Mùa Vu lan, bông hồng trắng con cài…

Thử hỏi trên cõi đời này, có điều gì thiêng liêng hơn, còn ai cao quý hơn và tiếng gọi nào trìu mến hơn mỗi khi ta cất lời? Chỉ có thể là mẹ, duy nhất mẹ mà thôi. Bởi thế mà trong tâm khảm những đứa con luôn trĩu nặng ân tình về mẹ, dù mẹ đang hiện hữu trên đời hay chỉ còn trong niềm tưởng nhớ…

 

Mẹ chính là suối nguồn mát trong chảy mãi, đong đầy cảm thức thương yêu mà mỗi mùa Vu Lan về niềm thương nhớ trong con lại trào dâng vô bờ bến. Hôm nay, khi con cầm bút viết về mẹ, chợt văng vẳng đâu đây câu thơ đầy ám ảnh, day dứt con từng đọc được đâu đó: 

“Tuổi nào mất mẹ thì đau?”. 

Và con càng thấm thía hơn vì sao có người từng phải thốt lên: 

“Mẹ ơi, con đã già rồi

Con ngồi nhớ mẹ khóc như trẻ thơ…”.

Mẹ ơi, hơn tất thảy mọi điều tốt đẹp trên nhân gian này, mẹ mãi là thiên sứ của cuộc đời.

Tôi không hề thiên vị khi muốn dành tất thảy những ngôn từ đẹp nhất để viết và kể về mẹ của tôi - người phụ nữ vô cùng nhân hậu. Mẹ sống một cuộc đời chưa đủ dài nhưng kịp để lại cho người thân, xóm giềng muôn vàn sự biết ơn và thương quý. Tôi yêu mẹ từ những điều giản dị nhất quan sát được mỗi ngày, ấy là sự hiền lành, chịu khó, vô cùng xởi lởi và rất mực quan tâm đến mọi người. Trái tim ấm áp và đức hy sinh của mẹ từ những nghĩa cử sẻ chia ân cần ít nhiều ảnh hưởng đến lối sống, cách ứng xử của tôi sau này.

 

Anh em tôi từ một tay mẹ chăm bẵm, cứ vậy hồn nhiên lớn lên theo từng nếp nhăn trên khoé mắt, những tán đồi mồi trên khuôn mặt rám nắng của mẹ. Thời ấu thơ khốn khó, tôi nhớ mãi hình ảnh một lần tình cờ bắt gặp mẹ giấu mình ngồi lặng lẽ khóc chỉ vì không đủ tiền để mua cho anh em tôi tập sách giáo khoa mới khi vào năm học mà phải đi xin lại sách cũ từ các anh chị hàng xóm. Rồi cứ thế, quần áo anh mặc chật từ năm trước lại “nhường” cho đứa em sau. Giọt nước mắt tủi hờn của người mẹ nghèo ngày ấy cứ ám ảnh mãi trong tôi để mỗi khi nghĩ đến, tôi như được tiếp thêm sức mạnh để không ngừng vượt khó, nỗ lực vươn lên.

 

Bốn mùa của mẹ tôi cứ lặng thầm trôi qua trong sự nhẫn nại, cần mẫn và rất đỗi kiệm lời. Mẹ ít khi nghĩ cho mình, thu vén cho bản thân dẫu chỉ là sắm sửa xấp vải, tấm áo. Dẫu sau này đời sống gia đình khá giả hơn, mẹ vẫn giữ thói quen ăn uống, sinh hoạt đạm bạc. Những chắt bóp, dành dụm qua bao năm tháng tảo tần lại vun xới cho đời con.

