác Ngộ online, đăng ngày 07/08/2011, truy cập ngày 17/08/2023. Nguồn: https://giacngo.vn/guong-hieu-hanh-cua-ton-gia-xa-loi-phat-post14101.html.

[10] Trí Bửu (2020), “Tôn giả Xá Lợi Phất - Trí tuệ đệ nhất, hiếu thảo vẹn toàn”, Giác Ngộ online, đăng ngày 14/07/2020, truy cập ngày 17/08/2023. Nguồn: https://phatgiao.org.vn/ton-gia-xa-loi-phat-tri-tue-de-nhat-hieu-thao-ven-toan-d42583.html.  

[11] Như Liên (2020), “Gương hiếu của Phật và các bậc xuất gia”, Ni giới khất sĩ, đăng ngày 01/09/2020, truy cập ngày 17/08/2023. Nguồn: https://nigioikhatsi.net/vu-lan/guong-hieu-cua-phat-va-cac-bac-xuat-gia.html.

[12] Thích Minh Châu (dịch, 2018), Kinh Tiểu Bộ, tập 1, kinh Pháp cú, Hà Nội: Nxb. Tôn giáo, tr.89.

[13] Thích Minh Châu (dịch, 2018), Kinh Trường Bộ, kinh Giáo thọ Thi Ca La Việt, Hà Nội: Nxb. Tôn giáo, tr.627-628.

[14] Thích Minh Châu (dịch, 2018), Kinh Tiểu Bộ, tập 1, kinh Tập, chương 1, kinh Bại vong, Hà Nội: Nxb. Tôn giáo, tr.351.

Download Android Download iOS
TP.HCM: Ban Trị sự PG cùng các Ban, Ngành Quận 3 và Công an Quận 10 chúc Tết Văn phòng 2 Trung ương Giáo hội

PSO - Sáng ngày 20/1 năm 2025 (nhằm ngày 21/12 năm Giáp Thìn), tại Thiền viện Quảng Đức, số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP.HCM, đã diễn ra một buổi gặp gỡ chúc Tết giữa chư Tôn đức lãnh đạo Văn phòng 2 Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) cùng các phái đoàn của Ban Trị sự Phật giáo Quận 3, Quận ủy, UBND, MTTQ Quận 3

TP.HCM: Tổ đình Giác Lâm tưởng niệm 197 năm ngày Tổ sư Viên Quang viên tịch (1827-2025)

Ngày 2-1-2025 (nhằm ngày mùng 3 tháng Chạp năm Giáp Thìn), tại Tổ đình Giác Lâm (Q.Tân Bình), chư tôn đức đã long trọng tổ chức lễ tưởng niệm 197 năm ngày Tổ sư Tổ Tông Viên Quang viên tịch.

QUAN TÂM & HỖ TRỢ

Phật Sự Online với chủ trương “Nhanh chóng – Kịp thời – chính xác và Nhân văn” đăng tải các hoạt động Phật sự của các cấp Giáo hội và các tự viện trong cả nước cùng các chương trình tu học, thuyết giảng của chư Tôn đức Tăng, Ni giảng sư được truyền hình trực tiếp (Live Streaming) trên mạng xã hội: Facebook, Youtube, Phật Sự Online về các sự kiện Phật sự và trên 15 chương trình khác với mục đích “ Đẩy mạnh truyền thông Phật giáo như một kênh Hoằng pháp …”


Phật Sự Online có trên 60 nhân sự là phóng viên, Ban Biên tập và các bộ phận khác, vì vậy rất cần sự quan tâm chia sẻ, hỗ trợ của chư Tôn đức Tăng Ni, quý Phật tử và quý vị yêu mến Đạo Phật để có được kinh phí đảm bảo sự hoạt động bền vững và lâu dài.

Background Donate

Chủ tài khoản: KENH PHAT SU ONLINE

Số tài khoản: 070104929298

Ngân hàng Sacombank chi nhánh Kiên Giang

QRCOde Quan tầm và hỗ trợ phật sự online