Trong Phật giáo Đại thừa Bồ tát Phổ Hiền là một trong ba vị thánh trí tuệ của kinh Hoa nghiêm. Ngài là vị Bồ tát có hạnh nguyện đặc biệt lớn trong số chúng Bồ tát, được gọi là “Phổ Hiền Tát Đỏa”, “Phổ Hiền Đại sĩ”, “Phổ Hiền Như Lai”, “Biến Kết Đại sĩ”, v.v. Ngài thị giả bên cạnh Đức Tỳ Lô Giá Na, là vị Bồ tát đồng thể với Kim Cang Tát Đỏa, có thể nói Bồ tát Phổ Hiền là người hiệp trợ cho Đức Phật cũng là vị hộ pháp cho chính pháp.
Năm 1989, tại Trung tâm Cộng đồng Lương Hiển Lợi ở Du Ma, Hồng Kông lần đầu tiên Đại sư Tinh Vân đã thuyết giảng giáo lý quan trọng về Mười đại nguyện của Bồ tát Phổ Hiền. Mười đại nguyện của Bồ tát Phổ Hiền, xuất xứ từ phẩm Nhập bất tư nghì giải thoát cảnh giới Phổ Hiền hạnh nguyện trong kinh Hoa nghiêm. Nội dung thuật lại việc Thiện Tài đồng tử được Bồ tát Văn Thù khai mở đạo tâm, liền đi về các nước ở phương Nam để tầm sư học đạo với 53 vị thiện tri thức, sau cùng thụ học với Bồ tát Phổ Hiền viên tròn hạnh nguyện mà thành tựu quả Phật.
Mười nguyện lớn của Bồ tát Phổ Hiền gồm:
Một, Lễ kính chư Phật.
Hai, Xưng tán Như Lai.
Ba, Rộng tu cúng dường.
Bốn, Sám hối nghiệp chướng.
Năm, Tùy hỷ công đức.
Sáu, Thỉnh chuyển pháp luân.
Bảy, Thỉnh Phật trụ thế.
Tám, Thường theo học Phật.
Chín, Hằng thuận chúng sinh.
Mười, Cùng hồi hướng đến tất cả.
Từ trong kinh văn khô khan, khó hiểu Đại sư thông qua ngôn ngữ hiện đại, giảng giải rõ nội dung diệu nghĩa huyền thâm của từng nguyện được ẩn chứa trong Mười đại nguyện của Bồ tát Phổ Hiền. Điều đặc biệt hơn Đại sư đã dẫn chứng nhiều ví dụ phù hợp với việc cầu pháp, kính tín Tam bảo và nhu cầu thực tế của thời đại, xoay quanh những vấn đề hoàn thiện nhân cách con người, xây dựng, giúp đỡ xã hội, bảo vệ môi trường, như: Làm thế nào để lễ kính chư Phật? Ý nghĩa của việc lễ kính chư Phật trong thời nay - Tôn trọng nhân cách; Ý nghĩa của việc xưng tán Như Lai, Thực hành lời nói tốt đẹp trong cuộc sống; Ý nghĩa của việc rộng tu cúng dường, Thực hành việc rộng tu cúng dường thế nào? Sám hối nghiệp chướng, Người biết phản tỉnh, nhận sai trong cuộc sống, v.v. Bài giảng từ đó trở thành những lời khuyên, quy tắc, chuẩn mực đạo đức, dễ hiểu dễ hành, giúp cho tất cả mọi người dù là đệ tử hoặc không phải là đệ tử Phật đều có thể học tập theo, từ đó hoàn thiện nhân cách đạo đức của chính mình.
Khi đọc được cuốn sách Hoa nghiêm kinh Phổ hiền thập đại nguyện của Đại sư Tinh Vân bằng tiếng Trung, dịch giả vô cùng vui mừng, như thấy được những chân trời mới về Phật giáo. Với mong muốn chia sẻ tri thức Phật học đến với độc giả muôn phương, dịch giả Chân Như Pháp (Thích Nữ Chân Như) đã tiến hành chuyển dịch cuốn sách này ra tiếng Việt. Trung tâm Biên phiên dịch Tư liệu Phật giáo Quốc tế - Nhà sách Phật giáo Vĩnh Nghiêm đã cố gắng biên tập và thiết kế sách một cách cẩn thận, kỹ càng nhất, trân trọng giới thiệu, gửi tới độc giả ấn phẩm này.
Khánh Hưng