 

Rồi như cái cách mà mẹ giấu bệnh, lặng lẽ rời bỏ cuộc đời một cách nhẹ nhàng đã phản chiếu chính lối sống âm thầm, cam chịu vốn có của người. Ngày đưa mẹ vào chùa rồi đằng đẵng những tháng ngày sau đó mỗi lần lên chùa thăm mẹ, tôi chưa hằng nguôi ngoai nhớ thương và trào dâng nỗi ân hận, trách sao mẹ vội vàng ra đi khi chúng tôi chưa một ngày có cơ hội báo đáp, đền ơn cho mẹ. Thi thoảng trong giấc mơ của mình, mẹ vẫn hiện về gần gũi bên tôi. Vẫn ánh mắt trìu mến ấy, vẫn nụ cười ấm áp, bao dung ấy. Những lần như vậy, khi chỉ có một mình, tôi oà khóc ngon lành như một đứa trẻ, thảng thốt gọi mẹ trong đêm.

 

Thời gian thấm thoắt thoi đưa, hơn bốn năm, mẹ thành người thiên cổ. Và cũng bốn mùa Vu lan lặng lẽ theo về, con chạnh lòng và thèm khát biết bao nhiêu khi nhìn vào ngực áo của những đứa con còn mẹ trên đời với bông hồng đỏ thắm. Còn riêng mình, con đã phải cài cho mình bông hồng trắng mãi mãi rồi, mẹ ơi…!

 

Con nguyện cưu mang bóng hình người làm hành trang sống cho mình trên suốt hành trình phía trước. Con tin rằng, hành trang ấy luôn hiện hữu chân dung của một người phụ nữ nhân hậu, giàu đức hy sinh sẽ mãi luôn đồng hành và sửa sang, trau chuốt cho đời con.

Ngô Thế Lâm

Download Android Download iOS
Góp phần tìm hiểu cuộc đời và tư tưởng của Huyền Quang - Đệ tam tổ Trúc Lâm

PSO - Thiền sư Huyền Quang không những là một nhà tư tưởng lớn có danh tiếng thời Trần, tài giỏi, đức độ, học rộng, tinh thông Phật pháp, kế thừa nhị Tổ Pháp Loa lãnh đạo Giáo hội Trúc Lâm; mà còn là một nhà thơ của thế kỷ XIII -XIV.

Thiểu dục tri túc - Một góc nhìn về chủ nghĩa tiêu thụ và bảo vệ môi trường của Phật giáo

PSO - Thiểu dục tri túc là phương pháp giáo dục tinh thần cũng như là một nếp sống mà Phật giáo đã xây dựng và thực hành trong hàng ngàn năm qua. Thông qua việc giáo dục về lòng tham cùng lòng biết ơn mà ở đó người con Phật thực hành trừ bỏ lòng tham, nuôi dưỡng biết ơn với những gì mình có, tận dụng và sử dụng chúng hợp lý.

QUAN TÂM & HỖ TRỢ

Phật Sự Online với chủ trương “Nhanh chóng – Kịp thời – chính xác và Nhân văn” đăng tải các hoạt động Phật sự của các cấp Giáo hội và các tự viện trong cả nước cùng các chương trình tu học, thuyết giảng của chư Tôn đức Tăng, Ni giảng sư được truyền hình trực tiếp (Live Streaming) trên mạng xã hội: Facebook, Youtube, Phật Sự Online về các sự kiện Phật sự và trên 15 chương trình khác với mục đích “ Đẩy mạnh truyền thông Phật giáo như một kênh Hoằng pháp …”


Phật Sự Online có trên 60 nhân sự là phóng viên, Ban Biên tập và các bộ phận khác, vì vậy rất cần sự quan tâm chia sẻ, hỗ trợ của chư Tôn đức Tăng Ni, quý Phật tử và quý vị yêu mến Đạo Phật để có được kinh phí đảm bảo sự hoạt động bền vững và lâu dài.

Background Donate

Chủ tài khoản: KENH PHAT SU ONLINE

Số tài khoản: 070104929298

Ngân hàng Sacombank chi nhánh Kiên Giang

QRCOde Quan tầm và hỗ trợ phật sự online