PSO - Sáng ngày 05/10/2022 (nhằm ngày 10/9 năm Nhâm Dần), tại chùa Cổ Sơn, Đại đức Thích An Phát – Phó BTS GHPGVN huyện Vĩnh Hưng, Trưởng ban Trụ trì chùa Cổ Sơn cùng chư Tôn đức trong Ban Trụ trì long trọng thiết lễ Húy kỵ Hòa thượng Thích Thiện Nhiêu và chư vị Tổ sư tiền bối hữu công để tỏ lòng tri ân và ôn lại công hạnh to lớn của quý Ngài.
Quang lâm về chứng minh và tham dự buổi lễ có sự hiện diện của: Hòa thượng Thích Thiện Huệ – Chứng minh BTS GHPGVN tỉnh Long An; Hòa thượng Thích Minh Thiện – UV HĐTS, Phó ban Hoằng pháp TƯ, Trưởng BTS GHPGVN tỉnh Long An; Thượng tọa Thích Quảng Tâm – UV HĐTS, Phó trưởng ban Thường trực BTS GHPGVN tỉnh; Thượng tọa Thích Tắc Quảng – Chứng minh BTS GHPGVN huyện Thủ Thừa; Thượng tọa Thích Đức Hoàng – Phó BTS GHPGVN tỉnh; Đại đức Thích Lệ Ngôn – Phó BTS kiêm Trưởng ban Hoằng pháp GHPGVN tỉnh; Đại đức Thích An Nhựt – Trưởng ban Hướng dẫn Phật tử GHPGVN tỉnh, Trưởng BTS GHPGVN huyện Thủ; Đại đức Thích Huệ Thông – Trưởng ban Thông tin Truyền thông GHPGVN tỉnh; Đại đức Thích An Khang – Trưởng BTS GHPGVN huyện Vĩnh Hưng; Ni sư Thích Nữ Tuệ Liên – UV HĐTS, Giảng viên HVPGVN tại TP.HCM; chư tôn đức Thường trực BTS GHPGVN tỉnh Long An, huyện Vĩnh Hưng; chư Tôn đức Tăng Ni các tự viện đồng về tham dự buổi lễ.
Về phía các cấp lãnh đạo chính quyền có: ông Nguyễn Tuấn Anh – Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Hưng; ông Nguyễn Thanh Toàn – Huyện ủy viên, Bí thư Đảng ủy xã Tiên Bình; ông Tô Văn Đẹp – Chủ tịch UBND xã Tiên Bình; bà Lê Thị Linh Phương – UVTT UB MTTQVN xã Tiên Bình cùng các cấp lãnh đạo chính quyền sở tại.
Để tôn vinh công hạnh của chư vị Tổ sư tiền bối, Đại đức Thích An Phát đại diện chư Tôn đức Ban Trụ trì chùa Cổ Sơn tuyên đọc sơ liệu tiểu sử Hòa thượng Thích Thiện Nhiêu. Theo đó, Hòa thượng sinh năm 1845 tại làng Bình Lãng, phủ Tân An, tỉnh Bình Trường trong một gia đình trung lưu, kính tin Tam bảo. Trên bước đường vân du truyền bá chánh pháp nơi vùng Đồng Tháp Mười với nhiều thú dữ nguy hiểm; Ngài thấy gò đất cao có ngôi chùa cũ với bảng hiệu Vân Sơn Tự bị đổ nát, hoang phế theo thời gian do không có người kế tự. Hòa thượng vận động người dân quanh vùng phục dựng lại ngôi chùa. Ngày 10/9/1902, duyên trần đã mãn, thuận thế vô thường, Hòa thượng an nhiên thâu thần thị tịch, trụ thế 57 tuổi.
Chùa Cổ Sơn tính đến nay đã trải qua nhiều đời trụ trì, nhưng với sự tàn phá của chiến tranh và ảnh hưởng của thời tiết nơi đây, nhiều ngôi bảo tháp của các vị trụ trì đã mất dấu không thể tìm lại tôn danh cũng như ngày viên tịch, nên chư Tôn đức thống nhất lấy ngày viên tịch Hòa thượng Thiện Nhiêu làm ngày hiệp kỵ chư vị Tổ sư.
Đãi lao chư Tôn đức chứng minh, Hòa thượng Thích Minh Thiện – UV HĐTS, Phó ban Hoằng pháp TƯ, Trưởng BTS GHPGVN tỉnh Long An có lời đạo từ tại buổi lễ. Hòa thượng truy niệm ân đức của chư vị Tổ sư đã khai sơn, giữ gìn và phát triển chùa Cổ Sơn. Với tinh thần “Ẩm thủy tri nguyên”, chư Tôn đức Ban Trụ trì chùa Cổ Sơn tổ chức lễ Húy kỵ chư vị Tổ sư. Hòa thượng nhắc về truyền thống của dân tộc Việt Nam đối với tín ngưỡng Phật giáo. Trong đó có nhiều vị quốc vương lấy Phật giáo làm tín ngưỡng cá nhân, lấy tinh thần từ bi trí tuệ của đạo Phật để trị dân.
Ngôi chùa gắn liền dân tộc với ba chức năng cơ bản là: nơi phụng thờ Tam bảo; nơi để chư Tăng Ni an tâm tu học và thực hiện trách nhiệm của mình trong việc hướng dẫn tâm linh đến tín đồ; ngôi chùa để thập phương đàn tín hướng về làm điểm tựa tâm linh. Ngôi chùa cần phát huy ba truyền thống này một cách có hiệu quả hơn nữa. Chư Tăng Ni cần trùng tu, tái thiết và tạo cảnh quan trang nghiêm để thập phương về lễ bái. Trong thời điểm hiện nay, ngôi chùa còn là nơi để mọi người đến tham quan và phối hợp với chính quyền địa phương trong công tác an sinh xã hội. Cuối lời, Hòa thượng nhắc nhở hàng Tăng Ni và Phật tử hãy sống đúng tinh thần Hiến chương GHPGVN, Pháp luật nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, đây là việc làm thiết thực để đền ơn chư vị Tổ sư.
Sau đây là một số hình ảnh ghi nhận tại buổi lễ:
Ban TT-TT PG Long An